Tất cả trẻ bị sởi đều phải bổ sung vitamin A, bất kể tiền căn ăn uống và dùng thuốc thế nào
BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi Hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, trẻ bị thiếu vitamin A có nguy cơ giảm sức đề kháng và ảnh hưởng đến mắt. Trong khi đó, virus gây bệnh sởi có thể làm viêm giác mạc, viêm kết mạc. Nếu trẻ không được bổ sung vitamin A đầy đủ, kết hợp thêm mắc sởi sẽ làm tình trạng trầm trọng hơn.
1. Sởi gây ra các biến chứng nào?
Thưa BS, sởi có thể gây ra các biến chứng nào? Các biến chứng của sởi thường xảy ra trên những trẻ nào ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Biến chứng thường gặp nhất của sởi là viêm phổi. Tuy nhiên, có thể biến chứng ở nhiều cơ quan khác như mắt, họng, viêm tai, tiêu đàm máu, thần kinh, suy dinh dưỡng nặng,… Ngoài ra, còn gây biến chứng lâu dài là suy giảm miễn dịch, từ đó dễ mắc các bệnh khác, đặc biệt là bệnh lao.
2. Biểu hiện của bệnh sởi khi có biến chứng là gì?
Những biểu hiện của bệnh sởi khi có biến chứng mà các bậc phụ huynh cần lưu ý là gì? Trong đó, các biểu hiện nào là thường gặp nhất và dễ bị bỏ qua nhất, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Biến chứng viêm phổi thường gây thở nhanh, khó thở, ho nhiều hoặc tiêu đàm máu, chảy mủ tai, miệng lở loét, thậm chí có thể bị viêm giác mạc hoặc viêm kết mạc, nếu không chú ý và trẻ không biết giữ vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến mắt sau này.
3. Cần làm gì để ngăn chặn biến chứng của sởi?
Cần làm gì để ngăn chặn biến chứng của sởi, thưa BS? Hiện nay, việc điều trị sởi sẽ gồm những gì ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Để ngăn chặn biến chứng của sởi phải theo dõi, tăng sức đề kháng, cho trẻ ăn uống đầy đủ, vệ sinh bình thường không nên kiêng khem, đặc biệt phải giữ vệ sinh mắt để không gây bội nhiễm.
Về thuốc, quan trọng nhất của sởi là vitamin A vì vậy phải cho trẻ uống vitamin A. Sau đó, có thể sử dụng kháng sinh nếu trẻ có bội nhiễm.
4. Vì sao vitamin A lại cần thiết cho quá trình điều trị sởi?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo sử dụng vitamin A liều cao trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em. Nhờ BS giải thích cụ thể hơn: vì sao vitamin A lại cần thiết cho quá trình điều trị sởi ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đối với vitamin A, đây là một khuyến cáo kinh điển. Trước đây, ở các vùng dinh dưỡng kém, đa số các trẻ sẽ bị thiếu vitamin A, từ đó gây ảnh hưởng đến mắt.
Trong quá trình bệnh sởi, virus có thể làm viêm giác mạc, viêm kết mạc, cộng thêm thiếu vitamin A sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề này. Khi bị loét, sẹo ở mắt sẽ hạn chế tầm nhìn của trẻ và sẹo có thể tồn tại suốt đời. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị bổ sung vitamin A.
Ngoài ra, vitamin A có vai trò tạo sức đề kháng. Trong khi trẻ mắc sởi sẽ bị giảm vitamin A.
Cho đến hiện nay, rất ít nghiên cứu chứng minh việc nên hay không nên uống vitamin A. Vì kinh điển phải uống vitamin A khi trẻ bị sởi, đây là khuyến cáo của thế giới.
Do không biết trẻ có thiếu vitamin A hay không nên uống vào sẽ có lợi cho trẻ. Trường hợp nếu trẻ thiếu vitamin A mà không được uống bổ sung, cộng thêm việc mắc bệnh sởi và nếu trẻ nhỏ không biết giữ vệ sinh ở mắt sẽ có khả năng ảnh hưởng đến mắt lâu dài sau này.
5. Có phải trẻ nào mắc sởi cũng cần bổ sung vitamin A liều cao?
Như vậy, có phải trẻ nào mắc sởi cũng cần bổ sung vitamin A liều cao không hay những trẻ nào sẽ cần, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cho đến hiện nay, tất cả các trẻ bị sởi đều phải bổ sung vitamin A, bất kể tiền căn ăn uống và dùng thuốc như thế nào.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi (không được bú mẹ): Uống 50.000 IU
- Trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi: Uống 100.000 IU
- Trẻ từ 12 - 36 tháng tuổi: Uống 200.000 IU
- Trẻ từ 37 - 60 tháng tuổi (có nguy cơ cao thiếu vitamin A): Uống 200.000 IU
Đặc biệt, đây là vitamin A liều cao bên ngoài thị trường có thể bán nhưng rất khó mua. Phụ huynh nên đưa trẻ đến trạm y tế để uống vitamin A.
6. Những trẻ nào cần được tiêm ngừa sởi?
TPHCM đã bắt đầu chiến dịch tiêm ngừa sởi cho trẻ em. Xin hỏi BS, những trẻ nào sẽ được tiêm ngừa trong chiến dịch này?
- Ở thời điểm hiện tại, khi dịch sởi bùng phát, theo BS những trẻ nào cần được tiêm ngừa sởi ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Về nguyên tắc của dịch sởi trên thế giới là tiêm cho tất cả các trẻ, tùy theo lứa tuổi bị ảnh hưởng, không quan tâm đến việc đã tiêm ngừa sởi hay chưa. Vì có thể trẻ chưa tiêm đủ liều vắc xin hoặc chưa đủ miễn dịch.
Trong chiến dịch sởi hiện nay, TPHCM khuyến cáo tiêm cho trẻ chưa đủ 2 mũi. Tuy nhiên, nếu không nhớ rõ mà lỡ tiêm mũi thứ 3 vẫn tốt cho trẻ.
7. Phụ huynh không nhớ rõ tiền sử tiêm chủng thì có nên đưa trẻ đi tiêm thêm theo chiến dịch?
Trong trường hợp phụ huynh không nhớ rõ tiền sử tiêm chủng, không giữ sổ hoặc phiếu tiêm trước đó để chứng minh đã tiêm đủ mũi thì trẻ có được tiêm ngừa sởi trong đợt này?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo chiến dịch, nếu người dân không nhớ về tiền sử tiêm chủng của trẻ thì trẻ phải được tham gia tiêm ngừa.
Nếu nhớ nhầm trẻ chưa tiêm thành đã tiêm sẽ có thể làm trẻ nhiễm bệnh. Trong trường hợp đã tiêm nhưng tiêm thêm 1 mũi vẫn giúp tăng cường miễn dịch và kéo dài thời gian miễn dịch cho trẻ.
8. Trẻ tiêm thừa vắc xin sởi có nguy hiểm không?
Tuy nhiên, một số phụ huynh lại e ngại về sự ảnh hưởng sức khỏe nếu trẻ phải tiêm thêm 1 mũi vắc xin khi trước đó có thể đã tiêm đủ. Như vậy, nếu trẻ tiêm thừa mũi vắc xin sởi có nguy hiểm không, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều này sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Hiện nay TPHCM vẫn đang cung ứng đủ vắc xin.
9. Bao lâu sau khi tiêm ngừa, vắc xin sởi sẽ có hiệu lực?
Sau khi tiêm ngừa sởi, vắc xin sẽ có “hiệu lực” bảo vệ, thưa BS? Trẻ tiếp xúc với bệnh nhân sởi ngay sau khi tiêm ngừa sởi, liệu có nguy cơ mắc bệnh sởi trong tình huống này?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi tiêm ngừa sởi sẽ tính đến nhiều vấn đề. Ví dụ, mới tiếp xúc với người bị sởi thì tiêm trong vòng 72 giờ, thậm chí sau đó một chút vẫn có tác dụng, nhưng nếu không tiêm ngừa kịp thời sẽ có thể nhiễm bệnh.
Hoặc tiêm mũi đầu tiên khoảng 7 - 14 ngày hiệu quả sẽ tăng lên, bảo vệ được cơ thể và tiêm sau 2 tháng là thời gian hoàn hảo.
Nếu tiêm nhắc lại, chỉ cần tiêm hôm nay, ngày mai đã có tác dụng vì đã có miễn dịch nền.
Do đó, cách tiêm chủng nào cũng có lợi và sẽ bảo vệ được trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh hoặc bệnh rất nhẹ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình