Hotline 24/7
08983-08983

Phải làm gì khi lên cơn đau tim?

Đau tim là tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời. ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ hướng dẫn chúng ta cần làm gì khi cơn đau tim xảy đến?

1. Yếu tố gây đau tim và các bệnh lý dẫn đến đau tim khẩn cấp?

Đau tim là một tình trạng y tế khẩn cấp khiến nhiều người lo sợ, nhất là những người có yếu tố nguy cơ. Xin hỏi BS, những nguyên nhân/ bệnh lý nào dẫn đến cơn đau tim?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Thuật ngữ “đau tim” là biểu hiện của cơn đau ở tim, thường cơn đau tim biểu hiện ở ngực bên trái.

Có một số nguyên nhân gây cơn đau thắt ngực trái: trước hết là nhồi máu cơ tim do tắc nghẽn động mạch vành. Nguyên nhân thứ hai là bóc tách và rách động mạch chủ trong động mạch tim hoặc do tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi.

Đau cơ, đau thần kinh sườn hay thuyên tắc động mạch phổi cũng có biểu hiện cơn đau ngực bên trái.

Người ta thường sẽ chú trọng đến đau tim do nhồi máu cơ tim hay do tắc nghẽn động mạch vành. Các nguyên nhân dẫn đến cơn đau tim chẳng hạn như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý về thận hoặc người lớn tuổi, người hay hút thuốc lá, uống rượu bia sẽ dẫn đến tình trạng đau thắt ngực (đau tim).


2. Có đúng đau tim là quằn quại hay không? Diễn biến của cơn đau tim?

Thưa BS, khi nhắc đến cơn đau tim hầu hết mọi người đều tưởng tượng đó phải là cơn đau quằn quại dữ dội. Liệu có đúng như vậy không? Các triệu chứng của cơn đau tim sẽ diễn ra như thế nào thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Đau tim dữ dội xảy ra ở người đó có bệnh lý nặng và nguy hiểm. Trong trường hợp đau dữ dội kèm theo cơn đau toát mồ hôi thì họ cần nhập viện để kiểm tra tình trạng.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị cơn đau nhẹ hơn ví dụ như bệnh nhân đi bộ khoảng vài trăm mét sau đó bị đau ngực rồi đau nặng ngực. Làm một số việc nhẹ nhàng trong sinh hoạt hằng ngày cũng gây đau ngực hoặc không làm gì hết vẫn bị đau ngực.

Biểu hiện đau ngực (đau tim): bệnh nhân đau ở ngực trái và cảm thấy nghẹt thở. Cơn đau có thể lan lên cằm, lan ra cánh tay. Trong một số trường hợp khác, cơn đau kéo dài từ 5 đến 10 phút trở lên hoặc đau không liên quan đến cử động hoặc đau không liên quan đến hít thở. Đó là các cơn đau khá điển hình của cơn đau ngực (đau tim).


3. Phân biệt cơn đau tim và cơn đau thắt ngực?

Dấu hiệu của cơn đau tim tương tự như đau thắt ngực, vậy làm sao để phân biệt ạ?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Dân gian gọi đó là đau tim, nhưng chữ chuyên ngành là “đau thắt ngực”. Thực ra, đau tim và đau thắt ngực là một. Đó là kiểu đau ngực của bệnh lý về mạch vành.

Ta cần phân biệt đau là do gì? Ta cần biết đó là bệnh mạch vành hay nó liên quan đến các bệnh lý khác như đau cơ, đau dạ dày hoặc trào ngược dạ dày, đau do bệnh zona (giời leo)... thì cơn đau không liên quan đến việc gắng sức, nó có thể đau ở bất cứ lúc nào. Nếu khi vận động và cử động ta lấy tay ấn vào ngực cũng đủ đau lên thì đây chỉ là cơn đau ở thành ngực.

Đau tim sẽ nặng nề hơn, nó gây khó thở, mệt mỏi. Có một số trường hợp, cơn đau tim có thể gây toát mồ hôi.

Một số cơn đau có thể đáp ứng với một số thuốc. Khi đi khám bệnh, bác sĩ có kê đơn thuốc giãn mạch. Khi người đó bị đau tim, bệnh nhân chỉ cần uống viên thuốc nhằm giảm cơn đau. Khả năng đó là do cơn đau ngực bởi bệnh lý của mạch máu tim.

4. Cách xử trí đúng khi lên cơn đau tim?

Nhờ BS hướng dẫn cách sơ cứu ban đầu cho người bị đau tim? Nếu bệnh nhân còn tỉnh thì cần làm gì, nếu bất tỉnh thì xử trí ra sao?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Đối với người có tiền sử bệnh lý về tim mạch có cơn đau ngực kéo dài từ 5 - 10 phút thì cần phải nghỉ ngơi.

Sau đó, bệnh nhân cần kiểm tra huyết áp và tim có ổn định hay không (huyết áp có bị cao hay nhịp tim quá nhanh chậm hay không). Khi phát hiện huyết áp cao hay nhịp tim dao động nhiều quá thì ta phải uống thuốc để kiểm soát huyết áp.

Nếu người đó có tiền sử bệnh lý mạch vành tái đi tái lại, bác sĩ sẽ cho các viên thuốc giãn mạch vành tim. Một số loại thuốc có thể ngậm được dưới lưỡi, hoặc thuốc xịt dưới lưỡi (bệnh nhân cong lưỡi lên rồi xịt ở phần dưới). Sau khi xịt xong, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng. Nếu tình trạng được cải thiện, bệnh nhân có thể quay trở lại quy tắc uống thuốc.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh nhân dùng thuốc và nghỉ ngơi nhưng cơn đau không bớt. Đối với trường hợp cơn đau ngực kéo dài từ 5 - 10 phút trở lên, người bệnh cần đến bệnh viện sớm để bác sĩ siêu âm tim, xét nghiệm máu nhằm biết được có tình trạng cấp tính hay không.

Nếu tắc mạch máu cấp tính (nhồi máu cơ tim) thì phải can thiệp kịp thời trong bệnh viện, nếu bệnh nhân ở nhà thì vô cùng nguy hiểm!

Đối với trường hợp bệnh nhân bất tỉnh do ngưng tim, ngưng thở, ta có thể cấp cứu bằng phương pháp xoa bóp tim. Bằng mọi cách, ta cần đưa họ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Đối với trường hợp bệnh nhân còn tỉnh, ta cần theo dõi các bước như trên tức là cho bệnh nhân nghỉ ngơi và ta sẽ theo dõi. Nếu cơn đau của bệnh nhân còn kéo dài từ 5 - 10 phút trở lại, bệnh nhân có thể uống các loại thuốc để kiểm tra lại. Tuy nhiên, cơn đau kéo dài quá như vậy thì bệnh nhân cần nhập viện sớm.

5. Nếu cơn đau tim giảm sau khi nghỉ ngơi, tiếp theo cần làm gì?

Một số người sẽ có cơn đau giảm đi sau khi nghỉ ngơi vài phút, những trường hợp này cần làm gì ngay sau đó ạ? Có cần đưa đi bệnh viện không?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Đối với cơn đau chỉ kéo dài từ 5 - 10 phút và bệnh nhân đã biết được mình có bệnh mạch vành thì cần ghi lại thời gian đau, diễn biến cơn đau… để khi tái khám, bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ trong lần tái khám.

Tuy nhiên, bệnh nhân có cơn đau ngực từ 5 - 10 phút mới xuất hiện gần đây, trước đây chưa từng xảy ra thì bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để siêu âm tim, đo điện tim hoặc chụp CT động mạch vành, chụp DSA động mạch vành để loại trừ các tình trạng mạch máu tim bị hẹp.

Mạch máu tim bị hẹp mức độ nhẹ và vừa chỉ biểu hiện cơn đau nhè nhẹ. Tuy nhiên, nếu ta không phát hiện sớm, không điều trị kịp thời và không uống thuốc, cơn đau sẽ tăng lên và nó sẽ dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Nguy cơ tử vong vì nhồi máu cơ tim rất cao, gần như 50% và 50% tử vong ngoài viện rồi. Tuy nhiên, chữa trị sớm trong bệnh viện bằng các phương pháp can thiệp kịp thời, nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim là 10 đến 20% .

Tốt nhất khi ta thấy đau ngực, đau cằm, đau tay cơn đau kèm theo toát mồ hôi và các bệnh nhân có bệnh nền như bị tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá… cần đi kiểm tra sớm.

6. Các loại thuốc nên có sẵn khi trong nhà có người bệnh tim

Nhà có người bệnh tim, những loại thuốc nào cần phải có để phòng hờ các trường hợp khẩn cấp như lên cơn đau tim thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường:

Nói về thuốc phòng ngừa, trước tiên ta cần biết cơn đau ngực là do gì. Ví dụ, một số người bị thiếu máu cơ tim (bệnh mạch vành mạn), họ biết cơn đau của bệnh tim. Bác sĩ có thể sẽ cho thuốc giãn mạch như Nitroglycerin, khi lên cơn đau ngực bệnh nhân có thể xịt ở dưới lưỡi hoặc có các dạng viên nén có thể ngậm dưới lưỡi sau đó bệnh nhân nghỉ ngơi.

Bên cạnh đó, khi bị huyết áp quá cao từ 160, 170 trở lên, bệnh nhân cần uống các viên thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát huyết áp tốt hơn.

Đối với những người chưa biết hay trước đây chưa được chẩn đoán bệnh một cách chính xác, cách tốt nhất là cần kiểm tra bệnh tình của họ để biết rõ là đau ngực do nguyên nhân gì, chứ không tự ý dùng các loại thuốc kể trên.

7. Làm gì để tránh tái phát cơn đau tim, phòng ngừa tình huống xấu?

Với những người có tiền sử lên cơn đau tim thì cần lưu ý gì để tránh tái phát? Gia đình cần hỗ trợ ra sao để phòng ngừa tình huống xấu ạ?

Đối với bệnh nhân từng có tiền sử về đau tim, họ cần tuân thủ quy tắc điều trị của bác sĩ. Ví dụ như chế độ ăn, sinh hoạt và lối sống. Lối sống là quan trọng nhất, ví dụ như phải bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia. Bệnh nhân cần tránh bị stress (căng thẳng), uống thuốc phải điều độ và đúng giờ.

Bệnh nhân cũng cần hạn chế các thực phẩm có nhiều dầu mỡ, chất béo. Ngoài ra, chế độ sinh hoạt và tập thể dục phù hợp cũng góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tim.

Đối với gia đình có người bị bệnh tim, ta cần theo dõi người đó để khi người thân của ta bị một cơn đau ngực để có được phương pháp xử lý kịp thời. Ví dụ như cần thành thạo thao tác xịt thuốc giãn mạch, hoặc phải lưu sẵn số điện thoại của các trung tâm y tế hay bác sĩ riêng để liên hệ ngay khi có sự cố.

8. Phòng ngừa cơn đau tim thế nào?

Bệnh nhân cần phải tuân thủ chế độ sinh hoạt và lối sống theo lời khuyên của bác sĩ. Bệnh nhân cần uống thuốc điều độ, sinh hoạt tập thể dục phù hợp nhằm kiểm soát được nhịp tim và cơn đau tim đó.

Trong trường hợp có cơn đau tim nhiều (liên tục) hoặc có các bệnh lý bệnh mạch vành nặng thì ta có thể dùng các phương pháp can thiệp sớm, can thiệp phù hợp để điều trị các bệnh đó nhằm tránh sự tái phát của cơn nhồi máu cơ tim.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X