Cứu sống ngoạn mục cụ bà 70 tuổi sau khi uống 38 viên thuốc huyết áp
Nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì uống quá liều thuốc hạ huyết áp felodipine, một phụ nữ 70 tuổi đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cứu sống ngoạn mục nhờ chiến lược điều trị đa mô thức với ECMO, lọc máu và thay huyết tương.
Một phụ nữ 70 tuổi, ngụ tại Hà Nội, vừa may mắn thoát khỏi tử thần sau khi uống 38 viên thuốc hạ huyết áp felodipine - một ca ngộ độc thuốc nghiêm trọng, nguy cơ tử vong rất cao.
Ngay khi tiếp nhận tại Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân trong tình trạng tụt huyết áp sâu, suy tuần hoàn nặng. Đây là hậu quả của việc dùng quá liều felodipine - một thuốc chẹn kênh canxi được chỉ định điều trị tăng huyết áp.
Ê-kíp điều trị xác định đây là cuộc chiến sinh tử. Bệnh nhân bị rối loạn huyết động nghiêm trọng, cần được hồi sức tích cực toàn diện trong thời gian ngắn nhất.
Ngay lập tức, các bác sĩ triển khai chiến lược hồi sức đa mô thức: đặt hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) dạng veno-arterial để hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp, kết hợp lọc máu hấp phụ để loại bỏ độc chất, đồng thời thay huyết tương nhằm ổn định huyết động.
Sau 5 ngày chạy ECMO, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân dần cải thiện. Bệnh nhân được cai ECMO thành công, tiếp tục thở máy 2 ngày và hồi phục hoàn toàn mà không để lại di chứng thần kinh hay tổn thương cơ quan.
BS chuyên khoa nhận định, felodipine là thuốc điều trị tăng huyết áp khá an toàn nếu được sử dụng đúng liều, đúng chỉ định. Tuy nhiên, việc tự ý sử dụng hoặc cố tình uống quá liều có thể gây tụt huyết áp nghiêm trọng, rối loạn nhịp tim, suy tuần hoàn, tổn thương đa cơ quan và thậm chí tử vong.
Các bác sĩ cảnh báo, trong mùa hè, thời điểm dễ làm tăng nguy cơ rối loạn cảm xúc ở người cao tuổi, việc chú ý đến sức khỏe tinh thần và hỗ trợ tâm lý kịp thời là vô cùng quan trọng, nhất là với những người có biểu hiện trầm cảm.
Lưu ý từ chuyên gia: Người bệnh tuyệt đối không tự ý tăng liều hoặc ngưng thuốc hạ huyết áp khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Gia đình cần quan tâm, theo dõi các biểu hiện bất thường về hành vi, cảm xúc của người cao tuổi để phát hiện sớm các dấu hiệu trầm cảm hoặc ý định tiêu cực. Nếu nghi ngờ ngộ độc thuốc, cần gọi cấp cứu và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất có thể để được can thiệp kịp thời.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình