Thiếu hụt vitamin và khoáng chất, điều gì sẽ xảy ra?
Trong bài viết dưới đây BS.CK1 Đoàn Thị Liễu - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Gia An 115 đã có những cung cấp cụ thể về vai trò của từng loại vitamin và khoáng chất, cũng như những dấu hiệu nhận biết khi cơ thể bị thiếu hụt các chất này.
1. Vitamin và khoáng chất là gì?
Đầu tiên nhờ BS cho biết vitamin và khoáng chất là gì ạ?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Vitamin và khoáng chất là vi chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể, có nhiệm vụ tham gia vào nhiều hoạt động như cấu tạo tế bào, chuyển hóa cung cấp năng lượng cũng như tất cả các hoạt động sống của cơ thể.
Tuy nhiên những chất dinh dưỡng này không được tạo ra trong cơ thể mỗi người mà phải được bổ sung từ những thực phẩm bên ngoài như hoa quả, rau củ và từ những thức ăn khác con người đưa vào trong cơ thể hằng ngày.
Mặc dù cả vitamin và khoáng chất đều được coi là vi chất dinh dưỡng nhưng trên thực tế, chúng khác nhau hoàn toàn:
- Vitamin là chất hữu cơ và có thể bị phân hủy bởi nhiệt, không khí hoặc axit. Do đó, việc ăn uống để hấp thu được các loại vitamin từ nguồn thực phẩm, hoa quả, rau củ… vào cơ thể sẽ khó khăn hơn. Trong quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến… các loại vitamin này có thể bị giảm đi, thậm chí là mất hết do chúng ta làm sai cách.
- Khoáng chất là chất vô cơ, giữ nguyên cấu trúc hóa học khi vào cơ thể. Nguồn khoáng chất này có từ đất, nguồn nước và từ đó có thể đi vào cây trồng, động vật nuôi. Trong quá trình ăn uống hàng ngày, các loại khoáng chất này sẽ đi vào cơ thể chúng ta.
2. Vai trò của vitamin là gì và loại nào quan trọng với cơ thể?
Những vitamin nào quan trọng với cơ thể và có vai trò gì, thưa BS?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Vitamin là các chất hữu cơ thường tan được trong chất béo hoặc tan trong nước. Vitamin được chia làm 2 nhóm bao gồm vitamin tan trong chất béo và vitamin tan trong nước.
- Các vitamin tan trong chất béo: Vitamin A, D, E và K hòa tan trong chất béo và có xu hướng tích tụ trong cơ thể.
- Các vitamin tan trong nước: Vitamin C và vitamin B phức hợp (vitamin B6, vitamin B12, và folate) cần hòa tan trong nước trước khi được cơ thể hấp thụ, đó cũng là lý do mà chúng không thể được tích trữ trong cơ thể. Bất kỳ loại vitamin hòa tan trong nước nào mà cơ thể không thể sử dụng hết sẽ mất dần qua đường nước tiểu.
Vai trò của các loại Vitamin:
- Vitamin B: Là nhóm vitamin tan trong nước, gồm rất nhiều loại.
+ Vitamin B1: Giúp kích thích tiêu hóa, chuyển hóa glucid (chất tinh bột ăn vào), tăng chất dinh dưỡng để nuôi tế bào thần kinh và tế bào tim.
+ Vitamin B2: Tham gia vào quá trình tạo hồng cầu, hỗ trợ các tế bào sử dụng năng lượng, cũng như tạo năng lượng để cung cấp cho cơ thể.
+ Vitamin B3: Giúp chuyển hóa chất đường (chất tinh bột ăn vào) và chất béo. Thông qua đó, tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, giữ làn da tươi trẻ và giảm cholesterol, triglyceride trong cơ thể.
+ Vitamin B5: Giúp dẫn truyền thần kinh trong não nhanh nhẹn hơn và phản xạ tốt hơn, từ đó giúp cơ thể chống lại các tác nhân nhiễm trùng, giảm căng thẳng, stress. Ngoài ra, còn làm làn da khỏe mạnh và tóc óng mượt.
+ Vitamin B6: Giúp chuyển hóa chất đạm và chất béo. Đồng thời, tham gia vào hoạt động của miễn dịch, hỗ trợ điều trị các bệnh lý thiếu chất sắt.
+ Vitamin B7 (vitamin H/biotin): Cần thiết cho việc tổng hợp axit béo và đường, làm tăng sức khỏe cho móng, tóc và tham gia sản xuất các loại hormone enzyme. Từ đó, giúp quá trình chuyển hóa thực phẩm ăn vào thành các chất dinh dưỡng, nuôi dưỡng cơ thể tốt hơn.
+ Vitamin B9: Giúp phân chia tế bào nên rất quan trọng cho phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, hình thành cơ quan nội tạng của bào thai và giúp trẻ sơ sinh phát triển nhanh, trong giai đoạn vừa chào đời. Ngoài ra, còn tham gia tạo tế bào hồng cầu.
+ Vitamin B12: Giúp sử dụng axit folic hiệu quả, để tham gia tạo tế bào hồng cầu, từ đó không bị thiếu máu.
- Vitamin A: Giúp làm sáng mắt, chống lại quá trình lão hóa của cơ thể và cải thiện khả năng miễn dịch, chống lại tác nhân gây bệnh.
- Vitamin C: Làm chậm sự oxy hóa, ứng dụng nhiều trong da liễu. Có khả năng làm tăng sức bền của thành mạch, ứng dụng trong điều trị các bệnh lý xuất huyết.
- Vitamin D: Cùng với canxi giúp kích thích sự phát triển của hệ xương. Thiếu vitamin D sẽ gây nên các tình trạng bệnh lý về xương khớp như còi xương, xương sống cong, chậm mọc răng,…
- Vitamin E: Dùng rất nhiều trong mỹ phẩm để làn da tươi trẻ, chống lão hóa,…
- Vitamin K: Là một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến sự đông máu. Thiếu vitamin K khiến máu bị khó đông, các vết thương sẽ bị chảy máu liên tục.
3. Vai trò của khoáng chất là gì, có những loại nào?
Còn khoáng chất thì những loại nào quan trọng, nó có vai trò gì?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Khoáng chất là những yếu tố vô cơ có trong đất và nước, chúng được các loại thực vật hấp thụ hoặc những loại động vật tiêu thụ sau đó tồn tại trong những loại động, thực vật đó.
Bên cạnh các chất khoáng thường được mọi người nhắc tới trong cuộc sống hằng ngày như canxi, natri và kali thì vẫn tồn tại những loại chất khoáng khác, bao gồm cả chất khoáng vi chất như đồng, iod và kẽm với hàm lượng rất nhỏ nhưng cần thiết cho cuộc sống của con người.
- Magie: Cần thiết cho chức năng của hệ tiêu hóa nhất là các cơ co thắt và xung thần kinh. Đồng thời magie còn tham gia kiểm soát lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp, duy trì sự chắc khỏe của xương.
- Selen: Là cấu thành của men glutathione peroxidase ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch, tác động đến sự phát triển của bạch cầu. Thiếu hụt selen gây ức chế miễn dịch, suy giảm chức năng bạch cầu, ngăn chặn rối loạn chuyển hóa trong hệ tiêu hóa.
- Sắt: Cần thiết cho quá trình tạo các tế bào máu. Thiếu sắt sẽ gây thiếu máu, rụng tóc, đau đầu, chóng mặt.
- Kẽm: Kích thích hoạt động của các enzyme, hỗ trợ hệ miễn dịch, bảo vệ vị giác, khứu giác, liên quan đến sự tổng hợp DNA.
- Clorua: Là một khoáng chất đặc biệt trong cơ thể, là thành phần của dịch dạ dày. Clorua cùng với natri giúp cơ thể cân bằng hệ chất lỏng trong cơ thể.
- Kali: Cần thiết cho hệ thần kinh trung ương, cũng tham gia vào cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Khi nồng độ kali bị rối loạn có thể gây rối loạn nhịp tim.
- Natri: Kết hợp với clorua sẽ giúp cân bằng dịch ngoại bào, điều chỉnh huyết áp.
4. Làm sao để nhận biết cơ thể thiếu vitamin và khoáng chất?
Khi cơ thể thiếu vitamin và khoáng chất, nếu chúng ta chưa đi khám có nhận biết được không?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Một số dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất dinh dưỡng là những khoáng chất cần quan tâm:
- Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu canxi: Đối với trẻ nhỏ, khi thiếu vitamin thường sẽ quấy khóc, khóc đêm, chậm liền thóp (thông thường 12 tháng thóp sẽ đóng lại), chậm mọc răng,… Trẻ lớn hơn sẽ chậm biết đi, đổ mồ hôi đầu về đêm, nghiến răng, chậm phát triển chiều cao, còi xương, trán dô, ngực lép,… Đối với người lớn, thường sẽ bị chuột rút, đau nhức cơ, xương, răng lung lay dễ gãy, đau khớp, mất ngủ,…
- Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu kali: Yếu cơ, hay bị chuột rút, táo bón, hay hồi hộp có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu kali. Ngoài ra, còn có biểu hiện tê ngứa, co giật.
- Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu sắt: Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu có thể khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược với các biểu hiện như da xanh, tay chân lạnh, móng tay giòn gãy, đau đầu, khó thở, nhịp tim tăng, sưng đau ở lưỡi,… Các dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất sắt đôi khi rất khó phát hiện, vì chúng xảy ra ở mức độ nhẹ, cho đến khi thiếu hụt nghiêm trọng sẽ có biểu hiện rõ rệt hơn.
- Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu folate: Tiêu chảy, chậm phát triển, mệt mỏi, lưỡi mềm và trơn có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu folate.
Một số dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất dinh dưỡng là những vitamin cần quan tâm:
- Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu vitamin A: Lở loét trong miệng, nổi mụn trứng cá (ở má, đùi hoặc cánh tay), tóc khô, thường hay mệt mỏi, khó ngủ, mất ngủ, thị lực về đêm giảm, khứu giác giảm,…
- Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu vitamin nhóm B: Tiêu hóa kém, hay bị tiêu chảy có thể là dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất dinh dưỡng là vitamin B1. Tê ngứa ở bàn tay, bàn chân, thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, hay bị mất thăng bằng, viêm sưng ở lưỡi, khó tập trung, suy giảm trí nhớ lại là biểu hiện thiếu vitamin B12 hoặc B6, B9. Hay bị đau ở bàn chân, cẳng chân, chuột rút là triệu chứng thiếu vitamin nhóm B nói chung. Nhìn chung, các dấu hiệu này sẽ rất khó nhận biết và thường bị phớt lờ do chúng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và thoáng qua.
- Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu vitamin D: Đau xương, thường xuyên mệt mỏi có thể là dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất dinh dưỡng là vitamin D. Ở trẻ nhỏ, thiếu vitamin D làm quá trình hấp thu canxi và photpho bị rối loạn, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như chậm mọc răng, chậm liền thóp, còi xương,… Biểu hiện thiếu vitamin D ở trẻ có thể là ra nhiều mồ hôi trộm, ngủ hay quấy khóc, trẻ bị rụng tóc (hình vành khăn)
- Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu vitamin K: Hay chảy máu mũi, vết thương lâu lành do khả năng đông máu đang giảm.
Để biết chính xác cơ thể đang thiếu chất gì cần thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu. Kết hợp với triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn bổ sung phù hợp.
>>> Người làm văn phòng, làm việc ca đêm, người ăn chay thiếu các vitamin và khoáng chất nào?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình