Hotline 24/7
08983-08983

Tê đùi, mất cảm giác, bệnh gì?

Theo ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đau đùi dị cảm là tình trạng do chèn ép dây thần kinh bì đùi ngoài, thường gặp ở phụ nữ mang thai và người béo phì. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Vậy nguyên nhân bệnh này là gì và cách phòng tránh ra sao?

1. Đau đùi dị cảm là gì?

Thưa BS, bạn đọc Alobacsi có gửi câu hỏi như sau: “Em bị tê đùi trái, xuất hiện từ lúc mang thai. Sau khi sinh có giảm một chút. Nhờ BS giải đáp bệnh này là thế nào?” Nhờ BS giải đáp ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Có 2 nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên: đau thần kinh tọa và đau đùi dị cảm. Cơ bản hai bệnh này đều do tình trạng chèn ép thần kinh xuất hiện khi mang thai.

Khi mang thai, áp lực trong ổ bụng và cân nặng gia tăng gây chèn ép dây thần kinh bì đùi ngoài. Dây thần kinh này chui qua ống bẹn, đi đến mặt ngoài của đùi làm tê đùi, đó là bệnh đau đùi dị cảm.

Còn đau thần kinh tọa là đau từ vùng lưng lan xuống mông và chân. Một số trường hợp lan xuống mặt sau đùi, mặt bên đùi. Bác sĩ sẽ thăm khám và hỏi kỹ hơn để phân biệt 2 bệnh lý này.

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - chuyên gia thường xuyên tư vấn, giải đáp các vấn đề về cơ xương khớp cho bạn đọc AloBacsi

2. Đau đùi dị cảm chủ yếu gây tê, mất cảm giác vùng đùi

Ngoài triệu chứng BS vừa chia sẻ, đau đùi dị cảm còn có biểu hiện nào khác không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đau đùi dị cảm chủ yếu gây tê, hiếm khi gây yếu cơ, teo cơ. Bản chất dây thần kinh gây tê chỉ là dây thần kinh cảm giác. Vì vậy, ngoài tê bệnh nhân còn có thể mất cảm giác vùng mặt ngoài đùi.

Đau đùi dị cảm không nguy hiểm, chủ yếu gây tê, khó chịu, khó ngủ, mất cảm giác, không gây yếu liệt như đau thần kinh tọa.

3. Đau đùi dị cảm thường gặp ở những ai?

Thưa BS, đau đùi dị cảm ngoài gặp ở phụ nữ mang thai còn gặp ở những ai ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bệnh này gặp nhiều nhất trong sản phụ khoa, đặc biệt là phụ nữ mang thai cuối thai kỳ. Bên cạnh đó bệnh cũng gặp ở người béo phì. Do béo phì tương tự mang thai, cũng gia tăng áp lực ở vùng bụng đè lên dây thần kinh ngay ống bẹn.

Bên cạnh đó người bị báng bụng, người có xơ gan khiến bụng nhiều nước cũng gần giống khi mang thai. Ngoài ra, những người mang điện thoại to, hoặc để ví ngay đùi, khi ngồi nhiều cũng khiến cấn vào ống bẹn và dây thần kinh. Một số nghề nghiệp phải đứng ngay cạnh bàn, hay cúi và đè cạnh bàn lên háng cũng gây đau đùi dị cảm.

4. Đau đùi dị cảm gặp nhiều nhất ở người béo phì và phụ nữ mang thai

Thưa BS, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đau đùi dị cảm ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Nguyên nhân nhiều nhất gây đau đùi dị cảm là béo phì và mang thai. Khi không còn nguyên nhân nào khác có thể xem xét đến việc để điện thoại và ví trong túi.

Chúng ta có thể thay đổi thói quen như để ví và điện thoại vào túi áo, túi quần sau mông, nếu tình trạng đau cải thiện sẽ biết nguyên nhân. Hãy thay đổi công việc có tư thế như đã nêu trên, nếu tình trạng cải thiện, chúng ta cũng sẽ xác định được nguyên nhân.

5. Làm xét nghiệm gì để chẩn đoán đau đùi dị cảm?

Thưa BS, đau đùi dị cảm có nguy hiểm không ạ? Bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm gì để phát hiện bệnh kịp thời ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Như đã chia sẻ, đau đùi dị cảm chủ yếu do dây thần kinh cảm giác gây ra. Vì vậy, người bệnh chỉ có cảm giác khó chịu, đôi khi mất cảm giác vùng đùi ngoài.

Sau khi thăm khám, bác sĩ có thể cho bệnh nhân đo điện cơ. Bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ châm dọc theo vị trí dây thần kinh để đo hoạt động của dây thần kinh bì đùi ngoài. Nếu đau đùi dị cảm, hoạt động của dây thần kinh sẽ giảm đi. Ngoài ra, đo điện cơ còn giúp phân biệt đau đùi dị cảm hay chèn ép thần kinh trong đau thần kinh tọa. Đó là xét nghiệm thường dùng nhất.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng để phân biệt với chèn ép thần kinh ở đau thần kinh tọa.

Đau đùi dị cảm chủ yếu gây tê, không gây yếu liệt như đau thần kinh tọa. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

6. Bệnh nhân đau đùi dị cảm khi nào nên đi khám?

Thưa BS, khi nào bệnh nhân có thể tự theo dõi tại nhà, khi nào nên đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đau đùi dị cảm không cấp tính, không gây đau dữ dội khiến người bệnh đi khám liền. Đa số trường hợp bệnh nhân đi khám đã bị đau đùi dị cảm vài tháng. Bệnh nhân chỉ đi khám liền khi quá tê không thể ngủ, không thể không đứng ngồi làm việc. Những bà mẹ sau sinh nếu sau vài tháng không bớt tình trạng tê bắt buộc phải đi khám, và sẽ được bác sĩ sẽ kê thuốc. Nhưng thông thường sau sinh 3 tháng, tình trạng tê đùi sẽ giảm bớt.

7. Các phương pháp điều trị đau đùi dị cảm

Nhờ BS chia sẻ các phương pháp điều trị đau đùi dị cảm tại nhà cũng như tại bệnh viện ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đau đùi dị cảm đa số điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc, tuy nhiên điều này không đơn giản. Phụ nữ sau sinh nếu giảm cân thì tình trạng đau đùi dị cảm sẽ giảm trong 3-6 tháng. Nhưng với người béo phì thì giảm cân là vấn đề nan giải, đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa ăn uống, tập luyện, thậm chí bác sĩ phải kê thuốc giảm cân.

Trong trường hợp đau đùi dị cảm không do béo phì hoặc mang thai, bác sĩ sẽ hỏi kỹ công việc, thói quen nào của người bệnh gây chèn ép vùng háng hay có thói quen bỏ ví, điện thoại vào túi... Lúc đó bác sĩ sẽ hướng dẫn thay đổi bằng cách bỏ ví, điện thoại ở những vị trí khác và theo dõi.

Nếu áp dụng biện pháp không dùng thuốc nhưng không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau thần kinh. Nếu không đáp ứng có thể tiêm thuốc tại chỗ, mặc dù rất ít sử dụng.

Phương pháp điều trị cuối cùng là phẫu thuật. Tuy nhiên, ngay cả trên thế giới cũng rất ít sử dụng phương pháp này. Thông thường chỉ cần thay đổi thói quen, dùng thuốc sẽ hết bệnh.

8. Làm sao để phòng tránh đau đùi dị cảm?

Nhờ BS gửi một vài lời khuyên đến bạn đọc để phòng tránh đau đùi dị cảm ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

-  Cố gắng kiểm soát cân nặng, đừng để bị dư cân, béo phì

-  Phụ nữ mang thai nên đi khám thai thường xuyên, giữ cân nặng ở giới hạn mà bác sĩ sản phụ khoa khuyến nghị là tốt nhất.

- Hạn chế mặc quần quá chật, đặc biệt là quần jean. Nên lựa chọn quần có túi rộng, để khi bỏ ví và điện thoại sẽ thấp xuống không chèn dây thần kinh.

- Một số nghề nghiệp cúi xuống bàn cần hạn chế để bàn cấn vào vùng háng quá nhiều tránh bị đau đùi dị cảm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X