Hotline 24/7
08983-08983

Omicron - "siêu biến thể" có nguy cơ lây nhiễm hơn chủng cũ 500%

Omicron được đánh giá là một "siêu biến thể", với hơn 30 đột biến trong các gai protein, và đều là những đột biến được cho là "làm tăng khả năng lây lan và tránh được miễn dịch". Thậm chí, có chuyên gia cảnh báo, Omicron có nguy cơ lây nhiễm cao hơn các chủng SARS-CoV-2 trước đây 500%.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/11 xếp biến chủng Omicron mới xuất hiện ở Nam Phi vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại". Đây là chủng virus mới nổi được đưa vào nhóm này nhanh nhất. Bốn biến thể còn lại - Alpha, Beta, Gamma và Delta - mất từ ​​2 đến 7 tháng kể từ khi xuất hiện để được công bố là "biến thể đáng lo ngại".

WHO cho biết biến chủng có nguy cơ lây lan nhanh chóng, gây bệnh nặng hoặc làm giảm hiệu quả vắc xin và các phương pháp điều trị. Giới khoa học thì nhận định đây là một "siêu biến chủng" với số lượng đột biến cao bất thường, và dường như có khả năng lây nhiễm mạnh mẽ hơn cả biến chủng Delta đang chiếm ưu thế toàn cầu hiện nay.

1. Chủng Omicron đã lây lan đến các quốc gia nào?

Ca nhiễm biến chủng Omicron (trước khi có tên chính thức gọi là B.1.1.529) đầu tiên được phát hiện ở Botswana, quốc gia láng giềng của Nam Phi, vào ngày 9/11. Giới chức y tế Nam Phi hôm 23/11 phát hiện biến chủng mới trong mẫu bệnh phẩm thu ngày 14-16/11, sau đó thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các tỉnh Gauteng, Tây Bắc và Limpopo nhanh chóng trở thành điểm nóng liên quan tới biến chủng mới.

Chưa đầy hai tuần sau, Omicron từ châu Phi lan tới châu Á. Truyền thông Hong Kong ngày 25/11 đưa tin phát hiện ca nhiễm "biến chủng SARS-CoV-2 mới" đầu tiên tại đặc khu, được xác định là Omicron trên một người trở về từ Nam Phi. Sau đó một ngày, Bộ Y tế Israel thông báo phát hiện một ca nhiễm và hai ca nghi nhiễm biến chủng Omicron.

Một ngày sau, châu Âu ghi nhận ca nhiễm chủng Omicron đầu tiên, là một người chưa tiêm vắc xin tại Bỉ. CDC châu Âu nhận định, Omicron có "tiềm năng thoát khỏi hệ miễn dịch và có lợi thế lây nhiễm mạnh hơn ngay cả khi so với Delta". Vậy nên, có rủi ro rất cao là nó sẽ lây lan ra toàn châu Âu.

Mỹ tới nay chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng mới. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Omicron đã xuất hiện ở Nam Phi, Botswana, Hong Kong (Trung Quốc) và Bỉ.

"Siêu biến thể" Omicron với hơn 30 đột biến trong gai protein phát hiện lần đầu ở Botswana, lan nhanh ra các nước phía nam châu Phi và xuất hiện tại nhiều nơi khác trên thế giới.

2. Omicron có thể lây nhiễm mạnh hơn Delta tới 500%

Biến chủng Omicron được cho là ảnh hưởng tới người ở nhóm tuổi dưới 25, có nhiều đột biến và lây lan nhanh hơn chủng Delta. Thông thường, khi SARS-CoV-2 nhân lên trong cơ thể người, các đột biến liên tục phát sinh. Hầu hết không cung cấp cho virus những lợi thế mới.

Omicron lần đầu xuất hiện ở Botswana, phân tích tại Phòng thí nghiệm HIV Botswana Harvard. Sau khi giải trình tự gene, các nhà khoa học tìm thấy khoảng 50 đột biến mới. Trong protein S mà virus dùng để bám vào tế bào có 30 đột biến - con số nhiều chưa từng thấy, gấp đôi chủng Delta.

Giới khoa học lo ngại rằng sự "siêu đột biến" này sẽ giúp biến thể dễ lây lan hơn và lẩn tránh được hệ miễn dịch. Hôm 26/11, Tiến sĩ Fauci cho biết giới khoa học đang gấp rút tìm hiểu xem Omicron có thể lẩn tránh hệ miễn dịch hay không, và nhận định mọi chuyện đang trở nên khó dự đoán.

Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Eric Feigl-Ding của Mỹ mới đây đã đăng tải lên Twitter một số thông tin về Omicron. Trong đó, đáng chú ý nhất là đánh giá của ông về khả năng lây nhiễm của biến thể này so với Delta.

"Biến thể B.1.1.529 (Omicron) có thể lây nhiễm mạnh hơn Delta tới 500% - một chỉ số khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Đây là một con số thật sự rất sốc nếu thông tin này hoàn toàn chính xác. Hãy hy vọng dữ liệu sơ bộ này là không đúng. Chúng tôi thực sự muốn dữ liệu sơ bộ này là sai. Vì nếu nó không sai, nó rất nguy hiểm", ông Feigl-Ding nói.

3. Vắc xin mất hiệu lực với biến chủng Omicron?

Richard Lessells, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal ở Durban, lo ngại nó có thể trở thành biến chủng lưu hành rộng rãi trong nước.

Theodora Hatziioannou, chuyên gia virus tại Đại học Rockefeller ở New York, cho rằng các đột biến của Omicron phát triển lần đầu bên trong người suy giảm miễn dịch. Thay vì bị loại bỏ trong vài ngày, virus tồn tại ở cơ thể bệnh nhân hàng tháng, học cách thích nghi và trốn tránh kháng thể. Omicron có nhiều đột biến ở các vùng tương tự protein S. Bà Hatziioannou cho rằng các đột biến chồng chéo này "khá ấn tượng".

Bà và các đồng nghiệp lo ngại điều này có thể khiến virus né tránh kháng thể từ vắc xin. Một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng cũng không hoạt động với Omicron.

Nhưng William Hanage, chuyên gia dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan đem đến góc nhìn khả quan hơn. Ông và nhiều chuyên gia nhận định vắc xin vẫn bảo vệ tốt người dùng khỏi biến chủng Omicron, song cần nghiên cứu sâu hơn để xác định độ hiệu quả của chúng giảm bao nhiêu.

Tiến sĩ Hatziioannou cũng nhận định vắc xin không chỉ kích thích kháng thể, nó còn sản sinh ra các tế bào miễn dịch đặc trị, tấn công trực tiếp tế bào nhiễm bệnh. Các đột biến ở protein virus không làm giảm phản ứng của những tế bào này.

Chuyên gia cảnh báo biến chủng mới có nguy cơ làm quá tải hệ thống y tế nếu lây lan nhanh

Các hãng dược không chờ đợi kết luận từ giới khoa học. Kể từ 26/11, nhiều công ty chủ động nghiên cứu biến chủng mới, xem xét tác động của nó lên vắc xin. Họ cho biết việc phát triển lô hàng thử nghiệm mới có thể mất vài tuần.

Nếu vắc xin hiện hành của Moderna (bao gồm cả mũi bổ sung) tỏ ra yếu thế trước biến thể mới, một giải pháp được đưa ra sẽ là tăng liều lượng mũi bổ sung cho cộng đồng - điều mà Moderna đang thử nghiệm. Hiện tại công ty đang thử tiêm 2 mũi bổ sung cho một số ứng viên để đánh giá khả năng bảo vệ trước Omicron như thế nào. Ngoài ra, họ đang nghiên cứu mũi tiêm bổ sung chỉ dành riêng cho Omicron.

Pfizer tuyên bố nếu biến chủng có khả năng trốn thoát miễn dịch, hãng sẽ phát triển vắc xin thế hệ tiếp theo trong khoảng 100 ngày. AstraZeneca cũng cho biết họ đang tìm hiểu sự ảnh hưởng của Omicron với vắc xin của họ. Tương tự Johnson & Johnson cũng đang tiến hành thử nghiệm hiệu quả của vắc xin với Omicron.

4. Omicron liệu có trở thành mối đe dọa mới của toàn cầu, chấm dứt khát vọng "Game over" COVID-19?

Các nhà khoa học đồng tình cần theo dõi khẩn cấp biến chủng, song cũng cho rằng cộng đồng không nên quá hoang mang. Một số biến chủng như Delta thực sự nguy hiểm, song số khác (như Mu, Beta) cuối cùng lây lan hạn chế, không quá đáng ngại.

Cho đến nay, biến chủng Omicron khiến nhiều quốc gia cảm thấy lo ngại. Họ lập tức ban hành lệnh hạn chế di chuyển mới, đình chỉ chuyến bay hoặc cấm người đến từ khu vực phía nam châu Phi nhằm nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của Omicron.

Các quốc gia chịu ảnh hưởng của lệnh cấm bao gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Namibia, Zambia, Mozambique, Malawi và Zimbabwe. Bộ Y tế Nam Phi gọi động thái gấp rút áp đặt các lệnh cấm đi lại là "hà khắc".

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X