Hotline 24/7
08983-08983

Tuổi càng cao, hiện tượng thoái hóa miễn dịch càng lớn

Thành phần của hệ miễn dịch gồm có hệ miễn dịch bẩm sinh và hệ miễn dịch thụ đắc, hệ miễn dịch thụ động và hệ miễn dịch chủ động. Trong đó, dinh dưỡng đóng vai trò rất lớn trong việc gia cố hệ miễn dịch, là vấn đề theo chúng ta suốt cả cuộc đời.

1. Hệ miễn dịch thay đổi như thế nào theo tuổi tác và ảnh hưởng ra sao đến sức đề kháng?

Trước tiên xin hỏi BS, hệ miễn dịch thay đổi như thế nào theo tuổi tác, qua mỗi giai đoạn của chúng ta trải qua? Hệ miễn dịch suy yếu khi già đi sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức đề kháng? 

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Thành phần của hệ miễn dịch gồm có hệ miễn dịch bẩm sinh và hệ miễn dịch thụ đắc. Ngoài ra, còn có hệ miễn dịch thụ động và hệ miễn dịch chủ động. 

Hệ miễn dịch bẩm sinh gồm có các tế bào, trong đó, hệ miễn dịch bẩm sinh có tế bào biểu mô, bạch cầu, đại thực bào. Các tế bào này có chức năng dọn dẹp các vi khuẩn, vi sinh vật xâm nhập vào tấn công cơ thể.

Hệ miễn dịch thụ đắc hay hệ miễn dịch mắc phải gồm có tế bào lympho B, tế bào lympho T, kháng thể (IgG, IgM). Đây là lớp bảo vệ thứ hai của cơ thể, chống lại các vi sinh vật xâm nhập.

Cơ thể chúng ta khi chịu tác động từ bên ngoài, đầu tiên hệ miễn dịch bẩm sinh sẽ được kích hoạt, tiếp theo là hệ miễn dịch thụ đắc và tiêu diệt các vi khuẩn trước khi gây bệnh cho con người.

Hệ miễn dịch thụ động là khi chúng ta nhận được một lượng kháng thể IgG truyền trực tiếp vào trong người. Ví dụ, mẹ truyền kháng thể sang cho con, người bệnh truyền huyết tương vào sẽ được nhận kháng thể thụ động. Có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng nhưng tác dụng rất nhanh và tiêu hủy rất sớm, trong khoảng 3 - 4 tuần tác dụng của kháng thể truyền vào sẽ mất đi.

Hệ miễn dịch chủ động, chúng ta sẽ cho cơ thể phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh đã được làm giảm độc lực xuống. Từ đó, huấn luyện cơ thể, huấn luyện hệ miễn dịch tiết ra các kháng thể IgG, điển hình là tiêm vắc xin. 

Tất cả hoạt động của hệ miễn dịch dù là chủ động hay thụ động đều giúp tăng lượng kháng thể trong cơ thể; tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch, tế bào lympho, bạch cầu; tăng sức đề kháng, khả năng chống lại các vi sinh vật xâm nhập từ bên ngoài.

Theo thời gian, sẽ xảy ra hiện tượng thoái hóa miễn dịch theo tuổi tác. Như vậy, thành phần của hệ miễn dịch, các tế bào sẽ suy giảm về số lượng (số lượng tế bào miễn dịch ít đi hoặc các tế bào miễn dịch còn lại chức năng bị suy giảm). Do đó, khả năng chống đỡ của cơ thể trước tình trạng nhiễm vi sinh vật sẽ bị giảm xuống.

2. Vì sao người cao tuổi hay bị ốm hơn và cần nhiều thời gian hồi phục hơn?

Thực tế thì dường như người cao tuổi hay bị ốm hơn và cần nhiều thời gian hồi phục từ các tổn thương hay bệnh tật hơn. Vì sao lại như vậy, thưa BS? Tình trạng này liệu có mối liên quan với hệ miễn dịch, sức đề kháng?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đối với bản chất của hệ miễn dịch, khi có sự thay đổi về tuổi tác sẽ có hiện tượng thoái hóa miễn dịch, dẫn đến suy giảm chức năng của thành phần hệ miễn dịch và làm cơ thể người lớn tuổi khó chống đỡ lại các tác nhân gây bệnh. Do đó, nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng cao hơn. Một khi tình trạng nhiễm trùng xảy ra, khả năng chống đỡ sẽ giảm đi vì hàng rào miễn dịch bị suy yếu một phần.

Đồng thời, người lớn tuổi sẽ có tình trạng bệnh lý nền kèm theo. Đây là tác nhân làm cho khả năng miễn dịch của người lớn tuổi giảm dần. 

Ở người lớn tuổi vết thương sẽ chậm lành hơn người trẻ tuổi. Vì người trẻ tuổi, phải trải qua quá trình lành thương gồm 3 giai đoạn. Ở người lớn tuổi quá trình này sẽ chậm lại, một phần do các thành phần của hệ miễn dịch yếu đi nên vết thương sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Ngoài miễn dịch còn một số yếu tố ảnh hưởng khác như dinh dưỡng. người lớn tuổi có tình trạng dinh dưỡng kém hơn, tình trạng bệnh nền kèm theo dẫn đến phải uống nhiều thuốc. Trong đó, một số thuốc có tác dụng ức chế thành phần miễn dịch. 

Ngoài ra, sức khỏe tinh thần suy giảm hoặc khả năng tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế bị giảm sút, dẫn đến những tác động không mong muốn trên người lớn tuổi.

3. Nguyên nhân nào dẫn bệnh tật kép trên người lớn tuổi?

Tuổi thọ người Việt tăng, nhưng trung bình mỗi người sau 60 tuổi mắc từ 3 - 4 bệnh, và sau 80 tuổi mắc tới 7 bệnh. Những nguyên nhân nào dẫn bệnh tật kép trên người lớn tuổi như vậy, thưa BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đây là vấn đề nhức nhối của lão khoa. Tình trạng nhiều bệnh kết hợp xảy ra càng tăng lên khi càng lớn tuổi. Có rất nhiều nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, chỉ nhận thấy tình trạng nhiều bệnh kết hợp cơ chế rất phức tạp, hiện nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Tạp chí Hô hấp của Châu Âu giải thích lý do, khi chúng ta càng lớn tuổi sẽ có tình trạng giảm phân tử chống lão hóa, cũng như tăng các chấy oxy hóa, do đó, khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn. Tình trạng thoái hóa miễn dịch xảy ra, làm người cao tuổi dễ mắc bệnh hơn. 

Bên cạnh đó, sẽ có những yếu tố thay đổi về sinh học, khi cơ thể lớn tuổi, các chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể sẽ bị suy yếu dần.

Có những yếu tố liên quan đến hành vi như chế độ ăn uống không hợp lý. Từ khi còn trẻ, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá nhiều, ăn quá mặn hoặc quá béo, khi lớn tuổi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, tăng các nguy cơ về bệnh tim mạch, chuyển hóa, đái tháo đường,… đây là những “kẻ thù” của người cao tuổi.

Đồng thời, khi càng nhiều bệnh thì tâm lý, sức khỏe tinh thần sẽ càng suy giảm. Tạo thành một vòng lẩn quẩn: mắc bệnh, uống thuốc, có thêm biến chứng, sức khỏe tinh thần không tốt ảnh hưởng đến miễn dịch và làm tình trạng bệnh phát sinh thêm.

4. Dinh dưỡng có nhiệm vụ ra sao trong việc gia cố hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho người lớn tuổi?

Về dinh dưỡng, nhiệm vụ của mảnh ghép này ra sao trong việc gia cố hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho người lớn tuổi, thưa BS? 

ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân trả lời: Dinh dưỡng có vai trò rất lớn trong việc gia cố hệ miễn dịch. Đối với tất cả người trưởng thành chúng ta cần ăn để sống và dinh dưỡng là vấn đề theo chúng ta suốt cả cuộc đời.

Khi chúng ta già đi sẽ xuất hiện thoái hóa ở rất nhiều bộ phận như thoái hóa miễn dịch, thoái hóa cơ (khi cơ bắp thoái hóa, teo mô sẽ ảnh hưởng đến vấn đề miễn dịch). Người lớn tuổi sức nhai kém, nhiều bệnh lý phối hợp nhưng không biết cách ăn uống phù hợp. 

Một vấn đề khác, khi lớn tuổi giấc ngủ không như lúc trẻ, từ 40 - 50 tuổi đã bắt đầu khó ngủ và sau 60 tuổi sẽ ngủ ít lại. Khi khó ngủ, ngủ ít sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Các yếu tố này tác động qua lại, chồng chéo với nhau.

5. Dinh dưỡng đóng vai trò gì trong việc xây dựng lối sống khỏe mạnh, ít bị ảnh hưởng bởi bệnh tật của người cao tuổi?

Đặc biệt, nhờ BS đề cập đến vai trò của dinh dưỡng trong việc xây dựng cuộc sống cho người cao tuổi để sống thọ nhưng phải sống khỏe, ít bị ảnh hưởng bởi bệnh tật nhất?

ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân trả lời: Để củng cố dinh dưỡng làm nền tảng cho việc sức khỏe tốt, sống thọ nhưng sống khỏe, chúng ta không đợi đến khi già (50 - 60 tuổi) mới bắt đầu xây dựng nền tảng dinh dưỡng, lúc đó sẽ không còn kịp. 

Vì vậy, để có một tuổi già khỏe mạnh chúng ta cần chăm sóc ngay từ khi còn rất nhỏ. Đặc biệt, tuổi trẻ đến tuổi trường thành phải có nền tảng để có một cơ sở ăn uống khoa học hợp lý, cân đối. 

Phần 2: Nên làm gì để tạo hàng rào miễn dịch cho người lớn tuổi?

Phần 3: Những yếu tố quan trọng trong việc tăng sức đề kháng cho người lớn tuổi

Trân trọng cảm ơn TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú, ThS.BS Lê Thị Ngọc VânNhãn hàng Varna Nutifood Thụy Điển đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X