ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan: Phải làm gì khi bị chuột rút?
Theo ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan - Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khi bị chuột rút, các bạn hãy ngay lập tức đứng lên và dùng trọng lượng của cơ thể đè lên trên khuỷu chân hoặc khụyu chân xuống. Hoặc cố gắng duỗi thẳng chân ra, sau đó cúi người để làm sao tay chạm được đầu bàn chân.
Chuột rút thường xảy ra ở bộ phận nào trên cơ thể?
Chuột rút (vọp bẻ) là hiện tượng nhiều người gặp. Xin BS cho biết chuột rút diễn ra như thế nào? Có phải chuột rút chỉ xảy ra ở tay và chân không ạ?
ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:
Trong cơ thể có rất nhiều khối cơ, phân biệt là cơ trơn và cơ xương. Trong đó, các vùng cơ xương hoạt động bằng cách co giãn liên tục. Trong một số trường hợp bất thường làm rối loạn hoạt động sinh lý này của cơ, thì một khối cơ sau khi co xong sẽ không giãn ra và co thắt lại, biểu hiện trên lâm sàng là tình trạng co cứng đột ngột kèm đau, không cử động chi được, được gọi là vọp bẻ.
Tình trạng này hay xảy ra ở những noi có khối cơ lớn, thường nhất là ở chân, đặc biệt là ở bắp chân, một số trường hợp ít hơn có thể xảy ra ở tay. Ngoài ra chúng ta có thể thường nghe co rút cơ bụng. Trường hợp này thường gắn liền với cơ trơn đường tiêu hóa, cơ chế hơi khác một chút và không xếp và vọp bẻ cơ xương như tôi vừa đề cập.
Bắp chân là bộ phận thường gặp tình trạng chuột rút.
Những ai dễ bị chuột rút ạ? Có phải người cao tuổi dễ bị hơn không ạ?
ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:
Vọp bẻ có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên, theo thống kê, ở người lớn trên 50 tuổi có nguy cơ vọp bẻ cao hơn so với người trẻ.
Những nguyên nhân gây chuột rút
Nhiều người cho rằng nguyên nhân hàng đầu gây ra chuột rút là do thiếu canxi, điều này có đúng không? Ngoài ra chuột rút còn do nguyên nhân nào nữa ạ?
ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:
Nhắc đến thiếu canxi, chúng ta phải nói đến tetany - là hiện tượng hoàn toàn khác vọp bẻ. Trong trường hợp hạ canxi máu, bệnh nhân thường co cứng cơ đầu chi nhiều hơn, trong khi vọp bẻ thường gặp ở các cơ xương, như bắp chân, vùng đùi, thỉnh thoảng ở cánh tay.
Đối với tetany, nguyên nhân chính yếu là do hạ canxi huyết, thì đối với vọp bẻ, nguyên nhân là do đa yếu tố.
Nguyên nhân hàng đầu gây vọp bẻ là do tình trạng thiếu oxy và thiếu máu, có thể là do cử động/ hoạt động của cơ quá nhiều hoặc do thiếu máu nuôi gặp trong một số bệnh như xơ vữa động mạch, xơ vữa hẹp các động mạch chi dưới.
Nguyên nhân nữa là do các tổn thương thần kinh. Chúng ta biết rằng cơ hoạt động nhờ sự phối hợp của thần kinh cơ. Các bệnh lý thần kinh như đau rễ thần kinh, viêm thần kinh ngoại biên cũng gây tình trạng vọp bẻ.
Nguyên nhân thứ ba là do rối loạn điện giải, nổi bật nhất là tình trạng mất nước là nguy cơ thường nhắc đến nhiều nhất của vọp bẻ. Về rối loạn điện giải có phần của canxi, nhưng bên cạnh canxi còn nhắc đến vai trò của magie. Đối với vọp bẻ, magie có phần quan trọng hơn cả canxi.
Bên cạnh rối loạn nước điện giải còn có tình trạng rối loạn chuyển hóa gặp trong những bệnh quen thuộc như bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp… Những bệnh nhân mắc những bệnh lý này dễ bị vọp bẻ.
Ngoài các yếu tố vừa kể trên, không thể không nhắc đến thuốc. Một loạt thuốc có thể dẫn đến nguy cơ bị vọp bẻ như thuốc lợi tiểu; các thuốc điều trị hạ huyết áp như nhóm ức chế beta kéo dài hay nhóm ức chế thụ thể Angiotensin. Bên cạnh đó, ngay cả thuốc điều trị loãng xương như Raloxifene hoặc Teriparatide cũng có thể đưa đến vọp bẻ. Hay nhóm thuốc khá quen thuộc là kháng viêm non steroid cũng có khả năng dẫn đến vọp bẻ.
Mất nước là một trong những nguyên nhân gây chuột rút.
Theo BS, chuột rút vào ban đêm và ban ngày thì trường hợp nào đáng ngại hơn?
ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:
Trong các yếu tố nguy cơ hoặc nguyên nhân của vọp bẻ mà tôi vừa đề cập trên thì có tình trạng cử động nhiều, nếu do nguyên nhân này sẽ gặp vào ban ngày nhiều. Còn các trường hợp rối loạn nước điện giải thì bệnh nhân lại thường gặp vào ban đêm.
Tuy nhiên, theo thống kê, người ta thấy rằng vọp bẻ hay xảy ra vào ban đêm hơn là ban ngày. Nhưng việc giữa ban ngày hay ban đêm không nói lên được tình trạng của bệnh nhân nặng hơn hay nhẹ hơn.
Nên làm gì khi bị chuột rút?
Nhờ BS hướng dẫn khi bị chuột rút, cần làm gì để nhanh chóng cải thiện tình trạng này?
ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:
Trong tình trạng vọp bẻ, điểm nổi bật đó là cơ bị co cứng lại không giãn ra được gây triệu chứng đau. Để chấm dứt tình trạng này, chúng ta sẽ tìm cách làm cho cơ căng ra.
Cách đầu tiên, nếu có thể di chuyển được thì hãy ngay lập tức đứng lên và dùng trọng lượng của cơ thể đè lên trên khuỷu chân hoặc khụyu chân xuống.
Thứ hai, nếu không thể đứng lên được, các bạn nên cố gắng duỗi thẳng chân ra, sau đó cúi người để làm sao tay chạm được đầu bàn chân.
Trường hợp vọp bẻ ở bắp đùi, các bạn hãy đứng dựa vào một cái ghế và gấp chân sao cho gót chân chạm vào vùng mông.
Bằng những động tác đơn giản này, các bạn có thể chấm dứt được cơn vọp bẻ. Tuy nhiên, sau khi cơ đã giãn ra nhưng vẫn có tình trạng đau kéo dài, lúc này các bạn có thể chườm nóng hoặc trong một số trường hợp khác, chườm lạnh có thể giúp giảm đau nhanh.
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan hiện đang là Trưởng Đơn vị nghiên cứu Cơ Xương Khớp - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Cách khắc phục tình trạng chuột rút ở phụ nữ mang thai
Riêng với phụ nữ mang thai, cách khắc phục chuột rút như thế nào, thưa BS?
ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:
Với phụ nữ mang thai, ngay khi có cơn vọp bẻ, thai phụ có thể massage hoặc chườm nóng, chườm lạnh và quan trọng hơn hết là phòng ngừa để không xuất hiện tình trạng vọp bẻ này.
Bên cạnh các rối loạn nội tiết tố thì ở phụ nữ mang thai sẽ có rối loạn nước điện giải, theo các kết quả từ nhiều nghiên cứu người ta thấy rằng chỉ cần bổ sung đầy đủ magie, canxi và sắt có thể giúp đối tượng này không xảy ra các cơn vọp bẻ.
Hiện tượng chuột rút rất thường gặp ở phụ nữ mang thai.
Phòng ngừa chuột rút như thế nào?
Chuột rút có phòng ngừa được không, phòng ngừa bằng cách nào ạ?
ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:
Cách phòng ngừa tốt nhất là tập căng cơ mỗi ngày, tức là bằng các bài tập kháng lực căng cơ, kèm chế độ dinh dưỡng đầy đủ nước và các khoáng chất: magie, canxi, và hạn chế sử dụng các loại thuốc gây cơn vọp bẻ.
Vọp bẻ có thể làm cản trở sinh hoạt hàng ngày và gây tâm lí không tốt cho bệnh nhân. Tuy nhiên đây là hiện tượng lành tính không có tác hại về sau, đồng thời bằng các biện pháp phòng ngừa đơn giản, trong đó hàng đầu là tập luyện căng cơ thường xuyên thì tình trạng này có thể phòng ngừa và không sợ tái phát trở lại, cũng như không để lại di chứng.
Người bệnh hoàn toàn có thể an tâm, nhưng nên để ý và thực hiện căng cơ đều đặn sẽ hạn chế tình trạng này xảy ra.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình