Hotline 24/7
08983-08983

Giai đoạn “bình thường mới”, lỡ tiếp xúc với F0 cũng đừng hoảng loạn

Nhiều tỉnh thành có dịch hiện đang bước vào giai đoạn “bình thường mới”, việc đi học, đi làm, vui chơi, sinh hoạt là điều cần thiết. Vì vậy không ít người lo lắng, lỡ trong thời điểm này tiếp xúc với F0 thì nên làm sao để không bị lây nhiễm? ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương đã giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Mua cà phê, đồ ăn sáng, làm sao tránh COVID-19?

Hiện nay đang bán café, đồ ăn sáng mang đi nhưng chung quanh đông người đứng chờ, nếu có F0, bỏ khẩu trang uống café ly mang đi, làm sao tránh dính COVID ạ? Việc kéo khẩu trang xuống uống nước, có an toàn không, thưa bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Hiện nay, bán mang đi là giải pháp để tránh tụ tập một chỗ. Khi xếp hàng để mua đồ, chúng ta đứng từ ngoài cổng vào quầy, sau đó lấy và mang đi ngay, điều này mang lại rất nhiều lợi ích.

  • Thứ nhất, khi xếp hàng, chúng ta chỉ nhìn lưng chứ không đối mặt với nhau, khi đó hơi thở sẽ không phả trực tiếp vào mặt người khác.
  • Thứ hai, ở môi trường nắng, gió bên ngoài, virus SARS-CoV-2 (nếu có) trong hơi thở ẩm ướt của cũng sẽ bốc hơi, bị “tiêu hủy” khi chúng ta thở ra ngoài.

Mặc dù nếu chúng ta đứng dưới gió thì vẫn có khả năng lây nhiễm, song nếu đeo khẩu trang đầy đủ, thậm chí còn mang kính tránh giọt bắn, nguy cơ sẽ thấp hơn nhiều. Vì vậy, đây cũng là thông điệp tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta không chen lấn khi mua hàng, phải đứng cách xa nhau, tốt nhất là đảm bảo 2m và đừng quên đeo khẩu trang đúng cách.

Về hành động kéo khẩu trang để uống nước là không nên thực hiện. Bởi khu vực cổ dưới yết hầu có thể là vùng phơi nhiễm khi chúng ta tiếp xúc với mầm bệnh, nếu kéo khẩu trang xuống đó, phần bên trong khẩu trang sẽ bị nhiễm khuẩn. Do đó, khi kéo ngược khẩu trang lên, mũi và miệng sẽ bị lây nhiễm bởi vi khuẩn và virus, hoàn toàn có nguy cơ nhiễm bệnh. Đương nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng tiếp xúc với F0, tuy nhiên hành động này vẫn là điều nguy hiểm cần tránh.

Đó là chưa kể, nếu chúng ta là người bệnh, khi kéo khẩu trang xuống, hơi thở sẽ phát tán virus ra bên ngoài, người đối diện và người trong cùng không gian kín đó dễ bị ảnh hưởng nhất. Ở môi trường bên ngoài thì khá ít ảnh hưởng.

Như vậy, chúng ta không nên quá căng thẳng. Nếu bạn đang xếp hàng và thấy ai kéo khẩu trang xuống thì nên quay mặt đi chỗ khác.

2. Nhận thẻ giữ xe, cần làm gì để không bị lây virus SARS-CoV-2?

Thẻ giữ xe có thể làm lây virus không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Rất đơn giản, tôi đã áp dụng thực tế. Trong dịch bệnh, hầu hết mọi nơi đều có nước rửa tay nhanh, từ shop nhỏ đến siêu thị lớn, chung cư… đều có. Như vậy, sau khi gửi xe và nhận thẻ thì bạn nên xịt nước rửa tay, để sát khuẩn cho cả tay và thẻ.

Trong trường hợp nếu người F0 cầm, ho và bắn giọt bắn vào thẻ giữ xe thì vẫn có khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, điều này là “có thể” thôi, vì thực tế nếu người F0 đã cầm thẻ vài ngày trước thì virus cũng không còn sống và tồn tại trên đó.

Viurs SARS-CoV-2 có lây cho chúng ta thì cũng gián tiếp từ bàn tay, đưa lên mắt, mũi, miệng… Do đó, nếu không có sẵn nước rửa tay sát khuẩn thì nhớ đừng đưa tay lên mặt cho đến khi bàn tay được rửa bằng xà phòng hoặc sát khuẩn nhanh.

Vì vậy, bạn đừng quá căng thẳng. Và cách tốt nhất là bạn cũng nên trang bị cho mình nước rửa tay bên cạnh để thuận tiện sử dụng.

>>> Gội đầu, cắt tóc, lấy ráy tai trong “bình thường mới”: Làm sao để đảm bảo an toàn?

3. Rút tiền ở ATM, cần lưu ý gì để tránh lây nhiễm?

Đi rút tiền ở buồng ATM có nguy cơ lây COVID-19 không ạ? Nên làm gì để tránh lây nhiễm khi đi rút tiền hả bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: ATM thường đặt trong phòng kín. Nếu bạn thấy máy ATM đông người thì tốt nhất không nên vào, có thể đợi lúc vắng người hoặc đến một địa điểm khác ít người hơn.

Ngoài ra, như tôi đã nói ở trên, chúng ta cũng nên tập thói quen mang theo chai sát khuẩn tay nhanh mọi lúc mọi nơi. Khi vào phòng ATM thì nên mở cửa ra và xịt khuẩn lên máy, sau đó thực hiện các thao tác với đưa thẻ như bình thường.

Trong trường hợp không có nước sát khuẩn thì vẫn rút tiền được, nhưng cần nhớ đừng “táy máy” đưa tay lên mắt, mũi, miệng trước khi được rửa sạch sẽ. Không phải virus bám trên tay rồi “xâm nhập” qua da, qua máu, mà con đường lây nhiễm chính vẫn là hô hấp (như qua giọt bắn, hạt khí dung, không khí) gián tiếp qua bàn tay hoặc qua đường tiếp xúc trực tiếp.

4. Sử dụng nhà vệ sinh công cộng, cần chú ý những vị trí, vật dụng nào?

Khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng, những vị trí, vật dụng nào có nguy cơ mang nhiều virus? Sau khi xong việc, rửa tay đã đủ chưa, hay phải thay luôn khẩu trang mới, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Virus SARS-CoV-2 lây qua không khí, nhưng không phải không khí nào cũng có thể lây. Phải có người F0 thở ra hơi nước, tạo khí dung thì mới chứa virus hoặc khi nói chuyện có giọt bắn ra ngoài rớt xuống hoặc văng vào người mới có khả năng lây nhiễm.

Virus SARS-CoV-2 không lây qua đường tiêu hóa. Nhưng nó có khả năng nằm trên các nút nhấn bồn cầu, các vị trí gạt nước. Vì vậy, điều đơn giản nhất là sau khi đi vệ sinh hãy rửa tay bằng xà phòng thật kỹ, rồi sau đó mới rửa mặt mũi. Lưu ý, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng trước khi bàn tay của bạn được rửa sạch sẽ.

Tất cả mọi sự chạm vào và để lây nhiễm thì đều phải qua bàn tay. Nếu bạn thực hiện tốt việc vệ sinh bàn tay, tránh đưa lên mắt, mũi, miệng sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm mức thấp nhất. Và đừng quên, khi vào nhà vệ sinh công cộng thì bạn vẫn cần đeo khẩu trang.

>>> Mắc COVID-19 kháng thể cao hơn tiêm vắc xin: Người trẻ có nên chủ động trở thành F0?

5. Đã tiếp xúc với F0, có cách nào phòng tránh lây nhiễm?

Nếu biết chắc mình mới tiếp xúc F0, là một “việc đã rồi” thì có cách nào để không bị lây nhiễm hay không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Câu chuyện này giống như chúng ta đã “lỡ yêu rồi”, nhưng cần phân định là chỉ mới “tương tư” hay đã “lụy tình”.

  • Nếu lỡ “tương tư”, nghĩa là có gặp người F0 nhưng chúng ta đeo khẩu trang đầy đủ, thậm chí là trang bị cả kính chống giọt bắn thì không cần quá căng thẳng.
  • Nếu lỡ “lụy tình”, nghĩa là có ăn uống, sinh hoạt, tiếp xúc trực tiếp không đeo khẩu trang hay kính chắn giọt bắn thì “hơi căng” nhưng vẫn có cách giải quyết.
    • Thứ nhất, sau khi tiếp xúc thì nên súc học bằng dung dịch sát khuẩn, ngửa cổ khò thật sâu và nhiều. Ngày 2-3 lần.
    • Thứ hai là rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối tự pha. Bạn có thể lấy nước ấm pha với một chút nuối trong chậu/ thau nhỏ, sau đó úp mũi vào chậu (hoặc vốc nước muối lên tay) và thở nhẹ để ra bong bóng giống như đi tắm biển mà hơi bị sặc một chút. Ngày áp dụng 3-4 lần, có thể giúp tẩy được tế bào chết, “tiêu diệt” virus mới bám vào. Nhưng lưu ý, cách thở với nước muối tự pha chỉ áp dụng khi biết chắc chắn tiếp xúc với F0, không thực hiện khi chúng ta đi ngoài trời về bình thường. Những ngày thông thường, chúng ta chỉ cần rửa nước muối sinh lý là được.

Như vậy, chúng ta đừng quá căng thẳng, nhất là khi đã được tiêm vắc xin.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X