Hotline 24/7
08983-08983

Tầm soát loãng xương, phòng chống té ngã để ngăn chặn gãy xương ở người lớn tuổi

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, gãy xương ở người lớn tuổi sẽ chậm lành hơn người trẻ do quá trình huỷ xương diễn ra nhiều hơn. Vì vậy, cần tầm soát và phát hiện điều trị sớm loãng xương, phòng ngừa té ngã để ngăn chặn gãy xương ở người lớn tuổi.

1. Gãy xương ở người lớn tuổi chậm lành do quá trình huỷ xương nhiều hơn

Thưa BS, tình trạng xương của chúng ta sẽ thay đổi ra sao theo thời gian, lão hóa? Vì sao xương người lớn tuổi dễ gãy và khó lành ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Xương của mỗi người có hai quá trình: tạo xương và huỷ xương.

Ở trẻ em, quá trình tạo xương nhiều hơn hủy xương, còn người lớn tuổi, hai quá trình này sẽ xảy ra tương đương nhau.

Lý do xảy ra hai quá trình có thể ví như ngôi nhà hoặc con đường, qua thời gian sẽ xuất hiện tình trạng hư hỏng, cần được sửa chữa, do đó cần phá huỷ đường/nhà cũ, điều đó cũng như vai trò của quá trình huỷ xương.

Sau đó, căn nhà hoặc con đường được sửa chữa, phủ một lớp xi măng mới, lớp nhựa mới cho con đường/ngôi nhà như quá trình tạo xương. Đó là lý do cần phải có hai quá trình tạo xương và huỷ xương.

Ở người trưởng thành từ 20-50 tuổi, quá trình tạo xương và huỷ xương xảy ra tương đương nhau. Khi bị gãy xương sẽ xảy ra cả hai quá trình, quá trình huỷ xương sẽ huỷ những vùng xương bị nhô ra, sau đó, quá trình tạo xương sẽ đóng vai trò nối liền 2 chỗ bị gãy.

Ở người lớn tuổi, phụ nữ sau mãn kinh hoặc nam giới lớn tuổi, quá trình huỷ xương xảy ra nhiều hơn tạo xương, vì vậy, xương sẽ có xu hướng loãng, dẫn đến dễ gãy.

Đồng thời, do quá trình huỷ xương nhiều hơn tạo xương diễn ra ở nhóm tuổi này, nên việc gãy xương ở người lớn tuổi sẽ chậm lành hơn người trẻ.

Đó là sự thay đổi xương theo tuổi và quá trình lành xương theo tuổi.

2. Chỉ định phẫu thuật gãy xương ở người lớn tuổi

Điều trị gãy xương ở người lớn tuổi có những phương pháp nào? Có bắt buộc phải phẫu thuật? Nếu không phẫu thuật, liệu có cách nào để lành xương?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Vấn đề phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Thứ nhất, dựa vào vị trí gãy, có những vị trí gãy người bệnh không cần phẫu thuật, chỉ cần bó bột.

Thứ hai, tình trạng gãy hẳn xương hoặc gãy nát thành nhiều mảnh nhỏ, bệnh nhân cần tiến hành phẫu thuật. Trường hợp chỉ bị nứt xương, bệnh nhân sẽ được bó bột mà không cần thực hiện phẫu thuật.

Thứ ba, phải xem xét người bệnh có cần phẫu thuật hay không, nếu đồng ý phẫu thuật, người bệnh có đủ tiêu chí để thực hiện phẫu thuật được hay không. Ví dụ, bệnh nhân lớn tuổi, liệt nằm một chỗ, vô tình một lý do khiến họ gãy xương chân. Trường hợp này người bệnh không thể đi lại do liệt nên có thể không cần phẫu thuật.

Hoặc những người quá lớn tuổi, chức năng gan, thận của bệnh nhân không thể đáp ứng vấn đề mất máu do phẫu thuật. Lúc đó, bác sĩ sẽ không xem xét vấn đề phẫu thuật, vì nhiều trường hợp thực hiện phẫu thuật, nguy cơ cho bệnh nhân sẽ cao hơn không thực hiện phẫu thuật. Do đó, tùy từng trường hợp khác nhau, bác sĩ sẽ xem xét quyết định phẫu thuật.

Trường hợp không thực hiện phẫu thuật, biện pháp bác sĩ thường áp dụng nhiều nhất là bó bột. Một số trường hợp nằm ở vị trí đặc biệt, không cần bó bột mà bác sĩ sẽ sử dụng đai, nẹp, một số trường hợp sử dụng nẹp băng dán để cố định xương. Đó là những biện pháp cố định khi không thực hiện phẫu thuật.

3. Thời gian phục hồi phụ thuộc vào vị trí, mức độ gãy xương và cơ địa của bệnh nhân

Như vậy, cơ hội phục hồi xương như thế nào khi người lớn tuổi bị gãy xương, thưa BS? Tốc độ phục hồi ra sao ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Việc phục hồi sẽ phụ thuộc vào hai vấn đề. Một là vị trí xương bị gãy, hai là khả năng phục hồi của người bệnh với nhiều yếu tố do độ tuổi, chế độ dinh dưỡng, bệnh lý đi kèm như tiểu đường…

Thông thường, với xương nhỏ có thể lành trong khoảng thời gian từ 4-6 tuần, còn xương lớn như xương đùi, có thể hồi phục trong khoảng từ 6-8 tuần, thậm chí có trường hợp cần đến 10 tuần. Tóm lại, việc phục hồi sẽ phụ thuộc vào vị trí gãy xương, mức độ gãy xương và cơ địa của bệnh nhân.

4. Độ tuổi, bệnh lý đi kèm, kiểu gãy xương có ảnh hưởng đến quá trình lành xương

Những yếu tố nào tác động đến quá trình lành xương ở người lớn tuổi khi bị gãy xương, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Yếu tố thứ nhất là độ tuổi, độ tuổi càng lớn, mức độ lành xương càng chậm.

Thứ hai, các bệnh lý đi kèm hoặc chế độ dinh dưỡng như người bị suy dinh dưỡng hoặc đái tháo đường, khả năng lành xương sẽ chậm hơn.

Thứ ba, kiểu gãy xương, ví dụ như nứt xương hoặc gãy nhiều mảnh. Trong đó, nếu gãy nhiều mảnh sẽ tốn nhiều thời gian hơn để xương lành lại.

Đó là 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình lành xương.

5. Bổ sung canxi, vitamin D, protein, thúc đẩy quá trình lành xương

Chế độ dinh dưỡng cho người lớn tuổi như thế nào để thúc đẩy quá trình lành xương sau gãy xương tốt hơn ạ? Những thực phẩm nào nên tăng cường và thực phẩm nào cần tránh?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đối với người lớn tuổi khi gãy xương có phẫu thuật hoặc bó bột, đầu tiên phải đảm bảo đầy đủ canxi và vitamin D, một chất quan trọng nhưng ít được nhắc tới là protein.

Người lớn tuổi hiện nay có xu hướng ăn ít, đặc biệt, hiện nay có nhiều người lo lắng ăn nhiều làm tăng acid uric máu, tăng mỡ máu, tăng đường huyết… Việc quan trọng là ăn uống hợp lý để đường huyết không tăng quá cao, bởi vì, khi đường huyết tăng quá cao sẽ gây ức chế tạo xương. Vì vậy, riêng vấn đề ăn uống, cần đảm bảo ăn đầy đủ protein nhưng không ăn quá nhiều tinh bột.

Tóm lại, chế độ dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình lành xương ở người lớn tuổi cần bổ sung canxi, vitamin D, protein, nhưng phải đảm bảo không ăn quá nhiều tinh bột, tránh tăng đường huyết.

6. Gãy xương không bó bột có thể vận động sớm để tránh biến chứng

Các vấn đề cần lưu ý trong sinh hoạt sau khi người lớn tuổi bị gãy xương là gì? Những thói quen nào cần tránh trong giai đoạn này?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trong sinh hoạt hàng ngày, khi bị gãy xương, giai đoạn đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân cần bất động. Thời gian bất động sẽ tùy thuộc vào loại gãy xương và bó bột, vì vậy, cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.

Tuy nhiên, cần lưu ý, bệnh nhân chỉ nên bất động ở khớp gãy, còn các cơ/ khớp còn lại phải được vận động. Vì vậy, thông thường sau phẫu thuật hoặc sau bó bột sẽ có kỹ thuật viên chuyên về vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách để tránh teo cơ, hạn chế tình trạng cứng khớp.

Một số trường hợp không cần phẫu thuật, khi cử động sẽ gây đau. Theo xu hướng ngày xưa, bệnh nhân nằm tại chỗ hoặc hạn chế cử động, nhưng ngày nay, bệnh nhân sẽ cử động trong khả năng cho phép, một số trường hợp cử động sớm 1-2 tuần, có thể đi lại bình thường, thỉnh thoảng sẽ có động tác gây đau.

Vì vậy, bệnh nhân phải hỏi kỹ bác sĩ, có cử động được hay không, cử động với tư thế nào và trong bao lâu có thể cử động được để gia tăng tốc độ đồi phục của khớp và xương; hạn chế các biến chứng teo cơ, cứng khớp, huyết khối tĩnh mạch do bó bột hoặc bất động.

7. Có thể tập đi lại từ ngày thứ hai sau bó bột và khi bột đã khô

Khi nào người lớn tuổi nên tập đi lại hoặc có thể đi lại sau khi bị gãy xương, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Vấn đề này sẽ tuỳ thuộc vào kiểu gãy xương và loại phẫu thuật.

Thông thường, trường hợp chỉ bó bột, không phẫu thuật, không bắt vít, khoảng vài ngày sau, khi bột khô, cứng chắc, bệnh nhân có thể đi lại ngay trên bột. Chỉ cần tránh ngày đầu, bởi vì thời gian này bột chưa khô, đi lại dễ bị vỡ, bắt đầu từ ngày thứ hai, bệnh nhân có thể đi lại.

Trong trường hợp phức tạp hơn như bắt vít, cần hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị để xác định khi nào bệnh nhân có thể cử động được.

8. Tầm soát loãng xương, phòng ngừa té ngã, tránh gãy xương ở người lớn tuổi

Để phòng ngừa gãy xương ở người cao tuổi, cần lưu ý gì ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Để phòng ngừa gãy xương ở người lớn tuổi, cần lưu ý hai vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, tầm soát và phát hiện điều trị sớm loãng xương. Loãng xương không có triệu chứng, chỉ khi người bệnh gãy xương mới có thể phát hiện ra. Để tầm soát, cần đo loãng xương ở phụ nữ trên 50 tuổi, nam giới trên 70 tuổi; những người có bệnh lý đi kèm (bác sĩ sẽ chủ động chỉ định đo).

Thứ hai, phòng ngừa té ngã, vì đa số gãy xương là do té ngã gây ra. Phòng ngừa té ngã là một vấn đề rộng, đầu tiên, cần đánh giá lại tình trạng cơ, do đó, cần tập thể dục để tăng sức cơ. Liên quan đến vấn đề thần kinh, một số bệnh lý về thần kinh như đau thần kinh tọa, tê chân, đái tháo đường gây tê chân… những trường hợp này có thể gây té ngã, bệnh nhân cần được điều trị. Ngoài ra, tập thể dục sẽ giúp tăng phản xạ, ví dụ khi trượt chân, phản xạ kịp thời sẽ không bị té ngã và không gãy xương.

Ngoài ra, cần khám mắt thường xuyên, vì mờ mắt cũng có thể gây té ngã.

Trong nhà, ông bà ở chung với trẻ em, các cháu để đồ chơi giữa nhà, ông bà đi qua dẫm vào té, gây nguy cơ gãy xương; buổi tối, ông bà đi vệ sinh, không thấy đường dẫn đến vấp té, do đó, cần trang bị đèn cảm ứng dưới sàn, cầu thang, trong toilet.

Bên cạnh đó, cần chống trơn trượt trong toilet, có thanh vịn cho người lớn tuổi, hỗ trợ thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng… Có rất nhiều biện pháp để phòng chống té ngã ở người lớn tuổi và đó là một vấn đề lớn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X