Rửa rau dưới vòi nước chảy, ăn chín uống sôi để phòng ngừa giun sán ký sinh
Thói quen ăn thực phẩm sống, tái luôn ẩn chứa những hiểm họa khó lường, phổ biến nhất là nhiễm giun đũa, giun móc hay các loại sán dải heo, sán dây bò, sán lá phổi, sán lá gan. Theo ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là rửa kỹ thực phẩm và ăn chín uống sôi.
Ăn đồ ăn tái, sống dễ dẫn đến giun, sán ký sinh
Khi ăn các món như gỏi sống, thịt tái, rau sống… có thể nhiễm những loại giun gì?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Người miền Nam gọi là sán lãi, người miền Bắc gọi là giun sán. Giun hay lãi, sán là 2 họ khác nhau. Giun thường tròn, dài còn sán chia thành 2 loại: sán dẹp (sán lá) và sán dải. Chúng ta thường gọi chung là ký sinh trùng.
Ký sinh là loài ăn bám như những cậu ấm cô chiêu ăn bám cha mẹ. Giun sán ăn bám trên cơ thể chúng ta, nhiều con đã ăn bám còn “phá nhà phá cửa”. Việc giun sát hút chất dinh dưỡng từ cơ thể có thể gây ra nhiều bệnh.
“Sướng cái miệng, hại cái thân”, trong khi ăn đồ sống, chúng ta vô tình ăn nhầm trứng giun. Đặc biết với giun đũa, gium kim và giun tóc, trứng của chúng không nở khi ở môi trường bên ngoài, chỉ khi vào được đường tiêu hóa (bao tử) của chúng ta, chúng mới nở ra thành ấu trùng, tiếp tục lớn lên thành giun trưởng thành.
Trứng giun thải ra ngoài môi trường, dính vào rau không được rửa sạch, từ đó đi vào trong bao tử. Trửng nở trong bao tử phát triển thành giun, sau đó tiếp tục đẻ trứng. Trứng này không nở trong ruột chúng ta mà bị thải ra ngoài, bắt đầu một vòng tuần hoàn mới.
Đó cũng là một điều may mắn của tạo hóa, nếu giun có thể đẻ trứng và trứng nở trong ruột người thì không thể ngăn được sự sinh sôi này.
Ăn rau sống còn có nguy cơ nhiễm giun đũa chó mèo. Con người ăn phải trứng giun đũa chó mèo xảy ra có 2 trường hợp: trứng giun không nở được sẽ tự tiêu hoặc không phát triển thành giun trưởng thành mà dừng ở ấu trùng, đi “lung tung” đến não, gan,... Ấu trùng đi đến chỗ nào sẽ gây bệnh ở chỗ đó, đặc biệt là khó xổ vô cùng.
Ăn thịt, cá, tôm sống hoặc ăn sống các loại rau mọc dưới nước mà không rửa kỹ dễ bị nhiễm sán lá gan. Sán lá gan sống trong đường mật, gan của chúng ta, gây các ổ áp xe mà đôi khi bị nhầm lẫn là ung thư.
Sán xơ mít hay còn được biết hến với tên gọi là sán dải có thể bị nhiễm nếu ăn thịt heo, bò tái. Đây là một loại ký sinh trùng có thân dẹp, dài, nhiều đốt. Nếu heo, bò ăn phải, trứng sán sẽ trở thành ấu trùng nằm trong phần thịt nạc. Khi con người ăn phần thịt chưa được nấu chín, ấu trùng này phát triển thành sán dải trong cơ thể.
Ăn thịt rừng, thịt heo, thịt bò có thể bị nhiễm giun xoắn. Ăn tôm, cua sống có thể bị nhiễm sán lá phổi. Trên đây là những loại giun, sán có thể bị nhiễm phải nếu ăn đồ sống.
Khó chẩn đoán những trường hợp giun sán lạc chỗ
Khi bị nhiễm giun sán, cơ thể có những dấu hiệu gì để nhận biết?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Đầu tiên, giun đũa, giun tóc, giun kim ký sinh trong đường tiêu hóa sẽ không tạo ra bất cứ triệu chứng đặc biệt nào. Ký chủ vẫn ăn uống bình thường nhưng cơ thể gầy ốm, suy kiệt, thiếu máu, mệt mỏi.
Người bị nhiễm giun kim thường bị ngứa hậu môn vào ban đêm. Những loại giun, sán sống trong đường tiêu hóa hầu hết có triệu chứng mờ nhạt.
Nguy hiểm hơn là giun đũa chó mèo, giun xoắn, giun đầu gai,... Sán dải heo, sán dải bò đi lạc chỗ có thể đến mọi cơ quan nội tạng trong cơ thể, gây biểu hiện rất đa dạng. Có người bị nhức đầu, có người hay quên, co giật, trầm cảm. Chúng có thể vào gan gây viêm gan không tìm ra nguyên nhân, vào bó cơ gây đau nhức cơ xương khớp,... Chúng giống như “bát quái trận đồ” khiến bác sĩ cũng rối theo vì không tìm ra bệnh.
Chỉ khi có nghi ngờ và chỉ định làm xét nghiệm, kết quả cho thấy có sự tăng bạch cầu ái toan hoặc huyết thanh chẩn đoán, chẩn đoán hình ảnh, phát hiện ra giun, sán mới có thể điều trị đặc hiệu. Đặc biệt, dù đã trị hết bệnh nhưng khi xét nghiệm máu vẫn cho kết quả dương tính. Do vậy, chẩn đoán giun sán lạc chỗ khó hơn chẩn đoán giun sán trong ruột, chỉ cần xét nghiệm phân.
Triệu chứng nhiễm sán dải
Xin hỏi BS, đi cầu nhìn thấy con gì nhỏ như giun nhưng lại không có triệu chứng gì khác đi kèm là tình huống thế nào, có nguy hiểm không?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Sán dải heo hoặc sán dải bò sẽ rụng từng đốt sán, nên triệu chứng nêu trên rất điển hình là bệnh nhân bị nhiễm loại sán này. Việc này có thể xử trí dễ dàng bằng xổ sán.
Tuy nhiên, nếu để lâu sán có thể xâm nhập nhiều cơ quan trong cơ thể chứ không đơn giản chỉ đi ra qua đường hậu môn.
Không được tự ý tăng liều thuốc xổ giun
Với người hay ăn đồ sống, đồ tái, việc xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng đã đủ chưa, hay phải tăng liều?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Một quan điểm sai lầm mà người Việt Nam thường mắc phải là tự động tăng liều thuốc mà không cần theo đơn. Không chỉ riêng thuốc xổ giun, sán mà ngay cả kháng sinh và các thuốc khác cũng thường bị tự ý tăng liều. Thuốc chỉ dùng khi cần và phải dùng theo liều lượng của bác sĩ.
Tất cả các thuốc xổ giun, xổ sán đều có độc cho gan và thận, phải dùng theo liều lượng nhất định. Thuốc xổ là thuốc kê toa nên không thể tự ý tăng liều. Thuốc xổ giun Mebendazole có thể nhai 3 ngày liên tiếp; Albendazol nếu xổ đại trà có thể dùng trong 3 ngày, chỉ dùng 1 ngày thì hiệu quả kém hơn. Tùy theo loại thuốc mà bác sĩ sẽ cho liều phù hợp.
Trường hợp nhiễm sán ấu trùng, có thể phải uống đến 30 ngày với liều tăng gấp đôi. Tuy nhiên, liều tăng gấp đôi cũng kéo theo nguy cơ bệnh gan, bệnh thận tăng lên.
Thuốc xổ giun thông thường chỉ giải quyết được giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim,... Nếu bị nhiễm giun xoắn, giun lươn hay sán dải, sán lá gan thì phải dùng nhiều loại thuốc khác chứ không chỉ dùng loại thuốc tẩy giun định kỳ bình thường.
Đôi khi dùng thuốc cũng không thể giải quyết hết những bệnh ấu trùng di chuyển. Khi bị nhiễm những loại sán của heo, bò, chúng ta không thể dùng thuốc của heo, bò được vì độc tính cao, dùng để diệt sán thì dẫn đến tình huống “Trạng chết Chúa cũng băng hà”. Việc điều trị ấu trùng di chuyển lạc chỗ hết sức khó khăn, không thể giải quyết bằng cách tăng liều thuốc xổ giun.
Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần là đủ
Thuốc xổ giun chỉ có 1 viên, sau 1 tháng có nên uống thêm 1 viên nữa cho yên tâm không, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Điều này không đúng. Thông thường, lịch tẩy giun định kỳ là 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần. Chỉ khi bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm giun kim thì sau khi uống thuốc xổ, bệnh nhân phải giặt đồ lót, chăn mền bằng nước sôi, phơi nắng gắt và nhắc lại liều xổ sau 2, 3 tuần hay 1 tháng để trị giun kim.
Khám sức khỏe định kỳ đôi khi không phát hiện được các vấn đề giun sán
Ngoài việc xổ giun định kỳ thì người hay ăn đồ sống cần thăm khám thêm những gì?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Các vấn đề do ăn đồ sống, đồ tái đôi khi không phát hiện được qua khám sức khỏe định kỳ. Những loại giun có thể loại bỏ bằng thuốc xổ thông thường cũng không đáng sợ. Nguy hiểm nhất là những ký sinh trùng lạc chỗ.
Ký sinh trùng lạc chỗ rất khó tìm, CT và MRI đôi khi cũng không thể tìm ra. Đến khi có triệu chứng thì đã muộn. Do đó, lời khuyên của tôi là tốt nhất không nên ăn đồ sống, đồ tái.
Khám sức khỏe định kỳ là việc tốt và nên làm. Không riêng gì người hay ăn đồ sống, đồ tái, mà ai cũng nên khám sức khỏe và tẩy giun định kỳ.
Người hay ăn đồ sống, đồ tái, bên cạnh nguy cơ nhiễm giun sán còn có viêm gan A, tả, lị, thương hàn, vi khuẩn HP,...
Chanh, giấm không có tác dụng diệt trứng hay ấu trùng giun sán
Xin hỏi BS, việc vắt chanh, giấm chua vào món ăn sống có giúp loại bỏ nguy cơ nhiễm giun không?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Việc cho giấm chua hoặc vắt chanh vào đồ sống chủ yếu là cách chế biến để món ăn ngon miệng hơn chứ không phải để diệt trứng giun hay ấu trùng giun sán.
Giấm hay chanh chỉ có một vai trò rất nhỏ trong việc vệ sinh thức ăn. Cho giấm chua hay vắt chanh vào đồ sống, đồ tái chỉ phần nào giảm được nguy cơ bị ngộ độc thức ăn do nhiễm những vi khuẩn, vi trùng thông thường. Trừ khi mang thịt sống ngâm trong giấm chua 1 ngày 1 đêm, trứng sán có thể bị vỡ ra.
Tóm lại, cho chanh hoặc giấm vào đồ sống có mục đích chính là tăng hương vị, mục đích phụ là sát khuẩn nhẹ để giảm một ít nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa. Lẽ đương nhiên, ăn chín uống sôi vẫn là tốt nhất.
Cách rửa rau đúng để hạn chế nhiễm giun sán
Ngâm rau sống trong nước muối loãng hay các loại dung dịch rửa rau chuyên dụng có làm chết trứng giun không, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Rau là nguồn chứa trứng giun, mà trứng giun có thể tồn tại rất khỏe trong môi trường đất, nước, chỉ có thể bị diệt dưới ánh nắng trực tiếp hoặc đun sôi.
Rửa bằng nước muối hay các dung dịch sát khuẩn không thể làm “ung, hư” trứng giun mà chỉ có thể giết chết những vi khuẩn thông thường. Cách rửa rau đúng để hạn chế nhiễm giun sán là rửa dưới vòi nước chảy để trứng giun trôi đi. Sau đó mới bỏ rau vào chậu có chứa nước muối khoảng 5 - 10 phút thì trứng giun sẽ nổi lên, nhưng không thể thấy bằng mắt thường. Dó đó, phải trút nước ra trước thay vì vớt rau ra trước.
Rửa sạch, ăn chín uống sôi là cách phòng ngừa giun sán tốt nhất
Nhờ BS có thể gửi một vài lời khuyên cho quý vị khán giả, làm thế nào để phòng ngừa nhiễm giun sán?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Cách đơn giản nhất để không bị nhiễm giun sán là rửa sạch nguyên liệu, ăn thức ăn đã nấu chín. Hãy áp dụng cách rửa rau theo hướng dẫn ở trên, đơn giản mà rất hiệu quả. Nên hạn chế ăn thịt tái, các loại thịt rừng, thịt lạ.
Nhiễm giun do ăn rau sống có thể giải quyết bằng cách tẩy giun thông thường. Cua, tôm sống cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán lạc chỗ, sán nội tạng, cực kỳ khó điều trị.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình