Phòng ngừa thoái hóa khớp như thế nào?
Thoái hóa khớp không chỉ gây đau nhức mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.
1. Thế nào là thoái hóa khớp?
Thoái hóa khớp là một loại tổn thương khớp do mất sụn hoặc tổn thương mặt khớp. Bệnh hay xuất hiện tại các khớp thường xuyên chịu sức nặng, ngay cả trọng lượng cơ thể như cột sống, khớp gối, khớp tay chân. Đây là bệnh thường gặp nhất trong các loại thương tổn viêm khớp. Bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do yếu tố tuổi. Khi già, khớp không còn linh hoạt, dễ bị tổn thương. Hiện tượng thoái hóa khớp xảy ra, tác động đến khớp khiến bạn khó khăn trong vận động.
Ngoài ra, những người còn trẻ mà đã bị thoái hóa khớp có thể do nhiều nguyên nhân khác. Đặc biệt là do bệnh tật như bệnh béo phì bệnh gút… hoặc những người thường xuyên chịu chấn thương. Những tình trạng này khiến dịch khớp không được tiết như bình thường làm khớp không được bôi trơn, gây ra hiện tượng thoái hóa. Người có cấu trúc khớp bất thường dễ bị thoái hóa khớp hơn người khác.
2. Nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp
a. Nguyên nhân nguyên phát
Thoái hóa khớp xảy ra liên quan đến độ tuổi. Hàm lượng nước trong sụn khớp tăng dần theo tuổi tác, điều này là hàm lượng và chất lượng Protid trong sụn giảm dẫn đến việc sụn khớp bắt đầu thoái hóa. Vận động trong thời gian dài khiến phần sụn này bị tổn thương, gây nên tình trạng nứt, bong thậm chí là tiêu biến sụn, gia tăng ma sát giữ khớp gây nên đau và thoái hóa.
b. Nguyên nhân thứ phát
- Di truyền: Tình trạng này xảy ra ở một số đối tượng có khiếm khuyết di truyền ở những gen có chức năng hình thành sụn. Việc này dẫn đến hao hụt ở sụn khớp, đẩy nhanh tình trạng thoái hóa.
- Béo phì: Thừa cân làm tăng nguy cơ thoái hóa ở khớp gối, hông và cột sống. Vì vậy việc duy trì chỉ số cơ thể hoặc giảm cân để về trọng lượng lý tưởng giúp ngăn ngừa hiện tượng thoái hóa cũng như làm giảm tốc độ tiến triển khi bệnh bắt đầu hình thành.
- Chấn thương: Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tình trạng viêm khớp thoái hóa.
- Sử dụng khớp quá nhiều với tần suất cao: Lạm dụng một số khớp nhất định làm tăng nguy cơ phát triển viêm xương khớp. Ví dụ, với những người thường xuyên làm việc nặng nhọc về tay chân như bốc vác, làm việc thủ công đòi có nguy cơ phát triển thoái hóa khớp cổ tay, cổ chân cao hơn.
Xem thêm: Điều trị thoái hoá khớp như thế nào?
- Ảnh hưởng bởi những bệnh xương khớp khác: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp. Ngoài ra, một số tình trạng hiếm gặp, chẳng hạn như thừa sắt hoặc dư thừa hormone tăng trưởng, làm tăng cơ hội phát triển bệnh.
3. Triệu chứng của thoái hóa khớp
Người bệnh sẽ gặp rất nhiều triệu chứng dai dẳng, kéo dài, gây hạn chế vận động, khiến cho cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, suy nhược. Dưới đây là một vài triệu chứng thường gặp.
a. Đau nhức
Cơn đau âm ỉ, tăng lên vào sáng sớm, buổi tối hoặc khi co duỗi các khớp. Khi vận động có tiếng lạo xạo ở đầu gối. Khi thời tiết thay đổi, nhất là lúc không khí lạnh tràn về, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
b. Cứng khớp
Cứng khớp vào buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy cũng là một trong những triệu chứng của bệnh.Trong thời gian ngủ, người bệnh không cử động khiến các khớp dần bị cứng lại. Lúc này bạn không thể thực hiện động tác co duỗi chân. Tuy nhiên, triệu chứng này sẽ giảm dần sau một vài phút xoa bóp, vận động.
4. Các biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp
a. Tập thể dục thể thao
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức bền của xương khớp, giảm đau cứng khớp và mệt mỏi, cải thiện sức mạnh các nhóm cơ. Hoạt động thể chất đều đặn còn duy trì cân nặng lành mạnh, từ đó giảm áp lực đè nặng lên khớp, ngăn ngừa và làm chậm tình trạng này.
Cân bằng giữa tập thể dục và nghỉ ngơi giúp cơ xương khớp có thời gian phục hồi, tái tạo năng lượng. Nên rèn luyện đều đặn 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Các hình thức vận động được khuyến khích như đạp xe, đi bộ, bơi lội, yoga... Người có nguy cơ mắc bệnh cao nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có kế hoạch tập luyện phù hợp.
Chấn thương khi chơi thể thao thúc đẩy thoái hóa khớp nhanh hơn. Lưu ý khởi động trước khi tập và làm mát sau khi tập, thực hiện đúng tư thế, chọn giày vừa chân và có thể hấp thụ sốc, tập luyện trên bề mặt phẳng, tránh đường gồ ghề.
b. Kiểm soát lượng đường trong máu
Đái tháo đường là một trong những bệnh lý làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Lượng đường trong máu quá cao tăng tốc độ hình thành các phân tử gây cứng sụn khớp, kích thích phản ứng viêm xảy ra, đẩy nhanh quá trình bào mòn sụn khớp.
c. Ăn uống khoa học
Chưa có chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh có thể ngăn ngừa thoái hóa khớp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, người có nguy cơ mắc bệnh cao cần bổ sung axit béo omega-3 và vitamin D vào khẩu phần ăn hàng ngày. Hấp thụ đủ lượng omega-3 cần thiết góp phần giảm viêm khớp, ngăn chặn thoái hóa sớm. Thực phẩm giàu omega-3 như dầu cá, quả óc chó, quả ô liu, hạt lanh.
Trong khi đó, vitamin D có tác dụng giảm đau do tình trạng này gây ra, làm chậm quá trình bào mòn lớp sụn khớp. Vitamin này có trong cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích), trứng và sữa.
Xem thêm: Những thông tin cần biết về thoái hoá khớp
d. Sinh hoạt đúng tư thế
Tổn thương khớp là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy quá trình thoái hóa sớm xảy ra. Trong sinh hoạt và làm việc, cần đi, đứng, nằm, ngồi đúng tư thế để tạo sự cân bằng lực giữa các dây chằng và mô cơ xung quanh, giảm áp lực lên bề mặt sụn khớp.
Duy trì tư thế tốt khi vận động còn hạn chế sức ép sinh ra do cơ thể mất cân đối ảnh hưởng đến khớp. Thói quen này có lợi cho người thường xuyên phải khuân vác vật nặng, lên xuống cầu thang, đứng lên và ngồi xuống nhiều.
e. Tránh duy trì một tư thế quá lâu
Duy trì một tư thế trong thời gian dài thường gặp ở dân văn phòng có thể ứ trệ tuần hoàn và làm cứng khớp. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, khớp sớm bị thoái hóa. Mọi người nên có thói quen sống khoa học, khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi phát hiện các bất thường để phát hiện và kiểm soát bệnh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình