Hotline 24/7
08983-08983

Gội đầu, cắt tóc, lấy ráy tai trong “bình thường mới”: Làm sao để đảm bảo an toàn?

Các dịch vụ này đều cần thiết trong cuộc sống hằng ngày, nhất là sau một thời gian dài giãn cách xã hội. Vậy làm sao để giữ an toàn cho bản thân nếu đi cắt tóc, gội đầu, lấy ráy tai ngoài tiệm? ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương sẽ cho bạn câu trả lời trong bài viết dưới đây.

1. Đi cắt tóc, cần làm gì để không bị lây nhiễm COVID-19?

Làm sao để đi cắt tóc - một dịch vụ tiếp xúc quá gần người - người mà không bị lây COVID-19 nếu thợ cắt tóc là F0?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: TPHCM đã qua đợt dịch kéo dài gần như 4 tháng, số ca mắc theo số liệu công bố chính thức là hơn 400.000 ca và người trên 18 tuổi chích ngừa gần như 100%, như vậy chúng ta đã đạt miễn dịch tự nhiên và chủng ngừa nhất định.

Những dịch vụ được mở lại, gần như cần đảm bảo “thẻ xanh”, đã chích ngừa 2 mũi hoặc từng mắc COVID-19 và khỏi bệnh thì khả năng lây bệnh thấp hơn hẳn. Hơn nữa, chúng ta đang nghĩ một chiều. Không chỉ chúng ta sợ đâu, mà ngay cả những người chủ tiệm hay thợ cũng rất sợ bị lây từ khách đến cắt tóc.

Tôi đã quan sát và đi một vài tiệm thì thấy rằng, những người cắt tóc cũng lo lắng, vì vậy họ cẩn thận đeo khẩu trang và thậm chí là kính chống giọt bắn nữa. Vì vậy, tôi thấy rằng, qua đợt dịch thứ 4 này, TPHCM tổn thất nhiều nhưng tạo được sức mạnh trong lòng dân, mọi người ý thức cao hơn, bảo vệ cho mình và mọi người xung quanh. Đây là một điểm rất tích cực.

Về lý thuyết, nếu bạn đeo khẩu trang đúng cách và người thợ cắt tóc đeo kính chống giọt bắn face shield, khẩu trang thì khả năng lây cho nhau thấp. Khả năng bản thân chúng ta lây cho người thợ còn cao hơn. Bởi vì khi cắt tóc bạn sẽ chỉ đeo khẩu trang mà không dùng face shield, trong khi đó người thợ được trang bị cả 2 vật dụng này.

Chúng ta có thể lựa chọn những cửa tiệm không sử dụng máy lạnh, mở cửa thông thoáng, đây là điều rất có lợi, virus SARS-CoV-2 (nếu có) sẽ không luẩn quẩn trong phòng kín.

Lẽ đương nhiên, khi cắt tóc sẽ có ngồi ghế dựa, vì vậy chúng ta nên cẩn thận đôi bàn tay. Không phải quần áo, giày dép, mũ nón… của bạn mà tất cả đều gián tiếp qua bàn tay, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng thì mới bị lây nhiễm. Chúng ta đừng nghĩ thêm các con đường lây nhiễm khác. Vì thế, sau khi ngồi thì chúng ta cần nhớ sát khuẩn tay nhanh, đây gần như là vật dụng thiết yếu trong thời điểm này. Như vậy, chúng ta không quá lo sợ chuyện lây nhiễm.

Riêng quần áo, vì chúng ta đã ngồi và chạm vào các bề mặt tại tiệm cắt tóc thì đương nhiên bạn càng không nên đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Thực tế, trong mùa dịch này cũng có điểm hay là vì ai cũng khẩu trang, che kín mặt nên trước khi chạm lên mặt sẽ phải suy nghĩ, không phải vô thức như trước đây nữa.

Khi về nhà, nên thay quần áo để vào sọt đồ dơ và có thể dùng dụng cụ phun sương để xịt cồn, sau đó giặt giũ như bình thường. Như vậy chúng ta có thể yên tâm đi cắt tóc. Cần nhớ, đừng căng thẳng quá trong “bình thường mới”. Hệ số lây nhiễm của virus tại TPHCM sau đỉnh dịch lần thứ 4 cùng với độ phủ sóng của vắc xin hiện đã dưới 1 rồi.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tuân thủ 5K. Như vậy, khi tỷ suất lây thấp đi cùng với việc thực hiện tốt 5K thì virus sẽ không có điều kiện để lớn hơn 1 nữa. Giống như tiền, nếu nhân với hệ số nhỏ hơn 1 thì sẽ ngày càng “mẻ” đi, còn nếu như nhân với số lớn hơn 1 thì chắc chắn sẽ ngày càng lớn lên. Virus SARS-CoV-2 hiện tại đang bị “âm tiền” từ từ.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - chuyên gia tư vấn thân thiết của AloBacsi đã giải đáp nhiều chủ đề "hot" trong đại dịch COVID-19 như: Mắc COVID-19 kháng thể cao hơn tiêm vắc xin, người trẻ có nên chủ động trở thành F0?; Cách diệt virus corona ra khỏi ngôi nhà của bạn...

2. Khẩu trang bị ướt khi gội đầu, có còn tác dụng bảo vệ?

Đối với nữ giới, cắt tóc thì phải gội đầu (để thợ chỉnh sửa lần cuối sau khi gội), mà gội đầu thì rất dễ bị ướt khẩu trang. Khi khẩu trang bị ướt mà mình đeo tiếp thì có tác dụng bảo vệ không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Bất cứ loại khẩu trang nào, dù là hàng hiệu như N95, 3M… đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế Hoa Kỳ mà bị ướt thì cũng đều không còn ý nghĩa bảo vệ nữa, vì đã mất chức năng lọc.

Hầu hết các khẩu trang như khẩu trang y tế, N95, 3M… đều có màng lọc nằm giữa khẩu trang, để ngăn các phần tử nhỏ như hạt bụi, vi sinh vật, vi trùng, virus như SARS-CoV-2… không đi qua.

Màng lọc của khẩu trang chỉ để cản nước là những giọt bắn khi nói chuyện, còn riêng nước chảy xối xả khi gội đầu sẽ làm ướt và hư hại. Lúc này cũng giống như “tình có như không mà thôi”, xem như đeo khẩu trang mà không có màng lọc.

Do đó, khi đi gội đầu, các chị em phụ nữ nên chuẩn bị nhiều khẩu trang, nếu ướt thì thay cái mới.

3. Cạo râu, lấy ráy tai phải tháo khẩu trang, có cách nào khác để đảm bảo an toàn?

Đối với nam giới, cắt tóc thường đi kèm cạo mặt ráy tai, buộc phải gỡ khẩu trang. Nếu người khách không đeo khẩu trang, người thợ đeo khẩu trang và tấm che mặt thì đã đủ an toàn cho 2 bên chưa ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Đứng về mặt y học, cả tôi và các bác sĩ tai mũi họng không khuyến khích việc lấy ráy tai. Đây là hàng rào tự nhiên, giống như nước trong mũi của chúng ta. Ráy tai là những tế bào chết sẽ tự thải ra ngoài, vì vậy không cần phải lấy ra.

Hơn nữa, nếu lấy ráy tai không đúng kỹ thuật hoặc dụng cụ không vô trùng có thể dẫn đến viêm ống tai ngoài, nấm tai, viêm nhiễm màng nhĩ, thủng màng nhĩ… Đây là vấn đề đã xảy ra trong thực tế. Chính vì vậy, các bác sĩ thường không khuyến cáo lấy ráy tai. Do đó, nhân đại dịch COVID-19, theo tôi các quý ông cũng tập bỏ dần thói quen này, như vậy thì sẽ không phải mở khẩu trang.

Về cạo râu, nếu làm ngoài tiệm thì chắc chắn phải mở khẩu trang mới cạo được. Điều này sẽ không đảm bảo an toàn cho bạn. Cho dù bạn và người đối diện như thợ cắt tóc, cạo râu đã chích ngừa 2 mũi, tỷ lệ lây nhiễm của 2 người mang virus cực thấp, nhưng không phải là “zero”. Nghĩa là khi bạn mở khẩu trang ra thì vẫn có nguy cơ lây nhiễm, không có cách nào loại bỏ. Vì vậy, theo tôi, chỉ nên cắt tóc thôi, việc cạo râu thì không phải việc quá căng thẳng hay khó làm, có thể tự thực hiện tại nhà.

4. Khám mắt sau dịch COVID-19, liệu có an toàn?

Ngoài cắt tóc, việc khám mắt trong thời điểm này cũng là thắc mắc của nhiều người. Xin nhờ BS Lưu Phương cho biết cách trang bị để không trở thành F0 sau khi đi khám mắt.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Hiện nay, nếu bạn đi khám ngoại trú ở các bệnh viện thì hầu hết mọi người đều đã có thẻ xanh tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đã khỏi COVID-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Vì vậy, về lý thuyết xác suất mang virus rất thấp. Tuy nhiên, nếu bạn làm những thủ thuật mà có tạo giọt khí dung thì bệnh viện bắt buộc test COVID-19 trước khi tiến hành.

Nếu bạn đi khám mắt thì chắc chắc không có vấn đề gì, giống như đi cắt tóc thôi. Các bác sĩ chúng tôi đều phải đeo khẩu trang, thậm chí là sử dụng N95 chuyên biệt hơn và đeo thêm kính chống giọt bắn.

Những dụng cụ để đo mắt, trong môi trường y tế đều phải được sát khuẩn. Sau khi người bệnh khám, theo đúng quy trình thì phải lấy alcol lau chùi sạch sẽ. Nếu bạn không yên tâm có thể yêu cầu nhân viên y tế sát khuẩn lại một lần nữa chỗ mắt đo và vị trí kê mặt. Hơn nữa, khi đo mắt bạn vẫn phải đeo khẩu trang, điều này không ảnh hưởng gì đến việc thăm khám và sẽ giúp bảo vệ bạn.

Nếu bạn vẫn còn lo lắng, thì hãy xin một miếng bông gòn từ nhân viên y tế, sau đó thấm nước rửa tay nhanh và chùi thật kỹ chỗ mắt đo và vị trí kê mặt trước khi kê lên. Đó là trường hợp chúng ta không tin tưởng, còn riêng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - nơi tôi công tác thì các dụng cụ khi đã tiếp xúc với bệnh nhân xong đều được lau chùi bằng alcol để bảo vệ cho bệnh nhân kế tiếp và cho chính nhân viên y tế. Vì vậy, bạn có thể yên tâm đi khám.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X