Hotline 24/7
08983-08983

“Tri ân những người qua đời vì COVID-19, sự hy sinh to lớn cho khoa học để cứu nhân loại”

Trong lần lên sóng mới nhất trên AloBacsi, ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương đã có nhiều chia sẻ về những thay đổi, tiến bộ trong điều trị COVID-19. Cùng với đó là gửi lời tri ân đến những người không may qua đời vì COVID-19, sự mất mát, hy sinh này đã đóng góp to lớn cho khoa học để cứu nhân loại.

Sống theo bình thường mới, gây nhiều áp lực quá BS Lưu Phương ơi. Đi làm thì mang cơm theo ăn, khi ăn phải tháo khẩu trang mà, phải canh góc nào ít người nhất để ăn nhanh, nuốt vội. Sợ nhất đang ăn có người ghé vào cùng bàn. Đi làm về cũng mất 1 tiếng tẩy trùng toàn thân, khổ sở quá BS ơi. Tình trạng này sẽ kéo dài mãi mãi hay sao thưa BS?

Đại dịch COVID-19 quét qua làm cả thế giới điêu đứng. Vì vậy, chúng ta phải bình tĩnh để đối phó với tình trạng này. Thực tế, con người chúng ta đã được quá nhiều trong cuộc sống. Nếu thấy khổ quá, hãy nghĩ đến cảnh khổ của muôn loài. Đứng về mặt khoa học, xã hội và nhân văn, đây là dịp để chúng ta bình tâm, sống chậm lại, con người nhìn lại cách chính mình đối xử với thiên nhiên. Đây là ý đầu tiên tôi muốn chia sẻ.

Thứ hai, tôi thấy là cũng không quá căng thẳng như các bạn nghĩ, bởi vì:

1. Chúng ta đã tìm được nhiều cách đối phó, trong đó có vắc xin. Đương nhiên không có lớp học nào hoàn hảo đưa virus về “zero” nhưng chúng ta đã tìm ra “vũ khí” ứng chiến với nó. Khi có vắc xin, tỷ lệ nhiễm, chuyển biến nặng, tử vong thấp hơn rất đáng kể.

2. Trong hơn 4 tháng cùng làn sóng COVID-19 lần thứ 4, không chỉ tư vấn cho các bạn, tôi đã “lăn lộn” nhiều chiến trường, từ bệnh viện đến đội hình Tổ y tế từ xa của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chẩn đoán, theo dõi, điều trị F0 tại nhà. Qua đó tôi thấy rằng, sau khi “chạm trán” với căn bệnh rất mới này thì y học đã phát triển, y tế Việt Nam cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, đã có những loại thuốc mới có thể khống chế siêu vi.

Chẳng hạn, ngoài Molnupiravir đang được nghiên cứu thì đã có những loại thuốc viên diệt virus dạng uống được đưa vào phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Tôi tin rằng Bộ Y tế Việt Nam sau một thời gian nữa, những loại thuốc đó không quá đắt đỏ, vẫn nằm trong tầm tay của người dân khi điều trị. Nó chỉ sử dụng trong 5-7 ngày là giảm triệu chứng, giảm khả năng lây lan rất rõ, và giảm một phần tỷ lệ chuyển biến nặng.

3. Hơn nữa, bác sĩ Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm hơn nhờ quá trình “chinh chiến”, “lăn lộn” trong các cuộc chiến với COVID-19. Không chỉ có nhiều thuốc rất đơn giản, chi phí thấp, dùng đúng thời điểm là sẽ chặn được diễn tiến nặng rất tốt mà kinh nghiệm của các bác sĩ cũng góp phần giảm thiểu tình trạng này. Qua đó, bác sĩ có thể đánh giá, nhận định liệu bệnh nhân có nguy cơ diễn tiến nặng, để có hướng xử trí kịp thời. Thậm chí, Việt Nam cũng đã làm được một số xét nghiệm để dự báo nguy cơ bệnh có diễn tiến nặng không.

Như vậy, có thể nói, y tế đã dần khống chế được được dịch COVID-19, đem đến nhiều tín hiệu tích cực, từ vắc xin, 5K đến các loại thuốc được nghiên cứu đã được Bộ Y tế cập nhật, đưa vào phác đồ điều trị. Đồng thời còn có những hướng dẫn để theo dõi, phát hiện sớm bệnh nhân COVID-19 ở giai đoạn muốn “chuyển độ”, điều trị sớm bằng những thuốc đơn giản, chi phí thấp, từ đó giúp giảm tỷ lệ tử vong.

4. Bên cạnh đó, với những bệnh nhân quá nặng, y bác sĩ cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm ECMO, những loại thuốc mới để điều trị như Tocilizumab, Baricitinib chúng ta đều có và đã được Bộ Y tế cập nhật.

Khi làn sóng COVID-19 thứ 4 ập đến, chúng tôi cảm giác như gặp “trùm cuối” trong một trận game, cắt đứt đầu này mọc ra đầu khác và càn quét dữ dội. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã rút tỉa được kinh nghiệm lâm sàng, không phải từ sách vở, y khoa của Anh hay Mỹ, Pháp mà từ thực chiến. Và Bộ Y tế đã kịp thời đúc kết kinh nghiệm đó để đưa vào phác đồ điều trị mới nhất đầu tháng 10 này.

Tôi nhận thấy rằng, hiện nay COVID-19 không còn là “quái vật” khổng lồ. Thực sự, tôi thấy rất buồn vì qua đại dịch này, theo con số thống kê, chúng ta đã mất hơn 2 vạn người (tính đến ngày 13/10/2021 là 20.869 người - PV). Là một bác sĩ, tôi xin được tri ân những người bệnh COVID-19 không may không qua khỏi và xin gửi lời chia sẻ buồn đến người thân, gia đình.

Từ đáy lòng mình, tôi thấy sự mất mát của các bạn không vô nghĩa, đã giúp cho cả y tế Việt Nam và y tế thế giới khám phá nhiều hơn về virus, đại dịch này, tìm ra cách để chặn lại, để khi người sau mắc bệnh, nó không còn là con “quái vật khổng lồ”. Dĩ nhiên nó vẫn nguy hiểm nhưng chúng ta đã có tuyệt chiêu. Đó là những thuốc đang được Bộ Y tế thử nghiệm, phát theo chương trình Molnupiravir hay phác đồ điều trị cập nhật liên tục từ sách vở, kinh nghiệm thực tế. Càng ngày, số bệnh nhân nặng càng ít đi.

Một lần nữa tôi muốn gửi lời chia buồn đến những ai có người thân đã mất vì COVID-19 ở Việt Nam và trên thế giới. Rất đau buồn, nhưng sự mất mát, hy sinh này là đóng góp to lớn cho khoa học để cứu nhân loại.

5. Y tế Việt Nam hiện nay đã mạnh hơn rất nhiều, “quái vật” này không còn làm chúng ta nao núng, vì đã tìm ra điểm yếu để khống chế. Bệnh là trị và chúng ta đã bắt đầu có rất nhiều phương tiện để làm được điều này.

Trong phác đồ mới nhất vào tháng 10/2021, Bộ Y tế đã đưa ra những cập nhật mới nhất theo xu thế điều trị COVID-19 của thế giới. Đặc biệt, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn rất phù hợp với điều kiện y tế Việt Nam. Chẳng hạn như, ngoài những phác đồ điều trị đã được WHO khuyến cáo thì những phương pháp điều trị COVID-19 nào được ít nhất 1 quốc gia trên thế giới công nhận, cấp phép lưu hành thì chúng ta có thể xem xét, ứng dụng cho bệnh nhân COVID-19 của Việt Nam.

Thực tế con số đã chứng minh cho chúng ta thấy, rõ ràng số ca bệnh giảm là nhờ độ phủ sóng của vắc xin và số ca bệnh nặng ở các bệnh viện giảm rõ rệt. Những bệnh nhân điều trị tại nhà cũng ổn định hơn. Và thực tế, khi tham gia tổ y tế từ xa của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tôi cũng thấy bệnh nhân được điều trị tại nhà cải thiện tốt, rõ rệt.

Vì thế, các bạn cũng đừng quá căng thẳng. Hãy nhớ 5K, vắc xin - 2 “cột trụ” để không bị lây bệnh là tốt nhất và để tránh tình trạng ào ạt thì y tế có giỏi cách mấy cũng bị quá tải. Nếu lỡ bị lây bệnh, được phát hiện sớm và theo dõi, điều trị, bác sĩ Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm từ thực chiến và cập nhật từ Bộ Y tế, thế giới những phác đồ mới nhất, vì vậy khả năng điều trị thành công khá cao.

Theo chiều tiến hóa thì có vẻ virus sẽ dần thuần với con người hơn. Rồi sẽ tiến tới mỗi năm chúng ta có thể chích ngừa lại, tuân thủ 5K cùng với sự ra đời của các thuốc mới như tôi đề cập ở phác đồ Bộ Y tế thì tôi tin rằng trong vòng 1 năm, tối đa là 2 năm nữa, Việt Nam và thế giới không còn quá căng thẳng với dịch bệnh.

Đặc biệt, có những vắc xin mới sẽ tiếp tục ra đời, ngay cả ở Việt Nam cũng có với ít nhất 2 ứng viên sáng giá là Nano Covax và Covivac. Và khi chúng ta làm chủ được công nghệ vắc xin, vắc xin đã phủ sóng hết thì mỗi năm có thể chích ngừa 1 lần, dần dà COVID-19 cũng sẽ như cúm thôi, không có gì căng thẳng.

6. Về việc khử khuẩn sau khi đi ngoài đường, chúng ta không cần thiết phải làm đến 1 tiếng đồng hồ. Hãy nhớ rửa hai bàn tay sạch sẽ và quần áo sau khi thay xong thì bỏ vào sọt, phun sương alcol là đã giải quyết vấn đề. Súc họng, rửa mũi với nước muối sinh lý. Còn nếu đã lỡ tiếp xúc với người F0 thì chúng ta mới cần kỹ hơn, như chủ đề tôi đã chia sẻ trước đó: Giai đoạn “bình thường mới”, lỡ tiếp xúc với F0 cũng đừng hoảng loạn.

Tóm lại, về điều trị, thế giới cũng như Việt Nam đã mạnh hơn nhiều, có kinh nghiệm và cập nhật thêm các loại thuốc mới. Bác sĩ đã “đụng trận” nên biết cách xử lý được vào các điểm yếu của virus. Mặc dù không tự tin 100% nhưng cũng đã được 80-90%. Ngoài ra, chúng ta phòng bị tốt, 5K + vắc xin thì cứ yên tâm “bình thường mới”, rồi sau đó sẽ “bình thường”.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X