Hotline 24/7
08983-08983

TOP 8 điều cần biết về khám tiền sản, khám tiền thai

Khám tiền sản hay khám tiền thai đều là những vấn đề cần được quan tâm đối với các cặp đôi đang có kế hoạch mang thai và đã mang thai, nhằm chào đón một em bé khỏe mạnh. Dưới đây là những thông tin cần biết được BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương - Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ.

1. Khám tiền sản, khám tiền thai là gì?

Khám tiền sản và khám tiền thai có vẻ giống nhau, vậy làm sao để phân biệt, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Theo xu hướng hiện tại, sức khỏe ngày càng được quan tâm, trong đó, có sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe tiền sinh sản,… Trước khi kết hôn, các cặp đôi thường đi khám sức khỏe, đó gọi là khám tiền hôn nhân, còn khám tiền sản là một khái niệm rộng hơn và được chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, được thực hiện trước khi mang thai, tính từ thời điểm quyết định có thai đến khi mang thai. Giai đoạn 2 tính từ thời gian bắt đầu mang thai đến trước sinh.

Việc khám trước khi mang thai cần thực hiện cho cả nam và nữ để chuẩn bị cho việc mang thai và chào đón một em bé khỏe mạnh.

2. Phụ nữ có ý định mang thai nên đi khám trước khi có thai

Có phải phụ nữ có ý định sinh con đều phải khám tiền sản, khám tiền thai hay không? Nên khám vào thời điểm nào là hợp lý ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Tất cả phụ nữ có ý định mang thai, nên đi khám trước khi có thai. Thời điểm khám phù hợp là từ 3 - 6 tháng trước khi có ý định mang thai để đánh giá sức khỏe của bản thân và người chồng hoặc ban trai. Đồng thời, kịp thời phát hiện các bệnh lý cần xử trí và tiêm ngừa trước mang thai.

3. Cả ba và mẹ đều cần khám tiền sản, khám tiền thai

Khám tiền sản, khám tiền thai có nhất thiết cần chồng hoặc bạn trai đi cùng không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Khám tiền sản, khám tiền thai cần thực hiện cho cả người ba và người mẹ trong tương lai. Một em bé được sinh ra là sản phẩm của hai người, vì vậy, rất vô lý khi chỉ có một mình người phụ nữ đi khám. Điều đó cho thấy nửa còn lại không quan tâm đến việc đi khám trước khi mang thai.

4. Khám tiền sản, khám tiền thai gồm những gì?

Vậy cụ thể khám tiền sản, khám tiền thai, các cặp đôi sẽ được khám những gì, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Khám tiền sản, khám tiền thai bao gồm khám sức khỏe chung, được thực hiện cho cả phụ nữ và người chồng hoặc bạn trai.

Đầu tiên sẽ khám các bệnh lý chung về nội khoa, đánh giá sức khỏe định kỳ như đo cân nặng, chiều cao, chụp X-quang phổi, đo điện tâm đồ, siêu âm bụng và các xét nghiệm thường quy nhằm đánh giá chức năng gan thận và các bệnh lý nội khoa chung.

Những vấn đề cần thực hiện trên nhằm khẳng định cả hai người có sức khỏe bình thường, sàng lọc các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim.

Sau đó, người phụ nữ được khám phụ khoa, các bệnh lý của cơ quan sinh dục, viêm nhiễm, các bất thường của tử cung hoặc buồng trứng nếu có. Kiểm tra u xơ tử cung, u nang buồng trứng, hay các dấu hiệu ung thư phụ khoa như: Ung thư cổ tử cung, ung thư vú,…

Đối với người chồng hoặc bạn trai sẽ được khám và đánh giá chất lượng tinh trùng. Cả 2 được bác sĩ quan tâm đến tiền sử gia đình như người thân có bệnh lý về tiểu đường, cao huyết áp hoặc tiền sử có bất thường về di truyền, đặc biệt về bất thường của những lần mang thai trước hoặc các bé sinh trước đó.

Điều quan trọng là trong thời gian khám tiền thai, các cặp đôi sẽ được làm xét nghiệm sàng lọc bệnh lý có thể ảnh hưởng đến thai hoặc lây qua đường tình dục cho đối tác như HIV; các bệnh lý có thể phát hiện và chích ngừa trước như rubella.

Bên cạnh đó, nếu chưa chích đủ các loại vaccine, sẽ được chỉ định chích vaccine trước mang thai, hạn chế các bệnh lý gây ảnh hưởng thai nhi khi người mẹ chưa chích đủ vaccine.

5. Bị viêm nhiễm phụ khoa có nên khám tiền thai?

Phụ nữ bị viêm nhiễm phụ khoa có cần chữa hết viêm nhiễm rồi mới đi khám tiền thai hay không?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Đối với phụ nữ đang nghi ngờ mắc bệnh lý phụ khoa, nên điều trị ngay, bởi vì việc điều trị bệnh lý phụ khoa là một phần trong khám tiền sản. Khi điều trị những bệnh lý lây lan qua đường tình dục, bệnh lý viêm nhiễm liên quan đến sinh dục nữ sẽ giúp giảm thiểu những ảnh hưởng liên quan tới thai kỳ.

Ví dụ, những bệnh lý viêm nhiễm đường sinh dục nếu không được điều trị, khi mang thai có thể dẫn đến sảy thai, sinh non, ối vỡ non,… Đồng thời, những bệnh lý lây lan qua đường tình dục có thể làm ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan hỗ trợ sinh sản, ảnh hưởng ống dẫn trứng gây mang thai ngoài tử cung hoặc sảy thai.

Do đó, việc điều trị cần thực hiện ngay, phát hiện bệnh sớm để điều trị hiệu quả. Vì vậy, không nên lo lắng vấn đề đang có bệnh lý thì không đi khám tiền thai.

6. Hay đau bụng kinh được kiểm tra gì khi khám tiền thai?

Thưa BS, phụ nữ hay đau bụng kinh, khi khám tiền thai sẽ được kiểm tra những gì?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Đối với phụ nữ thường xuyên đau bụng kinh, khi đi khám tiền thai sẽ được khám phụ khoa, đánh giá viêm nhiễm cơ quan sinh dục, siêu âm kiểm tra u buồng trứng, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, tử cung hoặc các vị trí khác. Từ đó đưa ra hướng điều trị, giảm bớt vấn đề đau bụng kinh và cải thiện khả năng có con của mình.

7. Cung cấp thông tin khi khám tiền thai nếu từng bị sảy thai, thai lưu

Trường hợp đã từng bị thai lưu, sảy thai thì chị em cần chuẩn bị mang thai lần tiếp theo như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Đối với các chị em từng có tiền sử thai lưu hoặc sảy thai, khi chuẩn bị mang thai lần kế tiếp, nên đến gặp bác sĩ để thăm khám. Đặc biệt, nên lưu lại giấy tờ của những lần mang thai trước để bác sĩ có thêm thông tin, dự trù nguyên nhân thai lưu, thời điểm xảy ra thai lưu hoặc sảy thai, số lần sảy thai,… Từ đó, có những phương án làm xét nghiệm hoặc dùng thuốc hỗ trợ dưỡng thai cho lần mang thai này.

8. Khám thai tiền sản nên thực hiện ở thời điểm nào?

Khám thai tiền sản là khám vào thời điểm nào của thai kỳ, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Khám thai tiền sản là giai đoạn từ lúc mang thai đến khi sinh, thường gọi là “tam cá nguyệt”. Giai đoạn này các mẹ cần nhớ 3 giai đoạn bao gồm: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ.

3 tháng đầu, phụ nữ được khám để xác định mang thai, vị trí thai nằm trong hay ngoài tử cung? Có tim thai hay chưa? Thời gian từ 11 - 13 tuần, các mẹ sẽ được lấy máu để làm xét nghiệm nguy cơ bất thường của thai nhi, siêu âm đo độ mờ da gáy để xác định bất thường của con trong tương lai.

3 tháng giữa có một số mốc thời gian quan trọng như siêu âm hình thái thai nhi lần 2, trong khoảng thai từ 18 - 22 tuần để khảo sát chi tiết các cơ quan quan trọng của thai gồm não, tim, thận,… nhằm tầm soát bất thường và xác định được 80 - 90% tình trạng ổn định hoặc bất thường về mặt cơ thể học của thai nhi.

Tuần thứ 24 - 28, mẹ được xét nghiệm tầm soát tiểu đường trong thời gian thai kỳ. Sau đó, lịch khám thai định kỳ thăng lên, đặc biệt trong “tam cá nguyệt” thứ 3. Điều này giúp theo dõi sát quá trình tăng trưởng của thai nhi trên siêu âm, kiểm tra kích thước phát triển nằm trong giới hạn bình thường, thai quá nhỏ hoặc quá to; nước ối bình thường hay quá nhiều?

Đồng thời đo nhịp tim thai từ tuần 32 trở đi, hướng dẫn cách đếm cử động thai cho mẹ, các dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay hoặc tái khám. Nhận biết các dấu hiệu báo hiệu chuyển dạ, đặc biệt là thời điểm cuối thai kỳ, sau tuần 37, mẹ được khám và làm xét nghiệm để chuẩn bị cho cuộc sinh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X