Hotline 24/7
08983-08983

Trầm cảm: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán, điều trị

Trầm cảm (Depression), là bệnh rối loạn tâm trạng thường gặp ở mọi lứa tuổi, biểu hiện khí sắc trầm buồn, cơ thể dễ mệt mỏi, mất đi hứng thú với mọi việc, luôn cảm thấy tự ti và tự đánh giá thấp bản thân mình.

Trầm cảm là căn bệnh rất phổ biến và có mức độ ảnh hưởng đứng thứ hai chỉ sau các bệnh lý tim mạch, theo Tổ chức Y tế thế giới - WHO. Bệnh lý này đặc trưng bởi tâm trạng buồn bã, lo âu, thiếu hy vọng và bi quan. Bệnh gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn với tỷ lệ cao hơn ở nữ giới.

I. Trầm cảm là gì?

Trầm cảm hay rối loạn trầm cảm (Depression/ Major depressive disorder), là một dạng rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi khí sắc trầm cảm, mất hứng thú, bi quan và buồn bã kéo dài. Người mắc chứng bệnh thường giảm hoặc mất hẳn sự quan tâm đối với mọi thứ xung quanh - kể cả những thứ yêu thích trước đây.

Thông thường, cơ thể phải đối mặt những cảm xúc tiêu cực, buồn bã sau khi bị sang chấn tâm lý. Tuy nhiên, các cảm xúc này sẽ được dần cải thiện theo thời gian. Ngược lại, bệnh nhân trầm cảm gần như không thể điều chỉnh tâm trạng và ngày càng lún sâu vào cảm xúc buồn bã, bi quan quá mức. Trầm cảm ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ, hành xử khiến cho người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, hay các vấn đề về thể chất và tinh thần.

Trầm cảm là căn bệnh rất phổ biến và có mức độ ảnh hưởng đứng thứ hai chỉ sau các bệnh lý tim mạch

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc chứng bệnh này đang có xu hướng tăng lên - đặc biệt là người trẻ tuổi. Với những ảnh hưởng nặng nề đối với bản thân người bệnh, gia đình và xã hội, Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) đã xếp trầm cảm đứng thứ 2 sau tim mạch về mức độ ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống

Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào và thường phổ biến hơn ở nữ giới hơn nam giới. Hội chứng này có tỷ lệ cao ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp.

II. Nguyên nhân bệnh trầm cảm

Bệnh trầm cảm có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau có thể kể đến như:

- Yếu tố di truyền: Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, bệnh trầm cảm có liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu có bố hoặc mẹ mắc trầm cảm, tỷ lệ mắc trầm cảm ở con sẽ khoảng 10 - 25%, nguy cơ sẽ tăng gấp đôi nếu cả bố và mẹ đều mắc trầm cảm. Trong số những người mắc bệnh trầm cảm có liên quan đến di truyền, có gần 46% cặp sinh đôi cùng trứng. Càng nhiều thành viên trong gia đình mắc trầm cảm, nguy cơ sẽ càng cao hơn.

- Các tổn thương thực thể ở não bộ: Nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần cao gấp 4 lần khi có các tổn thương thực thể ở não bộ. Nguyên nhân là do các cơ quan trong não bộ bị tổn thương dẫn đến rối loạn hoạt động và mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm là gì?

- Sang chấn tâm lý: Sang chấn tâm lý được xem là yếu tố quan trọng trong hình thành và khởi phát bệnh trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy, việc đối mặt liên tục với các tổn thương về mặt tâm lý khiến người bệnh rơi vào trạng thái u uất, buồn bã, chán chường và có xu hướng tự trách bản thân. Sang chấn tâm lý có thể bắt nguồn từ các yếu tố bên ngoài hoặc bên trong cơ thể.

- Sử dụng chất gây nghiện: Các nghiên cứu được thực hiện đã cho thấy, 90% những người sử dụng ma túy, thuốc phiện đều có các triệu chứng của bệnh trầm cảm và mắc các rối loạn tâm thần khác.

- Lạm dụng thuốc: Nếu lạm dụng thuốc an thần quá mức, các chất hóa học trong não bộ có thể bị rối loạn dẫn đến sự bất thường về cảm xúc và hành vi. Với những người bị căng thẳng kéo dài và tính cách hay lo âu, suy nghĩ, việc lạm dụng thuốc an thần có thể tăng nguy cơ trầm cảm, hưng cảm và nhiều rối loạn tâm thần khác.

- Do yếu tố nội sinh: Sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh có thể gây ra các cảm xúc và hành vi tiêu cực. Trầm cảm do các yếu tố nội sinh thường liên quan đến yếu tố di truyền. Hầu hết các trường hợp xảy ra do nguyên nhân này đều có mức độ nặng, dai dẳng và đáp ứng kém với điều trị.

- Các yếu tố nguy cơ khác: Ngoài các nguyên nhân trên, nguy cơ bị trầm cảm cũng có thể tăng lên khi có những yếu tố nguy cơ như:

  • Độ tuổi: Trầm cảm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, 50% khởi phát trong độ tuổi từ 20-50, trung bình là 40 tuổi. Hiện nay, tần suất mắc bệnh ở các đối tượng dưới 20 tuổi ngày càng tăng.

  • Rối loạn hormone.

Tần suất mắc bệnh trầm cảm ở các đối tượng dưới 20 tuổi ngày càng tăng

  • Quanh thời kỳ mang thai và sinh con.

  • Ảnh hưởng từ môi trường.

  • Mối quan hệ gia đình, xã hội.

  • Yếu tố nhân cách.

  • Từng có tiền sử trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác.

  • Thường xuyên bị mất ngủ.

  • Có tiền sử mắc các rối loạn lo âu, các rối loạn nhân cách hay rối loạn sau sang chấn.

  • Mắc bệnh nặng hay bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường (đái tháo đường), bệnh tim, bệnh lý thần kinh.

III. Dấu hiệu trầm cảm

1. Biểu hiện về mặt cảm xúc

  • Không xác định được nguyên nhân gây ra nỗi buồn, buồn bã xuất hiện một cách vô căn cứ, mơ hồ và kéo dài dai dẳng.

  • Cảm thấy buồn hầu như mỗi ngày và hầu hết thời gian trong ngày, mức độ buồn bã tăng dần lên theo thời gian.

  • Cảm thấy trống rỗng, vô vọng, hoặc dễ khóc. Ở trẻ em và người lớn tuổi, có thể biểu hiện bằng sự cáu gắt.

  • Mất hứng thú đáng kể trong hầu hết mọi việc, mọi hoạt động hằng ngay cả với những hoạt động yêu thích trước đây.

  • Có cảm giác chán nản, thất vọng, bi quan.

  • Luôn có cảm giác nặng nề và không thể thoát khỏi trạng thái u uất.

Dấu hiệu bệnh trầm cảm là gì?

2. Biểu hiện về mặt tư duy

  • Chậm chạp trong suy nghĩ, hồi ức và liên tưởng.

  • Người bệnh thường suy nghĩ tiêu cực, bi quan, luôn có cảm giác bất hạnh, xấu hổ, buồn bã, tủi nhục,…

  • Giọng nói thì thào, âm lượng nhỏ, đôi khi nghe như tiếng rên khóc,…

3. Có những biểu hiện bất thường trong hoạt động

  • Dáng đi thẫn thờ, lờ đờ và thường đi quanh quẩn trong phòng.

  • Có xu hướng ngồi hoặc nằm im lìm trong nhiều giờ liền.

  • Đi khom lưng, cúi đầu, tư thế không thoải mái và tự tin.

  • Có những hành vi đơn điệu, vô nghĩa lặp đi lặp lại và kéo dài.

4. Xuất hiện các triệu chứng tâm thần khác

  • Xuất hiện ảo giác bản thân mắc các bệnh lý nghiêm trọng dù sức khỏe thể chất hoàn toàn không có vấn đề bất thường (rối loạn lo âu sợ bệnh tật).

  • Nghe phải ảo thanh, ví dụ như: tiếng buộc tội, tiếng than khóc…

  • Cảm giác bi quan, tội lỗi kéo dài có thể kết tinh thành hoang tưởng với nội dung bị buộc tội hoặc buộc tội. Nếu không kịp thời khắc phục có thể dẫn đến tự sát hoặc các hành vi tự hủy hoại.

Nghe phải ảo thanh, ví dụ như: tiếng buộc tội, tiếng than khóc…

5. Có sự thay đổi trên cơ thể

  • Giảm sút về năng lượng rõ rệt, cơ thể luôn trong trạng thái không có sức lực, mệt mỏi và uể oải mặc dù không lao động nặng nhọc ngay cả nhiệm vụ nhỏ có thể dường như đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

  • Rối loạn tiêu hóa.

  • Có các biểu hiện như mạch chậm, nghẹt thở, đổ mồ hôi trộm, đánh trống ngực, trương lực cơ giảm,…

  • Nữ giới có thể bị rối loạn kinh nguyệt, khô rát âm đạo và mất kinh

  • Nam giới dễ bị rối loạn cương dương, mất hứng thú, xuất tinh sớm, giảm ham muốn,…

Khi có dấu hiệu trầm cảm, tuyệt đối không nên tự chịu đựng, mà nên đi khám tại các bệnh viện, phòng khám chữa trầm cảm uy tín hoặc nhờ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý tư vấn từ xa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị.

IV. Phòng ngừa bệnh trầm cảm

Hiện nay, có nhiều thay đổi lối sống và kỹ thuật quản lý căng thẳng mà chúng ta có thể sử dụng để ngăn ngừa hoặc tránh trầm cảm.

Những thói quen giúp ngăn ngừa bệnh trầm cảm

Mặc dù các yếu tố khởi phát có thể khác nhau đối với mọi người, nhưng một số việc làm sau đây có thể sử dụng để ngăn ngừa hoặc tránh tái phát trầm cảm bao gồm:

  • Viết nhật ký.

  • Ngủ đủ giấc.

  • Tập thể dục thường xuyên.

  • Ăn uống lành mạnh.

  • Thiền định.

  • Cắt giảm thời gian trên mạng xã hội.

  • Xây dựng mối quan hệ bền chặt.

  • Tránh xa những người khiến bản thân cảm thấy tồi tệ.

  • Duy trì cân nặng hợp lý.

  • Quản lý tình trạng mãn tính.

  • Giảm sử dụng rượu và các chất kích thích.

  • Bỏ thuốc lá.

  • Lập kế hoạch cho bản thân.

V. Các biện pháp điều trị bệnh trầm cảm

Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh trầm cảm từ các triệu chứng, dấu hiệu và tiền sử bệnh trước đây. Đồng thời có thể sử dụng các thang điểm để đánh giá mức độ nặng của bệnh.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm tổng quát (xét nghiệm máu, chức năng gan, thận, đánh giá chức năng tuyến giáp,…), các xét nghiệm hình ảnh học khi cần thiết (CT, MRI) để phân biệt và loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng người bệnh đang gặp, cũng như chuẩn bị tốt cho quá trình điều trị.

Những phương pháp điều trị bệnh trầm cảm thường bao gồm thuốc, nói chuyện với một chuyên viên trị liệu hoặc bác sĩ tâm lý và phương pháp sốc điện.

1. Liệu pháp tâm lý giúp thoát khỏi trầm cảm

Các phương pháp tâm lý trị liệu sẽ dạy cho người bệnh những cách suy nghĩ và cư xử mới, thay đổi các thói quen để thoát khỏi trầm cảm. Liệu pháp này còn giúp bản thân người bệnh thấu hiểu và vượt qua những khó khăn trong các mối quan hệ hoặc những tình huống khiến mình bị trầm cảm hoặc làm cho bệnh bớt trầm trọng hơn.

Liệu pháp tâm lý có thể sử dụng trên những bệnh nhân trầm cảm mức độ nhẹ. Đối với các bệnh nhân trầm cảm mức độ trung bình và nặng, khuyến cáo hàng đầu vẫn nên sử dụng thuốc chống trầm cảm.

2. Liệu pháp choáng điện

Đối với bệnh trầm cảm nghiêm trọng, hoặc cần đáp ứng nhanh không thể chữa trị bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý. Bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp choáng điện. Tuy nhiên liệu pháp này có thể gây ra các tác dụng phụ như lú lẫn hoặc mất trí nhớ, thường là chỉ trong ngắn hạn.

Làm gì để hạn chế những diễn biến của trầm cảm?

VI. Biểu hiện trầm cảm ở mức độ nhẹ và nặng

Để xác nhận có mắc bệnh trầm cảm hay không, chúng ta phải có ít nhất một trong hai triệu chứng cốt lõi của bệnh trầm cảm là:

  • Không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây.

  • Tâm trạng buồn bã, có hoặc không kèm theo triệu chứng hay khóc.

Song song đó, bệnh nhân bị trầm cảm còn có những triệu chứng khác liên quan, bao gồm:

  • Rối loạn giấc ngủ

  • Khó khăn trong việc tập trung hoặc trong giải quyết các vấn đề đơn giản hàng ngày.

  • Thay đổi khẩu vị

  • Cảm giác thất vọng và tội lỗi về bản thân.

  • Mệt mỏi

  • Chuyển động chậm chạp, dễ bị kích động

  • Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự tử.

Dựa vào những triệu chứng này, người ta phân loại trầm cảm thành 3 loại, gồm: Trầm cảm nhẹ, trầm cảm vừa và trầm cảm nặng. Trong đó:

  • Trầm cảm nhẹ: gồm 1 triệu chứng chính và ít hơn 4 triệu chứng liên quan.

  • Trầm cảm vừa: gồm 2 triệu chứng chính và 4 triệu chứng liên quan.

  • Trầm cảm nặng: 2 triệu chứng chính và hầu hết (hoặc tất cả) các triệu chứng liên quan.

Trầm cảm có thể dẫn người bệnh đến ý định tự tử

VII. Test trầm cảm

Test trầm cảm là một phần trong quá trình chẩn đoán của bác sĩ, giúp xác định rõ tinh thần của người bệnh, từ đó có thể đưa ra đánh giá, kết luận chính xác hơn.

Có nhiều loại bảng câu hỏi thẩm định và thang đo khác nhau mà các bác sĩ có thể dùng để xác định sự xuất hiện cũng như mức độ nghiêm trọng do bệnh trầm cảm gây ra. Ví dụ như:

  • Đối với bảng thang đo mức độ Zung Self-Rating Depression Scale: Một hệ thống các câu nhận định tự đánh giá tình trạng bệnh trầm cảm bởi người bệnh với sự phân chia mức độ từ bình thường đến nghiêm trọng.

  • Bảng thang đo mức độ của trung tâm nghiên cứu dịch tễ học Center for Epidemiologic Studies: Thang đo mức độ này cho phép người bệnh tự mình đánh giá trạng thái tinh thần và thái độ của bản thân trong vòng bảy ngày qua.

  • Bảng tự đánh giá hiện trạng bệnh trầm cảm Hamilton (HRSD): Bảng test trầm cảm này là một hệ thống câu hỏi giúp bác sĩ đánh giá được mức độ tác động của bệnh đối với người bệnh.

VIII. Trầm cảm ở tuổi dậy thì

1. Trầm cảm ở tuổi dậy thì là bệnh gì?

Trầm cảm ở tuổi dậy thì là một dạng rối loạn cảm xúc xảy ra ở trẻ từ 10 - 17 tuổi. Biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ bị trầm cảm là cảm giác buồn chán, tiêu cực kéo dài, dần mất đi các hứng thú đối với những hoạt động bên ngoài, kể cả các trò chơi, lĩnh vực đã từng yêu thích.

Dậy thì là giai đoạn “nổi loạn” vì trẻ đã bắt đầu nhận thức được “cái tôi” và luôn muốn khẳng định cá tính, suy nghĩ của bản thân. Do đó, biểu hiện trầm cảm trong giai đoạn này sẽ tương đối phức tạp và điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu không có sự nâng đỡ từ gia đình, trầm cảm trong giai đoạn dậy thì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy và khiến trẻ bước vào tuổi trưởng thành với sự méo mó về nhân cách.

Trầm cảm ở tuổi dậy thì là một dạng rối loạn cảm xúc xảy ra ở trẻ từ 10 - 17 tuổi

2. Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì

Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Do áp lực học tập.

  • Thiếu sự đồng cảm, quan tâm từ bố mẹ.

  • Do sự thay đổi đột ngột của hormone.

  • Do ảnh hưởng từ gia đình (gia đình xảy ra biến cố như mất người thân, bố mẹ ly hôn, bạo lực gia đình…).

  • Có lối sống suy nghĩ cực đoan.

  • Các yếu tố nguy cơ khác như: tổn thương thực thể não (chấn thương sọ não, viêm não, u não…), rối loạn nội sinh bên trong não bộ, di truyền từ người thân, trẻ có tính cách nhút nhát, tự ti, hay lo âu, sống khép kín, có tiền sử rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi…

3. Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở tuổi dậy thì

  • Trẻ có biểu cảm khuôn mặt buồn bã, u uất, lời nói và hành vi thể hiện rõ khí sắc trầm buồn.

  • Mất hứng thú đối với các hoạt động diễn ra xung quanh, ngay cả những sở thích từng yêu thích trước đây.

  • Muốn cô lập mình, không muốn tiếp xúc hoặc giao tiếp với ai.

  • Cảm thấy thất vọng và tự ti về bản thân.

  • Khó tập trung, hay quên.

  • Bi quan về tương lai.

  • Hay chống đối với bố mẹ, dễ cáu kỉnh.

  • Hay nhạy cảm với những lời phê bình.

  • Tự hại bản thân bằng các hành vi như tự đánh vào mặt, đập đầu vào tường, dùng dao rạch tay…

  • Lên kế hoạch tự tử hoặc cố gắng tự tử

  • Ít chú ý đến vệ sinh cá nhân hoặc ngoại hình

  • Thành tích học tập kém hoặc nghỉ học thường xuyên

  • Chậm chạp khi suy nghĩ, nói hoặc chuyển động cơ thể

  • Những cơn giận dữ bùng phát, hành vi gây rối hoặc mạo hiểm hoặc các hành vi bốc đồng khác.

IX. Trầm cảm sau sinh là gì?

1. Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression) là gì?

Là một rối loạn cảm xúc xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh nữ. Bệnh lý này điển hình bởi sự giảm khí sắc kéo dài trong khoảng 1 năm đầu tiên. Trầm cảm sau sinh còn có thể ảnh hưởng đến nam giới nhưng tỷ lệ ít gặp nên không được đề cập nhiều.

Theo số liệu thống kê, có khoảng 10 - 20% phụ nữ sau khi sinh mắc phải rối loạn trầm cảm. Trong đó có 15% trường hợp xảy ra trong 3 tháng sau khi sinh và 15 - 25% xảy ra trong năm đầu tiên.

Có khoảng 10 - 20% phụ nữ sau khi sinh mắc phải rối loạn trầm cảm

2. Các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh

a. Triệu chứng về cảm xúc:

  • Sợ hãi, lo lắng và luôn có cảm giác bản thân làm tổn thương đứa trẻ.

  • Sợ bị bỏ rơi, sợ ở một mình/ đi ra bên ngoài.

  • Cảm thấy trống rỗng, tuyệt vọng, chán nản.

  • Lo âu, lo lắng quá nhiều.

  • Có rất nhiều luồng suy nghĩ đan xen trong đầu nhưng đa phần đều mơ hồ, không rõ ràng.

  • Cơ thể mệt mỏi, kiệt sức và thiếu năng lượng.

  • Luôn cảm thấy bản thân xấu xí, kém hấp dẫn hay có cảm giác hối hận và tội lỗi.

b. Dấu hiệu về hành động:

  • Mất hoặc giảm sự yêu thích, hứng thú và quan tâm với mọi thứ xung quanh - kể với những thói quen, món ăn, hoạt động yêu thích trước đây.

  • Rối loạn giấc ngủ (ngủ ngày, thức đêm, ngủ quá nhiều, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng,…)

  • Không quan tâm, chăm sóc bản thân.

  • Ngại gặp gỡ, không muốn tiếp xúc với những người xung quanh.

  • Cảm giác kiệt sức, nhanh mệt mỏi sau khi làm việc và không muốn thực hiện bất cứ hoạt động nào

  • Ăn uống quá mức hoặc chán ăn.

c. Các biểu hiện về suy nghĩ:

  • Có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát.

  • Có ý nghĩ làm tổn thương đứa trẻ và người thân.

  • Khó khăn khi đưa ra quyết định, ngay cả với những việc đơn giản nhất

  • Nhầm lẫn, giảm trí nhớ.

  • Giảm sự tập trung, chú ý khi làm việc nhà, chăm sóc con cái, học tập và làm việc.

Các triệu chứng khác: vã mồ hôi, hồi hộp, đau đầu, giảm hứng thú tình dục, thậm chí cảm thấy khó chịu khi bạn đời ôm ấp, gần gũi.

Dấu hiệu của trầm cảm sau sinh là gì?

3. Nguyên nhân gây trầm cảm sau khi sinh

- Hormone thay đổi đột ngột

- Mất ngủ/ thiếu ngủ

- Di truyền

- Sang chấn tâm lý

- Những yếu tố nguy cơ:

  • Gần ngày sinh phải đối mặt với những biến cố như mất việc làm, gia đình phá sản, mất người thân, bạo hành gia đình,…

  • Có tiền sử rối loạn lưỡng cực, đặc biệt type 2 (thể bệnh đặc trưng bởi giai đoạn trầm cảm nhiều hơn hưng cảm)

  • Tiền sử trầm cảm trước đó

  • Tiền sử rối loạn lo âu

  • Tiền sử lạm dụng ma túy và nghiện rượu.

4. Các biến chứng của trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh không được điều trị và kiểm soát có thể dẫn đến hàng loạt các biến chứng nặng nề như:

  • Chất lượng cuộc sống của người mẹ suy giảm.

  • Gây mất sữa, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa, tim mạch

  • Không quan tâm đến con cái hoặc thậm chí là hành hạ, bỏ mặc, có suy nghĩ hoặc hành vi sát hại con.

  • Một số trường hợp còn có những hành vi mất kiểm soát, xúc phạm đến những người xung quanh.

  • Trẻ nhỏ có mẹ mắc chứng trầm cảm cũng phải đối với những ảnh hưởng nặng nề như chỉ số IQ thấp, kỹ năng học hỏi giảm, gặp khó khăn trong quá trình học tập, cảm xúc - hành vi bất thường, khó khăn trong các mối quan hệ xã hội, có nguy cơ mắc chứng tự kỷ, lòng tự tin thấp, thụ động, dễ lo âu và sợ hãi.

X. Thuốc chống trầm cảm

Người dân không nên tự ý sử dụng thuốc chống trầm cảm mà cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Một số thuốc chống trầm cảm được kê đơn hiện nay như:

  • Các chất ức chế serotonin có chọn lọc (SSRI): Một số thuốc phổ biến như escitalopram, paroxetine, sertraline, fluoxetine và citalopram, fluvoxamine.

  • Thuốc thuộc nhóm SSRI - thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine: venlafaxine, duloxetine.

  • Ngoài ra, một số thuốc khác cũng được sử dụng trong điều trị trầm cảm như: thuốc chống trầm cảm 3 vòng, mirtazapine, trazodone, bupropion,…

Một số thuốc chống trầm cảm phổ biến hiện nay

Một số tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm:

  • Đau đầu, choáng váng, buồn nôn, nôn.

  • Tác dụng phụ tình dục: rối loạn cương, giảm hứng thú, xuất tinh sớm,…

  • Các tác dụng phụ trên tim mạch: rối loạn nhịp,…

  • Tăng cân, chán ăn hoặc ăn nhiều.

  • Kích động hoặc bồn chồn, lo lắng.

  • Tiêu chảy, táo bón, khô miệng.

  • Đổ mồ hôi, run.

  • Khó ngủ và căng thẳng, mệt mỏi.

Các loại thuốc điều trị trầm cảm cần phải được sử dụng trong thời gian dài. Sau khoảng 2 - 3 tuần, thuốc bắt đầu phát huy tác dụng nhưng cần sử dụng lâu dài để ổn định tâm trạng và tránh tình trạng tái phát.

XI. Cách chữa trầm cảm

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người ta còn sử dụng 2 liệu pháp để chữa trầm cảm, bao gồm: liệu pháp tâm lý và liệu pháp sốc điện (ECT).

1. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý thường được thực hiện song song với điều trị bằng thuốc. Tâm lý trị liệu mang đến những cải thiện tích cực đối với bệnh nhân bị trầm cảm và mắc các bệnh tâm thần khác như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…

Tùy theo tình trạng sức khỏe của từng trường hợp, chuyên gia có thể áp dụng các liệu pháp tâm lý như sau:

  • Liệu pháp hành vi

  • Liệu pháp nhận thức

  • strLiệu pháp phân tâm

Các liệu pháp này tác động từ từ đến cảm xúc, tư duy và nhân cách của người bệnh. Dần dần, người bệnh sẽ có phản ứng và hành vi đúng đắn, giảm thiểu tối đa các cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực. Trong quá trình trị liệu, cần có sự hỗ trợ của người thân và bạn bè để giúp người bệnh dễ dàng khôi phục lối sống khoa học và lấy lại sự lạc quan, yêu đời.

Liệu pháp sốc điện ECT là gì?

2. Liệu pháp sốc điện (ECT) và một số phương pháp kích thích não

Liệu pháp sốc điện sử dụng dòng điện đi qua não bộ nhằm tạo ra các cơn co giật nhỏ nhằm thay đổi hoạt động của não bộ và kích thích sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamin, norepinephrine,… ECT được cân nhắc cho những trường hợp kháng thuốc và trầm cảm nặng gây ra hành vi, ý nghĩ tự sát.

Ngoài liệu pháp sốc điện (ECT), bệnh nhân trầm cảm còn cân nhắc điều trị bằng một số liệu pháp khác như: kích thích Transcranial (kích thích từ xuyên sọ), kích thích dây thần kinh phế vị.

XII. Cách nói chuyện người trầm cảm

Chúng ta có thể sử dụng 3 câu nói truyền cảm hứng sau để giúp người trầm cảm được xoa dịu tinh thần, đó là:

“Bạn không hề cô đơn và tôi luôn ở đây với bạn!”

Những người bị trầm cảm đôi khi không cần đến những lời khuyên về bệnh tật. Do đó, tốt nhất chúng ta nên đồng cảm với họ và giúp họ cảm thấy được chia sẻ, lắng nghe và quan tâm.

Truyền cảm hứng sau để giúp người trầm cảm được xoa dịu tinh thần

“Bạn là một phần quan trọng đối với tôi”.

Câu nói này sẽ giúp cho người bệnh cảm thấy được tầm quan trọng của họ và họ không hề là gánh nặng của mọi người.

“Hôm nay bạn đã làm tốt rồi!”

Lắm lúc, người trầm cảm chẳng còn muốn cố gắng và không tìm thấy lý do để làm điều đó. Vì vậy, chúng ta nên khích lệ tinh thần của họ bằng câu nói trên.

XIII. Làm gì để hạn chế những diễn biến của trầm cảm

  • Giao tiếp với mọi người: Giao tiếp là một yếu tố rất quan trọng giúp người trầm cảm hòa nhập lại cuộc sống, quên đi những chuyện không vui. Nếu người bệnh không biết đi đâu, hãy khuyến khích họ đến chùa, nhà thờ hoặc tham gia các hoạt động thiện nguyện của cộng đồng để gặp gỡ nhiều người.

  • Tự khuyến khích bản thân.

  • Ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng: cần bổ sung các chất như: Omega 3, magie, các vitamin nhóm B...

Ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng

  • Làm những công việc khiến bản thân hào hứng, thích thú: Bởi khi có nhiều thời gian trống, người trầm cảm càng dễ chìm vào buồn chán, tuyệt vọng hơn.

  • Ngủ đủ giấc: Người trầm cảm nên cố gắng ngủ vì ngủ sẽ giúp tinh thần tỉnh táo, bớt căng thẳng. Giấc ngủ cũng giúp người bệnh có đủ sức khỏe để chống lại bệnh.

  • Chơi với thú cưng: Các nghiên cứu đã chỉ ra chơi với mèo, chó nuôi có thể giúp tinh thần thoải mái hơn. Thú nuôi thường là những con vật thông minh. Những động tác đùa nghịch của chúng có thể làm cho người trầm cảm với đi cảm giác buồn chán, tuyệt vọng.

  • Tiếp xúc với ánh sáng: Ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng đèn điện kích thích não tỉnh táo, chống buồn ngủ. Đối với những người trầm cảm, ánh sáng còn đem đến những lợi ích bất ngờ. Khi cảm thấy u ám, tuyệt vọng hãy cố gắng đưa người thân đến những nơi có nhiều bóng đèn, hoặc thường xuyên ra ngoài vào ban ngày. Việc làm này sẽ giúp họ tỉnh táo và thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực.

Trầm cảm - Căn bệnh thời đại 4.0 đáng báo động:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X