Hotline 24/7
08983-08983

Thời tiết nắng nóng có nên cho trẻ sử dụng điều hòa?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga - Phó Trưởng khoa Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, sử dụng điều hòa là điều cần thiết, tuy nhiên nên để chế độ vừa phải và hạn chế việc chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng và ngoài hành lang quá 10 độ C. Với trẻ em không nên điều chỉnh nhiệt độ dưới 20 độ C vì quá khả năng giữ ấm cho cơ thể của trẻ.

1. Các dịch bệnh truyền nhiễm nào có nguy cơ bùng phát cao ở trẻ khi thời tiết nắng nóng?

Miền Nam chúng ta nắng nóng rất gay gắt. Xin hỏi BS, với điều kiện thời tiết như hiện nay thì các dịch bệnh truyền nhiễm nào có nguy cơ bùng phát cao trên trẻ?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Đầu tiên, nhiều người nghĩ rằng mùa nắng nóng sẽ không mắc các bệnh cúm hay bệnh hô hấp. Tuy nhiên, vào thời điểm này các gia đình thường sử dụng điều hòa, nếu sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa phòng đang ngồi và môi trường bên ngoài sẽ khiến hệ hô hấp có sự xáo trộn nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý như cúm, viêm phổi có thể tái phát.

Vì vậy, khi sử dụng điều hòa phải điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với điều kiện môi trường bên ngoài để đảm bảo sức khỏe.

Thứ hai, bệnh truyền nhiễm nổi trội và đáng lưu tâm trong mùa nóng là bệnh lý về đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, viêm ruột… Khi trời nắng nóng, thực phẩm rất dễ bị ôi thiu, nhiễm độc, lây nhiễm các tác nhân gây bệnh.

Các trường hợp ngộ độc thực phẩm thời gian qua tất nhiên liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng yếu tố về môi trường đóng vai trò rất quan trọng. Tỷ lệ trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với các triệu chứng về đường tiêu hóa chiếm ưu thế.

Thứ ba, với thời tiết nắng nóng, khi lưu thông ngoài đường sẽ cảm thấy bỏng rát da. Cường độ tia UV cao làm những bệnh lý về tổn thương ngoài da có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng. Ngoài ra có thể mắc các bệnh lý về đục thủy tinh thể khi cường độ nắng quá lớn.

Thứ tư, viêm não Nhật Bản, viêm màng não do vi khuẩn Hib,… là những bệnh lý có thể dự phòng ngừa nhưng đây là thời điểm có thể gia tăng.

Thứ năm, Việt Nam là vùng nhiệt đới và sốt xuất huyết vẫn luôn hoành hành, không trừ bất cứ thời điểm nào. Sốt xuất huyết luôn là vấn đề cần cảnh giác cao khi trẻ đến khám vì sốt.

Thứ sáu, một trong những bệnh rất hiếm gặp hơn là bệnh dại. Mùa nắng nóng các virus dại ở động vật có thể phát triển nhiều và việc không quản lý động vật nuôi, đặc biệt là chó thả rong có thể làm người dân bị các động vật này tấn công qua vết cắn. Do đó, đây là thời điểm làm bệnh dại bùng phát cao hơn bình thường.

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga - Phó Trưởng khoa Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

2. Làm thế nào để phụ huynh phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm ở trẻ?

Nhờ BS chia sẻ, phụ huynh cần làm thế nào để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm và từ đó có thể đưa trẻ đi thăm khám kịp thời?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Đối với những bệnh lý về đường tiêu hóa như ngộ độc thực phẩm, thông thường trong vòng 24 giờ đầu trẻ sẽ có các biểu hiện như ói, chán ăn. Sau đó đau bụng, đau quặn từng cơn và có biểu hiện tiêu chảy (phân nhiều nước hoặc trường hợp viêm ruột nhiều hơn sẽ có máu trong phân), một số trẻ có sốt.

Đi kèm với các triệu chứng này trẻ sẽ chán ăn, bỏ ăn, bỏ bú, đưa bình sữa đến là từ chối,… Dấu hiệu này xuất hiện từ khi bắt đầu biểu hiện triệu chứng cho đến khi bệnh phục hồi, lúc đó khả năng ăn mới trở lại bình thường.

Do đó, khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên như chán ăn, nôn ói,… phụ huynh nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn cách cho ăn, giúp bé lướt qua giai đoạn bệnh về đường tiêu hóa một cách nhẹ nhàng nhất.

Đối với những bệnh lý truyền nhiễm khác, trẻ sẽ sốt, đau đầu (bệnh lý về thần kinh), sợ ánh sáng, có biểu hiện khu trú như lờ đờ… Sốt là biểu hiện rất nhiều bệnh truyền nhiễm, do đó không nên chần trừ mà phải đưa con đến cơ sở y tế ngay.

3. Phụ huynh khi chăm sóc trẻ trong thời tiết nắng nóng cần lưu ý gì?

Trẻ em khi mắc bệnh thường dai dẳng và khó hồi phục hơn. Vậy khi phụ huynh chăm sóc trẻ mắc bệnh cần lưu ý những vấn đề gì, đặc biệt là trong dinh dưỡng thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Khi thời tiết nắng nóng trẻ sẽ bị mất nhiều nước qua việc bài tiết mồ hôi để làm mát cơ thể. Trong mồ hôi có thể mất nước và điện giải, khi đó trẻ sẽ uể oải, mệt mỏi,… nên cần được bổ sung nước, các dịch lỏng.

Trong lúc bệnh nếu có sốt phải được hạ sốt tích cực, đừng để sốt 39 độ C mới cho uống thuốc hạ sốt, vì lúc thuốc có tác dụng thì sốt đã rất cao, thậm chí một số trẻ có thể sốt cao co giật.

Về dinh dưỡng, trong trường hợp bị viêm ruột trẻ thường từ chối ăn, từ chối uống sữa do chán ăn, mệt mỏi, uể oải, đau bụng, ói,… dân gian gọi là nhạt miệng.

Phụ huynh phải cố gắng bình tĩnh, đừng ép các con, nếu con không ăn được mà có thể uống sữa thì hãy cho uống sữa để vừa có năng lượng, vừa có nước lỏng giúp bổ sung nước. Đừng quá kỳ vọng con có thể ăn uống như bình thường, sau khi điều trị con sẽ ổn và ăn uống trở lại.

Bên cạnh đó, không cần quá kiêng khem trong việc sử dụng máy điều hòa vì có thể giúp trẻ dễ chịu hơn, giảm tăng tiết mồ hôi. Tuy nhiên không nên để nhiệt độ quá thấp mà có thể canh nhiệt độ trong phòng với hành lang chênh lệch khoảng dưới 10 độ C để đảm bảo trẻ dễ chịu mà không làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

4. Trong thời tiết nắng nóng, phụ huynh cần làm gì để tăng cường sức đề kháng cho trẻ?

Trong thời tiết nắng nóng của miền Nam, phụ huynh cần làm gì để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, từ đó giúp phòng các bệnh lý xảy ra thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Cần ưu tiên tiêm ngừa để trẻ không mắc bệnh hoặc nếu có thì bệnh sẽ nhẹ hoặc không xảy ra biến chứng.

Trong quá trình các con lớn lên đã có vắc xin phù hợp. Vì vậy phụ huynh cần kiểm tra lịch tiêm chủng của trẻ để xem trẻ đã được tiêm đủ mũi chưa (mũi đầu tiên và các mũi nhắc). Ví dụ, tiêm cúm định kỳ hằng năm, bệnh về đường hô hấp như phế cầu phải tiêm ngừa phế cầu hoặc rota virus, tả, thương hàn,… Nếu không nhớ rõ, phụ huynh có thể đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ kiểm tra lịch sử tiêm và tư vấn loại vắc xin phù hợp.

5. Nên lựa chọn thực phẩm cho trẻ như thế nào để tăng cường đề kháng về tránh các bệnh về đường tiêu hóa?

Thời tiết nắng nóng làm tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa gia tăng. Vậy nên lựa chọn thực phẩm cho trẻ như thế nào để tốt, tăng cường đề kháng về tránh các bệnh về đường tiêu hóa cho trẻ thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời:

- An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề tiên quyết. Nếu phụ huynh chế biến đồ ăn cho con và dùng trong 2 - 3 bữa/ngày thì sau khi chế biến và sử dụng, phần còn lại phải để trong tủ lạnh để đảm bảo thực phẩm không bị ôi thiu trước khi trẻ dùng vào bữa tiếp theo.

- Chế độ ăn cần lưu ý, đảm bảo đủ nước và điện giải. Nước có thể từ nước lọc, sữa, nước ép trái cây,… loại nào trẻ thích thì có thể ưu tiên.

- Đảm bảo đủ lượng nước cho trẻ. Vì trẻ con thường mê chơi, ít uống nước nên phụ huynh cần quan tâm và nhắc nhở.

- Có thể cho các con sử dụng những thực phẩm giàu năng lượng hoặc đề kháng từ vitamin C, trái cây như cam, dâu, quýt, chanh,…

6. Phụ huynh cần lưu ý gì khi sử dụng quạt hoặc máy lạnh cho trẻ?

Đặc biệt, trong thời tiết nắng nóng thì máy lạnh, quạt rất cần thiết cho trẻ và đôi khi các thiết bị này làm ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Vậy phụ huynh cần lưu ý gì khi sử dụng quạt hoặc máy lạnh cho trẻ thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Sử dụng điều hòa là điều cần thiết. Nếu để trẻ chóng chọi với nhiệt độ nóng vì cho rằng điều hòa làm trẻ mắc bệnh thì sẽ vô tình làm trẻ cảm thấy rất nóng, tăng thân nhiệt, thậm chí sốc nhiệt. Ngay cả người lớn khi chịu đựng môi trường nắng nóng nếu có tình trạng tăng huyết áp sẽ có nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp kịch tính và đột quỵ.

Do đó, điều hòa sẽ làm chúng ta dễ chịu hơn, tuy nhiên nên để chế độ vừa phải và hạn chế việc chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng và ngoài hành lang quá 10 độ C. Với trẻ em không nên điều chỉnh nhiệt độ dưới 20 độ C vì quá khả năng giữ ấm cho cơ thể của trẻ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X