Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan tư vấn: Viêm khớp thiếu niên, nhận biết và chữa trị thế nào?

Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên là loại bệnh gây tổn hại về xương khớp trong quá trình phát triển của trẻ từ 2 đến 16 tuổi, nếu không sớm chẩn đoán và có hướng điều trị đúng và kịp thời có thể để lại di chứng xấu cho trẻ đến suốt đời. ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Nguyên Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ tư vấn về vấn đề này. Mời bạn đọc đón xem.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan -  Nguyên Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Trẻ em khi mắc bệnh khớp rất hay bị bỏ qua vì người lớn thường quan niệm bệnh khớp chỉ có người già mới bị. Xin BS cho biết, bệnh viêm khớp thiếu niên xuất hiện ở độ tuổi nào, nguyên nhân vì sao ạ?

Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em, dưới 16 tuổi, khi có tình trạng viêm khớp ở trẻ được gọi chung là viêm khớp thiếu niên, trong đó, độ tuổi thường gặp nhất là 1-3 tuổi, từ 10-13 tuổi, đây là những độ tuổi thường hay mắc những bệnh lý về viêm xương khớp.


2. Bệnh viêm khớp thiếu niên thường xảy ra ở những khớp nào, thưa BS?

Tất cả những bệnh lý về khớp đều nằm trong nhóm này, nếu như phân rõ thì có rất nhiều loại, phổ biến nhất là viêm khớp thiếu niên vài khớp, tức là viêm dưới 5 khớp, thường gặp nhất là khớp gối, khuỷu, cổ tay, cổ chân… chiếm 50% các dạng viêm khớp ở trẻ em. Sau đó là dạng viêm khớp thiếu niên thể nhiều khớp (đa khớp), gặp ở những khớp nhỏ như khớp bàn tay, ngón tay, ngón chân, bàn chân… thường gặp ở trẻ 10-13 tuổi.

Ngoài ra còn có dạng viêm khớp thiếu niên toàn thân, trong trường hợp này, bên cạnh những khớp bị tổn thương, viêm, sưng, nóng, đỏ, có thể khớp lớn hoặc nhỏ thì còn kèm theo triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ hay sốt cao, nổi ban, nổi hạch hoặc có tình trạng nang lách to.

Bên cạnh đó còn có thể viêm khớp thiếu niên vảy nến, ngoài tổn thương khớp còn có tổn thương da, có dạng hồng ban và phồng lên như vảy nến, thể này thường gặp ở trẻ lớn nhiều hơn.

Viêm khớp dạng cột sống dính khớp cũng thường gặp ở trẻ, khớp bị tổn thương là khớp cột sống hoặc khớp cùng chậu hoặc khớp háng của trẻ sẽ bị ảnh hưởng.

Có một số trường hợp không nằm trong các thể trên, gọi là viêm khớp thiếu niên không chuyên biệt, thường ít gặp.

Như vậy chúng ta thấy triệu chứng của viêm khớp thiếu niên rất đa dạng. Tuy nhiên nổi bật là triệu chứng khớp bị viêm, nghĩa là khớp bị sưng, nóng, đỏ, khi sờ vào hoặc ấn vào thì trẻ sẽ bị đau.

Khi trẻ có biểu hiện đau, sưng khớp thì nên nghĩ đến viêm khớp thiếu niên, có những xét  nghiệm đặc hiệu để có thể chẩn đoán chính xác thể nào của trẻ cũng như xác định chắc chắn có tình trạng viêm khớp. Trong trường hợp đó, cần đến trung tâm y tế để được khám lâm sàng, bác sĩ cần làm 1 loạt những xét nghiệm để đánh giá tình trạng viêm như công thức máu, viêm RF - CRP sau đó là một loạt xét nghiệm đặc hiệu để có thể chẩn đoán chính xác trẻ bị viêm khớp ở thể nào.

Thường trong trường hợp viêm vài khớp ít có xét nghiêm đặc hiệu, viêm đa khớp thì có những xét nghiệm tương tự bệnh lý xương khớp thường gặp ở người lớn đó là viêm khớp dạng thấp, xét nghiệm RF, anti - CCP, nếu viêm khớp toàn thân thường liên quan đến bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

Trong trường hợp trẻ viêm khớp vảy nến hay viêm cột sống dính khớp thì có xét nghiệm B27 có thể cho thấy tổn thương của các khớp như khớp háng, khớp cùng chậu, cột sống…


3. Viêm khớp thiếu niên được điều trị như thế nào, thưa BS?

Chắc chắn việc đầu tiên chúng ta phải giảm đau cho trẻ vì tình trạng viêm làm cho trẻ đau đớn. Tuy nhiên viêm khớp thiếu niên không giống như đau tăng trưởng vì có tổn thương thực thể, có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ. Vì vậy để có thể kiểm soát được bệnh thì bên cạnh giảm đau, chúng ta cần có điều trị đặc hiệu, có 2 phần điều trị cho trẻ:

- Điều trị giảm đau: Chỉ trong giai đoạn đầu khi chờ đợi hiệu quả của điều trị đặc hiệu, dùng những thuốc rất quen thuộc với chúng ta như paracetamol, thuốc kháng viêm steroid. Bên cạnh đó chúng ta có thể chườm nóng, chườm lạnh, massage, châm cứu, kích thích điện… hỗ trợ cho việc giảm đau cho trẻ rất hiệu quả.

- Điều trị đặc hiệu: Ngăn chặn bệnh không tàn phá khớp của trẻ. Các thuốc phải được các bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp chỉ định như thuốc điều hòa miễn dịch.

Ngoài ra còn có thuốc rất hay sử dụng trong dân gian nhưng cần cẩn thận, đó là corticoid như dexamethasone, prednisolone… Đây được ví như con dao hai lưỡi có thể giảm đau rất tốt cho bệnh nhân nhưng sử dụng không đúng cách sẽ có tác hại rất lớn: gây rối loạn chuyển hóa toàn bộ cơ thể trẻ đặc biệt tác động lên tấm sụn xương, tấm xương tăng trưởng sẽ làm cho sự phát triển về chiều có bị gián đoạn.

Khuyến cáo chỉ nên sử dụng corticoid trong thời gian chờ đợi hiệu quả của thuốc đặc hiệu, nghĩa là sau một thời gian ngắn sử dụng, bắt đầu có hiệu quả của nhóm thuốc điều trị đặc hiệu thì ngay lập tức nên ngưng sử dụng corticoid, không sử dụng kéo dài với mục đích giảm đau kháng viêm cho trẻ.


4. Có cách nào để giúp trẻ bị bệnh này giảm đau mà không dùng thuốc không ạ?

Bên cạnh những loại thuốc giảm đau, những biện pháp dân gian như chườm nóng, chườm lạnh, massage… một biện pháp giảm đau khác cũng rất hiệu quả đó là tập vật lý trị liệu, nếu tập đúng cách dẽ làm mạnh sức cơ, bôi trơn cử động của khớp cũng gớp phần giảm đau lâu dài cho trẻ. Nếu trẻ đau nhiều thì đòi hỏi những động tác tập phải nhẹ nhàng, một trong những bài tập làm giảm áp lực lên khớp, giảm đau là bơi lội, đạp xe đạp…


5. Viêm khớp thiếu niên và tình trạng đau xương ở trẻ đang dậy thì có phải là một không ạ?

Có nhiều người nhầm lẫn tình trạng viêm khớp thiếu niên với đau tăng trưởng ở trẻ em, nhưng hai bệnh này hoàn toàn khác nhau. Nếu đau tăng trưởng thì trẻ đơn thuần chỉ có 1 triệu chứng đau, khi khám không phát hiện dấu hiệu bất thường, không sưng, nóng đỏ mà khi sờ vào hoặc xoa thì trẻ còn cảm thấy dễ chịu. Đồng thời tình trạng đau này chỉ xuất hiện sau khi trẻ vận động nhiều, qua ngày hôm sau trẻ đã có thể trở lại sinh hoạt bình thường.

Bệnh lý viêm khớp thiếu niên bên cạnh dấu hiệu của tình trạng viêm, có thể phát hiện dễ dàng, đây là một bệnh lý viêm mạn tính, đau kéo dài chứ không xuất hiện rồi biến mất nhanh như đau tăng trưởng.


6. Chế độ ăn uống khi trẻ đang bị viêm khớp thiếu niên cần lưu ý gì, thưa BS?

Thực phẩm dành cho trẻ cần phải đáp ứng được 2 yếu tố:

- Cung cấp đầy đủ thành tố của xương để xương khớp không bị chậm phát triển

- Chú trọng đến những chất góp phần kháng viêm để giảm tình trạng viêm khớp cho trẻ

Để đáp ứng đầy đủ yếu tố cho sự phát triển xương, cần có canxi, vitamin D và protein:

- Để cung cấp canxi cho trẻ nên cung cấp đầy đủ những thực phẩm giàu canxi là sữa và chế phẩm từ sữa không chỉ cho lứa tuổi nhũ nhi mà đến khi trẻ trưởng thành.

- Vitamin D có từ ánh nắng mặt trời, để cho trẻ vừa vận động xương khớp vừa tiếp cận ánh nắng mặt trời bằng cách tập những bài tập này ở ngoài trời vào những thời điểm có nhiều vitamin D như cho trẻ chạy chơi ngoài trời lúc 9-10g khoảng 10-15 phút. Bên cạnh đó, cần bổ sung vitamin C, A, K, O… có trong rau xanh, củ quả trong thức ăn hàng ngày.

- Những thành tố kháng viêm giúp giảm bớt chất gây viêm trong cơ thể đó là hạt nguyên vỏ, là chất kháng viêm tự nhiên rất tốt.

- Protein có trong cá, đặc biệt là các loại cá bển như cá tuyết, cá hồi, cá thu, cá ngừ… chứa omega - 3 rất tốt cho xương của trẻ.


7. Theo BS, trẻ đang bị viêm khớp thiếu niên cần vận động như thế nào ạ? Có những động tác hay môn thể thao nào cần tránh?

Ngay cả trong giai đoạn đang viêm thì cũng không cần bất động khớp hoàn toàn, khi bất động khớp sẽ gây ra tình trạng cứng khớp. Nếu ở trong giai đoạn đang viêm cấp, cần có những động tác nhẹ nhàng tránh gây áp lực cho xương khớp, sau khi đã kiểm soát được thì trẻ phải tăng cường vận động, bằng mọi cách cho trẻ tham gia sinh hoạt với trẻ bình thường để tăng biên độ khớp để bảo vệ trẻ không bị tình trạng cứng khớp, mất chức năng vận động.


8. Bệnh viêm khớp thiếu niên nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả gì?

Viêm khớp phá hủy khớp, gây nên tình trạng từ giảm cho tới mất chức năng của khớp đó, cần phải phát hiện bệnh sớm để tránh tổn thương thực thể không hồi phục của khớp.

Bên cạnh đó, bệnh cũng liên quan đến yếu tố tự miễn, không chỉ ảnh hưởng từng khớp mà còn ảnh hưởng đến toàn thân. Vì vậy nếu không được điều trị sẽ dẫn đến biến chứng ngoài khớp, bệnh nhân có thể thiếu máu nặng hoặc tổn thương cơ quan khác như hạch, gan, lách… dẫn đến tình trạng hôi chứng thực bào có thể dấn đến tử vong.


9. Có thể chữa khỏi hẳn viêm khớp thiếu niên không, thưa BS?

Người ta thường hay nghĩ bệnh viêm khớp thiếu niên do yếu tố gen hoặc yếu tố tác động của môi trường như tình trạng nhiễm siêu vi, vi trùng… làm tổn hại đến hệ miễn dịch vì khi trẻ còn nhỏ, hệ miễn dịch rất yếu, sẽ được củng cố dần đến lúc trưởng thành. Đa số những trường hợp viêm khớp thiếu niên may mắn là sẽ ổn định khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên có một số trường hợp tiếp tục phát triển cho đến khi trẻ lớn lên, những trường hợp này tiên lượng thường không tốt.

Thực hiện: Hồng Nhung - Thanh Thủy
Ảnh: Viết Hưởng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X