Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ ho kéo dài: Cha mẹ cần chăm sóc ra sao, dấu hiệu nào cho thấy bệnh đang trở nặng?

BS.CK1 Võ Thành Nhân - Quyền điều hành khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã có những chia sẻ cụ thể về tình trạng ho kéo dài ở trẻ, cũng như hướng dẫn phụ huynh cách theo dõi và chăm sóc trẻ phù hợp.

1. Ho kéo dài là gì?

Thưa BS, như thế nào được xem là ho kéo dài? Vì sao mỗi đợt trẻ mắc bệnh hô hấp thường bị ho kéo dài và triệu chứng này tồn tại rất dai dẳng?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Ho là một phản xạ có lợi giúp trẻ tống xuất đàm nhớt và những chất tiết hoặc vi trùng ra khỏi đường thở. Đây là một cơ chế để bảo vệ đường thở cho trẻ.

Ho có nhiều nguyên nhân, trong đó nếu trẻ ho từ 4 tuần trở lên được xem là ho kéo dài.

2. Ho kéo dài ở trẻ có đáng lo ngại không và thường kéo dài đến khi nào?

Thưa BS, nhiều phụ huynh lo lắng, tình trạng ho kéo dài là biểu hiện của bệnh chưa chấm dứt hoặc đang có dấu hiệu tiến triển nặng hơn. Nhờ BS giải thích tình trạng ho kéo dài ở trẻ có đáng lo ngại hay không và thông thường tình trạng này sẽ kéo dài đến khi nào?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ho kéo dài.

- Trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi) có thể gặp ở những nguyên nhân như trào ngược, viêm nhiễm đường hô hấp hoặc bất thường bẩm sinh.

- Những trẻ lớn hơn có thể là mẫn cảm của đường thở sau một đợt viêm nhiễm hoặc các bệnh lý liên quan đến tai mũi họng, viêm xoang, viêm phổi, hen.

- Đối với trẻ lớn hơn có thể gặp ở những bệnh lý lao phổi hoặc dị vật đường thở.

Khi trẻ viêm phổi kéo dài, từ 4 tuần trở lên, quan trọng nhất phải xác định được nguyên nhân và điều trị thì triệu chứng mới có thể cải thiện.

Lưu ý, tình trạng ho nếu kéo dài trên 1 tuần phụ huynh nên đưa bé đi khám để tìm ra nguyên nhân.

3. Dấu hiệu nhận biết ho đang tiến triển nặng

Thưa BS, tình trạng ho thế nào được xem là bệnh tại đường hô hấp và dấu hiệu nào cho thấy bệnh đang tiến triển nặng hơn?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Ho có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nếu trẻ có những triệu chứng khác gợi ý như trẻ có sốt, sổ mũi hoặc khó thở, đau ngực hoặc trẻ lừ đừ, bỏ bú, kém tiếp xúc thì nên đưa trẻ đi khám ngay để xác định nguyên nhân gây ho.

4. Ho thế nào là cảnh báo bệnh mới?

Ho thế nào là cảnh báo một bệnh lý mới đang hình thành thưa BS?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Có thể dựa vào những triệu chứng đi kèm như ho nhiều hơn. Sau một đợt bé đã ổn định nhưng sau đó lại ho, tiếng ho khác hoặc kèm theo tính chất như thay đổi đàm hoặc có các triệu chứng khác kèm theo như khó thở, sốt, lừ đừ,… đây có thể là một đợt bệnh mới.

5. Cha mẹ nên và không nên làm gì khi trẻ ho kéo dài?

Đối với tình trạng trẻ ho kéo dài, cha mẹ cần tránh và cần làm gì cho trẻ thưa BS?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Khi phụ huynh thấy trẻ ho từ 1 tuần trở lên nên đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân, đừng để trẻ ho đến 4 tuần mới đưa đi khám.

Nên phòng ngừa chung bằng các biện pháp như giữ ấm cho trẻ, đeo khẩu trang, vệ sinh tay,…

Bên cạnh đó, cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, bổ sung nước cho trẻ vì nước có cơ chế làm loãng đàm giúp đường thở sạch hơn, dịu ho.

Ngoài ra, khi trẻ ho và gây ra những triệu chứng khó chịu như ho ói hết mọi thứ, ho mất ngủ thì có thể sử dụng siro ho an toàn cho trẻ.

6. Nên sử dụng thuốc cho trẻ ra sao?

Khi trẻ bị ho đa số phụ huynh để trẻ ở nhà và đến hiệu thuốc tây mua thuốc về vì cho rằng tình trạng ho khá đơn giản, trẻ nhỏ thường bị ho. Vậy phụ huynh nên hiểu thuốc ho thế nào là đúng, với tình trạng trẻ ho dai dẳng khi nào cần dùng thuốc ho và tránh lạm dụng như thế nào thưa BS?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Hiện nay, có nhiều trường hợp trẻ bị bệnh và phụ huynh đến nhà thuốc hoặc cầm theo toa cũ đi mua thuốc. Tuy nhiên, nếu trẻ ho kéo dài từ 1 tuần trở lên, phụ huynh nên cho bé đi khám, đừng tự ý đi mua thuốc.

Thứ nhất, không nên dùng thuốc không rõ chỉ định, đặc biệt là những thuốc có liên quan đến kháng sinh hoặc kháng viêm.

Thứ hai, siro ho cho trẻ sẽ có những loại an toàn và chống chỉ định. Đặc biệt ở những trẻ nhỏ, phụ huynh nên sử dụng siro an toàn từ thảo dược, những loại siro ức chế ho hoặc kháng histamin đi kèm cần thận trọng khi tự ý dùng.

7. Phụ huynh cần lưu ý gì khi cho trẻ sử dụng thuốc ho?

Về vấn đề dúng thuốc thì thuốc ho nào là an toàn cho trẻ và loại nào có giới hạn độ tuổi, cũng như khi phụ huynh mua thuốc ho cần chú ý đến nhưng thành phần nào và có nên lạm dụng vấn đề mua thuốc ho cho trẻ không thưa BS?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Thuốc ho hiện tại rất dễ mua. Trong đó những thuốc ho an toàn là các dạng thảo dược như húng chanh, tần dày lá hoặc cao lá thường xuân,… mỗi nhà sản xuất sẽ có một chỉ định, khuyến cáo cho trẻ.

Thứ nhất có thể tham khảo trên hướng dẫn của nhà sản xuất. Thứ hai là tham khảo ý kiến bác sĩ.

Đặc biệt lưu ý, đối với những trẻ ho đàm cần thận trong với thuốc ức chế ho, hoặc thuốc ho dạng kết hợp với những thành phần như kháng histamin, đặc biệt là trẻ nhỏ hoặc trẻ dưới 6 tuổi.

8. Có nên điều trị ho cho trẻ theo phương pháp dân gian?

Song song với việc dùng thuốc tây hoặc mua tại nhà thuốc thì nhiều phụ huynh sợ con sử dụng thuốc tây nhiều không tốt nên đã quay trở lại với các phương pháp dân gian như tắc, mật ong, chanh, gừng, tần dày lá,… Xin hỏi bác sĩ, với những phương pháp dân gian này khi trẻ bị ho phụ huynh có nên áp dụng không và nếu có thì sử dụng như thế nào là đúng cách ạ?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Các phương pháp dân gian có thể sử dụng. Tuy nhiên lưu ý đối với trẻ nhỏ hoặc trẻ dưới 1 tuổi nên thận trọng khi sử dụng mật ong.

Bên cạnh đó, nếu những loại thuốc này sản xuất tại nhà thì cần thận trọng khi chế biến, đảm bảo vệ sinh, nguyên liệu đạt chất lượng.

Phương pháp này không gây tác dụng phụ quá nguy hiểm, trừ những trường hợp trẻ có mẫn cảm gây ngộ độc như với mật ong hoặc các thành phần khác. Vì vậy, tùy cơ địa mà sẽ cân nhắc khi cho trẻ dùng.

Khi sử dụng nếu trẻ không cải thiện hoặc có biểu hiện lạ phải đi khám.

9. Trẻ ho kéo dài, khi nào nên đi khám?

Trẻ ho kéo dài, khi nào phụ huynh nên đưa trẻ đi khám hay khám càng sớm sẽ càng tốt thưa BS?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Theo định nghĩa, ho kéo dài là từ 4 tuần trở lên. Tuy nhiên nếu thấy trẻ ho kéo dài khoảng 1 tuần mà triệu chứng không cải thiện dù sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà trước đó như sử dụng thuốc ho hoặc biện pháp dân gian mà trẻ không đáp ứng thì nên đi khám sớm.

Hoặc những tình huống mà trẻ ho chưa đến 1 - 4 tuần nhưng trẻ kèm theo những dấu hiệu nguy hiểm như lừ đừ, bỏ bú, sốt cao khó hạ, khó tở, tím tái, hoặc có những dấu hiệu khác như nôn ói phải đi khám ngay.

10. Tình trạng trẻ mắc bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ra sao?

Trong thời điểm giao mùa nhận thấy đa số trẻ mắc bệnh lý về hô hấp rất nhiều, riêng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố BS ghi nhận tình trạng này như thế nào?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trẻ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp khá nhiều, chủ yếu là viêm phổi, viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản.

11. Phụ huynh cần làm gì để bảo vệ sức khỏe của trẻ, tránh các bệnh lý về đường hô hấp?

Nhờ BS gửi một vài lời khuyên dành cho phụ huynh trong việc cần làm gì để chủ động bảo vệ sức khỏe của trẻ, tránh các bệnh lý về đường hô hấp nói chung thưa BS?

BS.CK1 Võ Thành Nhân trả lời: Để phòng tránh các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp các phụ huynh cần:

- Đảm bảo dinh dưỡng từ đó giúp trẻ tăng đề kháng.

- Chú ý bổ sung nước giúp trẻ loãng đàm, dịu họng, đỡ cơn ho.

- Phòng tránh các tác nhân như bụi hoặc tác nhân khích thích đường thở của trẻ như khói thuốc lá hoặc lông chó mèo.

- Rửa tay để phòng tránh một số tác nhân lây truyền qua tay.

- Nên tiêm ngừa các tác nhân gây ra những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như tiêm ngừa cúm, phế cầu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X