Những dấu hiệu nào cảnh báo trẻ cần được chỉnh nha sớm?
Cùng với sự phát triển của nha khoa hiện đại, chỉnh nha đã đạt được những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, câu hỏi “Làm thế nào để biết trẻ cần chỉnh nha?” vẫn là điều trăn trở đối với các bậc phụ huynh. Câu trả lời chi tiết được cung cấp trong phần tư vấn của BS Lê Trung Hiếu tại buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh sáng 24/11/2024.
Điều trị chỉnh nha sớm giúp chỉnh sửa hoàn toàn hoặc phần nhiều sai lệch mới phát sinh
Theo quan niệm trước đây, không cần can thiệp cho đến khi các răng cối lớn thứ hai của bộ răng vĩnh viễn mọc lên. Lúc này, cơ thể trẻ gần như đã vượt qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nhất, việc điều trị chủ yếu tập trung vào răng mà không có sự thay đổi nhiều về xương hàm.
Theo BS Lê Trung Hiếu, đây là một thiếu sót, làm hạn chế sự can thiệp của nha khoa cho trẻ. Điều trị ở giai đoạn này thường kèm theo nhổ răng và yêu cầu sử dụng các dụng cụ phức tạp, xâm lấn, cồng kềnh, có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe răng và các mô xung quanh.
Quan niệm về chỉnh nha hiện nay đã tiến bộ hơn rất nhiều. Các chuyên gia khẳng định rằng chờ đến khi trẻ 12 tuổi sẽ không thể tận dụng được tiềm năng để loại bỏ những sai lệch trong sự phát triển của xương và cấu trúc chức năng liên quan đến thói quen thở miệng, nuốt bất thường hoặc các hành vi bất thường khác. Bên cạnh đó, cơ hội điều phối sự phát triển của răng và xương ổ sẽ bị hạn chế rất nhiều.
BS Lê Trung Hiếu nhấn mạnh: “Bắt đầu điều trị chỉnh nha sớm giúp chỉnh sửa hoàn toàn hoặc phần nhiều sai lệch mới phát sinh, hoặc ít nhất sẽ làm giảm khả năng trở nên nghiêm trọng hơn.
Bằng cách sử dụng những kỹ thuật trị liệu đơn giản, phù hợp với trẻ em, không có khí cụ xâm lấn như giai đoạn sâu, mục tiêu của chỉnh nha sớm là loại bỏ hoặc giảm thiểu các rối loạn về răng miệng, xương liên quan đến sự phát triển chức năng, thẩm mỹ, tâm lý trẻ em”.
Việc điều trị chỉnh nha nên hòa hợp với tư tưởng y học hiện đại “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Lứa tuổi lý tưởng để thăm khám, tầm soát cho trẻ là 5, 6 tuổi. Buổi khám đầu tiên sẽ phát hiện bất kỳ sai lệch nào có thể trở nên trầm trọng theo thời gian và bất kỳ sự xáo trộn nào trong hệ thống chức năng do thở miệng, nuốt bất thường. Bên cạnh đó, trẻ sẽ được kiểm tra các thói quen không tốt như mút ngón tay, mút môi, ngậm ti giả.
Các khí cụ có thể sử dụng cho trẻ em ở giai đoạn sớm khá đơn giản, dễ tiếp cận, an toàn, thậm chí không gây khó chịu cho trẻ, phù hợp với sự thích nghi của chúng.
Các phương pháp điều trị sẽ được theo dõi cho đến cuối cùng bằng cách duy trì và tái đánh giá khi các răng vĩnh viễn mọc hoàn chỉnh. BS Lê Trung Hiếu giải thích, sau quá trình điều trị sớm, trẻ bước sang giai đoạn điều trị duy trì, chờ răng vĩnh viễn mọc hoàn chỉnh.
Việc can thiệp đã giải quyết hoàn toàn các vấn đề hay cần giai đoạn điều trị thứ hai để hoàn thiện việc sắp xếp răng sẽ được đánh giá lại khi các răng vĩnh viễn mọc lên.
Mục tiêu của việc điều trị sớm là tránh hoặc đơn giản hóa việc điều trị các răng vĩnh viễn ở giai đoạn sau, giảm thiểu việc can thiệp quá mức ở trẻ.
Làm cách nào để cha mẹ nhận biết được con cần điều trị chỉnh nha sớm?
BS Lê Trung Hiếu khẳng định: “Hiểu được tầm quan trọng của chỉnh nha sớm sẽ giúp cha mẹ đóng vai trò như một bác sĩ gia đình, nhận biết được liệu con có cần chỉnh nha sớm hay không”.
Trẻ sẽ có bộ răng sữa cho đến khi được 5 hoặc 6 tuổi. Ở trẻ tăng trưởng bình thường, thời điểm mọc răng sữa có sự chênh lệch khá lớn. Vì thế, các số liệu chỉ mang tính chất ước lượng.
- 6 tháng đầu đời, răng cửa sữa hàm dưới bắt đầu mọc.
- Từ 6 - 13 tháng tuổi, các răng cửa sữa còn lại như hàm trên, hàm bên sẽ mọc.
- Từ 12 - 18 tháng là thời gian mọc các răng cối sữa thứ nhất.
- Từ 8 - 24 tháng, trẻ có các răng nanh sữa.
- Từ 24 - 36 tháng, các răng cối sữa thứ hai bắt đầu mọc lên và hoàn tất quá trình mọc răng sữa.
“Răng sữa rất quan trọng trong sự tăng trưởng của trẻ, giúp trẻ ăn nhai và có khớp cắn để nâng đỡ sự tăng trưởng của xương hàm giai đoạn đầu” - BS Lê Trung Hiếu nhấn mạnh.
Đặc điểm của một bộ răng sữa bình thường là có khe thưa giữa các răng cửa phía trước, răng cửa trên phủ ngoài răng cửa dưới nhưng rất ít hoặc hầu như không nhìn thấy. Góc giữa các răng cửa là 150 độ, nghĩa là khi nhìn từ bên cạnh, răng cửa trên và răng cửa dưới sẽ tạo thành một góc 150 độ.
Răng hàm trên nằm phủ ngoài các răng hàm dưới và không được cắn đối vào nhau. Răng hàm trên cắn ngược vào bên trong sẽ tạo thành bất thường về sau.
Răng trên phải tạo thành cung là một mặt phẳng, không có răng nào mọc cao hoặc thấp hơn mặt phẳng cung răng hình oval này.
Ngược lại, những dấu hiệu sau cho thấy bộ răng sữa của trẻ có nguy cơ phát triển thành khớp cắn sai lệch:
- Thiếu khoảng cách giữa các răng cửa phía trước.
- Răng chen chúc.
- Thiếu chỗ mọc của răng vĩnh viễn sau khi nhổ răng sữa hoặc sâu răng kẽ chưa được điều trị ở các răng sữa tương ứng.
- Nhai một bên do trẻ tránh tiếp xúc cắn đau ở một bên hoặc các cản trở khớp cắn khác.
- Các thói quen có hại như mút ngón tay hoặc núm vú quá mức, thở bằng miệng hoặc nuốt bất thường.
- Hậu quả của chấn thương khiến trẻ bị mất khoảng trên cung răng do mất răng tình cờ; tác động chấn thương vào mầm răng vĩnh viễn; hoại tử tủy làm bất lợi trong quá trình tiêu chân sinh lý của răng sữa; vấn đề khớp thái dương hàm như trật đĩa khớp có thể gây ra sự lệch đường giữa.
Dấu hiệu cảnh báo khớp cắn sai lệch ở trẻ
BS Lê Trung Hiếu cho biết, dấu hiệu nhận biết các yếu tố nguy cơ đôi khi không rõ ràng. Phụ huynh dù có sự quan tâm đến tình trạng răng miệng của trẻ nhưng cũng không thể phát hiện. Bác sĩ đã liệt kê một số dấu hiệu rõ ràng và cảnh báo, nếu cha mẹ phát hiện, hãy đưa trẻ đến gặp nha sĩ để được hỗ trợ can thiệp tốt nhất.
Yếu tố đầu tiên trong cản trở khớp cắn là hẹp hàm theo chiều ngang. Biểu hiện của một trẻ bị hẹp hàm theo chiều ngang là cung răng hình chữ V chứ không phải hình oval như bình thường, răng cửa chìa ra trước rất nhiều.
Hẹp hàm theo chiều ngang có thể dẫn đến tình trạng cắn chéo răng trước. Bên cạnh đó, răng cối sữa của trẻ bị xoay đáng kể, càng làm khung răng bị hẹp.
Việc thiếu kích thước theo chiều ngang sẽ dẫn đến một số cản trở trên bộ răng như tiếp xúc sớm gây cản trở khớp cắn. Tiếp xúc này khiến hàm dưới lệch sang bên và tiềm tàng tình trạng lệch mặt khi trẻ trưởng thành.
Tình trạng thứ hai là khớp cắn sâu, khi răng cửa hàm trên phủ và che khuất răng cửa dưới quá mức. Đối với răng sữa bình thường, độ phủ bình thường chỉ khoảng 1mm hoặc không che phủ.
Khớp cắn sâu sẽ khóa hàm dưới, ngăn chặn sự tăng trưởng hàm dưới ra trước, buộc hàm dưới phải trăng trưởng xuống dưới làm cằm của trẻ bị lùi sau. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ tăng tổn thương khớp thái dương - hàm dưới do cản trở răng ở phía trước làm đè nén đĩa khớp và vùng cổ lồi cầu, từ đó tăng nguy cơ bị lệch hàm.
Khớp cắn sâu sẽ gây hẹp hàm dưới, thiếu chỗ mọc răng dẫn đến răng chen chúc, răng vĩnh viễn hàm trên chìa ra trước nhiều.
Khớp cắn hở là khi trẻ cắn chặt răng lại nhưng vẫn có một số răng không tiếp xúc với răng đối diện. Tình trạng khớp cắn hở có thể xảy ra ở răng trước hoặc răng sau, có thể kèm theo sai lệch về khớp cắn (cắn đối đầu, cắn ngược răng sau, hẹp hàm) và chức năng (thở miệng, trượt hàm sang bên gây lệch mặt...).
Cắn chìa lớn (hô răng hàm trên) là hô do sự chìa ra quá mức của răng cửa hàm trên, có thể kèm theo cắn sâu hoặc cắn hở. Trẻ có thể bị hô hàm trên do yếu tố di truyền, đẩy lưỡi, mút ngón tay hoặc ti giả quá lâu (đến 3 - 4 tuổi), cung hàm nhỏ và kích thước răng lớn, thiếu hoặc dư răng trên cung hàm.
Một tình trạng khác là cắn ngược răng trước (móm), do cung răng hàm dưới trượt ra trước và răng trước hàm dưới gài khớp ra ngoài so với răng trước hàm trên.
Khi nào cần điều trị các bất thường về khớp cắn ở trẻ?
BS Lê Trung Hiếu cho biết: “Bên cạnh những cản trở về khớp cắn nêu trên, những cản trở về mặt chức năng ở trẻ cũng dễ nhận biết và gây tác động rất lớn đến sự tăng trưởng thuận lợi”.
Do đó, phụ huynh cần phát hiện sớm và điều trị cho trẻ nếu gặp phải các vấn đề sau:
- Thở miệng: Trẻ em thở bằng mũi khi ngồi, đứng hoặc nằm và chỉ thở bằng miệng trong lúc vận động mạnh. Nếu trẻ chỉ thở bằng miệng hoặc thở bằng miệng trong phần lớn thời gian, hành vi này được xem là bất thường.
Trong khi thở bằng miệng, lưỡi di chuyển xuống và về phía trước, phẳng lại thành hình dạng dĩa, cho phép không khí dễ dàng đi vào đường hô hấp, một con đường có tác động tiêu cực đến sự phát triển của xương hàm trên.
Không chỉ tạo ra thay đổi về mặt hình thái, thở miệng còn ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của toàn cơ thể: Trẻ phải giữ miệng mở gần như liên tục, có thể bị giảm kích thước đường thở. Thở miệng còn dẫn đến những rối loạn giấc ngủ như ngưng thở, ngáy, giảm sự tăng trưởng về chiều cao và cân nặng vì hormone tăng trưởng chủ yếu được tiết ra vào ban đêm.
Do thiếu ngủ, việc học tập của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Trẻ có bọng mắt dưới hoặc quầng thâm do mệt mỏi mãn tính.
Việc thở bằng miệng còn gây ra những thay đổi nghiêm trọng trong sự phát triển hình thái hộp sọ và tư thế cổ đầu. Trẻ thở bằng miệng thường có xu hướng đứng với đầu ngả về phía trước và cúi ngươi về phía trước, khiến các cơ cổ phía trước và bên phải hoạt động quá mức.
- Nuốt đẩy lưỡi: Lưỡi có nhiều vai trò trong quá trình ăn uống, hô hấp, cảm giác, phát âm, giao tiếp. Lưỡi rất quan trọng trong sự phát triển của xương nền và xương ổ răng. Hoạt động của lưỡi sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành của xương hàm trên và hàm dưới.
BS Lê Trung Hiếu khẳng định, khi lưỡi ở vị trí đúng, hàm trên sẽ phát triển bình thường và không bị hẹp theo chiều ngang.
Nuốt không bình thường có thể gây nhiều ảnh hưởng lên hệ thống nhai, phổ biến là cắn ở ở phía trước, phía sau hoặc sự kết hợp của cả hai. Răng cửa hàm trên nhô ra, cắn chéo, cung hàm trên hình chữ V,... cũng là những hậu quả thường gặp.
Tổng kết lại, BS Lê Trung Hiếu cảnh báo, khi thấy con em có những dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến phòng khám nha khoa để được thăm khám, tầm soát. Bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn liệu trẻ có cần can thiệp chỉnh nha sớm.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình