Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ bị sặc sữa, sơ cứu như thế nào?

Sặc sữa là tai biến rất nguy hiểm với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Nếu không sơ cứu khẩn trương sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vậy làm sao để phát hiện bé sặc sữa và sơ cứu như thế nào để bé sống sót?

Dù cho con bú mẹ hay bú bình, phụ huynh cần nắm rõ cách sơ cấp cứu cho bé trong trường hợp không may.

BS Lê Tất Thục Châu - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ sẽ hướng dẫn bạn những bước sau:

I. Dấu hiệu nhận biết trẻ sặc sữa

- Em bé tím tái vào các thời điểm:

+ Khi bé đang bú

+ Sau khi bú bé tím tái

+ Khi bé đang ngủ

- Đánh giá trẻ còn tỉnh hay không. Nếu bé đã ngưng tim ngưng thở, thì nên hồi sức ngưng tim ngưng thở. Nếu bé còn tỉnh nhưng không khóc hoặc không thở nên vỗ lưng, ấn ngực để cấp cứu sặc sữa.

II. Kỹ thuật vỗ lưng, ấn ngực

Vỗ lưng, ấn ngực là làm tăng áp lực trong lồng ngực, đẩy các dị vật ra ngoài phổi của em bé, cụ thể là sữa.

Để tiến hành thủ thuật này, ở tư thế ngồi, bố mẹ nên đặt em bé trong tư thế đầu thấp hơn mông, thân em bé để lên tay. Nếu quỳ dưới đất, bố mẹ cần nhớ đầu của con luôn thấp hơn mông.

1. Vỗ lưng

Để đầu bé thấp hơn mông, ngực em bé tựa lên tay và đùi bố mẹ (tư thế lật úp). Tay bố mẹ cầm lên 2 bên xương hàm của bé, tránh cầm vào cổ con vì sẽ chạm và kẹp vào 2 động mạch ảnh hưởng tính mạng bé.

Tay còn lại dùng lực vừa phải vỗ 5 cái vào giữa hai đầu xương bả vai và trượt xuống.

Sau khi vỗ lưng bé xong, bố mẹ xoay bé lại và quan sát xem bé thở chưa. Nếu bé chưa tỉnh thì bố mẹ cần ấn ngực.

2. Ấn ngực

Ở giao điểm 2 đầu vú và đường giữa xương ức, dưới giao điểm một đốt ngón tay (khoảng 1.5cm) là vị trí ấn ngực cho em bé. Tiến hành ấn ngực 5 lần.

Sau khi ấn ngực, quan sát em bé đã thở lại, da đã hồng hào hay chưa. Nếu da bé chưa hồng hào và còn tím tái, bố mẹ tiếp tục vỗ lưng 5 cái và ấn ngực 5 cái, làm liên tục 5-10 lần đến khi bé tỉnh, da hồng hào. Trong lúc đó gọi người hỗ trợ và đưa em bé tới bệnh viện gần nhất.

Sau khi thực hiện thành công thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực, nghĩa là em bé đã hồng hào, thở lại bình thường, khóc được, gia đình cũng nên đưa bé tới bệnh viện gần nhất để bác sĩ kiểm tra tình trạng bé vì khi bé sặc sữa sẽ có thể bị viêm phổi về sau.

III. Phòng ngừa trẻ sặc sữa như thế nào?

- Cho trẻ bú nơi yên tĩnh, không vui đùa khi trẻ đang bú. trẻ đang khóc, quấy... cũng không nên cho bú vì  dễ gây trào sữa, ọc sữa.

- Không để trẻ nằm hoặc vừa ngủ vừa bú, bởi tư thế này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, dễ dẫn đến sặc sữa ở trẻ.

- Mẹ cho bé bú ở tư thế đầu cao (bế, hoặc đặt trẻ vào loại ghế nửa nằm nửa ngồi), tránh để con nằm thẳng đầu. Dùng tay bóp bầu vú để điều chỉnh dòng sữa.

- Khi cho trẻ bú bình với đầu vú cao su thì cần nghiêng bình sao cho sữa ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày. Lỗ ở núm vú có độ to nhỏ phù hợp.

- Sau khi con bé bú xong nên bế 10-15 phút, có thể vỗ nhẹ vào lưng rồi mới đặt trẻ nằm xuống, đặt đầu cao hơn thân mình 15-30 độ, mặt nghiêng qua một bên.

Nguồn tham khảo: Fanpage Bệnh viện Từ Dũ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X