Hotline 24/7
08983-08983

“Quẩy hết mình, đau xương khớp nhiệt tình” sau kỳ nghỉ Tết, phải làm sao?

Xin chào quý bệnh nhân thân yêu! Sau một kỳ nghỉ Tết hết mình, giờ đây nhiều người rơi vào tình cảnh “ngồi xuống thì dễ, đứng lên mới khó”. Đau nhức cơ xương khớp không chừa một ai, từ các cô bác thích hành hương, anh chị mê phượt, đến các bạn trẻ quẩy tưng bừng. Vậy nguyên nhân do đâu, cách xử lý thế nào?

1. Vì sao sau kỳ nghỉ Tết lại đau nhức xương khớp?

Có nhiều lý do khiến xương khớp “phản ứng” sau kỳ nghỉ dài:

Vận động quá mức: Đi bộ nhiều, đi leo núi, khuân vác hành lý quá nặng, leo trèo - dọn dẹp nhà cửa và di chuyển nhiều gây tăng nguy cơ chấn thương

Ngồi lâu, ít vận động: Di chuyển bằng xe khách, xe lửa, máy bay trong thời gian dài hoặc ngồi lâu gói bánh chưng, bánh tét, làm mứt… khiến cơ bắp bị căng cứng, cột sống chịu áp lực kéo dài.

Tư thế sai: Ngồi ngủ trên xe không đúng tư thế, ngồi xổm lâu, vác đồ một bên vai, khom cúi lưng nhiều…

Thời tiết lạnh năm nay kéo dài: Ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, làm cơ và khớp dễ bị co cứng, đau nhức.

Thiếu nước và dinh dưỡng: Ăn uống thất thường, quên uống nước.

2. Việc đi lại nhiều có ảnh hưởng gì đến hệ cơ xương khớp?

Đi bộ đường xa, leo núi, leo dốc, ngồi lâu trên xe… đều gây ra những tác động không nhỏ:

Căng cơ, viêm gân: Do sử dụng cơ quá mức mà không khởi động hoặc giãn cơ đúng cách.

Thoái hóa khớp “lên tiếng”: Nếu đã có sẵn nền thoái hóa khớp, việc vận động quá tải có thể làm tình trạng nặng hơn hoặc gây viêm khớp cấp, tràn dịch khớp.

Tê bì, đau nhức do chèn ép thần kinh, mạch máu: Ngồi lâu trong tư thế gò bó gây tê chân tay do giảm tuần hoàn, hoặc khom cúi lưng, khiêng vác nặng có thể gây đau thần kinh tọa.

BS.CK2 Trần Khánh Phương - Giám đốc Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh 2

3. Đau do vận động quá sức hay bệnh lý nghiêm trọng?

Cách phân biệt như sau:

Đau do vận động quá sức: Xuất hiện sau khi hoạt động cường độ cao, đau nhức cơ là chính, không kèm sưng đỏ, nóng. Nghỉ ngơi vài tiếng hay vài ngày sẽ giảm. Cứ làm là đau, nghỉ là bớt!

Đau do bệnh lý xương khớp: Đau kéo dài thường 1-2 tuần, có thể kèm sưng, nóng, đỏ, cứng khớp buổi sáng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, không giảm khi nghỉ ngơi. Có thể là dấu hiệu của viêm khớp, thoái hóa khớp có phản ứng viêm, gout…

Nếu đau kéo dài hoặc mức độ đau nhiều, không cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc có triệu chứng nghiêm trọng (sưng, nóng, đỏ, hạn chế vận động nhiều), hãy đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời!

4. Tự ý mua thuốc giảm đau, xoa bóp, bấm huyệt nguy hiểm ra sao?

Tự điều trị mà không có chỉ định có thể gây ra nhiều nguy cơ:

Lạm dụng thuốc giảm đau: Có thể gây viêm loét dạ dày, tổn thương gan, thận, tim mạch.             

Bấm huyệt, xoa bóp sai cách: Có thể làm tổn thương nặng thêm gân cơ và dây thần kinh.

Bỏ lỡ bệnh lý nguy hiểm: Nếu đau do bệnh lý mà chỉ xoa bóp, uống thuốc giảm đau, bệnh có thể tiến triển xấu hơn.

Vì vậy, nếu đau kéo dài hoặc có triệu chứng bất thường, hãy đi khám thay vì tự ý điều trị!

5. Đau nhức do đi nhiều, có thể tự điều trị tại nhà không?

Nếu chỉ là đau nhức cơ do vận động quá sức, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:

Nghỉ ngơi hợp lý: Đừng ép cơ thể hoạt động tiếp khi còn đau. Tránh các tư thế gây quá tải cho xương khớp, cột sống

Chườm lạnh hoặc chườm ấm:

Chườm lạnh (24-48h đầu): Giúp giảm viêm, giảm sưng.

Chườm ấm (sau 48h khi đã hết sưng, nóng): Giúp giãn cơ, tăng tuần hoàn máu.

Giãn cơ nhẹ nhàng: Tập các động tác kéo giãn, yoga giúp giảm đau hiệu quả.

Xoa bóp nhẹ với gel giảm đau, nhưng không nên lạm dụng.

Bổ sung nước và khoáng chất: Uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, thực phẩm đủ dinh dưỡng nhưng phải kiểm soát cân nặng; tránh rượu bia.

Nếu sau 3-5 ngày không đỡ, cần đi khám để kiểm tra kỹ hơn.

6. Có nên tập luyện khi còn đau?

CÓ, nhưng phải đúng cách:

Không tập ngay khi đau cấp: Chờ đến khi cơn đau giảm mới bắt đầu vận động nhẹ.

Chọn bài tập nhẹ nhàng: Yoga, đi bộ chậm, đạp xe nhẹ, bơi lội giúp thư giãn khớp.

Khởi động kỹ trước khi tập: Để tránh chấn thương.

Lắng nghe cơ thể: Nếu đau tăng, hãy dừng lại ngay!

7. Cần lưu ý gì về dinh dưỡng và sinh hoạt để nhanh phục hồi xương khớp?

Uống nhiều nước giúp giảm đau nhức cơ, bôi trơn khớp.

Bổ sung thực phẩm giàu canxi & vitamin D: Sữa, cá hồi, trứng, nấm, phô mai.

Ăn thực phẩm đủ dinh dưỡng và phong phú: bổ sung đủ chất nhưng phải kiểm soát cân nặng phù hợp

Hạn chế rượu bia, đồ ăn nhiều đường & muối: Vì chúng có thể làm tăng viêm.

Ngủ đủ giấc: Giúp cơ thể phục hồi tốt hơn.

Tóm lại, nếu bạn vừa có một kỳ nghỉ “quẩy banh nóc” và giờ đây xương khớp “trả giá”, đừng hoảng! Hãy chăm sóc đúng cách, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống khoa học. Nếu đau kéo dài hoặc có dấu hiệu bất thường, đừng chần chừ đi khám để bảo vệ sức khỏe xương khớp nhé.

Chúc bạn mau khỏe và tiếp tục quẩy có kế hoạch vào kỳ nghỉ sau.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X