Từ nhân viên tình báo đến bác sĩ cai nghiện cho hàng nghìn người
Gần 20 năm nay, BS Nguyễn Hữu Khánh Duy đã chữa trị cho hàng nghìn thanh niên sa ngã vào con đường nghiện ngập. Ông đã trở thành người cha cứu vớt bao cuộc đời lầm lạc.
Đến Trung tâm cai nghiện Thanh Đa (TPHCM), nếu bạn hỏi bất cứ học viên nào cũng đều biết đến BS Nguyễn Hữu Khánh Duy. 71 tuổi, mái tóc bạc phơ, nhưng "bố già" vẫn được rất nhiều thanh niên ăn chơi "có số má ngoài đời" nể phục. Ít ai biết rằng, cơ duyên đưa ông đến với nghề này lại xuất phát từ chính nỗi ám ảnh trong quá khứ.
"Tôi căm thù ma túy"Những năm 60 của thế XX, Nguyễn Hữu Khánh Duy là thanh niên yêu nước, năng nổ trong hoạt động phong trào sinh viên chống chính quyền Sài Gòn cũ. Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn.
Khi đó, Khánh Duy đã tham gia Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định với bí danh Năm Quang. Với chức danh Cụm phó cụm điệp báo A10, ông nhận nhiệm vụ tham gia đi lính theo lệnh tổng động viên của chính quyền Sài Gòn.
Dưới vỏ bọc gia đình làm công chức trong chính quyền, Khánh Duy không bị nghi ngờ và được vào làm bác sĩ lữ đoàn thủy quân lục chiến. Bằng tài năng, trí tuệ, ông nhanh chóng được thăng cấp từ bác sĩ tiểu đoàn 6 lên bác sĩ trưởng Lữ đoàn 258 thuộc Sư đoàn Thủy quân lục chiến Sài Gòn với quân hàm đại úy.
BS Khánh Duy 71 tuổi hàng ngày vẫn làm việc qua cách theo dõi camera ở Trung tâm cai nghiện Thanh Đa (TPHCM). Ảnh: Phú Mỹ |
Những năm tháng làm việc trong quân đội Sài Gòn, BS Duy hiểu rõ sự tàn ác của người lính. “Để quên đi cảm giác cô đơn, sợ hãi nơi chiến trường hầu hết lính Sài Gòn dùng heroin, LSD, cần sa. Khi đó, nhân cách của người lính trở nên bệ rạc, hành động tàn ác hơn. Chứng kiến biết bao người dân thường vô tội chết trước họng súng của những con thú trong trạng thái phê thuốc khiến tôi căm thù ma túy”, ông tâm sự.
Sau 1975, Năm Quang trở lại với tên thật Khánh Duy, ông từng làm việc tại các vị trí từ phòng chống phản gián, chính trị nội bộ, bác sĩ trưởng trại giam Chí Hòa rồi đến Hội thẩm nhân dân.
Tưởng rằng khi đã hòa bình, tiếng bom đạn lùi xa, chết chóc sẽ không còn, nhưng ông đã lầm. Những năm tháng làm việc ở khám Chí Hòa thường xuyên điều trị cho hàng trăm người nghiện ma túy, đến khi đảm nhận chức vụ hội thẩm dự nhiều vụ án có liên quan đến ma túy, ông mới hiểu ma túy đang trở thành nỗi chết chóc mới tàn phá thế hệ trẻ.
Những phút giây thảnh thơi cùng con cháu của BS Duy. Ảnh: Hoài Nhơn. |
“Nhiều lần tâm sự với người nghiện ma túy, nghe họ phơi bày tâm tư, lý do sa ngã vào con đường nghiện ngập, tôi nhận ra những chàng trai trẻ đáng thương này cần được giúp đỡ”, BS Duy trăn trở.
Năm 1999 khi mới 52 tuổi, ông xin về hưu, kêu gọi đồng đội chung tay xây dựng nên Trung tâm điều dưỡng, cai nghiện ma túy Thanh Đa (TPHCM).
Ông bố của những cuộc đời lầm lạc71 tuổi, BS Duy hàng ngày vẫn dành hết tâm huyết làm việc ở trung tâm. Nhìn ông thong dong rảo bước trò chuyện, hỏi thăm cùng các học viên mới thấy được ông gần gũi, tâm lý với họ như thế nào. Bởi vậy, những thanh niên ăn chơi quậy phá, gặp BS Duy vẫn một câu chào bố, hai câu dạ thưa bố. Họ không sợ nhưng kính trọng ông bởi nhân cách, y đức, tấm lòng của một người giúp họ nhận ra lầm lạc.
Gần 20 năm từ ngày thành lập, Trung tâm Thanh Đa tiếp nhận gần 20.000 học viên. Trong số đó, nhiều người từ con đường nghiện ngập đã về với đời thường, từ bỏ ma túy thành công.
“Thi thoảng đi ngoài đường, tôi vẫn được các em, các cháu từng cai nghiện thành công hỏi thăm. Nhiều em muốn vào trung tâm thăm bạn cũ, xin làm việc, song tôi bảo con hãy quên quá khứ ở nơi này đi. Ký ức hồi tưởng đối với người nghiện ma túy rất nguy hiểm, tôi không muốn các em lại ngựa quen đường cũ”, BS Duy trải lòng.
BS Duy được các học viên xem như người bố vĩ đại ở trung tâm cai nghiện Thanh Đa. Ảnh: Phú Mỹ. |
Dù đã chuyển giao nhiệm vụ lại cho ng ười con trai để an hưởng tuổi già, song ông vẫn chưa hết băn khoăn với nghề.
“Với tôi, cái nghề này đã trở thành cái nghiệp. Cai nghiện ma tuy rất khó khăn. Để có kiến thức, tôi thức trắng nhiều đêm dịch thuật những tư liệu y khoa nước ngoài, tìm kiếm phương pháp điều trị cho học viên.
Dù vậy, chúng tôi vẫn chưa có phương pháp chữa trị cho người nghiện ma túy đá. Tôi sẽ chỉ dừng làm việc khi cảm thấy sức khỏe không cho phép. Bởi niềm vui của tôi là khi cảm thấy mình sống có ích và vẫn được làm việc mỗi ngày”, ông nói.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình