Hotline 24/7
08983-08983

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan tư vấn phòng và điều trị hen suyễn ở trẻ

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch - Lâm sàng TPHCM, sẽ dành thời gian từ 14-16g chiều nay giải đáp các thắc mắc của bạn đọc AloBacsi về “Hen suyễn nhi”.

 PGS.TS.BS Tuyết Lan là người có nhiều kinh nghiệm trong chuyên ngành hô hấp. Phó giáo sư tham gia công tác tại nhiều nơi như: Giảng viên chính bộ môn Hô hấp ĐH Y Dược TPHCM, Nguyên Trưởng Trung tâm Hô hấp - BV Đại học Y Dược TPHCM.

Ngoài ra, bà còn đảm nhận chức Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch - Lâm sàng TPHCM, Phó chủ tịch Hội Hô Hấp Việt Nam, Nguyên chủ tịch Hội Hô Hấp TPHCM, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Sức Khỏe Cộng Đồng.


NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

- Trần Thị Nhỏ - Vĩnh Long

Cháu tôi năm nay 2 tuổi, được bác sĩ chẩn đoán là hen phế quản từ nhỏ. Thời tiết thay đổi cháu hay khó thở và phải dùng tới thuốc hỗ trợ. Xin bác sĩ cho biết khi lớn lên cháu có hết bệnh này không?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Bạn Nhỏ thân mến,

Điều quan trọng là bạn phải dùng thuốc để kiểm soát hen và có thuốc để cấp cứu. Liều thuốc sẽ được hạ dần mỗi 3 tháng.

Theo thống kê thì 4 em bé bị hen thì sau này có 1 em là hết hoan toàn, 2 em được ngưng điều trị nhưng lúc lớn có thể tái phát, 1 em thì không thể dứt thuốc hen được nghĩa là bị hen suốt đời.


- Phạm Thị Hằng - hangphamet…@gmail.com

Em chào BS Lan ạ,

Con em năm nay 5 tuổi, nặng 20kg, cao 101cm. Dạo gần đây bé hay ho về đêm, cháu bảo khó thở nữa.

Xin hỏi đây có phải triệu chứng nghi ngờ hen suyễn ở trẻ không ạ? Những dấu hiệu nào cho thấy trẻ đã mắc hen suyễn? Nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh này thưa BS?

Chân thành cảm ơn BS Lan đã dành thời gian giải đáp. Kính chúc bác sức khỏe!

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Hằng thân mến,

Nếu bé ho về đêm và khó thở thì rất nghi ngờ suyễn, những đưa trẻ bị suyễn thường ho, khò khè, khó thở, nặng ngực nhất là khi giỡn nhiều, chơi nhiều…

Nguyên nhân có thể do di truyền, hoặc nơi ở của em bị kích thích bởi các dị nguyên, khói thuốc lá hoặc nấm mốc.

Muốn xác định bé có bị hen hay không thì cần đến gặp bác sĩ hô hấp để thăm khám và làm xét nghiệm về chức năng hô hấp.

- Nguyễn Thụy Bảo Anh - Chu Văn An, P26, Q.Bình Thạnh, TPHCM

Thưa PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan,

Con em bị hen suyễn, đã điều trị ở Nhi đồng 1 và 2 nhưng vẫn tái phát hoài. Qua AloBacsi, em được biết bác là chuyên gia đầu ngành, em mừng quá. Em rất mong muốn bác thăm khám cho bé.

Xin hỏi, để được bác khám, em phải đến đâu, cách đăng ký khám như thế nào ạ? Em mong bác nhận lời ạ.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào bạn,

Hiện tại tôi đang làm tại BV Đại học Y Dược sáng thứ 2, thứ 5. Tại phòng khám đa khoa CHAC chiều thứ 2, thứ 5. Bạn có thể đến đăng ký khám trực tiếp.


- Ngô Thu Phương - thinhthuong…@gmail.com

Con trai tôi 42 tháng tuổi, đường hô hấp của cháu rất nhạy cảm, khí hậu thay đổi là cháu có hiện tượng khò khè trong từng hơi thở.

Tôi đưa cháu đi bác sĩ và được cho toa thuốc, nhưng chỉ tạm thời thôi vì cháu và hay tái phát thường xuyên, sau vài ngày khò khè cháu thường có hiện tượng ho nhiều, kèm với chảy mũi liên tục.

Xin hỏi BS đây có phải hen phế quản không ạ? Xin cho biết cách chữa trị dứt điểm?

Ngoài ra, khi tôi đưa cháu đi nước ngoài, với thời tiết âm 14 độ, đường hô hấp cháu rất tốt, không có hiện tượng trên. Nếu vậy thì có phải trẻ hen phế quản sẽ khỏe hơn trong môi trường lạnh?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Phương thân mến,

Nếu cháu bị khò khè khi khí hậu thay đổi, tái phát thường xuyên, khò khè, ho nhiều và chảy mũi liên tục thì nghĩ nhiều đến hen phế quản.

Trước hết phải chẩn đoán xác định hen, sau đó là phân bậc điều trị với 2 loại thuốc kiểm soát hen và cấp cứu. Hiện nay, chưa có thuốc nào trị dứt bệnh hen nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. Khi bạn đưa cháu ra nước ngoài thì không có hiện tượng trên thì có thể nhờ không khí sạch hơn, ít dị nguyên hơn chứ còn môi trường lạnh thường làm bệnh suyễn xấu đi.


- Trần Nguyệt Như Ý - nhuy…@gmail.com

Con gái em 4 tuổi bị hen suyễn nhẹ AloBacsi ơi. Xin hỏi khi bé lên cơn hen suyễn thì bước đầu tiên phải làm là gì và cắt cơn nhanh nhất bằng cách nào thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em Như Ý,

Em bé bị hen suyễn nhẹ thì quan trọng nhất là dùng thuốc ngừa cơn. Tức là thuốc kiểm soát hen chứ không đợi lên cơn mới cắt bởi vì nhiều khi không cắt được và em bé có thể tử vong.

Khi đã dùng thuốc ngừa cơn và tránh các yếu tố kích phát thì rất ít khi bé lên cơn.

Nhưng nếu bé lên cơn suyễn thì em sẽ dùng 2 nhát Ventolin xịt qua buồng đệm 20 phút sau nếu hết cơn thì ngừng. Nếu không hết thì 2 nhát nữa, 20 phút sau không hết thì thêm 2 nhát nữa. Một tiếng mà 6 nhát Ventolin vẫn còn khó thở thì cấp cứu ở bệnh viện gần nhất.


- Vũ Phạm Thanh Thanh - bossnho…@gmail.com

Cháu có bé trai 11 tuổi bị hen phế quản. Mỗi khi cháu lên cơn hen cháu cho bé dùng ngay Ventolin xịt (với dụng cụ hỗ trợ đặc biệt gọi là buồng đệm), lặp lại lần thứ 2 sau 20 phút thì cắt được cơn.

Tuy nhiên mỗi lần thấy bé như vậy tôi lo lắm, chỉ sợ như thế nào thì không kịp trở tay. Xin hỏi BS cần cho trẻ đi cấp cứu ngay khi có những dấu hiệu nào?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em Thanh Thanh,

Không nên để cháu lên cơn hen rồi cấp cứu, cần phải gặp BS để có thuốc kiểm soát hen phù hợp. Những dấu hiệu cần cấp cứu là: Thở nhanh, hóp bụng lại để thở, co kéo các cơ giữa 2 xương sườn, nói không nổi, đi không nổi, môi hay móng tay tím tái, mạch rất nhanh, thuốc không giúp được lâu, thở nhanh và khó.



- Mỹ Hồng - Hóc Môn, TPHCM

Con gái tôi 21 tháng tuổi. Lúc cháu 3.5 tháng tuổi bị ho, sổ mũi, khò khè, khó thở, tôi đưa bé đến BV Nhi đồng khám và uống thuốc thì khỏi bệnh. Sau đó, lúc bé được 10 tháng tuổi lại tái lại những triệu chứng trên. Vợ chồng tôi đưa bé đi khám, BS chẩn đoán viêm tiểu phế quản dạng hen và được điều trị khỏi.

Lần thứ 3 bé được 17 tháng tuổi, cũng lại có triệu chứng như trên và tôi đã đưa bé đến BV 7 ngày điều trị bé khỏe và khỏi bệnh. Lần này, BV chẩn đoán bé bị viêm phổi.

Vậy thưa BS con gái tôi có phải bị bệnh hen? Khò khè bao nhiêu lần sẽ nghi hen? Nếu mắc bệnh hen rồi thì có thuốc nào đặc trị không hay phải điều trị cả đời. Tôi nghe bà hàng xóm mách nên kiếm nhau con mèo đen cho uống là bệnh hen sẽ hết có đúng không?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Khò khè 3 lần thường nghĩ đến hen nhưng muốn chẩn đoán hen thì phải gặp bác sĩ hô hấp và thăm dò chức năng hô hấp nếu được.

Hiện nay có thuốc kiểm soát hen rất tốt và thường trẻ em thì sẽ được ngưng điều trị nếu không có triệu chứng sau 1 năm. Không nên dùng nhau mèo đen.


- Bạn đọc có email beatbox…@gmail.com

Cháu tôi bị hen suyễn, gia đình cho cháu đi học trễ 1 năm vì nghĩ sức khỏe cháu yếu kém dù tôi đã đấu tranh thế nào cũng không được

Cho tôi hỏi bệnh suyễn có ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng học tập và tham gia hoạt động của cháu? Nếu không điều trị đúng mức, bệnh ảnh hưởng thế nào đến đời sống trẻ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào bạn,

Bệnh suyễn nếu điều trị đúng cách thì các cháu bé hoạt động và học tập bình thường. Nếu không điều trị đúng mức cháu sẽ lên cơn khó thở, thức giấc về đêm, không tập trung học được, không tham gia sinh hoạt cùng các bạn được, khi lên cơn suyễn nặng có thể tử vong.

Hiện nay, các thuốc suyễn đã điều trị rất tốt cháu sẽ được học tập và sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường khác.


- Lê Anh Tấn - Long An

Con tôi 3 tuổi ho có đàm, tối ngủ khò khè khó thở, không ngủ được. Khám bệnh BS cho nhập viện chích thuốc kháng sinh, bệnh tạm ổn rồi tái phát sau vài ngày. Xin BS hướng dẫn cách điều trị? Điều trị ở đâu có kết quả tốt nhất? Bệnh để lâu ảnh hưởng thế nào?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Anh Tấn thân mến,

Nếu cháu 3 tuổi có đàm, khò khè, khó thở, tối không ngủ được thì phải gặp BS hô hấp để thăm khám, làm test dao động xung ký có thử thuốc để chẩn đoán hen và xác định độ nặng. Bệnh hen không cần chích thuốc kháng sinh nếu không có bội nhiễm.

Hiện nay, ở BV Đại Học Y Dược hoặc ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng CHAC 1 và 2 đều có điều trị suyễn cho trẻ em. Nếu để lâu thì bé sẽ bị mất ngủ, không lớn được, không học tập và sinh hoạt bằng các bạn. Thậm chí có thể nhập viện và tử vong nếu lên cơn suyễn cấp nặng.


- Trương Mỹ Hạnh - Hà Nội

Tôi có hai con nhỏ, bé trai năm nay được 43 tháng, bé gái được 12 tháng tuổi. Bà nội của 2 bé bị hen suyễn, vậy có khả năng con tôi bị bệnh này do di truyền từ bà nội không? Việc di truyền này qua mấy thế hệ thưa BS?

Trong gia đình có người mắc bệnh hen suyễn, xin BS cho tôi một số lời khuyên để có thể giảm thiểu nguy cơ hen suyễn cho trẻ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Mỹ Hạnh thân mến,

Bà nội của 2 cháu bị hen suyễn như vậy 2 cháu có khả năng bị hen do di truyền từ bà. Bệnh di truyền có thể trực tiếp qua thế hệ sau hoặc cách 1 thế hệ. Khi trong gia đình có người mắc bệnh hen suyễn thì cần tránh các yếu tố nguy cơ:

- Yếu tố gây lạnh

- Khói thuốc, khói nhang, khói bếp

- Bụi bặm

- Các loại mùi như nước hoa, hóa chất, nấm mốc

- Thú nuôi có lông

- Con gián

- Nhà phải chùi bằng khăn ướt 1 ngày/1 lần

- Mùng, mền, chăn, chiếu phải nhúng nước sôi hoặc phơi nắng 1 tuần/ 1 lần.

- Cả nhà nên chích ngừa cảm cúm.

- Những thức ăn, thuốc men gây dị ứng phải tránh tuyệt đối.


- Trần Minh Vỹ - vytranart…@gmail.com

Con tôi được 31 tháng tuổi nhưng cháu bị viêm phế quản từ 8 tháng tuổi đến nay. Tôi có cho cháu lên bệnh viện khám thì các BS chẩn đoán cháu bị hen suyễn và có cho thuốc ngừa thì cháu cũng đỡ. Vậy tôi có nên ngừng thuốc cho bé?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào bạn,

Cháu đang được điều trị bằng thuốc ngừa cơn suyễn thì sẽ được hạ nửa liều mỗi 3 tháng. Gia đình nên theo khám các bác sĩ cho đến khi được ngưng điều trị. Vẫn nên tái khám ít nhất 1 năm 1 lần sau khi được ngưng thuốc.


- Ha Nguyen - trinhphong…@gmail.com

Chào PGS Tuyết Lan,

Tôi có một bé gái năm nay vào lớp 1, bé bị hen suyễn từ năm 3 tuổi. Lúc trước do bé đi học mẫu giáo gần nhà nên việc kiểm soát khi bé lên cơn hen dễ dàng hơn nhưng giờ học ở môi trường mới nên tôi rất lo lắng.

Tôi được biết, người bị hen suyễn thì cần phải mang theo thuốc mọi lúc mọi nơi. Vậy tôi có cần đưa thuốc cho bé cầm theo bên mình không hay gửi cô giáo bé ạ? Vì bé từ nhỏ đã có tính tự lập, lúc ở nhà tôi cũng đã dặn bé khi nào cần dùng thuốc?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Bệnh nhân bị hen suyễn thì phải mang thuốc cấp cứu mọi lúc mọi nơi. Cháu mới 6 tuổi nên phải dùng kèm với buồng đệm. Nên để thuốc trong cặp và báo với cô giáo là cháu bị hen và có thuốc cấp cứu.

Nếu bác sĩ lập được cho cháu bảng kế hoạch hành động để cháu mang theo người và gửi cho cô giáo thì rất tốt.


- Nguyễn Liễu - lieutt…@gmail.com

Tôi có cháu bị suyễn từ nhỏ. Hiện tại cháu ăn uống tốt, tuy nhiên họng của cháu lâu lâu có rất nhiều đàm. Tôi muốn mua loại máy phun khí dung tại nhà cho cháu, nhưng không biết mua loại nào. Và sử dụng liều lượng thuốc như thế nào là đúng? Cháu có phải kiêng loại thức ăn nào không?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Liễu thân mến,

Thuốc suyễn hiện nay chỉ cần dùng qua buồng đệm là hữu hiệu tương đương với khí dung nên không cần mua máy phun khí dung tại nhà vì giá thành mắc, giá thuốc cao, thời gian phun thuốc lâu, lệ thuộc điện và khó giữ vệ sinh.

Sử dụng thuốc thì tùy theo BS hướng dẫn, các bình xịt định liều hiện nay rất tiện dụng. Các loại thức ăn mà cháu dị ứng gây ho, khò khè, khó thở, nổi mề đay thì phải kiêng tuyệt đối.


- Mẹ bé Bin - blue…@gmail.com

Xin tư vấn làm thế nào để giảm tần suất lên cơn hen của trẻ? Nếu trẻ thở khò khè nhưng vẫn sinh hoạt chơi đùa bình thường (trừ lúc bắt đầu nằm ngủ) thì có nên xông thuốc Ventolin? Xông Ventolin thường xuyên có làm trẻ bị lờn thuốc?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Để làm giảm tần suất lên cơn hen của trẻ thì phải gặp BS để xác định liều thuốc phù hợp. Không nên xông thuốc Ventolin thường xuyên vì sẽ bị lờn thuốc và không có thuốc để cấp cứu trẻ nữa. Ventolin hiện nay dạng bình xịt định liều với buồng đệm cho cháu.




- Đồng Mỹ Anh - Q.Gò Vấp, TPHCM

Kính gửi PGS Lê Thị Tuyết Lan,

Con em bị hen khá nặng, mỗi lần bé ho, hai mắt bé như lồi ra. Một BS ở gần nhà giới thiệu em đến phòng khám CHAC vì nói ở đó chuyên về hen suyễn và hô hấp nhi. Em đang băn khoăn vì nghe cái tên phòng khám CHAC lạ tai quá. Hôm nay em được biết bác sĩ là người sáng lập phòng khám nên em yên tâm hơn.

Em muốn hỏi lịch khám của phòng khám và giá khám có mắc không? Việc điều trị ở phòng khám chuyên khoa có gì khác ở các phòng mạch thông thường ạ? Chồng em cũng bị hen, có thể khám ở CHAC luôn được không? Em cảm ơn bác sĩ nhiều.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em Mỹ Anh,

Phòng khám CHAC là viết tắt của Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hoạt động suốt tuần trừ chiều Chủ nhật. Giá khám lần đầu là 120.000 đồng, tái khám là 100.000 đồng. Ở Phòng khám chuyên khoa thì có các BS chuyên khoa và các máy móc thăm dò chức năng hô hấp chuyên dùng.

CHAC thì điều trị bệnh hô hấp cả trẻ em lẫn người lớn.


- Trương Hoàng Kim - Đức Trọng, Lâm Đồng

Chào AloBacsi,

Nhờ AloBacsi chuyển câu hỏi đến BS Tuyết Lan giúp em ạ.

Xin hỏi BS Lan, khi trẻ khò khè, khó thở gia đình có nên tự cho bé hít khí dung (có máy ở nhà) được không? Nếu có thì liều lượng bao nhiêu cho 1 lần? Một ngày nên hít bao nhiêu lần? Khi bé giảm dần nên cho bé uống thuốc gì?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Khi trẻ khò khè, khó thở gia đình không nên cho bé tự hít khí dung dù có sẵn máy ở nhà mà cần đến gặp BS hô hấp để chẩn đoán, xác định loại thuốc và liều thuốc phù hợp.

Hiện nay các thuốc suyễn đều ở dạng bình xịt định liều có gắn thêm buồng đệm rất tiện dụng. BS sẽ giảm liều mỗi 3 tháng nếu bé đáp ứng điều trị tốt.


- Phan Hồng Uyên - hellokity…@gmail.com

Bé nhà em hiện được 42 tháng tuổi. Lúc 21 tháng tuổi, bé nhập viện Nhi Đồng 1 và được chẩn đoán viêm tiểu phế quản.

Về nhà được 4 tháng sau, bé thở khò khè, trở lại khám bệnh và được chẩn đoán hen suyễn. BS cho ngừa ngày xịt 2 lần, mỗi lần 1 nhát thuốc Flixotide. Bé đã ngừa đến bình thứ 2.

Xin hỏi BS sẽ ngừa đến khi nào có thể dừng thuốc?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào Hồng Uyên,

Nếu cháu đang dùng Flixotide ngày 2 lần, mỗi lần 1 nhát và đến bình thứ 2 như vậy là đã 4 tháng thì nên cho cháu gặp lại BS để được giảm nửa liều thuốc. Quy trình điều trị là cháu bé sẽ được điều trị giảm liều thuốc mỗi 3 tháng và sẽ được ngưng thuốc nếu cháu ổn định trong vòng 1 năm.


- Nguyễn Thị Như - nhunguyen1…@gmail.com

Con trai tôi được 51 tháng tuổi, BS địa phương chẩn đoán cháu bị suyễn. Xin BS cho hỏi có thuốc dự phòng (ngừa cơn hen) cho trẻ ở độ tuổi này không? Mua ở đâu và cách sử dụng như thế nào?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Cháu bé của em 51 tháng tuổi, được chẩn đoán bị suyễn thì cần phải thăm khám lâm sàng và làm dao động xung ký để xác định bậc thuốc cần điều trị.

Thuốc hen hiện nay rất phổ biến, em có thể mua ở các nhà thuốc lớn.



- Hoàng Thị Anh Thư - Phuongan…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Tôi đang mang bầu 34 tuần bị hen phế quản thì có lây truyền sang con không? Bé có nguy cơ bị hen bao nhiêu phần trăm? Có những biện pháp nào để giảm thiểu tình trạng lây bệnh sang con?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em Thư,

Nếu mẹ bị hen phế quản thì con có khả năng bị hen nhưng cũng có thể không bị. Để giảm thiểu tình trạng truyền bệnh sang con thì trong nhà phải tránh nấm mốc, khói thuốc lá.


- Trần Lam Viên - Đồng Nai

Xin chào BS,

Bé gái nhà em sinh mổ 3.1kg. Hiện nay bé được 21 tháng, cân nặng 12kg. Trong thời gian 1 tháng nay bé cứ bệnh hoài (cũng từ khi em bắt đầu cho bé đi nhà trẻ) ho, sổ mũi. Bệnh hết hai, ba ngày là bệnh lại. Những ngày gần đây bé không sổ mũi, thường ho lúc đi ngủ, ho đến ói tất cả sữa, cháo ra ngoài, mỗi cơn ho có khi gần 1 tiếng đồng hồ.

Em có đi khám bệnh có nơi chẩn đoán bé viêm VA, có nơi chẩn đoán bé suyễn bội nhiễm - kết quả chụp X-quang phổi kết luận bình thường. Xin hỏi BS như vậy con tôi bệnh gì? Làm sao phân biệt viêm VA và suyễn?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Lam Viên thân mến,

Những cháu bé sinh mổ thì đường hô hấp thường yếu hơn những cháu sinh thường. Nhiều khi viêm VA và suyễn cùng xảy ra trên cùng 1 cháu bé. Viêm VA thì cần được xác định bởi BS Tai - mũi - họng bằng phương pháp nội soi và muốn chẩn đoán suyễn thì BS phải hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và thăm dò chức năng hô hấp.


- Hồng Nhung - Phú Yên

Tôi có một cháu trai 7 tuổi đang học lớp 2 bị hen suyễn. Ba chồng tôi cũng mắc bệnh này. Vậy bệnh hen suyễn có di truyền hay lây nhiễm không? Hiện nay đã có văcxin phòng chống bệnh này chưa BS?

Trường hợp gia đình đi du lịch quên không mang theo máy xông khí dung mà nếu cháu lên cơn suyễn phải điều trị thế nào để cắt cơn suyễn? Bệnh hen suyễn có gây tử vong?Tại sao những lần cháu chạy nhảy, nô giỡn (mệt) nhiều thì sau đó dễ bị lên cơn suyễn? Có phải bệnh này dễ bị khi tiếp xúc với chó, mèo, bụi bặm?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào Hồng Nhung,

Bệnh suyễn có di truyền chứ không lây nhiễm. Hiện nay không có vắc xin nào phòng chống bệnh này.

Không cần sử dụng máy khí dung mà chỉ cần 2 bình xịt định liều, 1 loại để kiểm soát hen và 1 loại cắt cơn suyễn. Nếu cháu lên cơn thì xịt liền 2 nhát Ventolin qua buồng đệm, sau 20 phút nếu hết cơn thì ngưng, nếu không hết thêm 2 nhát nữa, và nếu 20 phút sau không hết thì tiếp tục thêm 2 nhát nữa. Sau 1 tiếng đồng hồ với 6 nhát ventolin mà bé vẫn khó thở thì cấp cứu ở bệnh viện gần nhất.

Bệnh hen suyễn hiện nay được kiểm soát rất tốt nhưng nếu không điều trị đúng cách thì có thể gây tử vong trong những đợt kịch phát. Những lần cháu chạy nhảy nô giỡn nhiều thì thở nhanh, há miệng để thở làm lạnh đường dẫn khí thì dễ bị lên cơn suyễn nhưng vẫn phải cho bé hoạt động đến lúc mệt thì ngừng.

Có rất nhiều tác nhân kích thích cơn suyễn: chó, mèo, bụi bặm, khói thuốc, các mùi nồng gắt, gián, mạt nhà, các yếu tố mạt nhà, các thuốc và thức ăn gây dị ứng, cảm cúm, thay đổi thời tiết, xúc động.


- Phạm Ngọc Nữ - nupham…@yahoo.com

Năm ngoái con gái tôi 8 tuổi có triệu chứng ho nhiều, thở khò khè về đêm. Tôi cho bé đi đo hô hấp ký ở BV và BS kết luận hen cấp độ 4 và cho thuốc xịt Serities 25/125 xịt ngày 4 lần.

Cháu có bớt nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn ho lại. Thấy vậy, tôi cho cháu đi khám ở phòng mạch tư, BS cũng kết luận bị hen nhưng nói không đến cấp độ 4, vì cấp độ 4 chỉ có ngồi thở thôi và đưa ra một phác đồ điều trị khác như cho thở máy và uống 21 viên thuốc của Mỹ trong 21 ngày. Nhưng không BS nào khẳng định chữa khỏi hẳn.

Xin hỏi BS liệu có nên tin vào đo hô hấp ký? Ngoài đo hô hấp ký thì còn phương pháp nào chẩn đoán bệnh hen không?

Tôi xin hỏi con tôi bị hen ở mức độ nào? Điều trị theo phương pháp nào thì tốt nhất thưa BS? Xin cảm ơn PGS!

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Ngọc Nữ thân mến,

Muốn chẩn đoán hen suyễn thì phải dựa vào 3 yếu tố: 1 là bệnh sử, khám lâm sàng, 2 là hình ảnh học và thứ 3 là thăm dò chức năng hô hấp.

Muốn xác định cháu bị hen ở mức độ nào thì phải gặp BS chuyên khoa Hô hấp. Điều trị hen tốt nhất hiện nay là cortioid dạng hít rất an toàn. Mặc dù hiện chưa có thuốc nào chữa dứt bệnh suyễn nhưng với các phương pháp điều trị hiện nay thì cháu có thể sinh hoạt, học tập như những đứa trẻ khác.


- Vũ Bá Thanh Hiển - hienthanh…@gmail.com

AloBacsi ơi,

Bé nhà em bị hen phế quản. Em có lên mạng tìm hiểu cách điều trị bệnh này thì thấy có bài thuốc từ rau hẹ, hoa đu đủ đực, lá dâu tằm có thể trị được bệnh hen? Em có nên nấu loại nước này cho bé uống không? Ngoài ra còn có nhiều bài thuốc khác, vậy hiệu quả của những bài thuốc này lên bệnh hen suyễn có đúng như báo chí đưa tin không ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Thanh Hiển thân mến,

Hiện nay theo các hướng dẫn quốc gia cũng như quốc tế thì chưa có phương pháp Y học dân tộc nào trị được bệnh hen. Điều trị hen hiện nay rất hiệu quả với thuốc corticoid trong bình xịt định liều xịt thẳng vào đường hô hấp và thuốc cắt cơn để điều trị các đợt cấp.


- Hương Chi - Tiền Giang

Hiện nay trong dân gian tồn tại hai khái niệm hen phế quản và hen suyễn. Vậy hẽn phế quản và hen suyễn có phải là một không thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Hen suyễn và hen phế quản là một.


- Phan Nhật Tiến - tieulongtinh…@gmail.com

Thưa BS Lan,

hen phế quản nếu không điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm nào? Đặc biệt là đối với trẻ em, hen phế quản gây ảnh hưởng ra sao tới sự phát triển và trưởng thành của trẻ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Nếu hen phế quản không điều trị kịp thời thì sẽ gây những triệu chứng ho, khò khè, khó thở, lên cơn suyễn về đêm làm trẻ mất ngủ, không phát triển như những đứa trẻ bình thường hoặc những đứa trẻ được điều trị hen.


- Nguyễn Hồng Hạnh - Bạn đọc hỏi qua Fanpage AloBacsi-Hỏi bác sĩ trả lời

Xin chào AloBacsi,

Con tôi 9 tuổi bị hen phế quản từ khi 5,5 tuổi. Cháu là một đứa trẻ năng động, thường xuyên chơi cầu lông, đặc biệt cháu rất mê đá banh. Ngoài ra, còn sinh hoạt các câu lạc bộ vào thứ 7, chủ nhật.

Ban đầu tôi cũng cho cháu chơi bình thường nhưng chị tôi thì lại bảo trẻ bị hen suyễn không nên tập thể dục nhiều, nhất là đá banh sẽ gây tổn hại đến phổi. Tôi rất lo lắng, mong BS cho lời khuyên.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Vận động gắng sức là yếu tố khởi phát cơn hen suy nhất mà không nên tránh. Vẫn rất cần cho cháu chơi thể thao, tập thể dục, chỉ cần là cháu được khởi động tốt, dừng lại khi cảm thấy khó thở và luôn luôn mang theo thuốc cấp cứu bên người.


- Hồ Thị Thảo - Q.Thủ Đức, TPHCM

Chào BS,

Xin hỏi bác sĩ, con trai tôi năm nay 15 tuổi, mắc bệnh hen suyễn đã 3 năm nay. Khoảng một, hai năm trở lại đây bệnh của cháu ngày càng nặng. Cháu thường lên cơn hen và mệt, nhiều lúc cháu nói với tôi không thể thở nổi kể cả ngày hay đêm. Mặc dù đã dùng thuốc và máy trợ thở nhưng cơn hen cũng không dứt mà kéo dài đến cả tuần.

Xin hỏi BS có phải bệnh của con tôi đã nặng lắm rồi không và cứ kéo dài như vậy sẽ nguy hiểm đến tính mạng có phải không?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em Thảo,

Nếu cháu thường xuyên lên cơn hen và mệt, không thể thở nổi cả ngày lẫn đêm dù đã dùng thuốc và máy trợ thở mà cơn hen kéo dài đến cả tuần thì rất nguy hiểm. Gia đình nên cho cháu gặp BS chuyên khoa Hô hấp để được thăm khám, chụp hình phổi, làm thăm dò chức năng hô hấp để xác định, chẩn đoán 1 cách chính xác, không nên kéo dài tình trạng này nữa.


- Lê Thùy Dung, TPHCM

Chào BS, cháu năm nay 14 tuổi, ở TPHCM ạ.

Vài năm trở lại đây, cứ lúc nào thay đổi thời tiết, nắng nóng mà chuyển qua mưa thì cháu lại bị khó thở, phải hít sâu thường xuyên, thậm chí còn phải thở bằng miệng dù không tịt mũi, nặng ngực, thở ra rất mệt và có cảm giác vướng gì đó ở họng nhưng cháu rất ít khi có đàm.

Vậy cháu bị làm sao và cần phải làm gì ạ. Cháu cảm ơn BS.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Mỗi khi thay đổi thời tiết thì cảm thấy khó thở thì cũng có thể bị hen suyễn. Em nên đến gặp BS chuyên khoa Hô hấp để được thăm khám, làm các xét nghiệm, thăm dò chức năng hô hấp, chụp hình phổi và điều trị phù hợp.


- Bạn đọc có email Luffy_onepiece...@yahoo.com

Em mắc bệnh hen suyễn đến nay là 5 năm rồi. Dạo trước em đọc báo thấy có viết những người bị hen suyễn có thể tự đánh giá bệnh đã được kiểm soát hay chưa bằng bộ câu hỏi trắc nghiệm ACT. Thế nhưng em không hiểu lắm về điều này, mong AloBacsi giải thích thêm giúp em.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Bệnh nhân hen suyễn có thể tự đánh giá bệnh của mình bằng bộ xét nghiệm ACT là viết tắt của Asthma control test. Nếu đạt được 25 điểm là kiểm soát hen rất tốt, 19 điểm trở xuống là hen chưa được kiểm soát tốt. Bệnh nhân nên tự đánh giá bằng test này trước mỗi lần gặp BS Hô hấp.



- Tran Thi Ngoc Hien - tranngochien…@gmail.com

Cháu chào AloBacsi cùng BS Lan,

Con tôi được 48 tháng, 16.5kg. Từ khi cháu được 36 tháng thì rất hay ho, mỗi lần tái phát thường BS cho uống Klamentin+Prednison+ Salbutamal nhưng không hiệu quả. Thậm chí, có lúc phải nhập viện tiêm thuốc kháng sinh Cefixime kèm theo phun thuốc khoảng 1 tuần là hết.

Xin hỏi BS cách phòng ngừa tái phát cho cháu như thế nào là hiệu quả?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào bạn,

Nếu cháu bị suyễn thật sự thì không cần dùng kháng sinh. Corticoid hiện nay là thuộc dạng xịt thẳng vào đường thở, không chích, không uống corticoid vì có nhiều tác dụng phụ toàn thân rất nguy hiểm.

Salbutamol là thuốc giãn phế quản dạng uống gây nhiều tác dụng phụ nên hiện nay người ta sử dụng Salbutamol trong bình xịt định liều xịt thẳng vào đường thở, tác dụng nhanh mà an toàn. Cũng không cần dùng máy khí dung, gia đình cần đưa cháu đến gặp BS chuyên về Hô hấp để được thăm khám, làm các test thăm dò chức năng hô hấp để xác định, chẩn đoán và dùng bậc thuốc phù hợp.


- Phạm Ngọc Châu Anh - anhchau355…@gmail.com

Con gái tôi được 30 tháng, nặng 12kg đi khám ở BVNĐ thì được chẩn đoán là hen suyễn. Tôi làm thợ may, ba của bé là thợ kim hoàn, có sử dụng than đá, thạch cao, sáp nguội để đúc khuôn mẫu tại nhà, cho hỏi có ảnh hưởng gì đến bệnh của bé không?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào Châu Anh,

Các loại bụi vải, than đá, thạch cao, sáp nguội đều ảnh hưởng đến môi trường và có khả năng gây bệnh suyễn. Tốt nhất, gia đình nên làm việc một nơi và ở một nơi để tránh những cơn kịch phát hen cho cháu.


- Nguyễn Thu An - TPHCM

Chào bác sĩ,

Con trai em 12 tuổi, cháu bị hen suyễn lúc 3 tuổi do ảnh hưởng của thời tiết và môi trường vì trong gia đình bên nội và ngoại không ai bị bệnh suyễn.

Lúc nhỏ cháu lên cơn hen thường xuyên, nhưng khoảng 5 năm gần đây cháu vẫn bị nhưng có sức khỏe và lớn nên phần nào cháu cũng vượt qua. Thời gian bệnh em cho cháu thở khí dung và xịt thuốc Ventolin.

Bác sĩ cho em hỏi, trường hợp con em sáng nào ngủ dậy cũng hắt hơi liên tục, ngẹt mũi, cổ có đờm. Vậy cháu có thể dùng thuốc gì, cháu uống thuốc Hen P/H được không? Xin cám ơn bác sĩ.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào bạn,

Nếu sáng này cháu ngủ dậy cũng hắt hơi liên tục, nghẹt mũi, cổ có đàm thì nên giữ ấm, làm vệ sinh phòng ngủ bằng cách chùi nhà 1 ngày 1 lần, mùng mền chăn chiếu nhúng nước sôi hoặc phơi nắng 1 tuần 1 lần, rửa mũi bằng các nước biển sâu trước và giữ ấm cho cháu. Nếu vẫn không hết thì nên gặp BS Tai - mũi - họng hoặc BS Hô hấp nhé!

Nên dùng các loại thuốc Tây y , có chỉ định và thành phần rõ ràng. Hiện nay, các hướng dẫn quốc gia và quốc tế đầu không công nhận tác dụng của Đông y trên điều trị hen.


- Ngọc Huệ - TPHCM

Kính chào bác sĩ,

Bé trai con em 18 tháng tuổi, nặng 11kg. Hồi trong tháng bé có bị viêm phổi, nằm triệu trị ở Nhi Đồng 1. Bé bị thông liên nhĩ 2 lỗ, em vừa cho cháu tái khám siêu âm lại, kết quả tim bình thường ạ.

Vừa rồi, bé bị sốt, đi khám BS cho thuốc, hôm sau bé hết sốt và bắt đầu ho nhiều và sổ mũi. Trước BS chẩn đoán viêm tiểu phế quản, đến 10 ngày sau bé đã hoàn toàn hết ho, sổ mũi rồi nhưng sao vẫn khò khè.

BS hỏi gia đình có ai bị suyễn không, nội - ngoại 2 bên không ai bị, thế là BS cho 2 ngày thuốc bảo uống hết thôi, không tái khám nữa, bé khỏe sẽ hết, sợ gia đình có người bị suyễn thì nguy cơ bé mới bị suyễn. (Trước bé có bị viêm phế quản hen do BS tư khác khám ạ, tuy nhiên lần đó uống hết và dứt bệnh).

Tuy nhiên, em rất lo lắng sao uống hơn 10 ngày thuốc rồi mà bé vẫn không hết bệnh, và không trị dứt bệnh liệu có sao không ạ?

Liệu không trị dứt bệnh có thành bệnh nặng và bé bị hen suyễn luôn hay không? Nhờ BS tư vấn giúp. Em cảm ơn BS nhiều.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Ngọc Huệ thân mến,

Nếu cháu đã uống thuốc 10 ngày mà vẫn còn khò khè thì phải gặp lại BS Hô hấp, không thể để bé khò khè kéo dài. Việc chẩn đoán hen suyễn phải tùy thuộc vào quyết định của bác sĩ.


- Nguyên Vũ - nguyenvu…dnmc@gmail.com

Chào bác sĩ,

Bé em 11 tháng bị hen phế quản, liên tục 3 lần trong tháng này. Nhập viện, tiêm kháng sinh, xông khí dung, nhưng bé vẫn còn bị khò khè. Em muốn hỏi, bé 11 tháng sử dụng thuốc hen P/H được không, và có sử dụng cùng lúc với kháng sinh được không hay phải cách nhau 2 tiếng. Em cảm ơn và xin sự hồi âm của bác sĩ.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Nếu em bé 11 tháng đã được chẩn đoán xác định hen phế quản thì cần phải được dùng thuốc hen. Hen phế quản bình thường không bội nhiễm thì không cần phải dùng kháng sinh, bình xịt định liều và buồng đệm có thể thay thế cho máy xông khí dung vì gọn hơn, cho thuốc nhanh hơn, giá cả rẻ hơn, dễ làm sạch và không lệ thuộc điện.

Hiện các thuốc Tây y đã điều trị hen rất hiệu quả, không cần dùng Đông y và kháng sinh.


- Đoàn Trọng Nam - namn…@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Bé gái nhà tôi được 5 tuổi, bị bệnh suyễn đã vài năm nay rồi. Hiện tại thì cháu đang ổn (không khò khè hoặc thở kéo hơi về đêm). Nhưng trên thực tế thì cháu hay ho vặt trong ngày, cứ thỉnh thoảng lại tằng hắng giọng hoặc ho một tiếng.

Trong lần khám cách nay chừng một năm ở BV Nhi đồng 2, tôi có kể triệu chứng này với BS thì BS cười và nói “mấy đứa suyễn nó hay ho ho lai rai vậy đó”. Nhưng tôi vẫn không yên tâm về điều này ở cháu. Liệu triệu chứng này là bình thường hay có cần can thiệp thêm thuốc men gì không?

Hiện giờ tôi vẫn cho cháu uống dự phòng 5mg Montelukat hàng ngày. Nhưng có thời gian tôi lại bỏ Montelukat và cho cháu uống thuốc hen P/H chừng một tháng. Không biết là cách tôi cho cháu dùng thuốc như vậy có được không BS?

Xin BS giải thích giùm tôi. Cảm ơn BS thật nhiều.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Ho vặt, tằng hắng cũng là dấu hiệu của hen, cần phải gặp BS để xác định chẩn đoán, điều trị các bệnh về mũi xoang và xác định bậc thuốc cần thiết, không nên sử dụng các thuốc Đông y để điều trị hen suyễn.


- Lê Thị Phương - Quảng Trị

Chào bác sĩ,

Em có một cháu gái 27 tháng tuổi, bị hen phế quản. Đi khám thì bác sĩ có kê đơn dùng thuốc Kipel để dự phòng và khuyên khi hết thì nên mua thêm.

Cho em hỏi là thuốc này nên dùng trong bao lâu thì ngừng và dùng lâu có gây ảnh hưởng gì tới trẻ hay không? Em xin cảm ơn!

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan:

Chào em,

Kipel là Montelukat cũng là một dạng thuốc điều trị hen ở bậc nhẹ. Thuốc hen thì được giảm nửa liều sau mỗi 3 tháng. Montelukat nói chung là an toàn nhưng gia đình phải theo dõi các tác dụng phụ (nếu có) và cháu sẽ được ngưng điều trị khi không còn triệu chứng trong vòng 1 năm.


----------

Chân thành cảm ơn PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan đã chia sẻ những kiến thức hay, bổ ích với bạn đọc AloBacsi, giúp mọi người hiểu hơn về cách điều trị và kiểm soát bệnh hen.


 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X