Ho kéo dài - dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm
Trong chương trình CLB bệnh nhân do phòng khám Đa khoa Ngọc Minh tổ chức, ThS.BS Trần Thị Thúy Tường cho biết, ho kéo dài là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân đến phòng khám nhiều nhất. Trong cộng đồng, có 11-18% người than phiền về ho mãn tính và đến 40% trường hợp đến khám vì ho là bệnh ho mãn tính.
Những dấu hiệu báo động về cơn ho kéo dài
Những cơn ho có thể do người bệnh chủ ý, không chủ ý hoặc phối hợp cả hai. Một số yếu tố kích thích phản xạ ho không chủ ý có thể kể đến là: yếu tố hóa học và cơ học (khói, bụi, thuốc lá, dị vật,...); yếu tố bên trong (chất tiết đường hô hấp, chất tiết từ dạ dày,...); Phản ứng viêm, co thắt, chèn ép, tăng tính thấm lên đường thở; Vấn đề về tâm lý thần kinh,...
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường thông tin: “Có thể phân loại ho thành 3 nhóm dựa theo thời gian kéo dài của những cơn ho. Ho cấp tính là trường hợp ho dưới 3 tuần. Ho bán cấp là những trường hợp ho từ 3 đến 8 tuần. Ho mãn tính là những trường hợp ho kéo dài trên 8 tuần. Ước tính thời gian ho là bước đầu tiên để thu hẹp danh sách nguyên nhân”.
Chuyên gia cảnh báo, một số dấu hiệu ho kéo dài đáng báo động và nên đi khám ngay bao gồm: Đau ngực khó thở, ho ra máu, chán ăn sụt cân. Các dấu hiệu này có thể là của những bệnh lý nguy hiểm như nghẽn tắc phổi, lao, ung thư,...
Đề cập cụ thể đến các nguyên nhân gây ho, chuyên gia cho biết ho cấp tính có thể do hai nhóm nguyên nhân.
Một là cảnh báo một số bệnh lý đe dọa tính mạng như viêm phổi, đợt cấp COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), hen nặng, PE (thuyên tắc phổi), suy tim cấp…
Hai là nhóm bệnh lý phổ biến không đe dọa tính mạng gồm có nhiễm trùng vùng mũi xoang, hầu họng, đường dẫn khí vào phổi; ảnh hưởng bởi môi trường, không khí; một số bệnh đã mắc trước đó như hen, giãn phế quản, hội chứng ho đường hô hấp cấp trên.
Trong khi đó, ho bán cấp có thể do một số bệnh lý như viêm phổi, lao, ho gà, viêm phế quản mãn tính, hen.
Trào ngược dạ dày thực quản thường gây ho về đêm
Về ho mãn tính, ThS.BS Trần Thị Thúy Tường nhấn mạnh, nguyên nhân thường là bệnh lý đường hô hấp, trào ngược dạ dày thực quản.
Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất gây ho mãn tính là hội chứng chảy nước mũi sau. “Hội chứng này do dị ứng, viêm mũi vận mạch, viêm mũi xoang mạn. Một số triệu chứng kèm theo có thể kể đến như tằng hắng, khàn giọng, nghẹt mũi, mất mùi. Dấu hiệu chảy dịch thành sau họng, hình ảnh “lát đá” trên thành họng”.
Ngoài ra, trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân gây ho mãn tính, do kích thích thụ thể của đường hô hấp trên (thanh quản), hít phải các thành phần trong dịch dạ dày, làm kích thích thụ thể của đường hô hấp dưới.
“Bệnh nhân ho do trào ngược dạ dày sẽ thường ho về đêm, khi nằm gối thấp, hơi axit dễ kích thích lên hơn. Khi tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến dấu hiệu khàn giọng. Triệu chứng rõ nhất là nóng rát sau xương ức, có vị chua ở miệng, ợ chua, ợ nóng, đau ngực và 40% trường hợp không có triệu chứng” - ThS.BS Trần Thị Thúy Tường chia sẻ.
Hen phế quản cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ho mãn tính ở người lớn. Ho có thể kèm theo khò khè, khó thở, nặng ngực. Ngoài ra, hen dạng ho sẽ chỉ có một triệu chứng duy nhất là ho khan, không khó thở, không khò khè, hô hấp bình thường.
Đề phòng lao phổi khi ho kéo dài trên 2 tuần
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường đề cập đến một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến ho kéo dài, đó là lao phổi. Theo đó, khi ho hơn 2 tuần, bệnh nhân cần thực hiện tầm soát lao phổi. Một số dấu hiệu kèm theo như ớn lạnh về chiều, đổ mồ hôi đêm, chán ăn và sụt cân.
Chuyên gia thông tin: “Lao phổi là một bệnh lý vẫn tồn tại rất nhiều ở Việt Nam, có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Việc phòng ngừa vẫn còn giá trị hạn chế, thường chỉ tiêm phòng ở trẻ em. Triệu chứng ban đầu có thể không rõ ràng, nhiều bệnh nhân vô tình phát hiện bệnh khi chụp X-quang. Khi cơ thể có phản xạ ho thì vi trùng lao đã tồn tại một thời gian dài”.
Đối với người trẻ, làm việc quá sức, sức đề kháng suy giảm cũng sẽ dễ mắc bệnh lao. Đặc biệt, sau dịch COVID-19, nhiều người bị suy giảm hệ miễn dịch.
Chỉ có 2% ung thư phế quản kích thích đường dẫn khí gây ra phản xạ ho, khối u nằm ở đường thở lớn trung tâm, nơi có nhiều thụ thể của phản xạ ho. Lứa tuổi mắc ung thư phổi ngày nay đã trẻ hóa rất nhiều. Những người trẻ không có nguy cơ như không hút thuốc vẫn có khả năng bị ung thư.
Một số khuyến cáo của ThS.BS Trần Thị Thúy Tường cho việc tầm soát ung thư phổi bao gồm: “Những người trên 55 tuổi, người hút thuốc lá từ 30 gói năm (1 gói/ngày, hút 30 năm) trở lên, hoặc người từ 50 tuổi, hút 20 gói năm cần đi khám tầm soát ít nhất mỗi năm một lần bằng cách chụp CT liều thấp. Những người hút thuốc lá thụ động cũng nên đi khám tầm soát”.
Ho khan, ho đờm mãn tính - Đề phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Theo chuyên gia, khoảng 30% những bệnh nhân dùng thuốc ức chế men chuyển trong khi điều trị huyết áp và tim mạch sẽ có triệu chứng ho. Cơ chế ho là do tích tụ nhiều bradykinin và prostaglandin hoặc kích thích sợi C dẫn truyền phản xạ ho. Ho thường xuất hiện sau một tuần điều trị, có khi sau vài giờ, có thể khởi phát trễ đến 6 tháng.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây ho khan và ho đờm mãn tính. Cùng với đó là triệu chứng khò khè, khó thở tăng dần.
Ho sau nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến trong ho bán cấp và chiếm khoảng 11-25% ho mãn tính. Sau nhiễm Mycoplasma, pneumonia, Chlamydophila pneumoniae, bordetella pertussis sẽ có 25-55% gây ho. Ho có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng dù đã hết nhiễm trùng.
Cơ chế của ho sau nhiễm trùng là do kích thích thụ thể của đường hô hấp trên; tăng nhạy cảm với dây thần kinh hướng tâm, do chúng bị lộ ra khi virus xâm nhập và làm tổn thương lớp biểu mô bề mặt của đường hô hấp; tăng phản ứng quá mẫn với đường hô hấp do nhiễm virus hợp bào.
Một số nguyên nhân khác như giãn phế quản, xơ phổi, nguyên nhân hiếm (nhuyễn khí phế quản, bệnh thần kinh cảm giác thanh quản, phì đại amidan mạn,...).
Trước bối cảnh có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ho kéo dài và không chỉ ở đường hô hấp, do vậy chuyên gia nhấn mạnh, khi có các dấu hiệu bệnh nhân nên đi khám để kiểm tra các bệnh lý, phát hiện sớm các tình trạng nguy hiểm, đặc biệt là ung thư, lao…
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình