Hotline 24/7
08983-08983

Sởi lây cực nhanh: 1 trường hợp mắc bệnh có thể lây cho 20 người

Trong 2 tháng đầu năm nay, trên cả nước ghi nhận 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành. Trước những lo ngại vì bệnh sởi lây lan nhanh, BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM đã có những chia sẻ về lây truyền sởi, cách chăm sóc người bệnh cũng như các biện pháp bảo vệ phòng dịch bệnh đến bạn đọc AloBacsi.

Bệnh sởi sẽ diễn tiến theo xu hướng nào trong năm 2024?

Xin hỏi BS, từ những lý do mà WHO đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về dịch bệnh sởi bùng phát, xu hướng mắc bệnh sởi sẽ thay đổi ra sao trong năm 2024?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Dịch sởi bùng phát còn phụ thuộc vào việc tiêm ngừa cho trẻ em bị tiêm sót. Đây là yếu tố gần như quyết định xem dịch sởi có được ngăn chặn hay không. Nếu kịp thời tiêm ngừa trước khi bùng phát dịch thì số ca mắc sẽ giảm xuống. Tổ chức Y tế thế giới ngoài khuyến cáo về việc bệnh sởi quay lại ở nhiều khu vực còn đưa ra khuyến cáo tiêm bù cho trẻ em chưa tiêm đủ mũi vì nhiều lý do khác nhau.

Bệnh sởi lây lan nhanh do tiêm phòng chưa đúng quy định

Dường như sau COVID-19, các dịch bệnh thường xuyên nhăm nhe chúng ta hơn hẳn, đại dịch đã tác động thế nào đến diễn tiến của các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thật ra COVID-19 chỉ làm mọi người có tâm lý dè chừng hơn đối với các dịch bệnh chứ không ảnh hưởng trực tiếp đến các dịch bệnh khác. Trong thời gian dịch COVID-19, nhiều người không tiêm ngừa các bệnh khác do giãn cách xã hội. Lý do khác là vì dịch COVID-19 nên chuỗi cung ứng vắc xin cũng bị trục trặc. Song song đó, sau một khoảng thời gian tiêm ngừa nhiều đến mức không cần thiết đã làm xuất hiện hiện tượng anti vắc xin COVID-19 và ảnh hưởng đến các loại vắc xin khác. Những yếu tố này làm cho các bệnh dịch có vắc xin trầm trọng hơn nếu không có biện pháp điều chỉnh lại cách tiêm chủng.

Vì sao bệnh sởi xuất hiện ở người lớn ngày càng nhiều?

Trước đây bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân. Tuy vậy, các năm gần đây đã có những ca bệnh sởi ở người lớn. Điều gì đã khiến bệnh sởi biến đổi so với “truyền thống” như vậy, thưa BS? Bệnh sởi xuất hiện trên cả người lớn là do đâu ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nguyên nhân bệnh sởi xuất hiện ở người lớn là miễn dịch ở ngoài tự nhiên không nhiều. Tiêm chủng có tác dụng trong việc giảm số ca nhiễm, nhưng với điều kiện là tiêm chủng đúng. Nhiều người lớn chỉ tiêm một mũi, sau đó quên luôn. Đến khi miễn dịch không đủ sẽ dễ bị mắc bệnh. Đặc biệt, ở người lớn, khi các triệu chứng không biểu hiện rõ ràng để phát hiện và cách ly sẽ trở thành nguyên nhân lây lan dữ dội từ vùng này sang vùng khác, từ nơi làm việc về nhà.

Bệnh sởi đi ngược với “truyền thống" có nguy hiểm hơn không?

Theo BS đánh giá, những sự thay đổi này có đưa đến bệnh sởi sẽ lây lan nhanh hơn, độc lực mạnh hơn và dễ đưa đến biến chứng hơn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hai đợt dịch năm 2014 và 2018 mặc dù lây nhiễm nhiều và số ca tử vong trội hơn nhưng khi phân tích về độc lực thì không phát hiện sự thay đổi nào. Bệnh sởi lây lan là do hệ miễn dịch và do chưa bảo vệ được những đối tượng nguy cơ cao, không thể tiêm ngừa như những người có bệnh nền, người có bệnh lý tim bẩm sinh, trẻ em dưới 9 tháng tuổi. Khi virus tấn công những đối tượng này sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong.

Hiện nay vẫn chưa phát hiện được động lực nào làm thay đổi cấu trúc gen của virus sởi. Từ năm 2014 và năm 2018 đã có những nghi vấn tương tự nhưng vẫn chưa ghi nhận sự thay đổi nào.

Virus sởi có tốc độ lây lan cực nhanh

Có thông tin cho rằng, sởi là bệnh có tốc độ lây lan cực nhanh, một người bệnh có thể truyền nhiễm cho 12 đến 18 người lành không có miễn dịch phòng sởi. Sởi có thực sự lây lan nhanh đến mức này không? Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn, so với các bệnh truyền nhiễm khác, tốc độ lây lan của bệnh sởi ra sao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi nói đến tốc độ lây lan của một loại virus hay vi khuẩn lây qua đường hô hấp, người ta thường dùng chỉ số R0 để so sánh. Cách tính là ở điều kiện bình thường, kể từ lúc phát hiện nhiễm bệnh đến khi khỏi hoàn toàn, một người mắc bệnh có thể lây cho bao nhiêu người khác. Sởi được xem là có khả năng lây lan dữ dội nhất trong các loại virus. Khi có một virus lây qua đường hô hấp mới, người ta thường so sánh xem tốc độ lây lan của nó so với sởi là bao nhiêu.

Một người kể từ khi mắc bệnh sởi đến lúc khỏi bệnh có thể lây cho hơn 10 người, thậm chí lên đến 20 người. Tỷ lệ lây lớn vì người mắc bệnh ho rất nhiều, virus tồn tại trong giọt bắn, thời gian phát tán virus từ người bệnh tương đối dài (trước khi xuất hiện ban 2 ngày đến sau khi xuất hiện ban ban 4 ngày). Ngoài ra, virus sởi có thể sống trong môi trường bên ngoài đến 2 giờ.

Sởi là bệnh lưu hành rộng vì thế bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, mức độ lây lan rất nhanh nên dễ bùng phát thành dịch (Ảnh minh họa)

Những biểu hiện và triệu chứng theo từng giai đoạn của bệnh sởi

Bệnh sởi thường diễn tiến qua những giai đoạn nào, thưa BS? Bệnh sởi ở người lớn có khác biệt gì so với ở trẻ em?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh sởi diễn tiến qua các giai đoạn sau:

- Giai đoạn ủ bệnh (4 - 7 ngày)

- Giai đoạn trước phát ban với những biểu hiện như ho, sốt cao không hạ.

- Sau đó 2 ngày sẽ xuất hiện những nốt ban và vẫn tiếp tục sốt, ho. Cac nốt ban xuất hiện tuần tự, đầu tiên là ở vùng chân tóc, lan xuống thân người kèm theo kèm nhèm, đỏ mắt, chảy nước mũi, tiêu chảy. Thời gian phát ban kéo dài khoảng 3 - 4 ngày, lặn dần theo thứ tự xuất hiện và để lại vết thâm. Bác sĩ còn có thể chẩn đoán sởi bằng cách xem trong niêm mạc họng, ở vị trí răng khôn có những chấm Koplik.

Đối với người lớn, triệu chứng có thể rầm rộ hơn hoặc không có triệu chứng điển hình, chỉ bị sốt nhẹ, ít phát ban, đỏ mắt, sổ mũi.

- Bệnh có thể tự khỏi nếu như không có biến chứng. Cần lưu ý là phụ nữ mang thai dễ có biến chứng hơn.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi

Đâu là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi, thưa BS? Bệnh sởi nguy hiểm ra sao và các biến chứng có thể gặp phải là gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đặc trưng của sởi so với các sốt phát ban khác là khi ra ban vẫn tiếp tục sốt và ho, thường có kèm mắt đỏ hoặc chảy nước mũi. Một đặc trưng khác là nốt Koplik.

Sởi có rất nhiều biến chứng như viêm phổi, tiêu đàm máu, viêm não. Sau khi bị sởi, có trường hợp trẻ em chán ăn hoặc trong quá trình bị sởi người nhà áp dụng kiêng ăn nên xuất hiện di chứng suy dinh dưỡng còi cọc ở trẻ em, ảnh hưởng đến phát triển chiều cao, thay đổi tầm vóc của trẻ. Một biến chứng khác của sởi là suy giảm miễn dịch đến mức dễ mắc bệnh trong vòng 1 năm, hay thậm chí là 2- 3 năm sau. Đáng lo ngại nhất là trường hợp mắc bệnh lao sau khi bị sởi.

Những đối tượng nguy cơ cao gặp biến chứng sau khi mắc sởi

Vậy những người nào có nguy cơ gặp biến chứng nhất? Biến chứng thường xảy ra vào giai đoạn nào khi mắc bệnh?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Biến chứng thường gặp trong thời gian toàn phát (khoảng 4 ngày bị ho nhiều, sổ mũi, sốt cao) hoặc xảy ra sau đó, gây ra viêm não, tiêu đàm máu, viêm phổi. Những người bị suy giảm miễn dịch, người lớn có bệnh nền, đặc biệt là những em bé bị tim bẩm sinh, phổi mãn tính, HIV bẩm sinh rất dễ bị biến chứng viêm phổi. Biến chứng viêm phổi thường rất nặng và rất khó điều trị.

Cách chăm sóc bệnh nhân sởi tại nhà

Điều trị bệnh sởi như thế nào để nhanh khỏi, tránh các biến chứng không mong muốn, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bị bệnh sởi không nên kiêng ăn, phải chăm cho người bệnh ăn uống đầy đủ, không kiêng gió, uống đủ nước. Khi cảm thấy khó thở phải đi khám ngay. Khi xảy ra biến chứng cần phải nhập viện ngay để điều trị lâu dài bằng kháng sinh mạnh.

Nhiều người tin rằng mắc bệnh sởi nên kiêng gió, kiêng nước, bao gồm cả việc tắm rửa. Quan điểm của BS về vấn đề này thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ngày xưa ông bà ta có quan niệm rằng khi bị sởi phải kiêng nhiều thứ như kiêng ăn, kiêng gió, hạn chế ra ngoài. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Bệnh nhân sốt cao có thể lau người, không nên ra ngoài nhiều nhưng vẫn nên có không gian sinh hoạt. Bệnh nhân cần vệ sinh sạch sẽ, tắm rửa, lau người. Quan trọng nhất là không cần kiêng ăn, đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi

Để ngăn chặn sởi thành các vụ dịch lớn, cần làm những gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Muốn phòng chống sởi chúng ta phải dự đoán trước để bổ sung việc tiêm ngừa. Hiện nay lỗ hổng tiêm ngừa có gần 300.000 trẻ em chưa tiêm mũi 1 và vài trăm ngàn trẻ chưa tiêm mũi 2. Khi một người mắc sởi ngoại lai đến TPHCM sẽ rất dễ bị tấn công. Muốn ngăn ngừa sởi không bùng phát thành dịch cần rà soát lại độ phủ vắc xin sởi của khu vực, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Sau đó, cần nhanh chóng phát hiện ca đầu tiên để khoanh vùng, tiêm ngừa cho những người xung quanh. Những người bị phát ban, sốt, sổ mũi, ho phải tiến hành lấy máu để xét nghiệm.

Theo thông tin từ báo đài, tại Hà Tĩnh có 1 cụm hơn 10 trường hợp sốt phát ban, trong đó có 8 ca dương tính với sởi. Trong trường hợp này, nếu không tiêm ngừa cho những người xung quanh thì rất dễ lây lan rộng ra.

Tiêm ngừa đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi để có miễn dịch hoàn hảo

Những người không thể tiêm ngừa, trẻ chưa đến tuổi tiêm ngừa, người lớn đã qua tuổi tiêm ngừa sởi, liệu có cách nào bảo vệ bản thân trước căn bệnh lây lan nhanh này?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không có biện pháp bảo vệ nào ngoài tiêm vắc xin. Trường hợp những thuộc những đối tượng không thể tiêm ngừa thì những người xung quanh họ phải tiêm ngừa. Điều quan trọng nhất khi tiêm ngừa sởi ở Việt Nam là không được bỏ mũi sởi 9 tháng. Sau đó có thể tiêm nhắc lại lúc 18 tháng theo chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc 12 tháng tiêm 3 trong 1 (sởi - quai bị - rubella). Cần tiêm ít nhất 2 mũi và tốt nhất là 3 mũi: 9 tháng, 12 -15 tháng và 4 - 5 tuổi để có được miễn dịch hoàn hảo.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X