Hotline 24/7
08983-08983

Tẩy giun có điều trị hết sán xơ mít?

Câu hỏi này đã được BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Trưng Vương giải đáp trong bài viết dưới đây cùng với rất nhiều thắc mắc khác như: Đạp trúng kim tiêm lên rêu có nhiễm HIV? Làm sao kiềm chế cảm xúc khi đứng trước người mình ghét? Đốt hạch giao cảm có chữa khỏi hẳn mùi hôi cơ thể? Mời bạn đọc theo dõi.

Thuỳ Dung - Lethith...@gmail.com

Em có triệu chứng của sán xơ mít, em có thể tự điều trị không ạ?

Em thân mến,

Sán xơ mít (Danh pháp khoa học: Taenia) là một chi sán ký sinh. Chúng được gọi sán dây hay sán xơ mít vì hình dạng giống xơ của trái mít, cơ thể của chúng chia thành nhiều đốt nhỏ. Người nhiễm loài sán này chủ yếu do ăn đồ tái, sống như thịt bò, thịt heo chưa nấu chín, hay rau chưa rửa sạch, từ đó ấu trùng sán thâm nhập và ký sinh trong đường ruột người bệnh.

Điều trị sán xơ mít cho người nhiễm khỏi bệnh không khó nhưng muốn diệt tận gốc tránh các nguy cơ tái nhiễm thì rất khó khăn. Do tồn tại lâu trong môi trường, cách duy nhất diệt hiệu quả các ấu trùng là cả gia đình người nhiễm bệnh phải tiệt trùng các đồ dùng sinh hoạt như quần áo, cốc tách, bát... bằng nước đun sôi. Sau khi tẩy sán mà 3 tháng sau không thấy đốt sán bò ra ngoài hậu môn mới là điều trị thành công.

Về việc điều trị, sử dụng tẩy giun liều thông thường Fugacar sẽ không trị được sán xơ mít, thuốc khuyến cáo dùng trị bệnh này là Praziquantel 5-10 mg/kg 1 liều, nếu có nang ấu trùng sán dải thì thuốc khuyến cáo là Albendazole 400 mg x 2/ngày x 7-28 ngày; hay Praziquantel 50 - 100 mg/kg / ngày chia làm 3 lần x 7-28 ngày.

Em nên khám tại chuyên khoa Nhiễm hay chuyên khoa Tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Nhiều bệnh có thể giống giống nhau, người không được đào tạo y khoa sẽ dễ chẩn đoán nhầm khi đọc bài này bài kia trên mạng, thấy gì hơi giống là tự chẩn đoán mình bị như vậy. Khi đó, mình tự điều trị mình bệnh A, nhưng thật ra mình mắc bệnh B, thì tiền mất tật mang, cuối cùng cũng phải đi khám bác sĩ.

Để phòng ngừa sán xơ mít em cần:

  • Thịt phải nấu 100 độ trên 1 giờ.
  • Rau sống cần hạn chế ăn. Nếu ăn phải rửa thật sạch nhiều lần dưới vòi nước.
  • Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi đại tiện. Nhất là trong gia đình có người đang bị sán dây, mà chưa tẩy ra được.
  • Nguồn phân tươi phải quản lý tốt.
  • Tiêu hủy thịt lợn, bò có ấu trùng.

Trân trọng!

1. Thức ăn kẹt trong chỗ mới cắt amidan, có nguy hiểm?

Thúy Hiền - thuyhie...@gmail.com

Thưa bác sĩ, em mới cắt amidan được 6 ngày, hiện tại vẫn đang ăn cháo. Hôm nay em ăn rau mà khi nuốt ra có dính vô chỗ mới cắt amidan làm cách nào cũng không xuống. Liệu có bị ảnh hưởng gì không BS?

Em thân mến,

Vì sao em nghĩ có rau mắc kẹt ở hố amidan mới phẫu thuật cắt bỏ? Là do em tự soi họng nhìn thấy có sợi rau kẹt ở đó, hay em chỉ đoán vậy vì em thấy khó chịu ở thành sau họng?

Bởi vì thức ăn mềm như rau khó kẹt lại lâu ở hố amidan mới phẫu thuật cắt bỏ, vì chúng nhờn và mềm, dễ dàng rớt ra ngoài khi ho khạc. Em có thể thử súc miệng với nước muối pha loãng, hoặc mua chai nước muối súc miệng ở nhà thuốc, về súc miệng ngày 3 lần giúp làm sạch, sát khuẩn và cuốn trôi cọng rau kia đi. Nếu em thử 2 ngày mà soi họng vẫn thấy còn cọng rau ở hố amidan thì nên đến bệnh viện để bác sĩ soi họng và gắp ra.

Trường hợp em soi họng chẳng thấy cọng rau nào kẹt ở vị trí mới cắt amidan, mà chỉ đoán chừng do còn khó chịu ở thành sau họng, thì có thể thật sự không có cọng rau nào mắc kẹt ở đó cả, chỉ là cảm giác khó chịu sau cắt amidan thôi.

Sau khi cắt amidan, vết thương có thể còn phù nề, sung huyết và có phản ứng viêm trong vài ngày nữa (khoảng 7-10 ngày). Sau đó, vết thương sẽ lành nhanh chóng. Bình thường sau mổ cắt amidan 10 ngày, nếu người bệnh tuân thủ kiêng các chất chua, cay, rắn, nóng, nước có ga, chất kích thích thì hầu như không còn cảm giác đau, vướng, đàm nhớt ở họng nữa. Cho nên, nếu qua 10 ngày mà vẫn còn khó chịu ở họng, thì em cũng cần khám lại bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để kiểm tra và kê thuốc hỗ trợ, em nhé!

2. Thịt trong miệng lồi ra do răng hay cắn trúng, phải làm sao?

Đinh Ngọc Thu - quận 9, TPHCM

Tôi nhai hay bị cắn trúng phần thịt trong miệng bên trái, nên phần thịt bên đó bị lồi vô đụng răng nhai rất khó nhai. Vậy phải làm sao BS? Có cách nào để cải thiện không? Cảm ơn BS.

Bạn Thu thân mến,

Hiện tại, phần niêm mạc bị cắn trúng đang bị tổn thương, viêm phù nề và có thể hình thành ổ loét miệng lành tính tại chỗ. Vết loét này thường tự lành và không để lại sẹo trong vòng 7-10 ngày. Để giảm khó chịu nhanh chóng và giúp vết loét lành nhanh hơn, bạn có thể ra nhà thuốc gần nhà mua thuốc trị nhiệt miệng đơn giản (Kamistad, benzocain, orabase...). Đồng thời dùng gạc hay vải mềm bọc viên đá nhỏ chườm vào vết loét, hạn chế ăn các đồ cay, nóng, các món nướng và chiên xào, món ăn cứng phải gặm xé.

Nếu việc cắn phạm niêm mạc má bên trái xảy ra thường xuyên, bạn cần khám thêm ở chuyên khoa Răng Hàm Mặt để xem xét bất thường do răng hay do niêm mạc má, để xử lý dứt điểm hơn, em nhé!

3. Trào ngược dạ dày thực quản uống thuốc gì?

Vũ Quỳnh Anh - vuquyn...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Hiện tại cháu đang làm việc tại New Zealand ạ. Khoảng 5 tháng trước cháu bị viêm phế quản ho ra đờm xanh. Sau khi đi khám ở đây và uống thuốc thì không sốt và ho ra đờm xanh nữa nhưng cháu vẫn ho và khạc ra nhiều chất nhầy màu trắng, đặc biệt là buổi sáng và sau khi ăn ạ.

Cháu đã uống omeprazole 2 tháng rồi và uống hết 1 vit gaviscon nhưng triệu chứng vẫn không giảm. Nghiêm trọng hơn là ban ngày khi đi làm cháu còn thấy ngực bị thắt lại dẫn đến khó thở. Cháu đã thay đổi lối sống nhưng vẫn không đỡ ạ. Sau khi nghiên cứu trên mạng cháu nghĩ là cháu bị GERD dẫn đến hen mãn tính ạ. Xin hỏi bác sĩ có cách nào để điều trị dứt điểm bệnh này không ạ?

Thông tin thêm: Trong 2 năm gần đây cháu bị trào ngược dạ dày nhưng không chữa trị ạ. Đã uống omeprazole được 2 tháng không đỡ.

Quỳnh Anh thân mến,

Em làm việc tại New Zealand được bao lâu rồi, có phải 2 năm không, em có bảo hiểm chưa và có tiện đi khám lại không? Bởi vì triệu chứng trào ngược của em khá rõ và không nhẹ, bác sĩ có thể giúp em kê toa trị trào ngược uống dài nhất trong 14 ngày mà thôi, dù có đáp ứng hay không. Em cũng cần khám tiếp bác sĩ bên đó (khám trực tiếp hay qua mạng tùy vào quy định của nước sở tại theo tình hình dịch bệnh) để được theo dõi tiếp tục, chúng tôi không được cấp phép điều trị qua kênh truyền thông cho em, đây là luật của y tế.

Toa thuốc của em bao gồm:

  1. Omeprazol 20 mg sáng 1 viên chiều 1 viên uống trước ăn 30 phút
  2. Domperidon 10 mg sáng 1 viên, trưa 1 viên, chiều 1 viên, uống ngay sau ăn
  3. Gaviscon sáng 1 gói trưa 1 gói chiều 1 gói uống sau ăn 2 giờ.

Việc duy trì 1 toa thuốc sẽ phát sinh tác dụng phụ, uống 1 toa rồi ngưng thì bệnh trào ngược của em sẽ dễ tái lại.

Đồng thời, dựa vào triệu chứng của em, thì tôi chưa đủ cơ sở để kết luận "GERD dẫn đến hen mãn tính", em khám bác sĩ bên đó để có xét nghiệm phù hợp mới đưa đến xác định hay loại trừ chẩn đoán này được, em nhé.

4. Có cần tháo bột để tập vận động sau gãy khuỷu tay?

Trịnh Quang Vinh - quangvin...@gmail.com

Em chào bác sĩ, hiện em vừa mổ xong gãy mỏm vẹt khuỷu tay và đang nẹp bột để giữ cố định cánh tay. 24/10 này mới tái khám. Em muốn hỏi là trong qua trình này mình có cần tháo nẹp bột ra và tập vận động không hay là để cố định cho tới ngày tái khám? Em cảm ơn bác sĩ.

Em thân mến,

Dù em đã mổ bắt vít cố định xương gãy ở mỏm vẹt khuỷu tay, nhưng em vẫn cần nẹp bột để giữ cố định cánh tay nhằm giúp cho xương lành vững. Từ đây tới ngày tái khám, em để cố định tay trong nẹp bột, chứ không tháo nẹp ra để tập vận động khuỷu tay. Nhưng mà, em vẫn cần tập vật lý trị liệu trong thời gian nẹp bột, để giúp máu lưu thông tốt, xương mau lành và tránh cứng khớp.

Các động tác chủ yếu là co duỗi bàn tay, em có thể đến trung tâm vật lý trị liệu phục hồi chức năng để có các dụng cụ tập bài bảng và hướng dẫn tập chi tiết hơn, em nhé.

5. Đốt hạch giao cảm có chữa khỏi hẳn mùi hôi cơ thể?

minhquan...@gmail.com

Mình bị mồ hôi tay, chân, nách vậy cắt hay đốt hạch giao cảm có khỏi được không?

Cắt hạch thần kinh giao cảm có thể gây ra một số rủi ro và chủ yếu có tác dụng đáng kể với mồ hôi ở vùng thân trên như nách, lòng bàn tay… nên người bệnh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện

Bạn thân mến,

Tăng tiết mồ hôi kéo dài gây nên một gánh nặng tâm lý và cản trở sinh hoạt, học tập thường ngày cho người bệnh, gây nặng mùi, tăng nguy cơ nhiễm nấm, mất nước và điện giải...

  • Nguyên nhân: Chia làm 2 loại:

Loại tăng tiết mồ hôi thứ phát: Thường bị sau những tổn thương thần kinh trung ương, ngoại vi hay cục bộ hoặc bệnh của tuyến giáp trạng.

Loại tăng tiết mồ hôi tiên phát: Xuất hiện trên toàn bộ cơ thể hay chỉ khu trú ở một vùng. Người ta cho rằng bệnh này là một trạng thái cường giao cảm hoặc tăng hoạt động của trung tâm bài tiết mồ hôi. Xuất hiện nhiều khi bệnh nhân lo lắng, xúc động, ăn các loại thức ăn có tính kích thích nhiều (đồ chiên xào, cay, tỏi, hành tây…).

  • Chữa trị:

Điều trị nội khoa: thuốc bôi, thuốc uống, tâm lý liệu pháp, châm cứu.

Điều trị ngoại khoa: chỉ khi phương pháp nội khoa không thành công. Điều trị ngoại khoa bao gồm hủy bỏ hạch giao cảm bằng phẫu thuật nội soi, tiêm huyết thanh nóng vào hạch, cắt bỏ hạch... Điều trị ngoại khoa đem lại hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên cũng có biến chứng. Một số biến chứng thường gặp sau cắt hạch thần kinh giao cảm:

- Biến chứng tại chỗ: sẹo lồi, lõm, nhiễm trùng vết mổ...

- Mất khả năng điều tiết mồ hôi: Cơ thể mất đi khả năng điều nhiệt làm mát mỗi khi gặp thời tiết nắng nóng, vận động mạnh, chơi thể thao.

- Tăng tiết mồ hôi bù trừ tại nhiều vị trí trên cơ thể.

Nếu em đã thử điều trị với thuốc và nhiều loại mỹ phẩm không có hiệu quả thì có thể cân nhắc đến điều trị ngoại khoa, cắt đốt hạch giao cảm. Hiện nay khi tiến hành cắt hạch giao cảm, tùy từng bệnh viện, chi phí người bệnh cần chi trả dao động từ 10 đến 15 triệu đồng. Nếu có thẻ BHYT thì chi phí này sẽ giảm bớt đi nhưng giảm tối đa không quá 50%. Đây không phải là số tiền quá lớn, tuy nhiên do phương pháp này có thể gây ra một số rủi ro và chủ yếu có tác dụng đáng kể với mồ hôi ở vùng thân trên như nách, lòng bàn tay… nên người bệnh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện.

Hiện nay có nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện được phẫu thuật cắt hạch giao cảm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hạn chế biến chứng, người bệnh nên đến thăm khám và tiến hành mổ tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội và TPHCM. Một số địa chỉ người bệnh có thể tham khảo là:

Tại Hà Nội: Khoa thần kinh - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Nội tiết Hà Nội, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Tại TPHCM: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

6. Đầy hơi, chướng bụng sau khi ngủ trưa, bệnh gì?

Lê Tùng - tungle...@gmail.com

Thưa bác sĩ, cháu sau khi ngủ trưa dậy hay bị đầy hơi chướng bụng ạ. Cháu chỉ cảm thấy bị đầy hơi chướng bụng thôi chưa không thấy có biểu hiện gì khác ạ. Mong bác sĩ tư vấn.

Em thân mến,

Nếu triệu chứng đầy hơi, chướng bụng chỉ xuất hiện sau ngủ trưa, còn các thời điểm khác trong ngày thì không có thì phải xem lại vấn đề nằm ở thời gian từ sáng đến buổi trưa đó, như việc nhịn ăn sáng, thức ăn buổi trưa gây khó tiêu, áp lực công việc buổi sáng quá căng thẳng, ăn trưa vội để ngủ trưa, uống nhiều nước uống không tốt cho dạ dày trong bữa sáng (như trà sữa, nước có gas, nước vị chua...). Bạn nên tìm và xử lý từng vấn đề sẽ ổn.

Nếu cảm giác đầy hơi, chướng bụng xuất hiện thường xuyên trong ngày, thì bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa, xem có các bệnh lý thường gặp hay như sau không: viêm dạ dày tá tràng, loạn khuẩn ruột, hội chứng ruột kích thích... Qua thăm khám, khai thác kỹ hơn các triệu chứng và xét nghiệm hỗ trợ, bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân và có hướng xử lý thích hợp, em nhé!

7. Làm sao kiềm chế cảm xúc khi đứng trước người mình ghét?

Makkuro - tdoan...@gmail.com

Chào bác sĩ, cho em hỏi một chút, mỗi lần người em ghét xuất hiện trước mặt là em đều nổi cơn ghét đến cực độ đến mức muốn giết chết người đó vậy. Nếu có 1 ngày em không kìm chế được cảm xúc chắc có thể em chắc sẽ giết người đó thật. Em rất ghét con thằn lằn, mỗi lần nhìn thấy nó là em sẽ tìm mọi cách để giết chết nó cho bằng được. Em nghĩ chắc chắn là bị bệnh tâm lý hoặc tâm thần gì đó. Bác sĩ có thể cho em biết em bị bệnh gì không? Em xin cảm ơn trước.

Cơn tức giận là phản ứng bình thường của hệ thần kinh khi phải đối mặt với điều không mong muốn. Tuy nhiên, thường xuyên tức giận sẽ gây ra những tác động không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

Em thân mến,

Trong mỗi con người luôn hiện diện song song phần thiện và phần ác. Em còn ý thức được việc mình làm, biết đâu là đúng đâu là sai và luôn đấu tranh cho những suy nghĩ không đúng chứng tỏ em vẫn là người tốt và chưa đến mức cần điều trị rối loạn tâm thần. Nhưng nếu em có điều kiện để trị liệu tâm lý thì tốt đó, sẽ giúp em tháo gỡ những vấn đề trong tâm mình, giúp em bình tâm hơn, nhưng chi phí trị liệu tâm lý là không rẻ.

Còn việc xác định em có rối loạn tâm lý không thì chỉ dựa vào vài dòng chia sẻ của em, chúng tôi không đủ cơ sở để kết luận được. Khi em đến khám với chuyên gia tâm lý, cả hai sẽ cần trao đổi với nhau rất nhiều thứ, xoay quanh cảm xúc của em, vấn đề với người kia, và các cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực khác nữa, cần nhiều giờ và nhiều câu chuyện thì mới có cơ sở kết luận được.

Song song đó, em nên tập các phương pháp giúp trầm tính lại, như đi chùa/nhà thờ, tập thể dục thể thao giải tỏa năng lượng xấu, tự học yoga, thiền để bình tâm... Ghét 1 ai hay việc gì đó, người bị thiệt thường là chính mình thôi, em à.

8. Đạp trúng kim tiêm đã lên rêu, liệu có nhiễm HIV?

Bình Trần - kimtha...@gmail.com

Bác sĩ ơi, em đi chơi ở hồ nước, khi rửa tay không may em va phải kim tiêm đã lên rêu mốc rồi thì khả năng lây nhiễm HIV của em có cao không ạ?

Em thân mến,

Kim tiêm trong hồ đã lên rêu mốc rồi thì khả năng lây nhiễm HIV gần như không có, nhưng mà em có nguy cơ cao nhiễm trùng da, nhiễm vi khuẩn uốn ván. Do đó, em cần phải rửa cồn vết thương này, theo dõi xem vết thương có bất thường gì trong những ngày kế tiếp không, và tiêm ngừa uốn ván sớm.

9. Xử trí thế nào khi bị bật móng chân?

Trần Văn Trung - Tranvant...@gmail.com

Thưa BS, em bị bật hết móng chân. Em đã sơ cứu rồi nhưng vẫn chảy nước ở móng chân phải làm sao ạ?

Em thân mến,

Với tình trạng này, em cần đến cơ sở y tế gần nhà để nhân viên y tế rửa và làm sạch vết thương cho em, kê thêm thuốc giảm viêm giảm đau cho em. Nếu có biểu hiện nhiễm khuẩn thì phải uống thêm kháng sinh, đồng thời phải tiêm ngừa uốn ván nữa, em nhé.

10. Bướu giáp đa nhân độc có điều trị được không?

ZL Dao Thanh Hai

Cho em hỏi mình ăn uống gì để ngừa hạt phát triển không? Nếu bị độc phát hiện sớm có điêu trị được không? Em chân thành cám ơn. Xin cho em hỏi thêm có thuốc gì điều trị hết không ạ?

Câu tư vấn trước: Phình giáp khi nào cần sinh thiết?

Em thân mến,

Bướu giáp đa nhân không độc mà sau này chuyển qua độc thì vẫn điều trị được. Bệnh lý tuyến giáp, trong đó có cả ung thư giáp, không phải là bệnh nan y và có thể điều trị được với y học hiện nay.

Thuốc uống điều trị phình giáp đa hạt ít có hiệu quả, và khi uống cũng có những khó chịu nhất định. Em đã khám bác sĩ và không có kê thuốc cho em đúng không, chỉ dặn theo dõi định kỳ thôi.

Về ăn uống: thật ra, với các bướu giáp đa hạt, chưa ghi nhận thực phẩm nào giúp làm nhỏ bướu rõ rệt cả. Các loại rau thuộc họ cải và đậu nành có chất sanh bướu khi còn sống, nhưng khi nấu chín thì không còn nữa. Nên tóm lại, em có thể ăn cải chín, ăn đậu hũ và uống sữa đậu nành cùng các thực phẩm khác (miễn là chín) như bình thường.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X