Hotline 24/7
08983-08983

Tiểu đường type 2 ngày càng gia tăng trên trẻ em, vì sao?

Đái tháo đường (tiểu đường) ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Trong bài viết, BS.CK1 Lê Thanh Bình - Phó trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố đưa ra lời khuyên về việc thay đổi lối sống để giảm nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 cũng như hạn chế nguy cơ biến chứng xảy ra sớm hơn ở các trẻ đã mắc đái tháo đường.

Yếu tố góp phần gây bệnh đái tháo đường

Xin hỏi BS, bệnh đái tháo đường là gì và phân loại như thế nào?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Đái tháo đường là tình trạng đường huyết trong máu tăng cao, đặc biệt là tăng lúc đang đói. Nguyên nhân gây nên đái tháo đường là chức năng của hormone insulin trong cơ thể bị khiếm khuyết, không phát huy được tác dụng, ngoài tăng đường huyết còn gây ra một số rối loạn khác như rối loạn chuyển hóa mỡ và đạm.

Về cơ bản, có 2 loại đái tháo đường: Đái tháo đường type 1, trước đây thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn và đái tháo đường type 2, hiện nay đang gia tăng số lượng trẻ em mắc phải.

Thừa cân, béo phì thúc đẩy đái tháo đường type 2

Lý do vì sao đái tháo đường type 2 gia tăng ở trẻ em, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Đái tháo đường type 1 và type 2 đều là nhóm bệnh có nhiều yếu tố góp phần tạo nên, nguyên nhân bên trong là bộ máy di truyền, tính gia đình và nguyên nhân từ môi trường (thức ăn, bệnh mắc phải trong quá trình sinh sống).

Một trong những yếu tố thúc đẩy đái tháo đường type 2 là tình trạng thừa cân, béo phì. Tình trạng thừa cân, béo phì tăng lên sẽ khiến insulin tác dụng kém đi (đề kháng insulin), từ đó dễ dàng khởi phát đái tháo đường type 2.

2 vấn đề liên quan đến nguy cơ đái tháo đường type 2

Nhóm trẻ nào có nguy cơ bị mắc đái tháo đường cao hơn, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Đái tháo đường type 1 không có sự khác biệt nhiều giữa các lứa tuổi. Đối với nhóm type 2, có 2 vấn đề. Vấn đề đầu tiên là trẻ thừa cân, béo phì có khuynh hướng dễ mắc đái tháo đường hơn, đặc biệt nếu trong gia đình đã có người mắc đái tháo đường type 2, nguy cơ càng cao hơn.

Vấn đề thứ 2 là lứa tuổi, trẻ trên 10 tuổi thường mắc đái tháo đường nhiều hơn nhóm dưới 10 tuổi.

Thừa cân, béo phì là nguyên nhân của nhiều bệnh lý

Xin hỏi BS, lối sống có phải yếu tố tác động dẫn đến tình trạng đái tháo đường ở trẻ em gia tăng không?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Từ trước đến nay vẫn có trường hợp đái tháo đường ở trẻ em, có thể không nhiều đến mức được nhìn nhận là căn bệnh thông thường ở trẻ. Riêng type 1 chủ yếu liên quan nhiều đến những vấn đề di truyền, tần suất bị bệnh trải đều ở mọi lứa tuổi.

Đái tháo đường type 2 ngoài yếu tố di truyền còn có một mặt do lối sống. Ngày nay, do dinh dưỡng nhiều đến mức dư thừa dẫn đến hậu quả thừa cân, béo phì. Về lâu dài, không chỉ tiểu đường mà các bệnh lý liên quan đến tim mạch cũng sẽ gia tăng.

Dấu hiệu cảnh báo đái tháo đường type 1 và type 2 trên trẻ em

Triệu chứng của đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type2 có khác nhau không, thưa BS? Các triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với bệnh lý nào khác?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Đái tháo đường type 1 thường dễ nhận ra hơn thông qua 4 nhóm triệu chứng: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều nhưng lại sụt cân nhiều. Triệu chứng của đái tháo đường type 2 kín đáo hơn, giai đoạn đầu có thể chưa có triệu chứng. Nếu có, triệu chứng cũng sẽ nhẹ nhàng hơn so với đái tháo đường type 1.

Để phát hiện bệnh sớm, đặc biệt đối với đái tháo đường type 2, có thể nhìn vào một số yếu tố nguy cơ. Một bạn nhỏ béo phì mức độ nặng BMI (chỉ số khối cơ thể) trên 30, có dấu gai đen trên cổ, nách, bẹn là dấu hiệu của sự đề kháng hoạt động của insulin. Những trẻ này có nguy cơ đái tháo đường cao hơn.

Di truyền là yếu tố quan trọng đối với đái tháo đường type 2

Nhờ BS giải thích rõ, có phải trẻ nào bị béo phì cũng có nguy cơ dẫn đến đái tháo đường không?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Câu trả lời là không phải. Bằng chứng là có nhiều trẻ béo phì mức độ nặng nhưng không khởi phát đái tháo đường. Những vấn đề nhắc đến phía trên là vấn đề bên ngoài: ít vận động, ăn thức ăn giàu năng lượng dẫn đến thừa cân, béo phì. Đây chỉ là yếu tố góp phần, bên cạnh đó còn có yếu tố di truyền.

Đối với đái tháo đường type 2, di truyền đóng một vai trò quan trọng. Trong gia đình có người thừa cân, béo phì và có cả đái tháo đường type 2 sẽ khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Xét nghiệm nước tiểu có đường không phải tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường

Khi trẻ đến khám, bác sĩ sẽ chỉ định những cận lâm sàng nào để xác định được trẻ có bị tiểu đường hay không?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Xét nghiệm dễ là nhất là xét nghiệm đường huyết lúc đói. Với người bình thường, đường huyết sẽ không tăng cao khi đói. Nếu đường huyết trên 126mg% là đã thuộc tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường.

Một số trường hợp có mức đường huyết không đủ tiêu chuẩn sẽ được làm một số xét nghiệm khác. HbA1c cao hơn ngưỡng bình thường cũng là một gợi ý của đái tháo đường. Xét nghiệm nước tiểu có đường chỉ là hậu quả của đường huyết cao trong máu, không phải là tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường.

Biến chứng cấp và biến chứng lâu dài của đái tháo đường

Đái tháo đường không được điều trị đúng hay không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nào cho trẻ, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Đái tháo đường type 1 và type 2 đều có 2 nhóm biến chứng: biến chứng cấp và biến chứng lâu dài. Biến chứng cấp thường gặp ở đái tháo đường type 1 hơn, như suy hô hấp, nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến tử vong do cơ thể bị axit hóa, toan hóa, làm bất hoạt những hoạt động của cơ thể.

Đái tháo đường type 2 sẽ đưa đến biến chứng hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu khi đường huyết quá cao.

Biến chứng lâu dài thường được quan tâm là tổn thương mạch máu. Khi đường huyết cao kéo dài, mạch máu trong toàn cơ thể bị tổn thương và thường bị tổn thương ở những cơ quan quan trọng. Tổn thương mạch máu não có thể gây đột quỵ, tổn thương mạch máu thận gây suy thận, tổn thương mạch máu ở tim dẫn đến tổn thương cơ tim, tổn thương mạch máu bàn chân dẫn đến bàn chân đái tháo đường,...

Thông thường, ở đái tháo đường type 1, biến chứng này xuất hiện sau khoảng 10 năm trở lên nhưng ở đái tháo đường type 2 thì xuất hiện sớm hơn. Do đó, cần phải tầm soát nhóm biến chứng mạch máu ở đái tháo đường type 2 ngay sau khi chẩn đoán bệnh.

Không đạt mục tiêu điều trị có thể dẫn đến biến chứng xuất hiện sớm

Trẻ còn nhỏ đã mắc đái tháo đường có khiến các biến chứng đến sớm và nặng nề hơn không?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Điều này còn tùy thuộc vào phân loại đái tháo đường. Như với đái tháo đường type 1, các biến chứng mãn thường là biến chứng mạch máu sẽ xuất hiện trễ hơn.

Đái tháo đường type 2 thường có yếu tố thừa cân, béo phì. Ngoài tổn thương mạch máu do đường huyết cao còn dễ rối loạn chuyển hóa chất béo trong cơ thể như mỡ máu cao chẳng hạn. Chính vì vậy cần phải tầm soát sớm.

Nếu điều trị không tốt hoặc không đạt được mục tiêu điều trị thì nguy cơ biến chứng vẫn có thể xuất hiện sớm.

Bệnh nhân đái tháo đường phải duy trì điều trị thuốc cả đời

Xin hỏi BS, đã có trường hợp nào trẻ mắc đái tháo đường có thể hoàn toàn khỏi bệnh khi lớn lên chưa? Hay trẻ sẽ phải sống suốt đời với căn bệnh này?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Căn bệnh này sẽ theo trẻ suốt đời. Cách điều trị của đái tháo đường type 1 là chích insulin. Đái tháo đường type 2 được điều trị bằng thuốc uống trước, nếu không hiệu quả sẽ phối hợp thêm thuốc chích.

Bệnh nhân đái tháo đường có sự thay đổi lối sống như giảm cân, tăng thời gian vận động sẽ giúp bệnh ổn định hơn, có thể không cần chích thuốc, giảm liều thuốc. Thông thường bệnh nhân phải duy trì lối sống lành mạnh và điều trị thuốc cả đời.

Làm thế nào để hạn chế nguy cơ biến chứng ở trẻ mắc bệnh đái tháo đường?

Phụ huynh có con mắc bệnh đái tháo đường nên chăm sóc trẻ như thế nào để có thể kiểm soát tốt bệnh, không gây ra những biếu chứng nặng nề và nguy hiểm?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường vẫn chưa được tìm ra nhưng yếu tố góp phần lại rất nhiều. Yếu tố di truyền, gia đình không thể can thiệp được nên chỉ có thể thay đổi lối sống để tránh thừa cân, béo phì.

Vấn đề của cuộc sống hiện đại là thức ăn giàu năng lượng, thời gian ngồi trước màn hình quá nhiều, cần giảm những yếu tố này và tăng thời gian hoạt động ngoài trời để trẻ có cuộc sống khỏe mạnh hơn. Tăng thời gian vận động, giảm béo phì là góp phần giảm nguy cơ nhóm đái tháo đường type 2.

Với trẻ đã mắc đái tháo đường, phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra, không bỏ lỡ tái khám. Điều chỉnh lối sống góp phần rất lớn giúp việc điều trị hiệu quả hơn. Như vậy, để giảm nguy cơ biến chứng, cần phải tuân thủ phác đồ. Bệnh nhân đái tháo đường type 2 phải thay đổi lối sống để hạn chế nguy cơ biến chứng lên mạch máu.

Duy trì lối sống lành mạnh để tránh yếu tố nguy cơ của đái tháo đường

Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn, phụ huynh nên thay đổi những gì trong chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, học tập của trẻ để tránh được tình trạng thừa cân, béo phì, tránh mắc căn bệnh đái tháo đường?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Rõ ràng cần phải hạn chế thức ăn giàu năng lượng như thức ăn nhanh, thức ăn chứa quá nhiều đường (nước ngọt, bánh ngọt, trà sữa). Tâm lý lo sợ trẻ không cao lớn bằng bạn bè khiến phụ huynh cung cấp quá nhiều năng lượng cho trẻ mỗi ngày. Trẻ không cần ăn quá nhiều cử trong ngày.

Thời gian vận động tùy vào lứa tuổi của trẻ. Phụ huynh nên hạn chế thời gian ngồi một chỗ xem màn hình, ít hơn 2 giờ mỗi ngày. Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động ngoài trời để tăng thời gian vận động, chọn môn thể dục phù hợp với lứa tuổi như đi bộ, chạy bộ, đạp xe,... Tiêu hao năng lượng sẽ giúp hạn chế béo phì ở trẻ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X