Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị thoái hóa khớp như thế nào?

Thoái hóa khớp là một dạng bệnh lý viêm khớp phổ biến, thường xảy ra ở người cao tuổi. Bệnh nếu không phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thậm chí là tàn phế suốt đời.

1. Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa của khớp theo tuổi. Điều này tương tự như các biểu hiện tóc bạc hay da đồi mồi. Đầu tiên trong quá trình thoái hóa khớp là sụn khớp bị hủy hoại. Tiếp đến, phần khớp bị bong tróc thành mảng có những vị trí loét thành ở sụn đến tận đáy làm trơ xương ra. Dần dần làm tổn thương tất cả các cấu trúc khác của khớp như bao hoạt dịch khớp, xương, dây chằng, gân, cơ.

2. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp

a. Nguyên nhân nguyên phát

Thoái hóa khớp xảy ra liên quan đến độ tuổi. Hàm lượng nước trong sụn khớp tăng dần theo tuổi tác, điều này là hàm lượng và chất lượng Protid trong sụn giảm dẫn đến việc sụn khớp bắt đầu thoái hóa. Vận động trong thời gian dài khiến phần sụn này bị tổn thương, gây nên tình trạng nứt, bong thậm chí là tiêu biến sụn, gia tăng ma sát giữ khớp gây nên đau và thoái hóa.

b. Nguyên nhân thứ phát

- Di truyền: Tình trạng này xảy ra ở một số đối tượng có khiếm khuyết di truyền ở những gen có chức năng hình thành sụn. Việc này dẫn đến hao hụt ở sụn khớp, đẩy nhanh tình trạng thoái hóa.

- Béo phì: Thừa cân làm tăng nguy cơ thoái hóa ở khớp gối, hông và cột sống. Vì vậy việc duy trì chỉ số cơ thể hoặc giảm cân để về trọng lượng lý tưởng giúp ngăn ngừa hiện tượng thoái hóa cũng như làm giảm tốc độ tiến triển khi bệnh bắt đầu hình thành.

- Chấn thương:  Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tình trạng viêm khớp thoái hóa.

- Sử dụng khớp quá nhiều với tần suất cao: Lạm dụng một số khớp nhất định làm tăng nguy cơ phát triển viêm xương khớp. Ví dụ, với những người thường xuyên làm việc nặng nhọc về tay chân như bốc vác, làm việc thủ công đòi có nguy cơ phát triển thoái hóa khớp cổ tay, cổ chân cao hơn.

- Ảnh hưởng bởi những bệnh xương khớp khác: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp. Ngoài ra, một số tình trạng hiếm gặp, chẳng hạn như thừa sắt hoặc dư thừa hormone tăng trưởng, làm tăng cơ hội phát triển bệnh.

Xem thêm: Những thông tin cần biết về thoái hoá khớp

3. Dấu hiệu của thoái hóa khớp

Khi khớp bị thoái hóa, người bệnh sẽ có những triệu chứng như:

- Đau khớp: Ở giai đoạn nhẹ sẽ xuất hiện những cơn đau âm ỉ tại khớp khi vận động và sau đó biến mất nhanh chóng nên dễ khiến người bệnh chủ quan. Lâu dần, sụn khớp bị tổn thương nghiêm trọng, cảm giác đau sẽ rõ rệt và dữ dội hơn, tăng dần cường độ, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột.

- Cứng khớp: Triệu chứng này thường xuất hiện kèm những cơn đau vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc sau một thời gian không vận động khớp.

- Giảm khả năng vận động: Các hoạt động hằng ngày của người bệnh sẽ bị hạn chế khi bị thoái hóa khớp, như: đi lại, ngồi xổm, co duỗi khớp,… sẽ gặp khó khăn. 

- Khớp sưng tấy và nóng ran: Thoái hóa khớp thường khiến cho khớp bị sưng viêm, có cảm giác nóng ran khi vận động, di chuyển. Xuất hiện tiếng kêu “răng rắc” của khớp khi vận động.

4. Các dạng thoái hóa khớp thường gặp

Thoái hóa khớp có thể gây ảnh hưởng đến mọi khớp trên cơ thể, trong đó có một số loại phổ biến có thể kể đến như:

a. Thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối xảy ra khi lớp sụn bao bọc quanh khớp gối bị hao mòn, rách hoặc biến dạng, không còn khả năng bảo vệ phần khớp gối nữa khiến chúng chà xát lên nhau gây đau đớn, sưng viêm và hạn chế vận động. Nhiều trường hợp nặng hơn, thoái hóa khớp thúc đẩy các gai xương trên khớp gối hình thành dẫn đến bệnh gai khớp gối và làm trầm trọng hơn. Đây cũng là dạng thoái hóa khớp thường gặp nhất.

b. Thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay

Thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay thường xảy ra người cao tuổi. Lúc này, lượng máu trong cơ thể không đủ để nuôi dưỡng vùng khớp nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở các sụn, giảm khả năng chịu lực trước tác động liên tục và hàng ngày lên khớp.

c. Thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ gây ra những cơn đau nhức, khó chịu ở vùng cổ hoặc thắt lưng. Các gai xương hình thành dọc theo cột sống khớp có thể kích thích lên các dây thần kinh cột sống, gây đau đớn dữ dội, tê nhức và ngứa ran ở vị trí bị ảnh hưởng của cơ thể.

d. Thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường khó chẩn đoán vì cơn đau có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau, như háng, đùi, mông hoặc đầu gối. Cơn đau có thể nhói hoặc buốt, cũng có thể đau âm ỉ và phần hông thường cứng.

e. Thoái hóa khớp cùng chậu

Thoái hóa khớp cùng chậu gây ra cho người bệnh tình trạng mệt mỏi, đau thắt lưng, hông, tê bì chân khi ngồi lâu một tư thế. Khi khớp cùng chậu bị viêm, khớp nối xương cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và xương cánh trên thường có cảm giác đau nhức, khó chịu. Người bệnh có thể bị ở 1 khớp hoặc cả 2 khớp cùng chậu.

f. Thoái hóa khớp cổ chân

Thoái hóa khớp cổ chân thường gặp ở người trên 40 hoặc có tính chất công việc sử dụng nhiều đến cổ chân như vận động viên, cầu thủ bóng đá… Giai đoạn đầu, bệnh tiến triển chậm với các triệu chứng không rõ ràng, khó nhận biết. Sang đến giai đoạn nặng, người bệnh sẽ cảm thấy nặng nề, đau vùng khớp cổ chân và kém linh hoạt khi vận động. Khi người bệnh gắng sức vận động hoặc tác động trực tiếp vào vùng khớp bị tổn thương sẽ xuất hiện cơn đau nhói dữ dội.

Xem thêm: Chuột rút: Nguyên nhân, cách xử trí và phòng ngừa

5. Những phương pháp điều trị thoái hóa khớp

Khi nhận thấy khớp có những dấu hiệu bất thường, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám và chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dưới đây là các cách điều trị thoái hóa khớp theo từng giai đoạn bệnh

a. Sử dụng các loại thuốc

Các loại thuốc thường được chỉ định sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp bao gồm: thuốc tiêm, thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ. Bệnh nhân cần phải tuân thủ quy trình sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng, để hạn chế nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc. 

Tuy nhiên, phương pháp này khó được duy trì lâu dài vì tác dụng phụ rất nhiều và nặng nề. Thuốc thường dùng qua đường uống, bôi, dán tại chỗ hoặc đường tiêm trực tiếp vào ổ khớp.

b. Vật lý trị liệu

Đối với trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân sẽ được khuyến khích điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, xung điện, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn, luyện tập cơ, khớp, xoa bóp… giúp xoa dịu các cơn đau, chống viêm. Đồng thời, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh ảnh hưởng đến khớp.

c. Điều trị bảo tồn bằng các chế phẩm sinh học

Tiêm chất nhờn nhân tạo Acid Hyaluronic hoặc tiêm huyết tương giàu tiểu cầu PRP là 2 phương pháp điều trị bảo tồn được sử dụng nhiều nhất hiện nay trong điều trị thoái hóa khớp. Trong đó, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là phương pháp an toàn, được ưu tiên hơn cả do sử dụng máu tự thân của chính bệnh nhân, được chiết tách trong môi trường vô trùng đạt chuẩn. Với 1 liệu trình tiêm giúp chấm dứt cơn đau thoái hóa, viêm gân, chấn thương thể thao … mà không cần phẫu thuật, không dùng thuốc. Thông thường 1 liệu trình sẽ tiêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 tuần. Tuy nhiên cũng tùy thuộc vào tình trạng bệnh và sự hồi phục của mỗi người để thay đổi sao cho phù hợp.

d. Phẫu thuật

Trong những trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng nề như biến dạng khớp, đau cứng khớp, thoái hóa khớp kèm viêm bao hoạt dịch… mà các phương pháp điều trị thông thường khác không thể can thiệp được, bác sĩ sẽ tư vấn phẫu thuật. Một số cách phẫu thuật được sử dụng phổ biến hiện nay như: mổ nội soi khớp (cắt lọc, bào, rửa khớp), khoang kích thích tạo xương (microfracture), cấy ghép tế bào sụn, thay khớp.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X