TOP các loại thực phẩm cần tránh nếu bạn bị viêm khớp
Viêm khớp nên ăn gì và kiêng gì? Quan niệm dân gian “ăn gì bổ nấy” trong viêm khớp nói riêng có còn đúng? Câu trả lời sẽ được giải đáp bởi ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng đơn vị Chuyển hoá Cơ Xương Khớp, Trung tâm nghiên cứu Y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
1. Viêm khớp mạn nên ăn rau, củ, quả, hải sản và các loại hạt
Người bị đau khớp do viêm khớp nên ăn gì và kiêng gì? Kiêng là cự tuyệt hoàn toàn, hay có thể du di chút ít ạ?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Vấn đề chính trong bệnh lý khớp viêm là tình trạng viêm, đây là tình trạng đáp ứng của hệ miễn dịch, liên quan chặt chẽ với các chất chuyển hóa trong cơ thể. Trong đó, quá trình chuyển hóa sẽ phụ thuộc vào nguồn thực phẩm đưa từ bên ngoài vào cơ thể.
Do đó dinh dưỡng không phải nguyên nhân nhưng đóng vai trò làm tăng hoặc giảm tình trạng viêm. Hàng loạt các nghiên cứu cho thấy, có một số loại thức ăn đặc biệt giúp làm giảm tình trạng viêm, ngược lại một số nhóm thực phẩm làm kích hoạt phản ứng viêm nhiều hơn.
- Cụ thể hơn nhờ BS liệt kê các loại thức ăn nên ăn và nên kiêng, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Thứ nhất, nhóm thức ăn nên ăn đứng đầu là nhóm cá và hải sản, do trong cá và hải sản có chất omega-3 với tính kháng viêm rất tốt, tuy nhiên bệnh nhân bị viêm khớp sợ ăn cá, đồ biển, hải sản sẽ gây dị ứng và có thể gây đau. Sự thật được chứng minh ngược lại, chính cá và hải sản với đặc điểm có tính chất chống kháng viêm mang lại yếu tố bảo vệ tốt.
Bên cạnh hải sản, rau, củ, quả cũng là nhóm thức ăn tốt cho bệnh nhân viêm khớp, đặc biệt là các loại rau màu xanh đậm chứa nhiều chất polyphenol và Antitoxin là các chất kháng viêm tự nhiên, khi nạp vào cơ thể sẽ làm giảm tình trạng viêm.
Các loại hạt như hạt điều, hạt hạnh nhân, hạt óc chó, hạt maca, một số loại ngũ cốc như hạt Quinoa, hạt chia, dầu oliu… tương tự hải sản, các loại hạt này chứa rất nhiều omega-3 và thành phần sợi rất tốt cho hệ miễn dịch trong đường ruột và các chất chống viêm tự nhiên, đồng thời bảo vệ màng tế bào, nội mạc mạch máu, do đó đây là nguồn thức ăn không thể thiếu trong danh mục của bệnh nhân viêm khớp.
Thứ hai, nhóm thực phẩm tăng tình trạng viêm, các loại thực phẩm này khi nạp vào cơ thể sẽ làm chuyển hóa thành các gốc tự do, từ đó kích ứng phản ứng viêm và làm tình trạng viêm, đau của bệnh nhân gia tăng. Đầu tiên là đường, đây là loại đường glucose có mức chuyển hóa nhanh gây hại cho bệnh nhân viêm khớp, còn loại đường có trong trái cây tự nhiên là fructose, chuyển hóa lâu dài tốt cho sức khỏe.
Các loại đường trong xôi, chè, bánh kẹo… là các thực phẩm cần hạn chế. Tại Việt Nam thường dùng từ “kiêng ăn”, định nghĩa này khá rộng bao gồm việc hạn chế ăn càng nhiều càng tốt, thậm chí có thể bỏ hẳn, tuy nhiên còn phụ thuộc vào khả năng và ý chí của người bệnh.
Ngoài đường, bệnh nhân nên hạn chế chất béo. Trong đó, chất béo được phân thành 3 loại:
1. Chất béo không bão hòa là omega-3 và các loại thực vật, hải sản, có tính chất kháng viêm, bảo vệ.
2. Chất béo bão hòa, gây hại rất nhiều đến sức khỏe người bệnh, kích hoạt phản ứng viêm. Chất béo bão hòa có nhiều ngay trong thịt đỏ: thịt bò, thịt vịt, thịt heo… và ảnh hưởng nhiều hơn do lượng chất béo này cao hơn khi sử dụng mỡ bò, mỡ heo, da gà, da vịt.
3. Chất béo chế biến (trans fat) gây hại sức khỏe không kém so với chất béo bão hòa. Chất béo chế biến được hydroxy hóa từ thực vật (dầu công nghiệp), các chất này tương tự các chất béo bão hòa gây hàng loạt các phản ứng không tốt trong cơ thể, bên cạnh kích hoạt phản ứng viêm mạn tính, còn góp phần rất nhiều vào việc làm xơ vữa mạch máu, gây ra các phản ứng viêm nguy hiểm.
Chất béo chế biến có trong các thực phẩm chế biến công nghiệp, thực phẩm fastfood, margarine, trong một số chất khác. Theo đó, các loại thức ăn như gà rán, hamburger, pizza, snack, khoai tây chiên… đều có trans fat với nồng độ cao. Do đó để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là các bệnh nhân cơ xương khớp cần kiêng các loại thực phẩm này.
Cuối cùng là rượu bia, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các chất không tốt cho tình trạng viêm mạn tính.
2. Gạch tôm, cua giàu cholesterol gây hại cơ xương khớp và tim mạch
Vì sao người bệnh viêm khớp nên kiêng gạch cua, gạch tôm mà không kiêng thịt tôm, cua, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Đối với thịt tôm, cua và gạch tôm, cua đều rất giàu omega-3, là thành phần chất béo không bão hòa tốt cho sức khỏe, chống tình trạng viêm. Tuy nhiên, khi ăn gạch cua sẽ thấy rất béo, lý do vì trong gạch tôm, cua còn giàu chất cholesterol, chất này không tốt cho sức khỏe chung đặc biệt là bệnh lý tim mạch và bệnh nhân cơ xương khớp vì làm kích hoạt tình trạng viêm.
Bên cạnh đó, cholesterol tạo ra nhiều calo, nếu ăn quá nhiều gạch tôm, cua sẽ góp phần làm tăng cân, khi bệnh nhân có nguy cơ béo phì thì không nên dùng gạch tôm, cua. Ngược lại, nếu không nằm trong nhóm nguy cơ và cơ thể đang trong tình trạng suy kiệt, gạch tôm, cua được phép sử dụng cùng các chất tốt khác như rau, củ, quả.
3. Viêm khớp mạn tính nên kiêng tuyệt đối các thực phẩm fastfood
Pizza, hamburger cũng là những món ăn được nhiều người ưa thích và đôi khi vì nó tiện lợi nữa. Nhưng vì sao người bệnh viêm khớp cũng cần kiêng pizza và hamburger ạ?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Trong tất cả các thực phẩm fastfood chế biến có rất nhiều trans fat, loại chất béo chế biến này có thể gây hại cao hơn các thực phẩm chất béo bão hòa, vì vậy những bệnh nhân viêm khớp mạn tính nên tránh xa các loại thực phẩm này và nên kiêng tuyệt đối.
4. Gan là thực phẩm nguy hiểm hơn thịt đỏ đối với bệnh nhân viêm khớp mạn tính
Thưa BS, người ta nói ăn gan khỏe khớp, thực hư thông tin này như thế nào ạ?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: “Ăn gì bổ nấy” là quan niệm dân gian khá phổ biến, tuy nhiên các chất có trong nội tạng được xếp hàng đầu về chất béo bão hòa. Ngoài ra, nội tạng còn chứa nhiều purin, sau quá trình chuyển hóa sẽ trở thành axit uric, đây là thủ phạm gây bệnh gout và tác dụng phổ biến ở nam trung niên.
Sau này, khoa học đã mở rộng nghiên cứu và chứng minh quan niệm “ăn gì bổ nấy” là không đúng. Thực phẩm khi ăn vào đường tiêu hoá sẽ được phân hủy, chất béo được phân hủy theo đường của chất béo, protein được phân huỷ thành axit amin vào cơ thể, đi theo quá trình chuyển hoá của cơ thể đến nhiều cơ quan khác.
Riêng về gan, đây là loại nội tạng được xếp vào nhóm nguy hiểm hơn thịt đỏ, vì vậy những bệnh nhân có tình trạng viêm mạn tính nên tránh các nội tạng như thịt đỏ.
Với quan niệm “ăn gì bổ nấy” của dân gian xưa có các lưu truyền như ăn gân bổ gân, trong gân chứa nhiều collagen nhưng khi vào đường ruột sẽ được phân hủy theo đường chuyển hóa, không chỉ đi vào đúng gân của con người.
Khi ăn uống, cần dung hòa các nhóm thực phẩm, có rau, củ, quả, hạt, đạm động vật, cá, hải sản… Ngay trong thực phẩm rau, củ, quả cũng có các quan niệm theo ông bà xưa. Ví dụ như ăn đậu bắp sẽ tránh tình trạng đau khớp gối, bác sĩ khẳng định lại đây là quan niệm không chính xác. Tuy nhiên, đậu bắp là thành phần rau có rất nhiều sợi fibrin, vitamin, chất khoáng, polyphenol, do đó đậu bắp là một trong các thực phẩm nằm trong nhóm rau quả cần ăn nhưng phải đa dạng thực phẩm.
Ngược lại, một quan niệm khác là ăn khổ qua, cà tím sẽ làm tình trạng đau khớp nhiều hơn, đây là điều không chính xác vì chúng nằm trong nhóm thực phẩm rau, củ, quả vẫn được cho là tốt đối với tình trạng sức khỏe chung và các bệnh nhân cơ xương khớp.
5. Có phải đau khớp là phải kiêng ăn kim chi, cải chua… không?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Kim chi là một loại thực phẩm lên men của rau củ quả rất nổi tiếng của Hàn Quốc, ngoài ra một sản phẩm lên men nổi tiếng của Nhật Bản là natto, đây là thực phẩm truyền thống của Nhật giúp người dân tại quốc gia này có sức khỏe dẻo dai và sống thọ nhất thế giới. Qua đó cho thấy một loại thực phẩm được công nhận từ dân gian đến khoa học và lâu đời sẽ rất tốt cho sức khỏe.
Các món ăn từ rau, củ, quả, hạt, các loại thực phẩm lên men… đều chứa nguồn vi sinh vật dồi dào, khi đi vào cơ thể sẽ làm tăng hệ vi sinh trong đường ruột (microbiome), đóng vai trò cực kỳ quan trọng để duy trì hệ miễn dịch trong cơ thể, từ đường ruột vào hệ miễn dịch và điều hòa lên não, đây là hệ thống bảo vệ sức khỏe rất tốt. Khi ăn các loại thực phẩm, sản phẩm lên men sẽ giúp củng cố hệ miễn dịch, làm việc tốt, hiệu quả, chống lại tình trạng viêm, bệnh tật.
Do đó, các thực phẩm lên men không có hại. Đặc biệt lưu ý các thực phẩm lên men không giống thực phẩm chua ôi chứa các vi khuẩn có hại, nếu ăn phải sẽ gây hại cho cơ thể.
6. Ăn khổ qua có làm bệnh đau khớp gối tái phát?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Bản chất của khổ qua là một loại thực vật, được xếp vào nhóm rau củ. Theo đó, nhóm rau củ chứa nhiều fibrin và chất polyphenol, do đó khi vào trong cơ thể, polyphenol có tính antitoxin chống tình trạng ức chế gốc tự do trong cơ thể.
Fibrin là probiotic trong đường tiêu hóa nuôi dưỡng hệ vi sinh trong đường ruột, được hệ vi sinh chuyển hóa một phần thành các gốc axit béo chuỗi ngắn có tính kháng viêm mạnh. Giống các loại rau củ khác với thành phần fibrin dồi dào, khổ qua không có hại đối với bệnh nhân cơ xương khớp.
>>> Phần 1: Viêm khớp gây khó khăn khi vận động, mất khả năng lao động
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình