Hotline 24/7
08983-08983

Thời tiết nắng nóng kéo dài 4 ngày liên tục, nguy cơ đột quỵ tăng đến 78%

Nắng nóng oi bức là một trở ngại lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. TS.BS Trần Hòa - Phó khoa Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Tổng thư ký Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về cách giữ gìn sức khỏe, chế độ ăn uống, vận động cho người bệnh tim mạch trong mùa nắng nóng.

Bệnh lý tim mạch gia tăng vì nắng nóng

Xin hỏi BS, bệnh lý tim mạch và nắng nóng, oi bức có mối liên quan với nhau thế nào ạ? Tim của chúng ta phải làm việc nhiều ra sao trong thời tiết khắc nghiệt này?

TS.BS Trần Hoà trả lời: Khi nhiệt độ bên ngoài tăng nhưng không ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể thì sức khỏe cũng không bị ảnh hưởng. Trường hợp nhiệt độ bên ngoài tăng kéo theo cơ thể nóng lên sẽ gây ra những xáo trộn trong cơ thể. Cả người khỏe mạnh lẫn người có bệnh tim mạch khi phải tiếp xúc thời gian dài với thời tiết nắng nóng đều bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tim phải làm việc nhiều hơn khi chúng ta ở trong điều kiện thời tiết nắng nóng để cơ thể có thể thích ứng. Trước hết là tăng tần số tim. Qua thống kê ghi nhận, khi nhiệt độ cơ thể tăng 0,5 độ C, tần số tim tăng thêm 10 nhịp/phút. Khi tần số tim tăng lên, cùng với những tác động của nhiệt độ lên mạch máu sẽ làm giãn mạch, ảnh hưởng đến sự toát mồ hôi, gây mất nước, mất điện giải. Chính sự giãn mạch này cũng làm hạ huyết áp, ảnh hưởng đến sự tưới máu lên các cơ quan như thận, não và làm trầm trọng hơn những tình trạng bệnh tim mạch mà bệnh nhân đang mắc. Ví dụ người bệnh suy tim bị mất nước, huyết áp thấp, giãn mạch có thể làm tình trạng tim mạch tăng lên.

Nghiên cứu ghi nhận rằng khi tiếp xúc với thời tiết nắng nóng làm tăng gấp đôi nguy cơ bị đột quỵ. Đặc biệt khi nắng nóng kéo dài từ 2 ngày, nguy cơ đột quỵ tăng lên 18%. Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài 4 ngày, nguy cơ đột quỵ tăng lên đến 78%. Những con số này cho thấy ảnh hưởng của sự thay đổi nhiệt độ trên cơ thể của người bình thường cũng như người có bệnh lý về tim mạch.

Đối với người có sẵn những bệnh lý tim mạch, đặc biệt khi những bệnh lý này đã ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của tim, nếu có những yếu tố tác động vào dẫn đến sự thay đổi trong cơ thể sẽ càng dễ xảy ra nhiều biến cố. Ví dụ, điều kiện nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh đều ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Không chỉ thời tiết nắng nóng như hiện nay mà cả khi trời đột ngột trở lạnh cũng làm tăng nguy cơ tử vong do tim mạch.

Đối với những bệnh nhân suy tim, bệnh van tim hay đơn giản chỉ là các trường hợp có can thiệp đặt stent động mạch vành, khi nắng nóng kéo dài như hiện nay sẽ làm những bệnh lý này trở nặng, đôi khi làm bệnh nhân có tình trạng mất bù, phải nhập viện để xử trí.

TS.BS Trần Hòa nhận lời tư vấn trên AloBacsi ngay khi nhận thấy những ảnh hưởng, tác động của nắng nóng gay gắt hiện nay lên người bệnh tim mạch

Thời tiết nóng ảnh hưởng thế nào tới người đã can thiệp, phẫu thuật tim mạch?

Còn với những người đã can thiệp, phẫu thuật tim mạch (đặt stent mạch vành hoặc van tim cơ học…), nguy cơ nào có thể xảy ra ạ?

TS.BS Trần Hoà trả lời: Đối với những người đã được sửa chữa như can thiệp đặt stent động mạch vành, mổ bắc cầu động mạch vành, mổ thay van tim,... nếu sức khỏe người bệnh ổn, không có tình trạng suy tim thì tác động của nắng nóng giống như những người bình thường.

Còn nếu đã xuất hiện tình trạng suy tim thì nắng nóng cũng là một yếu tố thúc đẩy bệnh nhân bị mất bù như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí gây tắc stent, tắc van tim đã đặt vào. Tác động quá nhiều của tình trạng nhiệt có thể để lại hậu quả nghiêm trọng: cô đặc máu, tăng đông máu, mất ổn định mảng xơ vữa và gây biến cố nhồi máu cơ tim.

Những dấu hiệu nguy hiểm mà bệnh nhân tim mạch cần chú ý

Những dấu hiệu nào cảnh báo người bệnh tim mạch cần cảnh giác, thưa BS? Người bệnh cần xử trí ra sao khi xuất hiện triệu chứng này?

TS.BS Trần Hoà trả lời: Trong mùa nắng nóng, những tác động của nhiệt độ, thời tiết có ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao và nhiệt độ cơ thể tăng lên, những người đang có bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, đã từng bị đột quỵ, từng mổ tim, can thiệp đặt stent động mạch vành,... cần chú ý những dấu hiệu sau:

- Những triệu chứng về mặt thần kinh: nhức đầu, choáng váng, chóng mặt, thay đổi về mặt hành vi hoặc ý thức

- Những dấu hiệu bất thường về mặt tiêu hóa: đau ở vùng thượng vị, có triệu chứng buồn nôn và nôn

- Những triệu chứng tim mạch: cơn đau ngực đột ngột, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực,...

- Đau cơ, co thắt cơ, vọp bẻ,...

Khi gặp các tình huống này, nên bình tĩnh thực hiện sơ cứu tại nhà và nhanh chóng đưa người bệnh đến trung tâm cấp cứu để được chữa trị kịp thời.

Người bệnh tim mạch nên làm gì để đối phó với nắng nóng?

Để bảo vệ sức khỏe khi trời nắng nóng, người bệnh tim mạch nói chung và người đã phẫu thuật, can thiệp tim mạch nói riêng cần nhớ những nguyên tắc nào?

TS.BS Trần Hoà trả lời: Bệnh nhân có sẵn bệnh lý tim mạch đã được điều trị can thiệp hay đang điều trị thuốc cần chú ý những vấn đề quan trọng như sau:

- Duy trì các thói quen tốt cho tim mạch: Tuân thủ theo chế độ điều trị thuốc mà bác sĩ chỉ định; Tuân thủ chế độ ăn kiêng khem và tập luyện thể dục. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến việc nên tập thể dục vào lúc nào. Các chuyên gia khuyên tất cả mọi người, bao gồm những người mắc các bệnh lý tim mạch, không nên tập luyện vào những thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, đặc biệt là từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Có thể chuyển thời gian tập luyện về buổi chiều, tối hoặc lúc sáng sớm.

Những người có bệnh tim nặng đang điều trị tích cực không nên tiếp xúc với ánh nắng gay gắt trong những ngày nóng như thế này, không nên ra ngoài trong khoảng thời gian giữa trưa. Trong trường hợp cần thiết phải ra ngoài, có thể sử dụng những biện pháp che chắn và di chuyển bằng ô tô, taxi để tránh tác động trực tiếp của nắng nóng.

- Uống nước đủ theo nhu cầu cơ thể và tăng cường uống nhiều nước để tránh mất nước. Những bệnh nhân cần hạn chế lượng nước trong ngày như bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, suy thận mạn giai đoạn cuối không còn tiểu tiện được cần bổ sung lại lượng nước mất ra ngoài da theo hướng dẫn của bác sĩ.

Một số loại thuốc điều trị cũng có thể gây ảnh hưởng trong mùa nắng nóng. Cơ thể đã mất nước trong thời tiết nắng nóng mà còn dùng thêm thuốc lợi tiểu lại càng làm mất nước nhiều hơn. Các bác sĩ sẽ cân chỉnh giảm bớt hoặc ngưng thuốc trong tình huống cần thiết.

- Ăn nhiều rau, ăn các thức ăn dễ tiêu. Khi đi ngoài nắng về có thể ăn những trái cây chứa nhiều nước được làm mát, ướp lạnh. Nước lọc, nước trà, nước sâm là những loại nước được khuyên dùng. Nếu không có bệnh đái tháo đường, có thể dùng nước trái cây hoặc sữa. Cần đảm bảo uống đủ tổng lượng nước trong ngày theo nhu cầu cơ thể.

Bệnh nhân suy tim, tăng huyết áp hạn chế uống những thức uống chứa cồn, cafein vì sẽ làm gia tăng lượng nước mất đi và ảnh hưởng đến nhịp tim, ảnh hưởng đến sự co thắt của mạch máu, không tốt cho sức khỏe tim mạch. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên không nên sử dụng các loại thức uống chứa 2 chất này trong thời gian nắng nóng.

Hiện nay có các loại thuốc tác động trực tiếp đến dẫn truyền cơ tim làm chậm tần số tim của người bệnh như thuốc chẹn beta (thuốc ức chế beta), thuốc ức chế kênh If Ivabradine. Nhiều người lo ngại rằng khi sử dụng thuốc này khiến tần số tim không tăng lên trong thời tiết nắng nóng. Đối với những bệnh nhân đang dùng thuốc này thì vẫn phải tiếp tục sử dụng và chú ý phòng tránh những yếu tố khác ảnh hưởng đến vấn đề tim mạch của mình.

Đồng thời nên tạo không gian sống thông thoáng, mát mẻ như phòng riêng có quạt điện, quạt hơi nước, máy điều hòa để tránh nắng nóng trực tiếp. Tại thời điểm nắng nóng, không nên chế biến các món ăn sử dụng phương pháp nấu, nướng tỏa nhiệt quá nhiều.

Nếu bạn còn những đắn đo, lo lắng trong việc sử dụng thuốc thì hãy đến gặp trực tiếp bác sĩ điều trị để cân chỉnh lại, đặc biệt là các loại thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh beta, thuốc hạ áp,... có tác động cộng hưởng với nhiệt độ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.  Khi theo dõi tại nhà mà nhận thấy huyết áp không ổn định nên liên hệ bác sĩ để điều chỉnh lượng thuốc.

Chú ý bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân tim mạch trong mùa nắng nóng

BS còn lời khuyên nào khác dành cho người bệnh tim mạch khi đối diện với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt và dự báo kéo dài trong năm nay?

TS.BS Trần Hoà trả lời: Chúng ta chưa biết thời tiết nắng nóng như hiện nay sẽ kéo dài bao lâu. Chúng ta không thay đổi được thời tiết. Tôi cũng giống như mọi người, đang chờ đợi những cơn mưa để xoa dịu thời tiết, làm chúng ta dễ chịu hơn.

Để đối diện với thời tiết nắng nóng, các chuyên gia khuyên rằng hãy giữ cơ thể luôn mát. Làm sao để cơ thể luôn mát? Hãy tạo một môi trường sống mát mẻ, tìm cách tránh sự tác động trực tiếp của ánh nắng vào cơ thể của mình. Có thể sử dụng quần áo chống nắng, làm gian nhà có sẵn quạt, máy điều hòa, dùng thức uống để nạp lại lượng nước mất đi qua da, ăn thức ăn dễ tiêu, trái cây ướp lạnh.

Đặc biệt ở những người có sẵn bệnh lý tim mạch, hãy lắng nghe cơ thể. Nên đo huyết áp, đo nhịp tim thường xuyên và chú ý những bất thường xảy ra do bệnh hoặc do tác động của nhiệt độ. Các triệu chứng có thể kể đến như: chứng nhức đầu, choáng váng, chóng mặt; đau nhức một phần cơ thể do vọp bẻ; đau ngực, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực; buồn nôn và nôn, ăn uống không ngon miệng.

Khi gặp những dấu hiệu này, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám. Nếu xuất hiện các triệu chứng báo động, hãy lập tức đến các trung tâm cấp cứu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X