PGS.TS Trần Thị Bích Hương: Người hồi sinh những quả thận tưởng bỏ đi
Công trình do PGS.TS Bích Hương cùng các cộng sự thực hiện đã mở ra triển vọng cho nhiều bệnh nhân thoát khỏi chạy thận nhân tạo suốt đời và hồi phục chức năng thận, giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường và tiết kiệm được hàng chục triệu đồng chạy thận mỗi tháng.
Giải thưởng Kova đã vinh danh công trình nghiên cứu tập thể “Chẩn đoán nguyên nhân và điều trị hồi phục chức năng thận ở bệnh nhân suy thận tiến triển nhanh (STTTN)”.
Công trình do PGS.TS Trần Thị Bích Hương, Khoa Thận, Bệnh viện Chợ
Rẫy, làm chủ nhiệm. Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam góp phần bổ
sung kiến thức y giới về STTTN và cung cấp hiệu quả của việc điều trị
giúp hồi phục chức năng thận và ngưng chạy thận nhân tạo (CTNT) ở những
bệnh nhân này.
Chạy thận nhân tạo không có nghĩa thận đã chết
Chủ nhiệm công trình cùng các cộng sự đã tiến hành trên 123 bệnh nhân STTTN từ tháng 2/2014 đến tháng 3/2018. Trong số đó, có phân nửa bệnh nhân đã CTNT từ ba tháng trở lên.
“Để thực hiện đề tài, tôi và các bạn trong nhóm bất kể các ngày lễ, Tết, Chủ nhật, mặc dù không có ca trực mà có bệnh nhân nghiên cứu thì chúng tôi vẫn phải vào BV theo dõi bệnh nhân. Bệnh nhân STTTN kèm tổn thương đa phủ tạng, suy tim, viêm phổi nhiễm trùng huyết và rối loạn đông máu... đòi hỏi không thể lơ là một phút” - PGS Bích Hương kể những vất vả của êkíp đã lường trước khi bắt tay vào thực hiện nghiên cứu.
Nỗ lực không mệt mỏi của êkíp đã cho kết quả ngọt khi nghiên cứu đã giúp 80% số bệnh nhân chưa CTNT hồi phục chức năng thận và 60% trong số bệnh nhân đã chạy thận không còn phải gắn phần đời còn lại với máy móc chạy thận. Đặc biệt, trong số này có hơn 90% bệnh nhân có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 25 đến 35 tuổi.
Nói về công trình, PGS Bích Hương không khỏi xúc động khi nhắc đến những bệnh nhân trẻ tuổi, còn cả tương lai phía trước khi điều trị hồi phục đã tâm sự với chị rằng muốn tính đến chuyện kết hôn, sinh con.
PGS Bích Hương chia sẻ ý tưởng về nghiên cứu đã bắt đầu nhen nhóm trong chị từ năm 2002. Lúc đó, ở khoa Thận nhân tạo có một bệnh nhân nữ bị viêm thận lupus. Sau hơn ba tháng CTNT, bỗng một ngày nữ bệnh nhân đi tiểu được, chứng tỏ quả thận vẫn chưa chết.
Bác sĩ của khoa Thận nhân tạo đã mời PGS Bích Hương cùng điều trị cho bệnh nhân này. Kết quả ngoài sự mong đợi khi sau hơn ba tháng điều trị, nữ bệnh nhân đã “cai” được máy CTNT. Ly kỳ hơn khi mặc dù được khuyên không nên làm mẹ, cô gái vẫn khao khát mang thai nhưng không may thai kỳ chỉ tồn tại được ba tháng, cô gái thì tiếp tục đứng trước nguy cơ thận suy, phải CTNT. Một lần nữa, PGS Bích Hương cùng các đồng nghiệp đã cứu quả thận hồi phục lần 2 với kinh nghiệm non nớt ở lần đầu.
PGS.TS Bích Hương và hai cộng sự trong nhóm nghiên cứu nhận giải thưởng Kova vừa qua. Ảnh: KV
Sự cộng hưởng của tập thể
Mãi đến năm 2010, chứng kiến một chàng sinh viên trẻ bị STTTN dù được cứu chữa tận tình vẫn phải chạy thận suốt đời, PGS Bích Hương lại lao vào nghiên cứu.
Tuy nhiên, PGS Bích Hương cho rằng nếu không có những cộng sự đắc lực, tâm huyết và quá trình chuẩn bị nhân sự thì nghiên cứu khó thành công.
“Theo PGS, lúc trước, hầu hết không có chỉ định sinh thiết đối với bệnh nhân đã CTNT và trước chúng tôi đã có nhóm nghiên cứu tiến hành sinh thiết trên bệnh nhân suy thận nhưng có biến chứng và thất bại.
Đến năm 2012, trong chương trình làm việc liên kết với Úc mà tôi là đại diện của BV Chợ Rẫy, tôi đã liên hệ gửi BS Trần Hiệp Đức Thắng, Phó khoa Giải phẩu bệnh, BV Nhân dân Gia Định, chuyên đọc sinh thiết thận đi qua Úc học hỏi kinh nghiệm. Sau này bác sĩ này đã trở thành thành viên tích cực trong nhóm nghiên cứu.
Các kết quả đọc suy thận do bệnh vi mạch huyết khối còn được gửi qua Úc cho giáo sư kiểm lại để đảm bảo độ tin cậy cao hơn. Sinh thiết 123 bệnh nhân, kết quả 90% mẩu sinh thiết cho thấy thận vẫn còn nguyên vẹn và hoạt động. “Đây là minh chứng thận suy rất nặng nhưng không chết hoàn toàn và là khái niệm thức tỉnh y giới” - PGS Bích Hương nói.
Do đó, thay vì không điều trị gì hết đối với bệnh nhân CTNT như trước kia và dùng các thuốc kháng viêm liều cao cho tỉ lệ hồi phục thận rất thấp đối với bệnh nhân chưa CTNT, nhóm nghiên cứu đã tiến hành sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thay huyết tương, kháng đông toàn thân... kết hợp CTNT dựa theo tình trạng của mỗi bệnh nhân đầy cam go.
Tuy nhiên, PGS Bích Hương rất trăn trở về 15 bệnh nhân sau khi điều trị ở BV được chuyển về tỉnh CTNT và đề nghị lên theo dõi tiếp nhưng do hiểu lầm của bác sĩ và người bệnh rằng CTNT phải chạy suốt đời nên họ không lên làm nghiên cứu nữa. Trước tình hình này, PGS Bích Hương đã cùng bàn với BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, mặc dù trước áp lực quá tải bệnh nhân hằng ngày vẫn giữ bệnh nhân lại chạy thận.
Song song đó, nhóm nghiên cứu làm việc với BHYT thay vì chuyển bệnh nhân về tỉnh thì xếp bệnh nhân vào nhóm đặc biệt cho ở lại BV để điều trị và cho rút lui việc CTNT từ từ cho đến khi không còn phụ thuộc máy nữa. “Chạy thận với tần suất cũ sẽ vô tình giết chết thận vì thận không phải làm việc. Khi nước tiểu tăng dần thì chúng tôi sẽ rút lui CTNT” - PGS Bích Hương kể.
|
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình