Hotline 24/7
08983-08983

Thời hạn sử dụng, hiệu quả ngừa thai và những trường hợp chống chỉ định của dụng cụ tử cung

Đối với dụng cụ tử cung có chứa đồng, sẽ bảo vệ khỏi việc mang thai lên đến 10 năm. Trong khi dụng cụ tử cung chứa nội tiết có thời hạn sử dụng là 5 năm. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương, sử dụng dụng cụ tử cung là một phương pháp tránh thai có hiệu quả lên đến 99% và hiếm khi xảy ra sự cố nghiêm trọng.

1. Những trường hợp chống chỉ định của dụng cụ tử cung

Dụng cụ tử cung phù hợp với những ai, độ tuổi từ bao nhiêu có thể sử dụng? Chống chỉ định của dụng cụ tử cung là gì, thưa BS?

BS.CK2 Hoàng Thị Thanh Thảo - Trưởng khoa Điều trị Trong ngày - Phó trưởng khoa Khám bệnh B - Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Các biện pháp tránh thai đều được ứng dụng theo yêu cầu của người sử dụng, không đặc biệt chỉ định cho bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, trước khi được chỉ định, bệnh nhân cần phải thăm khám để loại trừ các bệnh lý tại chỗ như ung thư cổ tử cung, u nang buồng trứng...

Vòng tránh thai bằng đồng không thể sử dụng cho những trường hợp ung thư cổ tử cung, dị dạng tử cung. Người có tiền sử thai ngoài tử cung dùng vòng tránh thai có thể đưa đến biến chứng viêm nhiễm, tắc ống dẫn trứng. Nếu bệnh nhân xác định không có nhu cầu có con nữa thì có thể cân nhắc đặt vòng.

Các trường hợp u lành tính như polyp lòng, nhân xơ lòng hay bất kỳ vấn đề gì ở lòng tử cung đều chống chỉ định với dụng cụ tử cung. Tử cung đôi cũng không thể áp dụng biện pháp ngừa thai này.

Những bệnh nhân có phản ứng với đồng không được dùng dụng cụ tử cung có chứa đồng, phải xem xét đến dụng cụ nội tiết. Ngược lại, những phụ nữ có bệnh chống chỉ định nội tiết có thể xem xét sử dụng dụng cụ đồng.

BS.CK2 Hoàng Thị Thanh Thảo - Trưởng khoa Điều trị Trong ngày - Phó trưởng khoa Khám bệnh B - Bệnh viện Hùng Vương

2. Vòng tránh thai không phải nguyên nhân gây mất sữa ở phụ nữ đang cho con bú

Phụ nữ cho con bú, những người mắc bệnh lý (tuyến giáp, đái tháo đường, tăng huyết áp, u xơ tử cung, u nang buồng trứng…) có nên tránh thai bằng dụng cụ tử cung? Hiệu quả, an toàn của phương pháp tránh thai này có bị giảm vì bệnh lý?

BS.CK2 Hoàng Thị Thanh Thảo trả lời: Thời điểm thuận lợi nhất để đặt dụng cụ tử cung trong tình huống này là sau khi sinh được 6 tuần. Vòng tránh thai đồng sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề tiết sữa mẹ. Liều nội tiết trong dụng cụ tử cung chứa nội tiết rất thấp, chỉ khoảng 5,2mg/ngày nên cũng chưa có ghi nhận nào về việc giảm tiết sữa.

Cho bé bú mẹ thường xuyên sẽ kích thích não tiết ra prolactin làm tăng tiết sữa. Bên cạnh đó, dinh dưỡng là một yếu tố rất quan trọng. Mẹ ăn đủ chất sẽ không cần phải lo lắng bị mất sữa. Như vậy, vòng tránh thai không phải nguyên nhân gây mất sữa, lý do chính đến từ chế độ dinh dưỡng và phương pháp cho con bú.

Tiếp theo, các bệnh lý nội tiết như tuyến giáp, cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý liên quan đến nội tiết tố mãn tính nên sử dụng dụng cụ tử cung để ngừa thai. Mang thai sẽ là yếu tố khiến những bệnh lý vừa nêu bộc phát trong thai kỳ.

Những trường hợp bị u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung có thể lựa chọn điều trị tác dụng cộng dồn, nên ưu tiên chọn dụng cụ tử cung nội tiết.

3. Phải làm gì khi dụng cụ tử cung hết hạn sử dụng?

Xin hỏi BS, sau khi hết hạn sử dụng, có thể tiếp tục sử dụng dụng cụ tử cung mới ngay sau đó không?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Dụng cụ tử cung cũng có hạn sử dụng, khi hết hạn thì cần phải thay mới.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dụng cụ tử cung có chứa đồng có hạn sử dụng lên đến 10 năm, dụng cụ tử cung chứa progestin có hạn sử dụng kéo dài 5 năm. Trong quá trình sử dụng, nếu có mong muốn mang thai, người phụ nữ có thể lấy vòng ra ngay. Việc mang thai có thể diễn ra sau chu kỳ lấy dụng cụ tử cung.

Khi hết hạn sử dụng, có thể lấy ra và đặt dụng cụ tử cung mới vào mà không cần chờ đợi chu kỳ sau, vừa tiết kiệm thời gian, vừa giúp người phụ nữ bớt đi áp lực tâm lý khi phải thực hiện thủ thuật tận 2 lần.

Vì vậy, khi dụng cụ tử cung hết hạn, chị em hãy mạnh dạn đến Khoa Kế hoạch hóa gia đình của Bệnh viện Hùng Vương để được thay vòng mới.

Ở dụng cụ tử cung chứa đồng đơn thuần có thể xuất hiện tình trạng ra nhiều máu hơn khi hành kinh so với khi chưa đặt vòng. Hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa để được kê đơn thuốc giúp giảm lượng máu kinh.

Đặt dụng cụ tử cung có thể gây tình trạng rong kinh, rong huyết. Khi điều trị bằng thuốc không có tác dụng, bắt buộc phải lấy dụng cụ tử cung ra. Sau khi điều trị bằng thuốc khoảng vài tháng, tình trạng đã ổn định, nếu người phụ nữ vẫn có nhu cầu thì vẫn có thể đặt dụng cụ tử cung trở lại. Tuy nhiên, đa phần chị em sẽ lựa chọn một biện pháp ngừa thai khác.

Dụng cụ tử cung chứa progestin cũng gặp tình huống tương tự như dụng cụ tử cung chứa đồng là rong kinh rong huyết. Bước đầu trong điều trị vẫn là dùng thuốc, nếu tình hình không được cải thiện mới phải lấy vòng ra ngoài.

Trong trường hợp này, chị em có thể áp dụng một biện pháp ngừa thai tạm thời nào khác như bao cao su, thuốc tránh thai kết hợp, que cấy tránh thai...

4. Dụng cụ tử cung có chứa đồng có hiệu quả tránh thai ngay sau khi đặt

Nhờ BS lưu ý thêm cho các chị em phụ nữ, thời điểm đặt dụng cụ tử cung là khi nào? Cần cách chu kỳ kinh nguyệt bao lâu?

Sau khi đặt dụng cụ tử cung bao lâu sẽ có tác dụng? Cần quan hệ an toàn bao lâu? Trong thời gian này liệu có cần sử dụng thêm biện pháp “bảo hộ” nào khác?

BS.CK2 Hoàng Thị Thanh Thảo trả lời: Các phương pháp ngừa thai có thể ứng dụng bất kỳ lúc nào có nhu cầu, nhưng phải loại trừ vấn đề đang mang thai. Khi muốn đặt dụng cụ tử cung, người phụ nữ cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ hướng dẫn, sàng lọc, loại trừ khả năng đang mang thai và các bệnh lý chống chỉ định.

Thời điểm đặt dụng cụ tử cung thuận lợi nhất là tuần đầu tiên của kỳ hành kinh. Chẳng hạn, nếu bạn có chu kỳ hành kinh 5 ngày thì ngày thứ 3 hoặc thứ 4 là những ngày lượng kinh ít nhất, cổ tử cung hé mở, có thể đưa dụng cụ tử cung vào dễ dàng hơn.

Vòng tránh thai chứa đồng có hiệu quả tránh thai ngay. Vòng nội tiết cần chờ đợi khoảng 1 tuần, nên kiêng quan hệ trong 7 ngày đầu tiên sau khi đặt vòng để chờ nồng độ nội tiết đạt đến ngưỡng có thể ngừa thai.

Nếu quan hệ ngay sau khi đặt vòng nội tiết nên sử dụng bao cao su hoặc xuất tinh ngoài âm đạo để đảm bảo chất lượng của vòng tránh thai.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

5. Những bất lợi do dụng cụ tử cung gây ra

Các tác dụng phụ có thể gặp sau khi đặt dụng cụ tử cung là gì và thông thường bao lâu các tác dụng phụ này sẽ chấm dứt? Đối phó như thế nào khi gặp các tác dụng phụ này, thưa BS?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Dụng cụ tử cung không có tác dụng phụ mà chỉ có các bất lợi. Đầu tiên là những bất lợi liên quan đến thủ thuật đặt vòng. Ngay sau khi đặt dụng cụ tử cung có thể có những tai biến, biến chứng liên quan đến thủ thuật như xuất huyết, thủng tử cung, tuột vòng... Thực hiện thủ thuật tại các cơ sở uy tín, có bác sĩ vững chuyên môn sẽ hạn chế được những tai biến, biến chứng này.

Thứ hai là nguy cơ nhiễm trùng nếu không tuân thủ các nguyên tắc vô trùng khi đặt dụng cụ tử cung.

Về lâu dài, đặt dụng cụ tử cung có thể mang lại một số bất lợi đối với người phụ nữ như ra máu nhiều khi hành kinh (dụng cụ tử cung chứa đồng), đau bụng kinh nhiều hơn do dụng cụ tử cung bị lệch. Rong kinh, rong huyết thường liên quan đến việc sử dụng dụng cụ tử cung trong thời gian dài hoặc dùng dụng cụ tử cung chứa progestin.

Chúng ta có thể điều trị những trường hợp này bằng thuốc, nếu không thể cải thiện mới cần lấy dụng cụ tử cung ra.

Bất lợi thường gặp nhất của dụng cụ tử cung, cả dụng cụ tử cung đồng hay dụng cụ tử cung chứa progestin, là người phụ nữ dễ bị viêm nhiễm âm đạo, đường sinh dục dưới (viêm cổ tử cung, viêm âm đạo).

Dụng cụ tử cung có một phần dây để báo cho chúng ta biết liệu dụng cụ tử cung có còn nằm trong lòng tử cung hay không, có còn ở đúng vị trí hay không. Nhưng chính sợi dây này là nguyên nhân khiến người phụ nữ dễ bị viêm đường sinh dục dưới.

Khi chọn biện pháp ngừa thai tạm thời là dụng cụ tử cung, chị em phải hết sức quan tâm đến vấn đề này. Viêm âm đạo lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu nhận thấy dịch tiết âm đạo thay đổi về số lượng, màu sắc hay mùi, cần phải đến cơ sở y tế sớm để điều trị ngay, tránh để viêm âm đạo lan lên thành viêm nội mạc tử cung, viêm ống dẫn trứng, viêm phần phụ.

6. Quy trình và chi phí đặt, tháo dụng cụ tử cung tại Bệnh viện Hùng Vương

Nhờ BS chia sẻ thêm, quy trình đặt dụng cụ tử cung và tháo dụng cụ tử cung tại Bệnh viện Hùng Vương như thế nào? Chi phí bao nhiêu và có được BHYT thanh toán?

BS.CK2 Hoàng Thị Thanh Thảo trả lời: Về quy trình, trước khi đặt hay trước khi tháo dụng cụ tử cung, người phụ nữ đều phải khám phụ khoa.

Khám phụ khoa trước khi đặt vòng để bác sĩ xác định chính xác tình trạng tử cung của người dùng có thích hợp để đặt vòng hay không, loại trừ những trường hợp viêm nhiễm, dị dạng... để hẹn lại chu kỳ sau hoặc tư vấn chọn biện pháp ngừa thai khác

Nếu vẫn còn dây vòng, bác sĩ sẽ gắp dây vòng ra. Những trường hợp không tìm thấy dây vòng cần phải siêu âm thêm để tìm vị trí của vòng.

Chi phí vòng T tại Bệnh viện Hùng Vương hiện nay khoảng 300.000-400.000 đồng. Vòng nội tiết có giá khoảng 3,5-4 triệu đồng.

Chi phí của vòng nội tiết có vẻ hơi cao nhưng thực tế lại có nhiều lợi điểm hơn:

- Thời gian sử dụng lên đến 5 năm. Như vậy, mỗi tháng chúng ta chỉ mất 50.000-60.000 đồng/tháng, vẫn rẻ hơn so với sử dụng thuốc ngừa thai.

- Điều trị thiếu máu, thống kinh, cường kinh và một số bệnh lý tiền ung thư. Do đó, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng dụng cụ tử cung nội tiết cho những trường hợp có bệnh lồng ghép.

7. Dụng cụ tử cung đạt hiệu quả ngừa thai trên 95%

Khả năng mang thai trở lại sau khi tháo dụng cụ tử cung ra sao, thưa BS? Tại Bệnh viện BS nhận thấy, thời gian trung bình các chị em có tin vui sau khi tháo dụng cụ tử cung là bao lâu?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Dụng cụ tử cung là một biện pháp ngừa thai vừa hiệu quả vừa an toàn. Nếu đặt đúng vị trí, dụng cụ tử cung đạt hiệu quả ngừa thai 95-99%. Bên cạnh đó, người phụ nữ có khả năng mang thai lại ngay sau chu kỳ lấy dụng cụ tử cung ra.

Tuy nhiên, nếu lấy dụng cụ tử cung ra mà vẫn không có thai, người phụ nữ có khả năng mắc một số bệnh lý chưa được phát hiện, chẳng hạn, trong quá trình đặt dụng cụ tử cung gây viêm nhiễm, tắc ống dẫn trứng.

Tinh trùng của người chồng ít đi hoặc yếu đi trong thời gian áp dụng biện pháp đặt vòng cũng có thể là nguyên nhân khiến 2 bạn chưa thể có tin vui ngay.

Nếu vẫn chưa có thai trong vòng 1 năm sau khi lấy dụng cụ tử cung ra (đối với người dưới 35 tuổi) hoặc 6 tháng (đối với người trên 35 tuổi) thì phải đi khám ngay để tìm nguyên nhân.

>>> Đặt vòng tránh thai có ảnh hưởng đến cân nặng, khả năng tiết sữa?

>>> Dụng cụ tử cung: Khi vòng tránh thai không chỉ có tác dụng ngừa thai

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X