Hotline 24/7
08983-08983

Thận ứ nước: Triệu chứng, cách điều trị và các biến chứng nguy hiểm

Khi có triệu chứng đau mỏi, tức hông lưng... bạn đừng chủ quan mà hãy đi khám ngay, bởi đó có thể là triệu chứng của bệnh thận ứ nước. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng nhất đến suy thận.

Thế nào gọi là thận ứ nước?


Thận có thể ứ nước một bên hoặc cả hai bên, tùy theo thời gian và tiến triển của bệnh mà biểu hiện có thể là cấp tính và mạn tính. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Khi hệ thống dẫn nước tiểu bị tắc nghẽn làm cho đài thận rồi bể thận và có thể cả niệu quản giãn dần dẫn đến kích thước thân to hơn so với bình thường, gọi là thận ứ nước. Ứ nước trong thận có thể dẫn đến nhiễm trùng tại thận.

Theo BS.CK2 Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép BV Nhân dân 115, thận có thể ứ nước một bên hoặc cả hai bên, tùy theo thời gian và tiến triển của bệnh mà biểu hiện có thể là cấp tính và mạn tính. Các tổn thương này có thể hồi phục nếu giải quyết nhanh, thận hết ứ nước. Trái lại nếu thận ứ nước kéo dài nhiều tuần, tổn thương là vĩnh viễn.

Thận ứ nước có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn và có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Nguyên nhân gây thận ứ nước


Tình trạng thận ứ nước có thể do nhiều bệnh gây ra. Đó là: Sỏi thận, sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu làm đường niệu bị chít hẹp. Một số dị dạng bẩm sinh như có van niệu đạo, hiện tượng trào ngược bàng quang - niệu quản cũng có thể gây ra thận ứ nước.

Ngoài ra, những nguyên nhân khác như u xơ tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt, các khối u ở vùng chậu, hông, tình trạng có thai… cũng gây khả năng chèn ép, làm tắc nghẽn đường niệu dẫn đến nhiều rối loạn ở hệ thống tiết niệu và một số cơ quan khác trong cơ thể.

Nhiều người thường nghĩ thận ứ nước có tính di truyền do trong gia đình có nhiều người cùng mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khẳng định, thận ứ nước không có tính di truyền.

Phân loại cấp độ bệnh thận ứ nước


Thận ứ nước được phân làm 4 độ: từ độ 1 đến độ 4 tuỳ theo mức độ giãn của đài bể thận.

- Bệnh thận ứ nước độ 1: Đây là cấp độ bệnh thận ứ nước nhẹ nhất, đối với những bệnh nhân bị bệnh thận ứ nước độ 1 không nhất thiết phải uống thuốc hoặc thực hiện các phẫu thuật điều trị. Thay vào đó, chỉ cần theo dõi 3 tháng 1 lần bằng hình thức siêu âm để đánh giá chức năng của thận, tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ có cách điều trị phù hợp.

- Bệnh thận ứ nước độ 2: Giai đoạn này là cấp độ phát triển nặng hơn của bệnh thận ứ nước, lúc này bể thận bị giãn ra rõ rệt và chèn ép làm thận hẹp lại. Bệnh thận ứ nước độ 2 khiến các đài bể thận giãn ra rồi thông với nhau, hội tụ về bể thận.

- Bệnh thận ứ nước độ 3 và 4: Đây là giai đoạn thận bị ứ nước nặng, bệnh thận ứ nước độ 3 và 4 khiến các bể thận và đài thận bị giãn ra thành 1 nang lớn. Trong giai đoạn này, không thể phân biệt được bể thận và đài bể thận nữa, người bệnh cần phải phẫu thuật mới có thể chữa khỏi bệnh.

Làm sao nhận biết được bệnh thận ứ nước?

Đau tức hông là triệu chứng thường gặp của thận ứ nước. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Triệu chứng của thận ứ nước còn tùy thuộc vào sự tắc nghẽn cấp tính hay mạn tính, tắc một bên hay tắc hai bên, vị trí tắc thấp hay cao, có nhiễm khuẩn kết hợp hay chỉ ứ nước đơn thuần.

Nhiều trường hợp bệnh tiến triển âm thầm chỉ tình cờ phát hiện khi đi siêu âm hay khám sức khỏe định kỳ, hoặc người bệnh đi khám vì nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận.

Nếu thận bị ứ nước cấp tính, triệu chứng thường gặp nhất là đau mỏi, tức hông lưng do thận bị căng giãn. Đau thường khởi phát ở vùng mạng sườn hay hông lưng rồi lan xuống, ra phía sau. Người bệnh có thể đau 2 bên nếu tắc nghẽn cả 2 bên và đau tăng lên khi có nhiễm trùng. Đau nhiều làm cho bệnh nhân quằn quại hoặc cuộn người lại vì đau đớn. Có thể xuất hiện rối loạn đi tiểu như: tiểu lắt nhắt, buốt, tiểu máu hay đục nếu có nhiễm khuẩn.

Trường hợp thận ứ nước mạn tính, thận giãn to dần trong thời gian dài và có thể không có triệu chứng gì. Nếu có các khối u ở xương chậu hoặc bàng quang gây chèn ép có thể phát triển âm thầm, bệnh nhân có thể có các triệu chứng suy thận: mệt mỏi, buồn nôn và nôn, do rối loạn các chất điện giải natri, kali, canxi, bệnh nhân còn bị rối loạn nhịp tim, co thắt cơ bắp.

Ngoài ra, có thể xuất hiện các triệu chứng:

- Sốt rét run từng đợt khi có nhiễm khuẩn.

- Thay đổi số lượng nước tiểu, có thể tăng lên trên 2 lít/ngày hoặc tiểu ít, vô niệu nếu tắc nghẽn niệu quản hoàn toàn cả hai bên.

- Tăng huyết áp: Một số người bệnh có biểu hiện của suy giảm chức năng thận nặng và không hồi phục là phù, da xanh, niêm mạc nhợt biểu hiện tình trạng thiếu máu.

Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán thận ứ nước?


Khi có xuất hiện các triệu chứng như mô tả ở trên, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay. Khi đó, tùy vào dấu hiệu người bệnh gặp phải mà bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm:

- X-quang hệ thận - tiết niệu: có thể thấy được bóng thận to, sỏi cản quang ở thận, niệu quản, bàng quang.

- Siêu âm thận - tiết niệu: đánh giá kích thước thận, độ dầy của nhu mô, mức độ ứ nước thận, tình trạng dịch ứ đục hay đồng nhất, phát hiện được một số nguyên nhân tắc nghẽn như sỏi, khối u đường tiết niệu hay bên ngoài chèn ép vào, các dị dạng bẩm sinh ở đường tiết niệu.

- Xét nghiệm nước tiểu có tế bào niệu (hồng cầu, bạch cầu, trụ…), cấy vi khuẩn.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): cho phép chẩn đoán các bệnh lý khác như khối u sau phúc mạc, khối u vùng tiểu khung, xơ hóa sau phúc mạc, hạch di căn, ung thư…

- Xạ hình thận: đánh giá chức năng thận - Xét nghiệm máu có thể có biểu hiện triệu chứng suy giảm chức năng thận của bệnh thận cấp hoặc mạn tùy theo giai đoạn bệnh.

Thận ứ nước có biến chứng gì?


Khi xuất hiện các triệu chứng của thận ứ nước cần thăm khám, làm các xét nghiệm để có hướng điều trị thích hợp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nếu thận ứ nước kéo dài, không được xử trí, xảy ra thận ứ nước mạn tính làm các đơn vị thận bị hủy hoại dần, mức lọc cầu thận giảm đi và cuối cùng đưa đến suy thận mạn tính, viêm cầu thận.

Đó là do áp lực của sự ứ nước trong đài bể thận làm căng các màng lót cầu thận, sau đó làm giảm độ lọc cầu thận và gây tổn thương cấu trúc tế bào thận.

Chính vì thế việc điều trị bệnh thận ứ nước kịp thời là rất cần thiết nhằm tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Điều trị thận ứ nước


Điều trị thận ứ nước phải tùy từng trường hợp cụ thể bởi với mỗi nguyên nhân, mức độ ứ nước và chức năng thận suy giảm cấp tính hay mạn tính mà có phương pháp điều trị thích hợp cho từng người bệnh.

Chẳng hạn, đối với thận ứ nước độ 1, hiện nay y khoa thống nhất không can thiệp phẫu thuật hay uống thuốc gì, chỉ cần theo dõi diễn tiến, và đặc biệt là kịp thời phát hiện khi có nhiễm trùng tiểu xảy ra. Theo dõi qua siêu âm 3 tháng/lần, đánh giá chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, xạ hình thận.

Trường hợp ứ nước độ nặng, kéo dài… phương pháp điều trị thường dùng thuốc, phẫu thuật, dẫn lưu bể thận qua da, cắt bỏ thận, điều trị thận thay thế… để loại bỏ các yếu tố gây tắc nghẽn.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị thận ứ nước


Kiêng muối, kiêng ăn mặn là điều quan trọng nhất người bệnh thận ứ nước phải nhớ. Bởi dù bằng cách nào, mục đích của việc điều trị hướng tới cũng là khơi thông dòng chảy cho nước tiểu và ngăn chặn suy giảm chức năng thận. Nếu ăn mặn, các tinh thể muối sẽ làm gia tăng gánh nặng và phá hủy thận nhanh chóng.

Muối chỉ nên dùng 1-2g/ngày, không nên ăn nhiều bột ngọt, bột canh, gia vị vì tất cả các loại này đều chứa natri.

Cần chọn loại thức ăn có chứa axit amin thiết yếu, có nguồn gốc động vật như: cá, trứng, thịt nạc, sữa... còn các loại thức ăn chứa nhiều chất đạm có nguồn gốc thực vật như sữa đậu nành, đậu phụ, chế phẩm thuộc họ đậu, chủ yếu chứa axit amin không thiết yếu, do đó người bị bệnh thận không nên ăn nhiều loại này.

Ngoài ra, những loại thức ăn giàu kali như mít, cam, chanh, lựu, trái cây khô, hạt dẻ, lạc, cà phê cũng không được khuyến khích bởi chúng làm tăng kali máu, nếu quá nhiều sẽ khiến người bệnh tử vong do tim ngừng đập.

Phòng ngừa thận ứ nước


Để phòng ngừa bệnh thận ứ nước cần chú ý nếu mắc tiểu thì nên đi tiểu, không nên nhịn tiểu, nhất là với phụ nữ đi chỗ đường xa, chỗ đông người. Nên duy trì khám sức khỏe định kỳ hằng năm để phát hiện sớm bệnh, đặc biệt lưu ý ở các trường hợp có sỏi thận, u bướu vùng hố chậu…

Phương Nguyên (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X