Sốt về chiều, bệnh gì?
ThS.BS Trương Đình Khải - giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng, những cơn sốt cứ ập đến dai dẳng vào mỗi chiều tối có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị ung thư hoặc bị lao...
Sốt do ung thư
Bệnh ung thư có thể gây sốt về chiều với biểu hiện tương tự các bệnh thủy đậu, sốt do vi rút nên người bệnh không mấy chú ý. Sốt kéo dài là dấu hiệu gợi ý hệ miễn dịch đã suy giảm, rất có thể bạn đang mắc bệnh ung thư.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, nếu thấy sốt dai dẳng kèm đau đầu, đau khớp thường xuyên và đã chữa trị mà vẫn không dứt bệnh, thì hãy nghĩ đến bệnh ung thư máu giai đoạn sớm. Sự xuất hiện những dấu hiệu trên có thể là do sự chèn ép của các tế bào trong tủy. Ngoài biểu hiện sốt kéo dài, bạn cũng nên kiểm tra xem mình có chán ăn không, có sụt cân không, màu da có nhạt không, có dễ bị tím bầm không, có trắng bợt không, có dễ bị chảy máu không (rong kinh hay rong huyết)… Nếu bị ung thư máu thì màu da bạn thường nhợt nhạt do trong cơ thể thiếu hồng cầu và chảy máu do khả năng đông máu kém.
Ung thư gan trên nền viêm gan siêu vi cũng gây sốt về chiều. Một nghiên cứu của các chuyên gia y tế thuộc Trường ĐH California San Francisco, cho thấy: sốt trong triệu chứng sớm của ung thư gan rất dễ gây nhầm lẫn với sốt của bệnh cúm. Bệnh nhân có thể bị sốt, đau đầu, ớn lạnh, yếu cơ, mệt mỏi quá mức hoặc chán ăn hay ra mồ hôi. Do vậy nếu thấy người mệt, sốt kéo dài, đau bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, dễ chảy máu hay dễ có vết bầm, vàng da, báng bụng thì nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, để được phát hiện và điều trị đúng bệnh.
Sốt do lao màng não
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế Việt Nam, lao não chỉ chiếm khoảng 5% tổng số các ca lao, nhưng lao màng não là thể lao nguy hiểm, tử vong cao và di chứng để lại rất nặng nề. Tuy nhiên, do những triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, ù tai… khá giống với các bệnh thông thường như cảm cúm, rối loạn tiền đình, viêm xoang… nên rất dễ bị bỏ qua. Khi thấy bị sốt cao, kéo dài và tăng dần vào chiều tối, bệnh nhân có cảm giác đau đầu dữ dội liên tục hoặc đau âm ỉ từng cơn, đặc biệt cơn đau sẽ tăng lên nếu gặp tiếng động hoặc ánh sáng mạnh kèm nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, đau khớp, thì nên nghĩ đến bệnh lao màng não.
Những lưu ý Do tính chất nguy hiểm mà những cơn sốt về chiều mang lại, hãy đưa người bệnh gặp bác sĩ, khi: -Trẻ dưới ba tháng tuổi có nhiệt độ hậu môn ≥ 38°C. -Trẻ 3-12 tháng tuổi có nhiệt độ hậu môn ≥ 39°C. -Trẻ dưới hai tuổi có thời gian sốt lâu hơn 24-48 giờ. -Trẻ trên hai tuổi có thời gian sốt lâu hơn 48-72 giờ. -Sốt cao trên 40,5°C, không đáp ứng tốt với điều trị. -Có những dấu hiệu như đau họng, đau tai hoặc ho. -Sốt ≥ một tuần, dù sốt không cao. -Có kèm bệnh lý nội khoa nguy hiểm như suy tim, tiểu đường, bệnh xơ nang. -Có vấn đề về hệ miễn dịch như dùng corticoides lâu dài, sau ghép tủy, ghép tạng, đã cắt lách, HIV+, đang điều trị ung thư. Và cần gọi cấp cứu, khi: ● Trẻ bứt rứt hoặc quấy khóc. ● Đánh thức dậy khó hay ngủ li bì. ● Lú lẫn. ● Không đi được. ● Khó thở ngay cả sau khi làm sạch mũi. ● Xanh tím môi, lưỡi, móng. ● Đau đầu nhiều. ● Cứng cổ. ● Trẻ không vận động tay chân. ● Co giật. |
Theo Thiên Nga - Phụ Nữ Online
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình