Hotline 24/7
08983-08983

Paracetamol không lành như ta tưởng

Trong quá trình dùng thuốc nếu có các triệu chứng bất thường như rối loạn tiêu hóa, ban đỏ, khó thở… cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử trí kịp thời.

Bé Giang 6 tuổi đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn ra ốm, người nóng hầm hập. Chị Loan (mẹ của bé Giang) cặp nhiệt độ cho con, thấy con sốt tới hơn 39 độ C nên chị đã vội vàng chạy ra hiệu thuốc mua ngay vỉ paracetamol về cho con uống.

Sau khi uống thuốc được hơn 1 ngày thì bé Giang lại có biểu hiện đỏ môi và sau đó thì nổi nhiều bọng nước ở tay và chân. Tiếp theo, da bé bị lở loét, chảy nước như bị bỏng vôi. Không biết con bị bệnh gì chị Loan đưa con đi bệnh viện. Tại đây các bác sĩ đã chẩn đoán bé Giang bị dị ứng thuốc hạ sốt paracetamol (do cơ địa) hay còn gọi là hội chứng Steven Johnson. Bác sĩ cho biết.

- Steven Johnson là hội chứng cấp tính trên da và niêm mạc do thuốc. Các triệu chứng của hội chứng này sẽ xuất hiện vài ngày hay vài tuần sau khi uống thuốc với các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, khắp người nổi ban đỏ, bọng nước hoặc bị lột da. Rất nhiều loại thuốc có thể gây nên hội chứng này như kháng sinh (penicillin, ampicillin, streptomycin…), thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm, thuốc chống lao…

Paracetamol không lành như ta tưởng 1

- Thưa bác sĩ, em nghe người ta nói thuốc hạ sốt paracetamol là an toàn mà, nên trong nhà có ai bị sốt là em toàn mua thuốc này về dùng thôi.

- Không thuốc nào là an toàn tuyệt đối. Paracetamol là thuốc được dùng rộng rãi trong điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa. Ở liều bình thường, paracetamol dung nạp tốt, ít tác động đến hệ tim mạch và hô hấp, không gây kích ứng, xước hoặc chảy máu dạ dày như khi dùng aspirin (một thuốc kháng viêm không steroid cũng được dùng để hạ sốt, giảm đau). Vì thế, so với thuốc aspirin thì paracetamol có vẻ "lành" hơn thôi. Tuy nhiên, paracetamol có thể gây độc cho gan, làm tổn thương gan và dẫn tới tử vong khi dùng quá liều. Đấy là chưa kể đến ngay cả khi dùng đúng liều thuốc vẫn có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như ban da (thường là ban đỏ hoặc mày đay), nhưng đôi khi nặng hơn và có thể kèm theo sốt do thuốc và thương tổn niêm mạc, thậm chí là phản ứng dị ứng nặng như trường hợp của con chị đây. Tuy nhiên phản ứng dị ứng nặng này sẽ hay gặp hơn ở những người có cơ địa dễ mẫn cảm với thuốc.

- Vậy đối với hội chứng Steven Johnson này có phòng tránh được không?

- Hội chứng Steven Johnson rất khó phòng tránh. Với những người có tiền sử dị ứng (như thuốc, mỹ phẩm, thức ăn), người mắc bệnh mề đay, hen phế quản… cần phải cẩn trọng khi sử dụng thuốc. Đặc biệt, khi đi khám cần phải thông báo tiền sử dị ứng cho bác sĩ biết và phải sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ. Trong quá trình dùng thuốc nếu có các triệu chứng bất thường như rối loạn tiêu hóa, ban đỏ, sẩn ngứa, khó thở… cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử trí kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

AloBacsi.vn
Theo Sức khỏe & Đời sống


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X