Tips hay chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, tránh tái phát
Trào ngược dạ dày thực quản trên trẻ em gây những vấn đề nghiêm trọng như viêm phổi do hít sặc, ảnh hưởng đến sự phát triển và cuộc sống. Để giải đáp những thắc mắc về bệnh này, ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm - Trưởng Khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
1. Trẻ nhỏ thường mắc trào ngược dạ dày thực quản do do cơ vòng và dạ dày chưa siết chặt
Trào ngược dạ dày thực quản là gì? Trẻ nhỏ có thường gặp hay không, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Ở người lớn hay gặp trào ngược dạ dày thực quản, có thể do stress, tâm lý hoặc do bệnh lý thực thể nào của dạ dày. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ bệnh này cũng không hiếm gặp.
Trào ngược dạ dày ở trẻ lớn có thể do stress chuyện học hành, thi cử. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ hơn từ 2 tháng tuổi đến 5-6 tuổi, trào ngược dạ dày xuất hiện nhiều nhất do cấu tạo dạ dày thường nằm ngang so với lứa tuổi của bé. Thứ hai là do cơ vòng ở thực quản và dạ dày của bé chưa siết chặt. Những thức ăn như sữa hay bột dạng lỏng có thể dễ dàng trào lên thực quản, gây tổn thương thực quản, thậm chí tổn thương thanh quản, dẫn đến bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ.
2. Trào ngược dạ dày có thể khiến trẻ dễ lên cơn hen hơn
Trào ngược dạ dày ở trẻ có nguy hiểm hay không? Những biến chứng nào có thể xảy ra khi mắc bệnh ạ?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Đối với trẻ từ 2 tháng tuổi đến 2 tuổi trở lên, phản xạ nuốt và phản xạ thở rất kém. Thức ăn trào ngược lên thực quản có thể tràn qua đường thở của trẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến đường hô hấp, như viêm phổi hít sặc từ axit dạ dày trào lên thực quản hoặc qua đường thở.
Viêm phổi do hít sặc là tình trạng viêm phổi rất nặng ở trẻ có bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Theo nghiên cứu cho thấy nếu trẻ bị hen, trào ngược dạ dày khiến trẻ dễ lên cơn hen hơn.
Trẻ mắc trào ngược dạ dày thực quản có thể ảnh hưởng sinh hoạt, chất lượng cuộc sống cũng như sự phát triển về thể chất làm trẻ chậm lên cân, dễ quấy khóc, ảnh hưởng đến sinh hoạt của phụ huynh. Trẻ có thể gặp hội chứng mòn chân răng khi mắc bệnh này. Vì dịch dạ dày trào lên vùng họng, axit dạ dày sẽ làm mòn chân răng của trẻ. Đó là những biến chứng thường gặp ở trẻ trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ dưới 2 tuổi.
3. Trào ngược dạ dày thực quản khiến trẻ ợ, nôn ói liên tục
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản là gì, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Đối với trẻ trong tháng rất khó nhận biết bệnh. Tuy nhiên, những trẻ có cơ địa trào ngược dạ dày thực quản, đỉnh điểm giúp phụ huynh nhận biết là từ 2-6 tháng tuổi.
Bệnh thể hiện bằng những triệu chứng như ợ, nôn ói liên tục, nôn ói thành giọt. Ví dụ, sau khi bú trẻ có hiện tượng nôn ói, ợ sữa. Nặng hơn trẻ có thể vặn vẹo, uốn éo, đỏ mặt, trẻ liên tục quấy khóc đêm, ói ra rồi háu bú lại. Đối với trẻ lớn hơn từ 3-4 tuổi, hiện tượng cũng lặp đi lặp lại. Khi ăn quá no, trẻ ói ra; hoặc chỉ cần ho vài tiếng đã ói.
4. Làm sao nhận diện trào ngược dạ dày hay bệnh lý tiêu hóa làm trẻ nôn ói liên tục?
Có cách nào để phân biệt trào ngược dạ dày thực quản và một số vấn đề khác dẫn đến trẻ nôn ói không, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Đối với nôn ói bình thường như bệnh lý về đường tiêu hóa, trong khoảng thời gian đó, trẻ ói kèm theo những triệu chứng của bệnh lý khác, bác sĩ có thể khám để phát hiện ra nguyên nhân.
Tuy nhiên, ói ở những bệnh lý khác như bệnh lý đường tiêu hóa thường kèm theo tiêu chảy, có những bệnh lý kèm theo sốt, thường kéo dài 5-7 ngày. Trong khi trào ngược dạ dày thực quản khiến trẻ ói thường xuyên và lặp đi lặp lại, đôi khi ảnh hưởng đến thể chất của trẻ.
5. Vì sao nên mua gối chống trào ngược cho trẻ?
Khi nào trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản cần đi khám và điều trị, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, đa số dựa vào triệu chứng lâm sàng mà ba mẹ cung cấp cho bác sĩ. Từ đó bác sĩ loại trừ bệnh lý thực thể, sau đó tiến hành chẩn đoán bệnh.
Ở những trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản có ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, ảnh hưởng lên đường thở như khò khè, viêm phổi do hít sặc, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ sẽ tiến hành điều trị.
Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản không khuyến cáo sử dụng thuốc chống ói. Vì thuốc này chỉ điều trị triệu chứng chứ không điều trị gốc bệnh. Ngoài ra, thuốc chống ói không tốt đối với trẻ dưới 2 tuổi.
Đối với những trẻ còn bú mẹ, nên tiếp tục cho bú mẹ hoàn toàn vì nguồn sữa mẹ rất dễ tiêu, trẻ dễ hấp thu.
Đối với trẻ cho bú sữa công thức, nên cho trẻ uống sữa đặc biệt dành riêng cho trẻ trào ngược dạ dày thực quản. Sữa này có thể sánh hơn, không dễ trào lên thực quản. Hoặc kết hợp chia nhỏ các cữ sữa ra cho trẻ bú nhiều lần. Sau khi bú trẻ sẽ được cho ợ, nằm ở tư thế đầu cao khoảng 35-40 độ. Lúc này dòng sữa sẽ hạn chế trào từ dạ dày lên thực quản.
Một số nghiên cứu cho thấy có thể cho trẻ nằm sấp, làm dòng trào ngược không trào vào trong đường thở. Nhược điểm của phương pháp này khiến trẻ ngưng thở, phụ huynh không quan sát được. Do vậy, bác sĩ khuyên bệnh nhân nên mua gối chống trào ngược. Gối để trẻ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, khi trẻ bú xong cho trẻ nằm lên gối sẽ hạn chế dòng sữa trào lên.
Trừ những trường hợp đặc biệt đã tổn thương đến phổi và những cơ quan khác, bác sĩ sẽ cho bé thuốc chống trào ngược.
6. Stress có thể ảnh hưởng đến dạ dày
Khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản nên bổ sung dinh dưỡng như thế nào ạ?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Nếu trẻ trong giai đoạn bú sữa mẹ, khuyến khích tiếp tục bú sữa mẹ hoàn toàn.
Nếu trẻ bú sữa công thức nên chia nhỏ nhiều lần, sử dụng sữa dành riêng cho trẻ trào ngược dạ dày thực quản. Có thể thêm một số chất vào sữa thông thường làm sữa sánh thêm, tránh trào ngược, ít gây tổn thương thực quản.
Đối với trẻ lớn hơn, ăn uống sinh hoạt cũng gần giống người lớn. Nên hạn chế thức ăn cay, nóng, thực phẩm khó tiêu, thực phẩm kích thích dạ dày như cà phê, trà dễ tạo nguồn trào ngược.
Nên chia nhỏ bữa ăn ra nhiều lần, điều này rất hiệu quả trong việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
Ở những trẻ lớn hơn, đã đi học, đi thi, người ta thấy rằng trong thời gian thi cử ôn bài trẻ xuất hiện tình trạng trào ngược, viêm họng. Nên khuyến khích trẻ có tinh thần thoải mái, thể dục thể thao, sinh hoạt điều độ để vượt qua kỳ thi dễ dàng, tránh stress gây ảnh hưởng đến dạ dày.
7. Những trẻ nào có nguy cơ tái phát trào ngược dạ dày thực quản?
Liệu rằng còn những nhóm nào khiến trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ dễ tái phát, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Điều này tùy thuộc vào cơ địa của trẻ. Nếu trẻ sinh non, hay trẻ có bệnh lý hen suyễn, dùng kháng sinh, kháng viêm lâu ngày cũng có khả năng khởi phát trào ngược dạ dày thực quản.
Đối với những trẻ lớn hơn, mắc bệnh có thể do thói quen sinh hoạt, ăn đồ cay nóng, sử dụng chất kịch thích như rượu bia. Trẻ vị thành niên hút thuốc hay áp lực thi cử cũng khởi phát trào ngược dạ dày thực quản. Lúc này, nếu trẻ thay đổi thói quen sinh hoạt, các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản sẽ lui đi. Nếu vẫn tiếp diễn, cần kiểm tra với các biện pháp sâu hơn như nội soi dạ dày để tìm các yếu tố thực thể.
Đối với trẻ nhỏ đang bú mẹ, nên cho trẻ ăn uống hợp lý và đợi trẻ lớn hơn, ăn được những thức ăn đặc hơn như cơm, bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ từ từ giảm xuống.
8. Làm gì để phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ?
Nên làm gì để phòng tránh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Nếu trẻ đang trong thời gian bú mẹ, ngoài yếu tố do trào ngược dạ dày thực quản, đa số còn do cơ địa của trẻ. Vì vậy, việc phòng tránh rất khó.
Bác sĩ khuyến khích nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ dễ tiêu, dễ hấp thu nên khó trào lên. Tỷ lệ trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản do bú sữa mẹ thấp hơn nhiều so với trẻ bú sữa công thức.
Đối với trẻ lớn hơn, cần thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn ngủ đủ giấc, tránh stress. Nếu trào ngược dạ dày thực quản xảy ra và kéo dài, tốt nhất nên đi khám để bác sĩ cho lời khuyên.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình