Hotline 24/7
08983-08983

Xơ phổi như thế nào có nguy cơ tiến triển thành ung thư?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết, nhiều trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi lành tính. Tuy nhiên, một số nốt phổi đơn độc vẫn có nguy cơ tiến triển đến ung thư. Vì vậy bác sĩ sẽ tùy mức độ, kích thước, bờ… của nốt xơ để đề nghị người bệnh theo dõi tiếp tục.

1. Những nguyên nhân gây xơ phổi

Các nốt xơ phổi hình thành do những nguyên nhân nào gây ra, thưa BS?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Khi được nhận một kết quả chẩn đoán hình ảnh sẽ khiến bệnh nhân hoang mang, không biết xơ phổi do nguyên nhân nào gây ra.

Thông thường xơ phổi là danh từ chung rất rộng, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chỉ mô tả nhưng không nói rõ nguyên nhân. Để biết được nguyên nhân xơ phổi, đại đa số bệnh nhân sẽ tìm đến các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, bởi vì xơ phổi có rất nhiều nguyên nhân lành tính hoặc ác tính.

Ngoài ra, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh mô tả xơ phổi không chỉ rõ mức độ lan tỏa, do đó nhiều bệnh nhân chỉ biết bản thân có xơ phổi, không biết bệnh ra sao.

Về các xơ phổi lành tính: xơ phổi hình thành sau một đợt nhiễm trùng, viêm nhiễm bất kỳ. Có thể do bệnh lao phổi cũ sau khi hình thành và để lại xơ, hay do nhiễm trùng. Ví dụ như trước đây Việt Nam có một đợt dịch lớn là đại dịch COVID-19, sau khi lành bệnh, một số bệnh nhân vẫn có tổn thương xơ lan tỏa hai đáy phổi. Đó là các tổn thương lành tính phổ biến.

Ngoài ra còn một số chấn thương ngực sau khi lành có thể để lại xơ hoàn toàn lành tính.

Một số loại xơ có khả năng tiến triển ác tính. Cụ thể, nếu xơ phổi lan tỏa dạng nốt có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư phổi, các xơ phổi đó thông thường cần làm thêm các xét nghiệm quan trọng như nội soi phế quản, sinh thiết… hoặc làm nhiều xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân.

Một số xơ phổi tuy lành tính nhưng gây ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân như: xơ phổi vô căn. Bệnh lý này tăng trưởng và tiến triển theo thời gian, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, chất lượng cuộc sống. Vì vậy bệnh nhân mắc xơ phổi vô căn cần điều trị tích cực.

2. Xơ phổi được bác sĩ chấn đoán hình ảnh mô tả thế nào?

Trên một phim chụp X-quang, xơ phổi sẽ được bác sĩ chẩn đoán hình ảnh mô tả thế nào? Liệu xơ phổi và sẹo phổi có phải là một không, thưa BS?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Có thể xơ phổi và sẹo phổi là một, đôi lúc là hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Bởi vì bác sĩ X-quang không thể đọc sẹo phổi do họ không biết xơ do nguyên nhân nào gây ra.

Khi dùng từ sẹo, nghĩa là phải có một tổn thương để lại trước đó mới gây ra sẹo. Còn việc xác định và chẩn đoán sẹo sẽ do quyết định của bác sĩ lâm sàng thông qua việc khám, hỏi bệnh sử, tiền căn của bệnh nhân.

Ngoài ra còn phải thực hiện các xét nghiệm khác như chụp CT… từ đó xác định có phải sẹo cũ hay một tổn thương mới để làm thêm nhiều loại kiểm tra.

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh

3. Vị trí không nói lên mức độ nguy hiểm của xơ phổi

Xơ phổi nằm trên vị trí nào nguy hiểm nhất, thưa BS?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Khi đánh giá xơ phổi, bác sĩ sẽ kiểm tra khả năng lan tỏa. Con người có 2 lá phổi nhưng nhiều bệnh nhân chỉ sống với một lá phổi vẫn sống được. Còn lại vị trí không nói lên được mức độ nguy hiểm, ví dụ như chỉ xơ nhẹ trên đỉnh hoặc một vài nốt là điều không quan trọng.

Quan trọng nhất là xơ có lan tỏa khắp hai phổi hay không, những vị trí quan trọng như đỉnh phổi, lao cũ.

Tuy nhiên để nhận định giữa lao cũ và lao mới rất khó khăn, việc chụp một phim phổi phụ thuộc vào tư thế của bệnh nhân, người kỹ thuật viên chỉnh cho bệnh nhân hít vào, thở ra. Nguyên tắc bệnh nhân chụp phim phổi là hít vào giữ hơi, nếu thở ra hết hơi không làm theo y lệnh của kỹ thuật viên cũng sẽ làm thay đổi tia X, từ đó có thể sai lệch kết quả.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng nên cần một bác sĩ lâm sàng để kiểm tra xem mức độ nguy hiểm cho bệnh nhân.

4. Lý giải trường hợp một số người từng bị bệnh lao mà không hay biết

Một câu hỏi của bạn đọc AloBacsi gửi về như sau: Em đi khám sức khỏe, chụp X-quang có một nốt xơ phổi, trước đây em chưa từng được chẩn đoán bệnh lao, vậy xơ phổi do nguyên nhân nào gây ra, thưa BS?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Nếu bệnh nhân tình cờ phát hiện một nốt xơ khi chụp phim phổi, điều quan trọng phải xem xét về kích thước và vị trí nốt xơ. Khi bác sĩ lâm sàng thấy nốt xơ nằm ở đỉnh phổi, thông thường sẽ hỏi bệnh nhân đã từng điều trị lao hay không. Bởi vì bệnh lao tại Việt Nam khá phổ biến, và là vùng dịch tễ của lao. Lao là vi khuẩn hiếu khí nên vị trí ưa thích của nó là đỉnh phổi.

Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều bệnh nhân chưa từng điều trị lao nhưng có một nốt xơ giống như bệnh nhân đã từng điều trị lao trước đó. Bởi vì khi vi khuẩn lao tấn công vào cơ thể, một số bệnh nhân có cơ chế tự miễn tốt, nghĩa là bệnh nhân từng nhiễm nhưng khả năng đề kháng miễn dịch tốt nên tự tiêu diệt vi khuẩn, từ đó để lại vết xơ.

Trong cuộc đời một người đôi lần bị ho, cảm nhưng không biết bị gì, tự mua thuốc ở ngoài uống để điều trị. Hoặc trong thời thơ ấu có một số lần vị viêm, nhiễm trùng ở phổi nhưng không nhớ đến cũng có thể tạo nên vết sẹo trên phổi. Những vi trùng, virus khác không hẳn là lao, nếu làm tổn thương phổi, sau khi lành cũng có thể để lại vết xơ phổi.

5. Một số nốt xơ phổi đơn độc có khả năng tiến triển thành ác tính

Một số người đi chụp X-quang và được bác sĩ chẩn đoán là xơ phổi lành tính, nhưng bệnh nhân lo lắng về nguy cơ tiến triển thành ung thư. Vậy trong những trường hợp này, người bệnh có cần đi chụp CT phổi liều thấp để kiểm tra, xác định đúng tình trạng không, thưa BS?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: X-quang chỉ có hai chiều, phổi là một khối nên gây chồng ảnh khi chụp X-quang. Khi đọc X-quang là nốt xơ có thể do chồng ảnh của mạch máu, khung xương… Vì vậy để xác định chính xác đó là nốt xơ và khả năng gây nguy hiểm cho bệnh nhân, người bệnh nên chụp CT để khẳng định thật sự bản thân có nốt xơ hay không. Còn kết quả X-quang thông thường chỉ để là theo dõi và đề nghị kết hợp với lâm sàng hoặc một xét nghiệm khác.

Nhiều trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi lành tính. Tuy nhiên, một số nốt phổi đơn độc vẫn có nguy cơ tiến triển đến ung thư. Vì vậy bác sĩ sẽ tùy mức độ, kích thước, bờ… của nốt xơ để đề nghị người bệnh theo dõi 6 tháng đến 1 năm, hoặc 3 tháng.

Những nốt xơ đó trong một số trường hợp vẫn có khả năng tiến triển thành ác tính, do đó thông thường bác sĩ lâm sàng sẽ tư vấn cho bệnh nhân xem có cần chụp CT hay không, và nên theo dõi như thế nào.

6. Những yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi khi đi kèm xơ phổi

Với những trường hợp bệnh nhân bị xơ phổi kèm những vấn đề gì thì có thể dẫn đến nguy cơ ung thư phổi về sau, thưa BS?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Tại Việt Nam, một số nguyên nhân gây ung thư phổi đã được chứng minh như hút thuốc lá. Vì vậy, khuyến cáo những nhóm người sau nên đi tầm soát ung thư phổi:

- Người trên 50 tuổi hút thuốc lá mỗi ngày 1 gói trong 20 năm

- Người có những nốt xơ trên phổi và có hút thuốc lá

- Trong gia đình có người bị ung thư phổi

Bên cạnh đó, Việt Nam đang sống trong môi trường khá ô nhiễm, nhiều bụi mịn, ô nhiễm môi trường từ xe cộ… cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi nhiều hơn.

Trước đây, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Tuy nhiên hiện nay đã gặp các trường hợp bệnh nhân không hút thuốc lá, không sống trong các khu công nghiệp vẫn có thể mắc  ung thư phổi từ rất trẻ. 

7. Những phương pháp điều trị xơ phổi

Có những phương pháp nào có thể điều trị khỏi tình trạng xơ phổi hay không, thưa BS?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Xơ phổi còn tùy thuộc vào từng nguyên nhân. Nếu xơ phổi sau một đợt cấp tính hoặc nhiễm trùng như COVID-19, sẽ có nhiều trường hợp bệnh nhân hồi phục tự nhiên, không cần dùng thuốc.

Có nhiều trường hợp bệnh nhân hồi phục lâu hơn như bị lao phổi, nếu điều trị ở giai đoạn sớm, hầu hết ít khi để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu để quá lâu, tổn thương phổi quá nhiều, khi lành sẽ để lại sẹo vĩnh viễn và không thể mờ đi. Những vấn đề này không có thuốc điều trị.

Các xơ phổi có nguyên nhân như xơ phổi vô căn, xơ phổi trên những bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp, viêm phổi mô kẽ… Trong đó, xơ phổi vô căn có thuốc điều trị, thường là thuốc kháng xơ… và tùy vào từng mức độ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Còn xơ do sẹo, do tổn thương phổi cũ, bệnh nhân không cần điều trị.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X