Tiêu chí lựa chọn sữa và cách uống sữa cho trẻ thừa cân, béo phì
Với trẻ thừa cân, béo phì, sữa vẫn là thực phẩm rất cần thiết giúp cung cấp các vi khoáng cần cho sự phát triển toàn diện. BS.CK2 Lê Ngọc Quỳnh Thư, Trưởng Khoa Dinh Dưỡng và Tiết Chế, BV Quận Bình Thạnh đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan đến việc lựa chọn và sử dụng sữa sao cho tối ưu hiệu quả nhất trên trẻ thừa cân, béo phì.
1. Vì sao trẻ thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng?
- Xin hỏi BS, nguyên nhân nào khiến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ gia tăng? Lối sống hiện đại ngày nay tác động ra sao đối với nguy cơ mắc căn bệnh này ở trẻ em thưa BS?
BS.CK2 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Hiện nay, tỷ lệ thừa cân, béo phì trên trẻ em tăng rất nhanh. Chúng ta đang chịu một gánh nặng kép, bên cạnh trẻ thừa cân, béo phì thì vẫn có trẻ suy dinh dưỡng.
Tuy nhiên, trong quan điểm truyền thống của các bậc cha mẹ, khi thấy con ốm và biếng ăn, chúng ta lo con suy dinh dưỡng nên lập tức đưa con đi khám bác sĩ nhi, bác sĩ dinh dưỡng. Nhưng nếu con tròn trĩnh, cha mẹ lại nghĩ như vậy là bụ bẫm, không nghĩ đến béo phì.
Thừa cân, béo phì sẽ mang lại nhiều hậu quả cho trẻ.
Thứ nhất, trẻ có vấn đề về gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ cũng như có nguy cơ mắc những bệnh mãn tính không lây: Tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh lý về tim mạch,…
Hơn nữa, khi trẻ có cân nặng quá lớn, hệ xương không chịu đựng được dẫn đến những vấn đề về xương khớp. Ví dụ: đau khớp gối, đau xương gót, đó là những điểm trọng tâm trong cơ thể của bé.
Một số trẻ có cân nặng vượt quá mức dẫn đến khó thở. Lúc này, cha mẹ rất lo lắng và mới quan tâm đến chuyện cân nặng của con vượt quá mức cho phép.
Cuộc sống hiện đại, trẻ đi học cả ngày, trên 90% thời gian là con ngồi, ít vận động. Khi về nhà, đôi khi trẻ được chơi game, xem ti vi từ 1 - 2 tiếng. Trong khi đó, nếu như thời gian này, trẻ được đổi thành một trò chơi vận động sẽ tốt hơn.
Một hạn chế khác nữa là những ngôi nhà ở thành phố khá chật hẹp, trẻ không còn không gian vận động. Do đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến khả năng cũng như phạm vi để con có thể vận động tốt hơn, có thể phòng tránh được thừa cân, béo phì.
Ngoài ra, có rất nhiều “cám dỗ” đối với trẻ con hiện tại. Có nhiều hàng quán, những thực phẩm hấp dẫn trẻ như thức ăn nhanh: gà rán, hamburger… nhưng lại chứa rất nhiều chất béo.
Ít vận động kết hợp với việc ăn các loại thực phẩm có quá nhiều năng lượng, gia vị dẫn đến trẻ dễ bị thừa cân, béo phì. Tình trạng này đang gia tăng nhiều ở lứa tuổi học đường và càng lúc càng trẻ hóa, một số bé 1-2 tuổi đã béo phì. Vấn đề này cần sự quan tâm và có sự đồng hành của gia đình cùng với bác sĩ dinh dưỡng để có thể can thiệp, phòng ngừa những bệnh lý về sau.
2. Theo dõi sự phát triển chiều cao, cân nặng của con để kịp thời phát hiện trẻ thừa cân, béo phì
- Thừa cân và béo phì là hai khái niệm luôn đi kèm với nhau. Xin nhờ BS giải thích cách tính BMI và phân biệt giữa thừa cân và béo phì ạ?
BS.CK2 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Chúng ta thường hay nghe thừa cân và béo phì. Thừa cân là giai đoạn cảnh báo, béo phì là một bệnh lý. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ béo phì chỉ là thừa cân chứ không phải vấn đề quan trọng nên không để tâm nhiều.
Chúng ta cần xác định thừa cân, béo phì trên trẻ em, điều này tùy vào độ tuổi. Với em bé dưới 5 tuổi, cha mẹ sẽ so sánh theo cân nặng và chiều cao của bé theo độ tuổi. Bé dưới 24 tháng chưa đứng tốt, chúng ta không đo chiều cao mà đo chiều dài rồi dựa vào cân nặng và chiều dài của bé.
Sau đó, phụ huynh có thể đối chiếu với bảng chiều cao và cân nặng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):
Với em bé trên 5 tuổi, sẽ bắt đầu áp dụng chỉ số BMI. Chúng ta sẽ lấy cân nặng (đơn vị kg) chia cho chiều cao bình phương (đơn vị mét) cho ra chỉ số BMI. Tuy nhiên, vẫn có bảng so theo tuổi.
Khi chiều cao và cân nặng nằm trong khoảng từ bình thường (0) cho đến khoảng +2SD, em bé bình thường. Từ 1SD đến 2SD gọi là thừa cân, trên 2SD bắt đầu được chẩn đoán là bệnh béo phì.
Bệnh béo phì càng nặng khi chỉ số BMI càng cao, nếu trên 3SD là bệnh béo phì nặng, có thể xuất hiện các biến chứng:
Thứ nhất là đau xương: xương gót, xương đùi, xương chày,…
Thứ hai là trẻ bị hội chứng rối loạn sắc tố da. Vùng cổ, vùng nách hay vùng bẹn của bé có da đen hơn so với những vùng da xung quanh. Mẹ thường nghĩ do con tắm không sạch nhưng thực tế là rối loạn sắc tố da do mô mỡ tiết ra (hội chứng gai đen).
Đây là những vấn đề cảnh báo phụ huynh cần theo dõi và can thiệp sớm để con có thể phòng ngừa được những bệnh mãn tính không lây do biến chứng béo phì gây ra như tiểu đường, tăng huyết áp hay suy thận.
3. Trẻ thừa cân, béo phì cần ăn uống khoa học, không kiêng khem quá mức
- Xin hỏi BS, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ béo phì thừa cân phải tuân thủ theo những nguyên tắc nào? Chúng ta kiêng như thế nào là đúng và theo khoa học thưa BS?
BS.CK2 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Khi kiêng khem, chúng ta vẫn phải đảm bảo cho trẻ trong giai đoạn phát triển, đặc biệt là tuổi dậy thì, thanh thiếu niên.
Trẻ chưa đạt được chiều cao tối ưu, chưa đạt tốc độ phát triển về não tối ưu cũng như những cơ quan khác. Do đó, trẻ vẫn cần mức năng lượng đủ cho nhu cầu tăng trưởng. Nếu kiêng quá mức, không có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng hay chuyên gia sẽ dẫn đến thiếu năng lượng cho cả sự phát triển.
Tiêu biểu, có một số bà mẹ đưa con đến khám béo phì đã cắt hết toàn bộ các loại sữa. Tuy nhiên, trẻ béo phì vẫn nên được uống sữa (tối thiểu khoảng 500ml sữa/ngày), vấn đề là cần lựa chọn loại giàu vi chất (canxi…), dễ hấp thu nhưng ít năng lượng, ít chất béo và ít đường.
Nhiều phụ huynh cắt sữa, cắt cơm nhưng bỏ qua một điều quan trọng, đó là ăn vặt. Khi kiêng tinh bột quá nhiều, trẻ bị đói bụng và vẫn ăn vặt như ăn kem, snack, bánh tráng trộn,… Hoặc nhiều trẻ béo phì nhưng rất thích ăn socola trong khi ăn cơm rất ít. Song, chúng ta phải biết rằng, năng lượng trong socola rất nhiều, do đó, phụ huynh “thương lượng” với trẻ, một tháng có thể ăn một lần nếu con ngoan và mỗi lần chỉ ăn ăn một mẩu nhỏ như phần thưởng.
Tóm lại, chúng ta không nên kiêng khem bất cứ một loại thực phẩm nào quá khắt khe. Việc không hiểu về nhu cầu năng lượng của con sẽ dẫn đến việc không điều trị tốt béo phì mà vô tình làm rối loạn chuyển hóa dẫn đến tình trạng rối loạn khác như gan nhiễm mỡ. Thậm chí, con không giảm được cân mà bị suy nhược, mệt mỏi và không vận động được nữa.
Đó là những vấn đề cần có sự tham vấn của bác sĩ nhi khoa hay chuyên gia dinh dưỡng để cân đo, đối chiếu vào bảng và sau đó có kế hoạch can thiệp hợp lý, cần sự đồng hành của cả gia đình với con.
4. Trẻ béo phì có thể uống sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa
- Nhờ BS giải thích cụ thể hơn, nếu chúng ta loại bỏ sữa ra khỏi thực đơn hàng ngày thì sẽ bị ảnh hưởng thế nào đến quá trình phát triển của trẻ thừa cân, béo phì ạ?
BS.CK2 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đầu tiên, chúng ta biết được rằng trong sữa có rất nhiều canxi và những chất khoáng có lợi cho hệ thống xương của bé. Những loại protein dễ hấp thu giúp bé hấp thu một cách tốt nhất. Đặc biệt, các chế phẩm từ sữa như sữa chua… sẽ có những lợi khuẩn hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ.
Điều đó có nghĩa, khi cắt hoàn toàn sữa hay những chế phẩm của sữa, chúng ta đã cắt một nguồn canxi rất quý giá, cũng như những loại vi khoáng khác cần cho con, dẫn tới chế độ ăn mất cân bằng. Từ đó, con kém hấp thu hơn và về lâu dài ảnh hưởng đến tốc độ phát triển.
Như vậy, phụ huynh cần lựa chọn những loại sữa phù hợp. Nếu trẻ bị béo phì, chúng ta sẽ lựa chọn sữa ít đường hoặc không đường, sữa tách kem để không tăng năng lượng. Tốt nhất, chúng ta có thể hỏi bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ đang điều trị để xem loại sữa nào phù hợp với tình trạng của con hiện tại. Không phải bé nào thừa cân, béo phì cũng cắt sữa. Vấn đề cần điều chỉnh là vận động, lối sống, những bữa ăn bố trí trong ngày, thói quen ăn vặt.
5. Tiêu chí lựa chọn sữa cho trẻ thừa cân, béo phì
- Trên thị trường có rất nhiều loại sữa chuyên biệt dành cho trẻ em thừa cân béo phì. Xin hỏi BS, trong những loại sữa này đã loại bỏ những chất nào và cung cấp những chất nào? Vì sao có thể dùng được cho trẻ thừa cân béo phì?
BS.CK2 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Cùng với y học, khoa học, dinh dưỡng ngày nay rất phát triển, với những loại sản phẩm vừa tốt cho sức khỏe vừa hợp túi tiền, trong đó có cả những sản phẩm chuyên biệt như sữa dành cho trẻ thừa cân béo phì.
Khi chọn thực phẩm cho con, cha mẹ cần đọc nhãn thực phẩm, trên đó sẽ có những thông tin về đơn vị sử dụng, trong mỗi một gram có thông tin năng lượng, đạm, đường, chất béo, natri, chất vi khoáng, đạt được bao nhiêu % đối với nhu cầu khuyến nghị hàng ngày.
Khi biết cách đọc, chúng ta sẽ cân đo đong đếm giữa các loại sản phẩm với nhau và quyết định lựa chọn sản phẩm nào một cách tỉnh táo.
Lựa chọn sữa cho trẻ béo phì cần phải đạt một số tiêu chí:
Thứ nhất, năng lượng rất thấp.
Thứ hai, đầy đủ canxi, các loại vitamin và các loại khoáng chất.
Đơn giản nhất là sữa tươi không đường hoặc những chế phẩm sữa có hàm lượng năng lượng thấp và có thể bổ sung những loại vi khoáng khác. Một số loại sữa bổ sung thêm lợi khuẩn, sắt, canxi. Lưu ý, đây phải là những loại sữa không kem, ít đường. Lượng uống hàng ngày mới quan trọng, đảm bảo khoảng 500-700ml tối đa một ngày.
Ngoài ra, sữa không gây nên vấn đề béo phì, chúng ta cần xem lại toàn bộ lối sống của con cũng như chế độ ăn một ngày, chế độ vận động, điều đó mới giúp cho con thực sự được điều trị can thiệp béo phì một cách đúng đắn và khoa học.
6. Uống sữa như thế nào thì tốt cho trẻ thừa cân, béo phì?
- BS đã chia sẻ rất cụ thể về cách lựa chọn sữa cho trẻ thừa cân, béo phì. Xin hỏi BS sâu hơn về cách uống. Trẻ thừa cân, béo phì nên uống bao nhiêu ml/ngày, nên uống trong thời điểm nào trong ngày là tốt nhất để không dư thừa năng lượng? Có phải khi mua sữa pha chế chuyên biệt cho trẻ béo phì thì có thể uống bao nhiêu tùy thích hay không, thưa BS?
BS.CK2 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Thông thường trẻ lớn cần khoảng 2-3 đơn vị sữa, tương đương 500-700ml sữa một ngày. Trẻ nhỏ tùy theo độ tuổi có thể 700-800ml.
Thứ hai, chúng ta nên cho trẻ uống sữa cách bữa ăn tầm 1,5-2 giờ vì uống sữa ngay sau ăn khiến dạ dày quá no, có sự cạnh tranh hấp thu một số chất (canxi ức chế hấp thu chất sắt trong bữa ăn). Mặc dù điều này chưa có minh chứng rõ ràng, song trẻ cũng nên uống cách xa bữa ăn để tránh bị giãn dạ dày, đây cũng là một điều tốt cho trẻ thừa cân, béo phì.
Thứ ba, chúng ta sẽ lựa chọn sữa có năng lượng thấp, nhiều hàm lượng nước và vitamin khoáng chất. Để giảm cảm giác đói của trẻ, có thể cho con uống trước bữa ăn tiếp theo khoảng 45 phút cho đến 1 tiếng. Ví dụ, 11 giờ ăn cơm trưa thì khoảng 10 giờ cho con uống sữa.
Trước giờ cơm, có thể cho con uống khoảng 200ml nước ấm càng tốt hoặc nước thường. Cho bé ăn một phần canh trước sau đó mới bắt đầu ăn cơm. Mục đích là để cho dạ dày không bị trống và thụ thể phát hiện căng trong dạ dày giúp em bé ăn ít, nhai chậm lại.
Nếu chúng ta lựa chọn những loại sữa chuyên biệt cho trẻ béo phì, vẫn nên sử dụng lượng sữa cân đối kết hợp với thời gian tập luyện thể dục, điều chỉnh chế độ ăn chính.
Những loại sữa chuyên biệt nên được uống theo sự khuyến nghị của nhà sản xuất và tham khảo thêm thông tin của bác sĩ để có được một cách sử dụng khoa học, hợp lý, đỡ tốn kém và hiệu quả nhất.
7. Trẻ thừa cân, béo phì cần hạn chế sử dụng váng sữa và phô mai
- Đối với những chế phẩm từ sữa như sữa chua, váng sữa, phô mai thì nên cho trẻ thừa cân, béo phì ăn như thế nào thưa BS?
BS.CK2 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Sữa chua, phô mai, váng sữa là những chế phẩm từ sữa. Thay vì uống sữa tươi, chúng ta sẽ ăn những sản phẩm được sản xuất ra từ nguyên liệu chính là sữa.
Có thể cho bé ăn sữa chua sau khi ăn cơm vì có vị chua, dễ kích thích axit dạ dày. Nên hạn chế sử dụng váng sữa và phô mai vì hàm lượng lipid cao hơn so với sữa chua rất nhiều.
Tóm lại, đối với trẻ thừa cân, béo phì, chúng ta sẽ ưu tiên sử dụng sữa tươi không đường, cho bé ăn sữa chua hoặc những sản phẩm từ sữa nhưng ít chất béo, ít năng lượng, nhiều vi chất, nhiều chất khoáng.
Nhưng quan trọng vẫn là sự rà soát về tổng quan lối sống, chế độ ăn trong ngày cũng như bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, uống đủ nước trong ngày. Như vậy sẽ hỗ trợ cho bé một cách toàn diện và tốt hơn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình