Từ “kẹo rau” đến cáo buộc lừa dối người tiêu dùng
Sau khi Hoa hậu Thùy Tiên bị bắt vì cáo buộc lừa dối khách hàng, hàng loạt quảng cáo sai sự thật của sản phẩm kẹo Kera bị bóc trần. Những chiêu thức đánh tráo khái niệm “kẹo rau” – thực chất chứa chất nhuận tràng, cùng việc gán mác “an toàn cho phụ nữ mang thai, trẻ em” đã thổi phồng tác dụng và đánh lừa người tiêu dùng suốt thời gian dài.
Từng được tung hô là “giải pháp thay rau” thời hiện đại, kẹo rau củ Kera nhanh chóng nổi tiếng nhờ các chiến dịch quảng cáo rầm rộ với sự tham gia của hàng loạt KOLs, trong đó có hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên. Tuy nhiên, sau khi Thùy Tiên bị khởi tố và bắt tạm giam vào đầu tháng 5, những sự thật gây sốc về sản phẩm này lần lượt được phơi bày.

“Một viên bằng một đĩa rau” - sự thật nằm ở thuốc xổ
Trong nhiều buổi livestream, những người nổi tiếng như Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs và Thùy Tiên khẳng định một viên kẹo Kera có thể thay thế rau xanh nhờ chiết xuất từ 10 loại rau củ. Doanh số tăng vọt, thậm chí Thùy Tiên đã đề xuất tham gia điều hành công ty.
Tuy nhiên, kết quả từ Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia cho thấy thành phần bột rau trong kẹo thực tế chỉ chiếm chưa đến 1%, thay vì gần 1/3 như công bố. Trái lại, sản phẩm chứa hàm lượng Sorbitol - chất tạo ngọt có tác dụng nhuận tràng - lên tới 33,4g/100g, nhưng lại không được ghi rõ ràng trên nhãn, gây hiểu lầm nghiêm trọng.
TS.DS Phạm Đức Hùng (Bệnh viện Cincinnati, Mỹ) cảnh báo, Sorbitol có thể gây đau bụng, tiêu chảy nếu sử dụng quá mức, nhất là khi dùng hơn 10g/ngày. Trong các video quảng cáo, phản ứng này được miêu tả bằng cụm từ “té re” như một hiệu ứng tích cực, nhưng thực chất hoàn toàn không liên quan đến rau củ như người tiêu dùng vẫn nghĩ.
Điều đáng lo ngại hơn là kẹo Kera được quảng bá là “an toàn cho mọi đối tượng, kể cả bà bầu và trẻ nhỏ”, dù chưa có cơ sở khoa học chứng minh. Trên các nền tảng và website chính thức, sản phẩm từng khoe có đủ chứng nhận như GMP, ISO, FDA... nhưng tất cả các giấy tờ này đã bị gỡ khỏi website từ ngày 7/3, sau khi truyền thông bắt đầu vào cuộc.

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM - cảnh báo, việc gán mác an toàn cho thực phẩm chức năng mà không có kiểm nghiệm đầy đủ là cực kỳ nguy hiểm. Hậu quả có thể không thấy ngay nhưng tích lũy qua nhiều năm, ảnh hưởng tới miễn dịch, thần kinh, thậm chí là nguy cơ ung thư.
Gian dối nguồn nguyên liệu
Không chỉ sai lệch về thành phần, nhóm sản xuất kẹo Kera còn tạo dựng hình ảnh vùng nguyên liệu tại Đắk Lắk - nơi được giới thiệu đạt chuẩn VietGAP. Hoa hậu Thùy Tiên từng đăng video ăn cà rốt ngay tại “nông trại” để tăng độ tin cậy. Thế nhưng, theo kết quả kiểm tra của Sở Y tế Đắk Lắk, công ty Asia Life không hề sở hữu vườn rau nào như đã quảng bá.
Nhà máy được giới thiệu là “đạt chuẩn GMP đầu tiên tại Đắk Lắk” thực chất chỉ là cơ sở gia công cho Tập đoàn Chị Em Rọt - đơn vị đứng tên công bố sản phẩm. Không những vậy, thanh tra còn phát hiện cơ sở dùng phụ gia ngoài danh mục cho phép, bảo quản sản phẩm sai quy chuẩn và vi phạm nghiêm trọng quy trình HACCP.

Người nổi tiếng cần chịu trách nhiệm, không chỉ xin lỗi
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs và 3 người khác về các tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” và “Lừa dối khách hàng”. Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng bị bắt tạm giam với cùng cáo buộc.
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp - Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga), người nổi tiếng không chỉ có ảnh hưởng về mặt truyền thông, mà còn là nhân tố dẫn dắt hành vi tiêu dùng. Một lời xin lỗi là chưa đủ. Họ cần minh bạch về thu nhập từ quảng cáo, đồng hành với sản phẩm uy tín và chịu trách nhiệm nếu gây hậu quả cho cộng đồng.

Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình