Hotline 24/7
08983-08983

Sai lầm của người mẹ ngày con vào lớp một khiến bé sợ đi học

Thả con trước cổng trường, người mẹ ở TP HCM vội đến chỗ làm, con chị lúc đó đã nghĩ bị mẹ bỏ rơi ở một nơi hoàn toàn mới.

Trong chuyến về nước mới đây, Nam Anh, TP HCM, hiện là du học sinh Mỹ, lần đầu tiên thổ lộ với mẹ mình, chị Ngọc Mai, 53 tuổi về cái ngày từng ghim một nỗi sợ vào lòng cậu. Đó là ngày đầu vào lớp một, 20 năm trước.

"Mẹ có biết vì sao bao năm qua con rất sợ đi học không? Đó là vì ngày khai giảng khi con vào lớp một, mẹ đã đưa con đến trường và nói dối con là ở lại đây chơi một lát rồi mẹ đón! Cái câu 'lát mẹ đón' kéo dài đến chiều và lúc ấy con đã vô cùng sợ hãi trước những người xa lạ, không được chạy nhảy mà bị cô bắt ngồi yên trên ghế. Giờ con đã xóa được nỗi sợ hãi trong tiềm thức nên mới có thể kể với mẹ", chàng du học sinh 25 tuổi nói trong sự sững sờ của mẹ cậu.

"Bao năm qua cứ ngỡ con mình không thích học là do con thiếu chăm chỉ. Tôi không bao giờ ngờ được những năm tháng đi học u ám của con đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của mình", chị Mai nói.

Theo chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (TP HCM), sai lầm của người mẹ này là đã không chuẩn bị kỹ năng vào lớp một cho con, không tạo cho con sự háo hức trong môi trường mới mà lại lừa đứa trẻ ở lại trong ngày đầu tiên tới trường, từ đó gây ra cho trẻ tâm lý sợ trường lớp.

Trong những năm ngồi trên ghế nhà trường, sẽ không thể tránh những khó khăn đến với trẻ. Việc xây dựng cho con các kỹ năng để con vượt qua là vô cùng quan trọng. Chuyên gia huấn luyện tâm lý Trần Kim Thành - tác giả cuốn Dạy con tự học - kể, năm con trai chị vào lớp một được vài ngày thì bị cô giáo tát do mất trật tự trong giờ học. Thằng bé sợ cô giáo, sợ đi học.

Qua trò chuyện, hỏi con và dẫn dắt, chị Thành giúp con hiểu ra nguyên nhân của sự việc là do con không tuân thủ kỉ luật của lớp và cô giáo thì không kiểm soát tốt cảm xúc được nên đã có hành vi không phù hợp với con. Chị cũng giúp con cảm thông với cô hơn vì ở nhà chỉ có mẹ với mấy con mà nhiều khi ầm ĩ quá còn rất mệt, trong khi ở lớp cô phải quản lý hơn 50 học sinh, càng khó khăn hơn.

Khi mẹ hỏi: "Làm thế nào để lần sau con không bị cô giáo tát nữa?" thì con xin mẹ chuyển lớp hoặc chuyển trường. Lúc này, chị Thành nói: "Cách của con hay đấy! Mẹ có thể chuyển lớp mới, trường mới cho con. Nhưng mẹ không đảm bảo chắc chắn rằng cô giáo mới có làm chủ cảm xúc tốt hay không. Mẹ không chắc chắn được nếu con nói chuyện riêng trong giờ, cô có quá nóng mà tát con hay không. Con còn có cách nào khác hay hơn không?".

Sau cùng, cậu bé nhận ra để không bị cô đánh nữa chỉ còn cách phải giữ im lặng trong giờ học. Từ đó, cậu bé cố gắng giữ trật tự trong lớp hơn, nhờ đó vượt qua được thời điểm khó khăn, chỉ sau một tháng trở thành học sinh được cô chủ nhiệm quý.

"Chúng ta có thể dàn xếp, bảo vệ con nhưng làm vậy là đang đánh mất cơ hội cho con tự xử lý vấn đề. Đường đời dài, cha mẹ không thể như máy xén cỏ, dọn mọi chướng ngại, chỉ có cách trao cho con kỹ năng tự giải quyết vấn đề", chuyên gia Kim Thành nói.

Chị Nhàn (Hà Đông, Hà Nội) đã chuẩn bị kỹ năng, tinh thần cũng như đọc viết cơ bản cho con trai trước khi bé vào tiểu học. Ảnh: Lê Nhàn

Năm học 2019 sắp tới, sẽ có khoảng một triệu trẻ bước vào lớp một. Trong quan điểm của nhiều người, năm đầu cấp tiểu học này thực sự quan trọng vì là khởi đầu hoàn toàn mới trong cuộc đời trẻ, có thể ảnh hưởng đến tương lai học hành sau này. Tuy nhiên, cũng có quan điểm khởi đầu này không quan trọng lắm, bởi học tập là sự nghiệp cả đời và việc "thua ở vạch xuất phát" cũng không có nghĩa lý gì, không cần vội vàng. Điều quan trọng là chuẩn bị cho con một con đường dài, đặt mục tiêu lớn, thì dù bé có vấp ngã ở giai đoạn nào vẫn còn thời gian để làm giai đoạn sau.

Vì thế theo chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên thì trước khi con vào lớp một, không chỉ chuẩn bị trường lớp, sách vở, điều quan trọng hơn là luyện cho con những kỹ năng "đường dài", từ lâu trước khi con vào lớp một:

1. Dạy trẻ kỹ năng tự học:

Để huấn luyện trẻ tự học, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là dành thời gian chơi với trẻ mỗi ngày, ít nhất một tiếng với trẻ dưới 3 tuổi và 30 phút với trẻ dưới 6 tuổi. Đây là bước chuẩn bị tạo dựng năng lực ngôn ngữ và kỹ năng tự học.

Trong cuốn Dạy con tự học, tác giả Trần Kim Thành đưa ra ba câu hỏi cha mẹ nên áp dụng để giúp trẻ hình thành thói quen tự học một cách tự nhiên, ham học và thói quen, tư duy vượt ngưỡng.

- "Kể cho bố mẹ nghe với?". Chủ đích cho thấy sự quan tâm của bố mẹ, con sẽ hứng thú kể lại, qua đó giúp con có kỹ năng giao tiếp, xâu chuỗi vấn đề.

- "Chỉ cách giúp bố mẹ với?". Chủ đích câu này là ngầm khen ngợi, khích lệ con, qua đó giúp con tự tin suy nghĩ và đưa cách thức của con. Con sẽ thích học hỏi, khám phá nhiều hơn để được "làm thầy giáo" của bố mẹ những lần sau.

- "Lần sau con có thể làm việc này thế nào cho kết quả tốt hơn?". Câu này không chỉ đòi hỏi kỹ năng tổng hợp thông tin mà còn tìm cách sáng tạo để thúc đẩy trẻ tìm cách làm tốt hơn vào lần sau. Cũng như khiến trẻ luôn biết cầu tiến, học hỏi thêm, không tự mãn, tự kiêu sau khi đã biết, đã học, đã làm được gì đó.

Lúc đầu có thể sẽ khó khăn, cần sự kiên nhẫn của phụ huynh để luyện kỹ năng, nhưng qua giai đoạn này trẻ đã biết tự học, tự khai thác tài liệu thì cha mẹ sẽ rất nhàn. "Mỗi đứa trẻ học ít nhất 12 năm phổ thông, nếu không rèn con tự học ngay từ bé thì hơn bốn nghìn ngày trước mắt cha mẹ sẽ phải ức chế, mệt mỏi với con xoay quanh chuyện học hành", chuyên gia Kim Thành nói.

2. Dạy trẻ không trốn chạy khó khăn

Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn con mình học trong môi trường ổn định, chơi với nhóm bạn đã quen. Nếu phải chuyển lớp thì sẽ nghĩ con phải khó khăn bắt đầu, môi trường lạ khó sống. Thực tế đứa trẻ cần phải được va vấp. Trong tinh thần của "global citizen" - công dân toàn cầu - thì trẻ phải có khả năng sống thoải mái trong mọi sắc tộc, tôn giáo, con người, thích nghi với mọi thứ.

Khi bé gặp khó khăn với thầy cô, bạn bè hoặc môn nào đó, cha mẹ hãy sát cánh cùng con, hướng dẫn con cách đối mặt, vượt qua, thay vì trốn chạy.

3. Dạy trẻ làm việc có kế hoạch. Nên luyện từ trước khi trẻ vào lớp một, bằng việc cùng con ngồi lại, dùng giấy bút tự vẽ ra. "Theo con, mình nên đến lớp trước bao nhiêu phút?". Nếu con chọn trước 15 phút, hỏi tiếp: "Vậy mình sẽ từ nhà lúc nào, sẽ dậy lúc nào để con kịp rửa mặt, ăn sáng?...". Bằng phương pháp lùi để tính ra thời khoá biểu cho trẻ.

Những ngày đầu cha mẹ theo sát, nhắc nhở. Có thể dùng sticker mặt cười để biểu dương nếu con làm tốt. Khoa học đã chứng minh thói quen sẽ được hình thành nếu thực hiện liên tục sau 21 ngày.

4. Luyện cho trẻ ham đọc sách:
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ hãy hình thành thói quen đọc sách cho con, bằng việc kể chuyện mỗi tối khi con đi ngủ, dần dần trẻ sẽ quen được kể chuyện, đọc sách thì mới ngủ được.

Khi trẻ đã biết mặt chữ, tự đọc được sách, ban đầu hãy nói với con đọc to lên cho cha mẹ cùng nghe. Tiếp theo bảo con hãy đọc thầm rồi sau đó nói lại. Bằng cách này trẻ học được kỹ năng tổng hợp vấn đề, ghi nhớ và giao tiếp. Bản thân cha mẹ cũng phải đọc sách thường xuyên làm gương cho con, dạy con thấy rằng "sách là phần thưởng", không phải cha mẹ bắt đọc. Việc đọc sách cũng giúp tăng khả năng ngôn ngữ và kỹ năng tự học cho trẻ.

5. Dạy cho con tư duy tích cực, lạc quan

"Ngày hôm nay con có vui không? Điều gì con làm tốt nhất?", cha mẹ hãy hỏi câu hỏi này sau một ngày đi học. Qua đó giúp trẻ luyện khả năng hồi tưởng, ghi nhớ, dạy cho con tư duy tích cực, lạc quan. Dần dần, mỗi ngày con có điều gì khiến con vui, điều gì con làm tốt đều sẽ ghi nhớ về kể cho cha mẹ.

Câu hỏi này còn giúp xây dựng mối quan hệ gần gũi giữa cha mẹ và con cái, qua đó cha mẹ kịp thời nắm bắt được những vấn đề con đang gặp phải.

Theo Phan Dương - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X