Phẫu thuật lỗ tiểu thấp ở trẻ: Khi nào nên thực hiện, chi phí ra sao?
Theo BS.CK2 Huỳnh Cao Nhân - Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trẻ từ 1 tuổi trở lên là độ tuổi tốt nhất để phẫu thuật lỗ tiểu thấp. Bên cạnh đó, chi phí phẫu thuật không quá cao và sẽ được BHYT chi trả.
1. Lỗ tiểu thấp là gì, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Tỷ lệ các bé nam mắc phải vấn đề lỗ tiểu lệch thấp như thế nào và nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng này thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Cao Nhân trả lời: Một bé trai sinh ra, bình thường da quy đầu phủ xuống hết quy đầu, không thấy được lỗ tiểu. Tuy nhiên khi da quy đầu lộn ra sẽ nhìn được lỗ tiểu bên trong.
Nếu lỗ tiểu nằm ngay vị trí đỉnh đầu của dương vật là lỗ tiểu bình thường. Lỗ tiểu thấp là tình trạng lỗ tiểu nằm thấp phía dưới, mặt dưới của dương vật, một số trường hợp có thể nằm ở mặt bụng và mặt bìu.
Trong tất cả các dị tật của Thận - Tiết niệu, dị tật này tương đối phổ biến với tỷ lệ mắc khoảng 1/250 - 350 trẻ trai sinh sống. Ví dụ, khoảng 300 trẻ trai sinh ra sẽ có một trẻ bị lỗ tiểu thấp.
Đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân của tình trạng lỗ tiểu thấp ở trẻ. Những nghiên cứu trước đây nhận thấy, một số bà mẹ trong quá trình mang thai vô tình tiếp xúc với đồng độ hóa chất trong cơ thể liên quan đến nội tiết tố của nam, gây dị tật lỗ tiểu thấp.
Về tỷ lệ di truyền từ đời cha sang đời con không rõ ràng. Đối với các cặp song sinh, nếu một người bị lỗ tiểu thấp thì người thứ hai tăng lên 14%.
2. Dị tật lỗ tiểu thấp ảnh hưởng đến trẻ ra sao?
Về dị tật lỗ tiểu thấp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và tương lai của trẻ, thông thường sẽ phát hiện vào độ tuổi nào thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Cao Nhân trả lời: Nếu bé bị tật lỗ tiểu thấp thể nặng (lỗ tiểu nằm thấp bên dưới, có thể gần dưới bìu) sẽ ảnh hưởng đến trẻ như:
- Về mặt tâm lý, trẻ sẽ cảm thấy khác thường khi so sánh với các bạn cùng trang lứa. Bình thường bé trai sẽ đi tiểu ở tư thế đứng, tuy nhiên với những bé này khi đứng lên thì việc đi tiểu của bé sẽ gặp khó khăn, ướt quần, ướt tã nên phải đi tiểu ở tư thế ngồi.
- Lỗ tiểu thấp thể nặng thường kèm theo tật dương vật cong nặng. Sau này khi trẻ lớn lên sẽ ảnh hưởng đến vấn đề giao hợp và khi lập gia đình sẽ làm tăng tỷ lệ vô sinh thứ phát.
Tình trạng này thường được phát hiện ở lứa tuổi sơ sinh. Ví dụ, trẻ vừa sinh ra đã có thể phát thiện trong lúc các bác sĩ khám tầm soát.
3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị lỗ tiểu thấp
Đới với phụ huynh, có những cách nào để nhận biết con của mình đang bị dị tật lỗ tiểu thấp thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Cao Nhân trả lời: Tình trạng này rất dễ phát hiện. Khi tắm cho bé phụ huynh sẽ quan sát lỗ tiểu có ở đỉnh quy đầu hay không. Nếu không thấy có thể dùng thủ thuật nong bao quy đầu cho bé rộng từ từ và sẽ thấy lỗ tiểu.
Khi lỗ tiểu không nằm ở đỉnh quy đầu nghĩa là trẻ đã bị lỗ tiểu thấp. Vì vậy, cần đến bác sĩ để xác định chính xác tình trạng.
4. Độ tuổi nào thích hợp để điều trị lỗ tiểu thấp?
Về hướng điều trị, hiện nay điều trị lỗ tiểu thấp sẽ có các phương pháp nào và độ tuổi nào là phẫu thuật phù hợp nhất thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Cao Nhân trả lời: Về độ tuổi phẫu thuật, hiện nay trên thế giới đã phẫu thuật từ rất sớm, từ 6 tháng tuổi trở đi đã có thể thực hiện, tuy nhiên đây là những nghiên cứu ở các nước châu Âu hoặc ở Mỹ.
Đặc điểm của người châu Á, dương vật sẽ nhỏ hơn so với các vùng khác, do đó lứa tuổi phẫu thuật tốt nhất là từ 1 tuổi trở lên.
Có rất nhiều kỹ thuật mổ khác nhau, tuy nhiên không có kỹ thuật mổ nào là thích hợp cho tất cả các trẻ mà phải tùy thuộc vào tình trạng của trẻ (thể nặng, thể nhẹ).
Đối với dị tật lỗ tiểu thấp, kỹ thuật mổ ở Việt Nam rất phát triển, hầu hết sẽ phẫu thuật được tất cả các trường hợp.
5. Biến chứng khi phẫu thuật lỗ tiểu thấp
Thưa BS, hiện nay trong phẫu thuật gồm có những kỹ thuật nào? Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn và hiệu quả, tính an toàn, cũng như khả năng gặp biến chứng của mỗi phương pháp thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Cao Nhân trả lời: Nói về kỹ thuật sẽ rất chuyên sâu, không thể giải thích cụ thể cho phụ huynh. Tuy nhiên, các phụ huynh không nên quá lo lắng vì trước khi phẫu thuật các bác sĩ tư vấn về phương pháp tốt nhất cho bé.
Ví dụ, đối với thể nhẹ bác sĩ sẽ dùng các vạt tại chỗ (vạt da quy đầu tại chỗ) để cuộn ống làm niệu đạo cho bé. Hoặc thể khó hơn sẽ áp dụng kỹ thuật theo từng giai đoạn, khi đó phụ huynh sẽ được bác sĩ hướng dẫn từng bước cụ thể, những vấn đề cần thực hiện theo từng bước.
Dị tật lỗ tiểu thấp được xếp vào phẫu thuật khó trong nhóm phẫu thuật tạo hình. Vì đây là đường tiểu của bé nên sau khi phẫu thuật phải đạt được các chức năng như:
- Dương vật phải ở tư thế thẳng vì đa số các trường hợp lỗ tiểu thấp dương vật sẽ bị cong xuống dưới.
- Tạo cho bé niệu đạo để đi tiểu bình thường.
- Về mặt thẩm mỹ phải tạo hình tương đối bình thường để bé không mặc cảm với bạn bè xung quanh.
Về biến chứng của phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp tương đối nhiều, tuy nhiên không nguy hiểm. Thường gặp nhất là biến chứng rò niệu đạo sau mổ, dẫn đến bé đi tiểu ra nhiều tia, trong khi niệu đạo bình thương chỉ đi tiểu ra 1 tia.
Khi đó, bác sĩ sẽ vá các lỗ rò cho bé để còn 1 lỗ tiểu. Quá trình vá không khó khăn nhưng mất nhiều thời gian. Vì một đợt mổ phải nằm viện từ 5 - 7 ngày, sau đó chờ khoảng 6 tháng để lành vết thương, vết mổ đẹp mới tiến hành cuộc phẫu thuật vá rò tiếp theo.
6. Có phải phẫu thuật lỗ tiểu thấp một lần đã thành công?
Thưa BS, trong một lần phẫu thuật đã giải quyết được hoàn toàn tình trạng này chưa hay phải phẫu thuật nhiều lần?
BS.CK2 Huỳnh Cao Nhân trả lời: Tùy thể bệnh của bé, ví dụ thể đơn giản, lỗ tiểu nằm gần quy đầu thì đa số phẫu thuật thường một lần đã thành công.
Tuy nhiên ở những thể nặng hơn như lỗ tiểu nằm gần bìu hoặc rất xa so với đỉnh quy đầu, cần phải tiến hành theo từng giai đoạn, có thể mổ 2 hoặc 3 lần mới thành công.
7. Một ca phẫu thuật kéo dài bao lâu, cần chuẩn bị những gì?
Thưa BS, thông thường một trường hợp phẫu thuật sẽ kéo dài bao lâu, trẻ sẽ được chuẩn bị những gì trước khi phẫu thuật? Đặc biệt khi nhắc đến vấn đề phẫu thuật đa số các phụ huynh đều có tâm lý rất lo lắng, nhờ BS gửi đến một vài lời khuyên trong tình huống này ạ.
BS.CK2 Huỳnh Cao Nhân trả lời: Trung bình một cuộc phẫu thuật lỗ tiểu thấp cho bé diễn ra trong 1,5 - 2 tiếng. Trong thời gian đó, bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho bé.
Phụ huynh không nên quá lo lắng, khi đến bệnh viện sẽ được bác sĩ tư vấn những việc cần làm và cần chuẩn bị.
Đối với phẫu thuật lỗ tiểu thấp, phụ huynh chỉ cần tuân thủ theo các phương pháp mổ thông thường. Ví dụ, xét nghiệm máu trước khi phẫu thuật, nhịn ăn uống theo yêu cầu.
Sau mổ một số bé có cảm giác khó chịu, đau đớn nên có thể sử dụng thuốc giảm đau. Vì vậy, hiện nay đã không còn tình trạng đau nhiều như trước đây, mà chỉ hơi khó chịu vào ngày đầu sau phẫu thuật.
Thời điểm thay băng, những ngày đầu bé có thể sợ nhưng 5 - 7 ngày sẽ hoàn tất.
8. Sau khi phẫu thuật lỗ tiểu thấp bé có thể về nhà bằng phương tiện gì để an toàn?
Đối với những trẻ ở xa, sau khi phẫu thuật và về nhà bằng xe gắn máy hoặc xe ô tô thì cần lưu ý gì thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Cao Nhân trả lời: Về phương tiện di chuyển có thể yên tâm, không phải lo lắng. Chỉ cần chú ý đối với những trẻ hiếu động, khi về nhà không nên cho bé lao trèo sớm hoặc chạy xe đạp sớm vì các động tác này tác động trực tiếp vào vùng mổ, có thể làm vết thương bị đau hoặc chảy máu.
9. Chăm sóc vết thương cho bé sau phẫu thuật lỗ tiểu thấp cần lưu ý gì?
Ngoài ra, chúng ta cần chăm sóc vết thương như thế nào và khoảng bao lâu sẽ phục hồi thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Cao Nhân trả lời: Chăm sóc vết thương có 2 giai đoạn:
- Giai đoạn nằm viện sau mổ: Nhân viên y tế sẽ chăm sóc tại chỗ cho bé trong khoảng 5 - 7 ngày như rửa vết thương, thay băng,… Sau khi vết thương lành bác sĩ sẽ rút sonde tiểu.
- Giai đoạn về nhà: Phụ huynh cần rửa vết thương cho bé hằng ngày bằng nước muối sinh lý và giữ sạch vùng phẫu thuật. Trong trường hợp bé có chảy máu hoặc đau hoặc nhiễm trùng bất trường nên đưa bé quay lại bệnh viện để được nhân viên y tế hỗ trợ.
10. Chi phí phẫu thuật lỗ tiểu thấp tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ra sao?
Chi phí phẫu thuật lỗ tiểu thấp tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố dao động khoảng bao nhiêu và có được BHYT chi trả không thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Cao Nhân trả lời: Chi phí phẫu thuật lỗ tiểu thấp dao động từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng/ca và được BHYT chi trả, vì vậy phụ huynh không nên quá lo lắng.
Đặc biệt các bé được hưởng BHYT hoàn toàn chỉ tốn khoảng vài trăm ngàn tiền chi phí chêch lệch.
Trường hợp bé không có BHYT, chi phí sẽ dao động trong khoảng 5.000.000 - 7.000.000 đồng/ca.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình