Phát hiện sớm ung thư vú nhờ tự khám vú tại nhà, tầm soát bằng chụp nhũ ảnh khi từ 40 tuổi trở lên
Ung thư vú là một bệnh lý khiến nhiều chị em lo sợ và không biết cách nào để nhận biết sớm. BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Sản phụ khoa bệnh viện Từ Dũ sẽ hướng dẫn chị em cách tự khám vú tại nhà và thời điểm cần làm siêu âm, chụp nhũ ảnh.
1. Tầm soát ung thư vú từ 40 tuổi bằng nhũ ảnh mỗi 1-2 năm một lần
Đầu tiên, xin hỏi BS hiện nay có những phương pháp nào thăm khám, tầm soát và phát hiện ung thư vú từ giai đoạn sớm ạ?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Ung thư vú là một trong năm loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Nếu được chẩn đoán sớm bệnh lý ung thư vú, dự hậu sau này của các chị em sẽ tốt hơn.
Hiện nay, phương pháp tầm soát ung thư vú được công nhận bởi giới y khoa trên toàn thế giới là nhũ ảnh, nghĩa là chụp X-quang ở vú nhưng có một số kỹ thuật ép đặc biệt ở tuyến vú để có hình ảnh tốt nhất (nhũ ảnh).
Theo chương trình tầm soát được khuyến cáo trên toàn thế giới, ung thư vú bắt đầu tầm soát từ 40 tuổi. Từ độ tuổi này, tùy theo khuyến cáo của từng quốc gia, có nước khuyến cáo chụp mỗi năm, một số khuyến cáo chụp mỗi 2 năm một lần.
Tóm lại, cần tầm soát ung thư vú bằng nhũ ảnh ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, và thực hiện định kỳ 1-2 năm một lần.
2. Nhóm nguy cơ cao mắc ung thư vú có chương trình tầm soát đặc biệt hơn
Phụ nữ có tiền sử gia đình có người đã bị ung thư vú, chưa có dấu hiệu cảnh báo thì tuổi nào nên đi tầm soát ung thư vú? Bao lâu đi khám một lần? Những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh này cần làm gì đối với các trường hợp trên, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Chương trình tầm soát ung thư vú hiện nay chỉ áp dụng đối với nhóm người không có nguy cơ cao. Nhiều chị em lo lắng không biết bản thân có nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú hay không.
Nhóm người nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú bao gồm: những chị em có tiền căn gia đình mắc bệnh ung thư vú là mẹ, chị, em gái ruột từng mắc bệnh này; một số trường hợp đã biết bản thân có gen đột biến làm tăng nguy cơ ung thư vú; những bạn gái hoặc chị em đã từng xạ trị vùng ngực trước đó đều thuộc nhóm nguy cơ dễ mắc ung thư vú.
Nhóm người này có chương trình tầm soát ung thư sớm hơn, thời gian theo dõi sát hơn, tùy thuộc vào thời điểm. Ví dụ, một số chị em phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao, mắc một số gen như BRCA làm tăng nguy cơ ung thư vú, ngoài tầm soát bằng nhũ ảnh sẽ áp dụng thêm một số phương pháp khác.
3. Chị em có thể tự khám vú tại nhà để phát hiện bất thường
Những chị em không có tiền căn gia đình bị ung thư, không có dấu hiệu thì độ tuổi nào nên đi tầm soát? Bao lâu nên đi tầm soát một lần và những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh nào nên áp dụng cho nhóm người này, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Về phương pháp tầm soát ung thư vú, hiện tại nhũ ảnh đã được công nhận là phương pháp tầm soát ung thư vú trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có một cách để các chị em phát hiện sớm bất thường bệnh (cách này vẫn chưa được coi là một phương pháp) nhưng được khuyến cáo chị em nên làm là tự khám vú.
Cụ thể, chị em nên tự khám vú theo chu kỳ mỗi tháng, thường là sau chu kỳ kinh vì thời điểm này mô vú sẽ mềm, có độ đàn hồi và dễ khám hơn. Có nhiều tư thế khám vú khác nhau như: đứng trước gương, hoặc nằm trên một cái gối đặt dưới lưng để sờ các mô vùng vú xem có mô lạ hay không.
Thói quen của chị em khi khám vú là bóp xung quanh vú, nhưng hiện tượng chị em thường gặp là chỗ nào cung thấy nổi cục. Tuy nhiên, lời khuyên đối với các chị em khi tự khám vú là xoa đều mô sẽ nhận thấy được vị trí nào có mô hoặc có u bất thường.
Có thể phương pháp tự khám vú không được xem là phương tiện tầm soát hàng loạt, tuy nhiên đó là lời khuyên cho chị em phụ nữ để tự khám vú, giúp phát hiện một số u có thể sờ được.
>>> Bác sĩ hướng dẫn 5 bước tự kiểm tra ung thư vú tại nhà
4. Các phương pháp chẩn đoán ung thư vú cho người có dấu hiệu bất thường
Đối với trường hợp các chị em có dấu hiệu bất thường, thông thường đi khám sẽ được làm các xét nghiệm chẩn đoán nào? Trong trường hợp còn nghi ngờ bác sĩ sẽ chỉ định thêm những xét nghiệmc hẩn đoán nào, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Khi tự khám vú, có thể sờ thấy cục nhỏ trên vú, chị em sẽ lo lắng khi đi khám cần làm các xét nghiệm gì để kiểm tra. Khi tiếp cận một bệnh nhân đã sờ thấy được khối u trên vú, chị em đến các bệnh viện sản phụ khoa hoặc trung tâm ung bướu, bác sĩ sẽ khám lại có đúng xuất hiện cục u trên vú hay không.
Sau đó tùy thuộc vào tính chất, có những cục u trên vú đã được nhận diện rõ ung thư, ví dụ như mô đã ăn lan ra xung quanh, hoặc đã có co rút trên bề mặt, theo đặc điểm nổi trội của ung thư bác sĩ có thể chẩn đoán gần như chắc chắn thông qua thăm khám.
Tuy nhiên những trường hợp chỉ sờ thấy một khối u thông thường trên vú, các bác sĩ sẽ kết hợp hai phương pháp xét nghiệm siêu âm và nhũ ảnh để phát hiện các đặc điểm của khối u ở vú là loại nào, tính chất nghi ngờ tới hướng ác tính hay lành tính.
Khi chị em đi chụp nhũ ảnh sẽ được trả kết quả birads 1/ birads 2/ birads 3, birads càng cao nguy cơ ác tính càng cao.
Nếu sờ thấy một khối u trên vú, được siêu âm, chẩn đoán và nhũ ảnh thấy khối u trên vú, thông thường cần có một xét nghiệm chẩn đoán về mặt mô học để xác đính mô lành hay ác tính.
Có nhiều phương pháp chẩn đoán, ví dụ như sinh thiết, bác sĩ dùng kim chọc vào khối u hút tế bào ra để thử. Có những phương pháp khác như sinh thiết lõi, một số khối u nhỏ bác sĩ sẽ sinh thiết trọn khối u để chẩn đoán.
Sau khi sinh thiết, khối u được chuyển sang bác sĩ giải phẫu bệnh để xử lý về mặt mô học, từ đó biết được khối u đó là u lành hay u ác. Nếu là u ác tính bác sĩ sẽ tiếp tục xét nghiệm xem có thụ thể nội tiết hay không để có định hướng điều trị sau này.
5. Siêu âm chưa được công nhận là phương pháp sàng lọc ung thư vú
Siêu âm tuyến vú là công cụ chẩn đoán đắc lực cho việc chẩn đoán bệnh lý vú, nhờ BS chia sẻ rõ hơn là siêu âm vú đóng vao trò thế nào? Ưu và nhược điểm trong xét nghiệm chẩn đoán ung thư vú? Khi siêu âm vú cần lưu ý những gì để có kết quả tối ưu nhất, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đối với một người đã sờ và phát hiện bất thường ở vú, siêu âm sẽ hỗ trợ rất nhiều cho chẩn đoán, đặc biệt là trong các thủ thuật xác định khối u và chọc kim vào đúng vị trí khối u để thử tế bào.
Tuy nhiên đến nay tất cả các bằng chứng trên thế giới vẫn chưa xem siêu âm là một phương pháp sàng lọc. Một phương pháp sàng lọc nghĩa là được chỉ định cho tất cả các chị em phụ nữ, cụ thể đến độ tuổi khuyến cáo tất cả chị em sẽ được siêu âm. Tuy nhiên siêu âm có vai trò riêng của nó là giúp chẩn đoán các trường hợp khối u đã sờ được hoặc giúp bác sĩ tiến hành thủ thuật để chẩn đoán về mặt mô học.
6. Nhũ ảnh là phương pháp được công nhận an toàn cho tầm soát ung thư vú
Chụp nhũ ảnh mang lại tác dụng gì trong tầm soát chẩn đoán ung thư vú? Trường hợp nào và độ tuổi bao nhiêu cần chụp nhũ ảnh?
- Những điều cần lưu ý trước, trong và sau chụp nhũ ảnh là gì, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Nhiều chị em lo sợ không biết bản thân có bị ăn tia hay không khi nhắc đến nhũ ảnh, do đây là một phương pháp X-quang. Tuy nhiên X-quang trong chụp nhũ ảnh là một phương pháp an toàn, đến nay nhũ ảnh đã được xem là một phương pháp sàng lọc tốt nhằm phát hiện ung thư vú ở phụ nữ 40 tuổi trở lên.
Khi đi chụp nhũ ảnh, nhiều chị em lo lắng vấn đề đau vì kỹ thuật chụp, sẽ chụp ở nhiều phim và nhiều tư thế khác nhau, đặc biệt có một tư thế ép vú lại khiến chị em nghĩ đến cảm giác rất đau.
Nhưng chị em cần hiểu nhũ ảnh là phương tiện cung cấp dữ liệu cho bác sĩ rất nhiều, dựa trên phim nhũ ảnh bác sĩ có thể chẩn đoán u lành tính, ác tính và định vị vị trí khối u. Do đó khi chị em ở độ tuổi từ 40 trở nên, nên đi khám phụ khoa và được bác sĩ tư vấn về việc tầm soát ung thư vú bằng nhũ ảnh.
7. MRI khó tiếp cận cho việc tầm soát ung thư vú ở tất cả chị em phụ nữ
Nhiều người cho rằng chỉ những chẩn đoán hình ảnh cao cấp như CT, MRI mới chẩn đoán ung thư tốt nhất, nhờ BS chia sẻ. và giiar thích để quý khán thính giả hiểu rõ hơn là CT, MRI có giá trị như thế nào trong chẩn đoán ung thư vú?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Sàng lọc phải là một phương pháp có thể áp dụng cho nhiều người, chi phí thấp, dễ dàng tiếp cận. MRI là phương tiện chẩn đoán cao cấp hơn, có giá trị rất cao trong chẩn đoán bệnh lý tuyến vú, đặc biệt là ung thư vú. Tuy nhiên không khuyến khích MRI là phương tiện đầu tay để chẩn đoán vì chi phí cao, khả năng tiếp cận của chị em phụ nữ, đặc biệt là tuyến y tế ở quận/ huyện khó khăn hơn.
Vì vậy, đối với các chị em có nguy cơ cao mắc ung thư vú, có thể kết hợp nhiều phương pháp để tầm soát, sàng lọc sớm, tuy nhiên nó không áp dụng đối với tất cả các chị em phụ nữ.
8. Hai lưu ý cần nhớ để chị em phát hiện sớm ung thư vú
Nhờ BS chia sẻ một số kinh nghiệm, lưu ý chung khi thực hiện tầm soát ung thu vú, giúp chị em tránh lo lắng khi thăm khám?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Ung thư vú là bệnh lý nếu được chẩn đoán và phát hiện sớm sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn. Vì vậy các chị em ở độ tuổi từ 40 trở lên nên tầm soát ung thư vú bằng nhũ ảnh theo chỉ định của các bác sĩ sản phụ khoa để có định hướng trước khi làm xét nghiệm.
Bên cạnh đó, chị em nên tự khám vú tại nhà để có thể phát hiện các u nhỏ trong vú, từ đó điều trị kịp thời.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình