Hotline 24/7
08983-08983

Tầm quan trọng của việc tầm soát bệnh lý tim mạch

Theo TS.BS Lê Thị Thu Thủy - Chuyên gia Tim mạch Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, ở Việt Nam, hàng năm có gần 200.000 người chết vì bệnh tim, con số này cao hơn hẳn so với tử vong do ung thư. Chính vì vậy thực hiện tầm soát tim mạch đúng cách giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc được chẩn đoán bệnh sớm, từ đó có kế hoạch điều trị kịp thời và phù hợp.

1. Tầm soát bệnh lý tim mạch mang lại lợi ích gì?

Thưa BS, việc tầm soát - khám định kỳ góp phần phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch ra sao?

TS.BS Lê Thị Thu Thủy trả lời: Bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 17,9 triệu người tử vong do bệnh tim. Ở Việt Nam, hàng năm có gần 200.000 người chết vì bệnh tim, con số này cao hơn hẳn so với tử vong do ung thư.

Bệnh tim mạch bao gồm một nhóm các tình trạng bệnh lý liên quan đến cấu trúc và hoạt động của tim và mạch máu, gây suy yếu khả năng hoạt động của cơ tim. Các bệnh lý tim mạch phổ biến gồm tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn nhịp tim và tim bẩm sinh. 

Tầm soát bệnh tim mạch là thực hiện những biện pháp nhằm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và bệnh lý tim mạch từ khi bệnh nhân chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng chưa rõ ràng, để có phương pháp điều trị kịp thời và phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh khiến cho bệnh nhân bị tàn phế và tử vong.

2. Trường hợp nào nhờ khám tầm soát mà phát hiện ra bệnh lý tim mạch?

BS có thể chia sẻ một (hoặc vài) tình huống, nhờ khám tầm soát mà phát hiện ra bệnh lý tim mạch để có hướng xử trí kịp thời (một tình huống người trẻ, một tình huống trung niên hoặc người già ạ)

TS.BS Lê Thị Thu Thủy trả lời: Chúng tôi xin chia sẻ 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất là 1 bệnh nhân nam, 30 tuổi, khám tầm soát tim mạch vì trong dịch COVID-19 đi chích ngừa đo huyết áp thấy cao, nhưng chỉ dùng thuốc một thời gian ngắn rồi ngưng vì tự thấy mình không có triệu chứng gì.

Khám thể lực thấy chỉ số khối cơ thể BMI là 36,2 tức béo phì độ 2. Đo huyết áp nhiều lần thấy huyết áp dao động từ 170/105 - 190/110mmHg tức là tăng huyết áp độ 3. Xét nghiệm máu phát hiện tăng cholesterol máu và tiền đái tháo đường. Bệnh nhân được tư vấn thay đổi lối sống, ăn kiêng, dùng thuốc hạ áp và thuốc giảm cholesterol máu, nếu được thì đến khám và điều trị béo phì cùng lúc với điều trị tim mạch.

Trường hợp 2 là 1 bệnh nhân nam, 65 tuổi, thói quen hút thuốc lá nhiều, trước nay chưa có triệu chứng nên nghĩ là mình không có bệnh gì, do đó chưa từng đi khám sức khỏe. Cách đây 1 tháng bệnh nhân đột ngột thấy choáng váng không thể chịu nổi nên phải nhập bệnh viện tỉnh, được chẩn đoán nhồi máu não - thiếu máu cơ tim - hẹp hở van động mạch chủ.

Bệnh nhân đến khám với mong muốn được kiểm tra lại chẩn đoán để có hướng điều trị thích hợp. Siêu âm tim phát hiện dày thất trái - phình quai động mạch chủ - xơ hóa vôi hóa gây hẹp nặng van động mạch chủ - giảm động nhẹ thành trước thất trái - giảm nhẹ chức năng tâm thu thất trái.

Chúng tôi tiếp tục thực hiện CT mạch vành phát hiện hẹp nhẹ - trung bình các nhánh động mạch vành trái và động mạch vành phải do xơ vữa - Có bất thường bẩm sinh van động mạch chủ 2 mảnh, van bị hẹp nặng vì vôi hóa + động mạch vành trái và phải xuất phát từ 2 xoang vành khác nhau - phình xoang Valsasa - phình động mạch chủ lên.

Như vậy, bệnh nhân bị suy tim do vừa bị 1 bệnh tim mắc phải là bệnh tim thiếu máu cục bộ do xơ vữa động mạch vành + 1 bệnh tim bẩm sinh là hẹp nặng van động mạch chủ trên nền van động mạch chủ 2 mảnh (thay vì bình thường van có 3 mảnh) + bất thường xuất phát động mạch vành + phình xoang Valsava + phình động mạch chủ lên. Trường hợp này, chúng tôi điều trị nội khoa cho bệnh nhân và tư vấn nên đến điều trị tại bệnh viện có khoa phẫu thuật tim hay tim mạch can thiệp để tránh biến chứng suy tim nặng hoặc tử vong đột ngột.

3. Tầm soát bệnh lý tim mạch nên thực hiện từ độ tuổi nào, bao lâu nên kiểm tra lại?

Như vậy, tầm soát phát hiện bệnh lý tim mạch nên thực hiện từ độ tuổi nào, bao lâu nên kiểm tra lại một lần và thực hiện ra sao để không bị bỏ sót bệnh ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Thủy trả lời: Tất cả chúng ta đều nên thực hiện tầm soát bệnh tim mạch bởi bệnh có thể xuất hiện ở mọi người, mọi độ tuổi. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ cao cần tầm soát bệnh tim mạch bao gồm:

- Bệnh nhân bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp khiến tim bị quá tải trở nên dày dãn, cuối cùng là suy tim. Tăng huyết áp cũng dẫn đến tổn thương mạch máu, gây biến chứng nặng nề như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phình bóc tách động mạch chủ.

- Người bị thừa cân, béo phì sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp.

- Bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính có nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch bao gồm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tự miễn, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,…

- Người hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động, bao gồm cả thuốc lá điện tử.  

- Người có lối sống thiếu khoa học như thức khuya thường xuyên, môi trường sống và làm việc căng thẳng, nhiều stress, sống tĩnh tại, ít vận động, lạm dụng rượu, bia, chất kích thích…

- Nhóm đối tượng dễ mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới bao gồm nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, giáo viên, phụ nữ mang thai,…

- Người có cha hoặc mẹ từng mắc bệnh tim.

- Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim nhiều hơn, nhất là những người ở độ tuổi từ 50 tuổi trở lên.

- Người hay ngủ ngáy hoặc ngưng thở lúc ngủ.

- Người có các triệu chứng nghi ngờ liên quan đến bệnh tim bao gồm đau ngực, mệt khi gắng sức, khó thở, rối loạn nhịp tim, chóng mặt, hay đổ nhiều mồ hôi, ngất xỉu,…

- Những người khỏe mạnh cũng nên đi tầm soát tim mạch 1 - 2 lần mỗi năm để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời nếu cần.

4. Gói khám tầm soát các bệnh tim mạch tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh gồm những gì và quy trình ra sao?

Tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh hiện xây dựng nhiều gói khám khác nhau phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

- Xin nhờ BS chia sẻ thêm, gói khám tầm soát các bệnh tim mạch tại Phòng khám gồm những gì và những ưu điểm/lợi ích khi khách hàng lựa chọn khám tại Ngọc Minh ạ?

- Quy trình thăm khám tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh sẽ gồm những bước cụ thể ra sao ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Thủy trả lời: Quy trình tầm soát bệnh lý tim mạch thường gặp tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh: 

1. Khám lâm sàng

- Đo thể lực và sinh hiệu

- Bác sĩ xem xét về hồ sơ bệnh án, tìm hiểu về tiền sử gia đình của người bệnh và khám thực thể tim mạch.

2. Thực hiện các xét nghiệm

- Công thức máu

- Định lượng mỡ máu: Cholesterol toàn phần, HDL-C (Cholesterol trọng lượng phân tử cao), LDL-C (Cholesterol trọng lượng phân tử thấp), Triglyceride

- Đường huyết, HbA1C

- Chức năng gan: AST, ALT, GGT

- Chức năng thận: Ure, creatinine

- Tổng phân tích nước tiểu

3. Chẩn đoán chức năng

- Điện tâm đồ thường quy

- Siêu âm Doppler tim

- Siêu âm Doppler động mạch cảnh - cột sống

4. Bác sĩ tổng hợp và tư vấn kết quả, đưa ra kết luận về tình trạng bệnh tim mạch và hướng điều trị phù hợp cho người bệnh nếu cần.

Quy trình tầm soát bệnh tim mạch không tốn quá nhiều thời gian và linh động về thời điểm, hầu hết xét nghiệm đều không xâm lấn, không gây đau cho người bệnh. 

Trường hợp cần thiết, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh sẽ tư vấn bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu như đo huyết áp 24 giờ, đo điện tim 24 giờ, đo điện tim 7 ngày, chụp CT động mạch vành, chụp CT động mạch chủ, chụp MRI tim… Các xét nghiệm chuyên sâu này hiện đã được trang bị đầy đủ tại phòng khám. Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và chẩn đoán hình ảnh sẽ phối hợp để có chẩn đoán phù hợp với bệnh lý của bệnh nhân.

5. Trước khi tầm soát các bệnh lý tim mạch cần làm gì và cần tránh những gì?

Cuối chương trình, nhờ BS chia sẻ thêm: trước khi thăm khám, tầm soát các bệnh lý tim mạch cần làm gì và cần tránh những gì ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Thủy trả lời: Trước khi tầm soát bệnh tim mạch, cần lưu ý: 

- Mặc trang phục thoải mái. 

- Không nên ăn uống trước thời gian đi khám ít nhất 4 - 6 giờ. 

- Không dùng cà phê, rượu, bia, thuốc lá.

- Không nên hoạt động thể chất hoặc tập luyện mạnh trước khi đi tầm soát.

- Không sử dụng insulin trong buổi sáng đi khám tầm soát bệnh tim.

- Chuẩn bị thông tin về những triệu chứng của bản thân nếu có, tiền sử người thân trong gia đình.

- Nên mang theo hồ sơ khám định kỳ trước đây để bác sĩ dễ đánh giá diễn tiến sức khỏe theo thời gian. Nếu đang điều trị thì nên mang theo bệnh án gồm xét nghiệm cũ, toa thuốc trước đây hoặc thuốc đang dùng.

Thực hiện tầm soát tim mạch đúng cách chúng ta sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh hoặc chẩn đoán bệnh sớm từ đó có kế hoạch điều trị kịp thời và phù hợp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X