Những lợi ích không ngờ của phương pháp bơm keo sinh học trong điều trị suy giãn tĩnh mạch chân
Hiện nay, phương pháp bơm keo sinh học trong điều trị suy giãn tĩnh mạch chân đang trở thành ánh sáng mới trong điều trị. Dưới đây, TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức - Trưởng khoa Phẫu thuật tim - Mạch máu, Trưởng khu điều trị trong ngày, Bệnh viện Bình Dân sẽ nói về phương pháp này và lý do tại sao nó có thể là lựa chọn lý tưởng cho người bệnh.
1. Vì sao phương pháp bơm keo sinh học không áp dụng điều trị suy giãn tĩnh mạch sâu?
Thưa BS, bơm keo sinh học được áp dụng điều trị suy giãn tĩnh mạch nông ở chân nhưng không áp dụng điều trị suy giãn tĩnh mạch sâu. Vì sao lại có mối liên quan này ạ?
TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Tĩnh mạch ở chân là hệ thống dẫn máu từ chân về tim sau khi nuôi toàn bộ cơ thể. Có 2 hệ thống tĩnh mạch: tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu.
Hệ thống tĩnh mạch nông nằm sát dưới da, nổi đỏ da ở người gầy. Hệ thống tĩnh mạch sâu rất quan trọng, nó dẫn khoảng 90% lượng máu từ chân về tim. Hệ thống này nằm sâu, đi trong bó cơ và nằm sát xương. Chính vì tĩnh mạch sâu rất quan trọng nên không thể dùng laser, sóng cao tần hay keo sinh học để làm tắc tĩnh mạch sâu. Nếu làm như vậy, máu từ chân không thể đi về tim gây phù chân, một số trường hợp có thể hoại tử, máu đông chạy về phổi làm thuyên tắc phổi, bệnh nhân sẽ mắc bệnh lý về phổi. Do đó, những biện pháp can thiệp chủ yếu thực hiện trên hệ thống tĩnh mạch nông.
2. Bơm keo sinh học điều trị suy giãn tĩnh mạch chân có nguy có tái phát không?
Thưa BS, một số cơ sở điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng phương pháp bơm keo sinh học khẳng định làm duy nhất một lần và không tái phát. Nhiều người lại cho rằng chi phí phương pháp này hơi đắt, tỉ lệ tái phát lại cao hơn laser và sóng cao tần. Quan niệm của BS về 2 vấn đề này thế nào ạ?
TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới là hiện tượng trào ngược trong lòng tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch giãn, làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch, nhất là vùng cẳng chân. Điều này khiến bệnh nhân có các triệu chứng như đau, nặng chân, mạch nổi ngoằn ngoèo dưới da.
Trước đây, để điều trị vấn đề này cần phẫu thuật rút bỏ tĩnh mạch giãn, đây là phương pháp cổ điển khá nặng nề và xâm lấn nên ngày nay không thực hiện nữa.
Từ năm 1999 xuất hiện phương pháp can thiệp nội mạch. Đó là laser, sóng cao tần dùng nhiệt tác động lên thành mạch, làm tĩnh mạch bị tắc và teo lại, phương pháp này cũng giống mổ nhưng không can thiệp lên tĩnh mạch. Tuy nhiên khi dùng nhiệt bệnh nhân sẽ đau và khó chịu. Trước khi thực hiện phải bơm nước xung quanh để tĩnh mạch ngập trong nước, sau đó phát tia nhiệt bệnh nhân mới không đau. Do đó, việc chích thuốc nhiều sẽ khiến bệnh nhân khó chịu trong quá trình thực hiện. Sau hậu phẫu, bệnh nhân còn thấy căng tức vùng đùi và xuất hiện vết bầm.
Tuy nhiên, từ năm 2015, 2016 xuất hiện phương pháp mới là dùng chất keo sinh học để dán tĩnh mạch. Đây là loại keo sinh học đã áp dụng từ thập niên 1950 để dán những vết thương rách da. Keo sinh học cũng được sử dụng bên chuyên khoa Ngoại thần kinh ở bệnh nhân dị dạng mạch máu não, keo cũng có tác dụng làm tắc mạch máu não.
Vì đây là keo sinh học nên không gây phản ứng dị ứng, không gây phản ứng thải chất lạ trong cơ thể. Sau một thời gian, keo sẽ được cơ thể hấp thu. Khi keo tiếp xúc với máu sẽ polime hóa, tạo thành chất nhựa làm tắc tĩnh mạch.
Do đó, bơm keo sinh học vào lòng tĩnh mạch nhẹ nhàng hơn nhiều so với can thiệp bằng laser và sóng cao tần. Chính vì vậy mà phương pháp này có chi khí khá cao.
Tuy nhiên, ở phương pháp nào cũng có tỷ lệ tái phát nhất định. Ngay cả laser, thậm chí mổ cũng tái phát. Khi mổ, bác sĩ sẽ rút bỏ tĩnh mạch, còn can thiệp bằng nhiệt như laser, sóng cao tần hoặc bơm keo là làm tắc lòng mạch bên trong. Một số trường hợp sau thời gian, lòng bên trong tái thông lại, làm bệnh tái phát.
Ngoài ra, việc tái phát bệnh hay không còn tùy vào kỹ thuật của người thực hiện. Nếu làm đúng nguyên tắc, bệnh nhân sẽ không có biến chứng, đồng thời tĩnh mạch bị tắc vĩnh viễn. Do đó không thể nói bơm keo sinh học dễ tái phát hơn các phương pháp khác.
Tại Bệnh viện Bình Dân, chúng tôi làm laser và sóng cao tần rất nhiều, một năm có mấy đến trăm ca nhưng tỷ lệ tái thông gần như không có. Chúng tôi cũng thực hiện bơm keo sinh học gần 100 ca từ 2022 đến nay, tuy nhiên không thấy trường hợp tái thông.
Bơm keo sinh học chỉ áp dụng ở tĩnh mạch nông. Tuy nhiên, “người ta nói làm duy nhất một lần và hết luôn”, chúng ta cũng cần lưu ý vì cơ thể còn nhiều tĩnh mạch khác. Tĩnh mạch đang khỏe mạnh phải được bảo vệ, nếu ngồi lâu, đứng lâu tĩnh mạch sẽ giãn ra, gây suy tĩnh mạch khác chứ không phải tái phát.
3. Bơm keo sinh học điều trị suy giãn tĩnh mạch chân có thể thực hiện cùng lúc trên 2 chân
Thưa BS, ưu điểm vượt trội của phương pháp bơm keo sinh học so với những phương pháp trước đây là gì ạ?
TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Bơm keo sinh học vào tĩnh mạch là kỹ thuật rất mới. Năm 2016, trên thế giới mới bắt đầu thực hiện tại Mỹ, sau đó là các nước châu Á. Bênh viện Bình Dân học tập tại Singapore vào năm 2018. Sau khi nghiên cứu tài liệu, sách vở, vào năm 2022 sau dịch COVID-19, chúng tôi bắt đầu thực hiện lần đầu tiên.
Chất keo sinh học được cơ thể đáp ứng tốt, không gây phản ứng dị ứng, không gây quái thai cho phụ nữ sinh con, không gây ung thư. Chất keo này còn có thể điều trị vết rách. Ví dụ, mổ bướu cổ thay vì may bằng chỉ, chúng ta có thể dán lớp keo sinh học.
Ưu điểm của keo sinh học so với sóng laser và cao tần là không sử dụng nhiệt. Keo sinh học rất đắt tiền, một lọ keo khoảng 3cc dùng cho một người nước ngoài do họ cao nên tĩnh mạch dài. Nhưng với người Việt Nam, một lọ keo có thể dùng được cho hai chân.
Thực hiện laser hoặc sóng cao tần không thể thực hiện hai chân cùng lúc vì bệnh nhân rất khó chịu, nhưng với keo sinh học thì có thể. Trong quá trình bơm keo sinh học, bệnh nhân dễ chịu, hậu phẫu tốt hơn, trở lại sinh hoạt, lao động nhanh hơn, rút ngắn thời gian nằm viện, không cần quay lại bệnh viện thực hiện ở chân còn lại. Với kinh nghiệm thực hiện gần 100 ca gần đây, BS thấy sự khác biệt rất rõ ràng.
4. Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học: Chi phí đắt đỏ có là trở ngại lớn?
Thưa BS, như BS chia sẻ thì chi phí bơm keo sinh học khá đắt. Vậy với người Việt Nam thì chi phí có là vấn đề trở ngại không ạ?
TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Đây là câu hỏi được nhiều bệnh nhân quan tâm, ngay cả chúng tôi cũng vậy. Khi tiếp cận với kỹ thuật này tại Singapore, chúng tôi đã gặp công ty sản xuất dụng cụ này. Khi họ báo giá, chúng tôi cũng hơi e ngại khi mang về áp dụng cho người Việt Nam vì chi phí đắt hơn gấp đôi so với điều trị laser và sóng cao tần.
Ban đầu chúng tôi áp dụng lên những bệnh nhân có điều kiện kinh tế. Sau khi nắm chắc kỹ thuật, có sáng kiến mới, chúng tôi thấy phương pháp này có thể thực hiện 2 chân cùng lúc. Thời gian đầu chúng tôi ưu tiên cho bệnh nhân bị 2 chân vì phương pháp laser và sóng cao tần khiến bệnh nhân rất khó chịu, còn bơm keo sinh học chỉ cần đâm kim một lần, đưa dây dẫn vào bơm keo trong lòng tĩnh mạch. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân ít thấy khó chịu. Dĩ nhiên chúng tôi đã tham khảo qua các chuyên gia nước ngoài về việc thực hiện cùng lúc trên 2 chân. Do đó, thời gian bệnh nhân trở lại làm việc nhanh hơn so với các phương pháp khác.
Có thể thấy, tuy bộ dụng cụ keo sinh học đắt gấp đôi phương pháp khác nhưng do có thể thực hiện trên 2 chân cùng lúc nên thời gian nằm viện ngắn hơn, không mất thời gian quay lại bệnh viện làm chân đối bên. Vì vậy, nếu tính về mặt kinh tế, keo sinh học cũng không quá đắt so với laser và sóng cao tần. Thậm chí BS thấy hiệu quả kinh tế hơn do bệnh nhân không phải nằm lâu, trở lại công việc hằng ngày nhanh chóng.
5. Kế hoạch mở rộng đào tạo kỹ thuật bơm keo sinh học điều trị suy giãn tĩnh mạch chân của Bệnh viện Bình Dân
Thưa BS, hiện tại Bệnh viện Bình Dân có kế hoạch gì để mở rộng đào tạo các cơ sở khác để cùng nhau kết nối và điều trị tốt hơn cho bệnh nhân không ạ?
TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Bệnh viện Bình Dân là bệnh viện tuyến cuối về ngoại khoa. Song song với phương pháp điều trị, chúng tôi cũng không quên công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện khác, cũng như các đồng nghiệp trong nước.
Từ năm 2023 đến nay, chúng tôi đã mở 2 lớp đào tạo cho hơn 30 bác sĩ đến từ các tỉnh miền Bắc. Trong năm nay, các bác sĩ niềm Trung và miền Nam đến học. Chúng tôi sẽ hướng dẫn về lý thuyết, kỹ thuật và thực hiện trên bệnh nhân. Bên cạnh đó còn chuyển giao cho các bác sĩ về mấu chốt trong kỹ thuật để các bác nắm vững và thực hiện hiệu quả, tránh biến chứng không mong muốn.
6. Nhược điểm và biến chứng của phương pháp bơm keo sinh học trong điều trị suy giãn tĩnh mạch chân
Thưa BS, bên cạnh những ưu điểm, keo sinh học có tồn tại nhược điểm nào hay dẫn đến biến chứng không ạ?
TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Nhiều bệnh nhân cũng hay hỏi chúng tôi câu này. Trước khi thực hiện, chúng tôi cũng giải thích rõ cho bệnh nhân hiểu. Dĩ nhiên phương pháp nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm, không có gì là tuyệt đối.
Những tĩnh mạch nằm sát da, có thể nhìn thấy rõ thì không nên dùng keo sinh học. Do keo gặp máu biến thành nhựa, khi bệnh nhân sờ vào sẽ thấy cục keo dưới da và gây khó chịu.
Bên cạnh đó có tỷ lệ rất nhỏ bệnh nhân dị ứng, gây nhiễm trùng, phản ứng viêm làm bệnh nhân có vết viêm đỏ dọc theo đường tĩnh mạch được điều trị.
Trường họp hiếm hơn nữa có thể viêm loét ở vị trí đó. Tuy nhiên đa số chỉ cần uống thuốc sẽ hết, chỉ có 1/1000 trường hợp phải mổ lấy keo ra. Còn lại gần như không còn tác dụng phụ nào khác.
Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật người làm phải tốt. Nếu kỹ thuật bơm, dán không khéo, keo có thể trôi vào trong sâu gây bất lợi lớn cho cơ thể. Do đó, không phải cơ sở nào cũng có thể thực hiện phương pháp này.
Hiện nay tại miền Nam, Bệnh viện Bình Dân thực hiện phương pháp bơm keo nhiều nhất, một số nơi khác rất ít. Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ hiểu rõ về nó, nắm chắc bệnh lý, vì không phải suy tĩnh mạch nào cũng áp dụng được. Có những tĩnh mạch nông nhỏ không nên thực hiện. Vì đôi khi quá nhỏ, quá nông cũng gây bất lợi.
7. Keo sinh học sẽ được cơ thể hấp thu và biến mất sau 6-12 tháng
Thưa BS, sau khi thực hiện, keo sẽ nằm ở vị trí đó hay có hao mòn hay trôi đi chỗ khác theo thời gian không ạ?
TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm, thậm chí khi bắt đầu học tại Singapore tôi cũng quan tâm đến vấn đề này. Đối với điều trị tĩnh mạch bằng laser dùng nhiệt làm tĩnh mạch bị tắc, theo thời gian khoảng từ 3-6-12 tháng, tĩnh mạch sẽ biến mất, teo đi.
Đối với keo sinh học, chúng tôi cũng nghiên cứu tuy với số liệu chưa lớn, nhưng kết quả cơ thể sẽ hấp thu keo theo thời gian và biến mất sau 6-12 tháng.
Do keo sinh học được áp dụng từ năm 1950 và điều trị các bệnh khác như dị dạng mạch máu não dùng keo làm tắc dị dạng. Do đó, người ta nhận thấy không có tác dụng phụ. Một bác sĩ người Mỹ chuyên về tĩnh mạch nghĩ rằng “Keo sinh học bơm vào mạch máu não được, vậy tại sao không dùng bơm vào tĩnh mạch?” Sau đó ông đã thiết kế bộ dụng cụ phù hợp với bệnh lý tĩnh mạch cho hiệu quả rất tốt.
8. Chuyên gia chia sẻ 2 dạng tái phát của suy giãn tĩnh mạch chân và cách khắc phục
Thưa BS, nguyên nhân nào dẫn đến tái phát sau khi bơm keo sinh học ạ? Liệu bệnh nhân có thể làm gì để ngăn chặn tái phát ạ?
TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Có 2 dạng tái phát:
Thứ nhất là tĩnh mạch đã được điều trị tái thông trở lại sau thời gian bơm keo, dùng laser, sóng cao tần. Để tránh tái phát cần thực hiện kỹ thuật thật tốt. Bác sĩ phải biết lượng nhiệt, lượng keo bao nhiêu để có thể tắc mạch vĩnh viễn.
Thứ hai là suy giãn tĩnh mạch khỏe mạnh. Do đó, bệnh nhân cần bảo vệ tĩnh mạch khỏe mạnh bằng cách tập thể dục, không đứng lâu, ngồi lâu...
Tóm lại, để tránh tái phát, bác sĩ phải điều trị đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, người bệnh đừng nghĩ đã điều trị xong là hết bệnh mà phải phòng ngừa để những tĩnh mạch khỏe không bị suy.
9. Sau khi bơm keo sinh học, bệnh nhân có thể sinh hoạt, làm việc bình thường
Thưa BS, sau khi bơm keo sinh học cần khoảng 2-3 tháng để tĩnh mạch mờ dần và biến mất. Vậy trong khoảng thời gian này, bệnh nhân cần lưu ý vấn đề gì khi vận động, đi lại, massage để không tái phát ạ?
TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Keo sinh học có sự kết dính rất chắc nên khi vận động, keo không thể gãy hay trôi đi. Keo khi tiếp xúc với máu sẽ polime hóa, những phân tử đó kết dính rất chắc và rất dẻo. Tuy keo nằm trong chân nhưng bệnh nhân không có cảm giác có keo nằm trong người.
Do đó, sau điều trị, bệnh nhân có thể làm việc bình thường, không cần quan tâm đến keo trong người. Tuy nhiên, nếu có hiện tượng phù chân, ửng đỏ, bệnh nhân phải đi gặp bác sĩ ngay. Bệnh nhân cũng không cần massage để keo tan mà tự cơ thể sẽ hấp thu sau thời gian. Keo sinh học không quá cứng và liên kết rất chắc nên không có tác dụng phụ như keo thông thường. Do đó, bệnh nhân không cần quá lo lắng và không cần thực hiện thêm động tác gì cả.
10. Bệnh nhân cần vận động nhẹ nhàng trong 1-2 tuần đầu sau khi bơm keo sinh học
Sau khi thực hiện bơm keo sinh học, bệnh nhân có cần lưu ý gì trong cuộc sống hằng ngày không, thưa BS?
TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Bệnh nhân không cần lưu ý hay quan tâm quá nhiều. Bệnh nhân chỉ cần theo dõi trong 1-2 tuần đầu, để phát hiện dấu hiệu bất thường (nếu có). Sau đó, bệnh nhân có thể làm việc bình thường. Tuy nhiên phải phòng ngừa không tái phát ở những tĩnh mạch khác như tránh đứng lâu, tránh ngồi lâu, không mặc đồ quá chật, không ngâm nước nóng, sau can thiệp đừng chơi thể thao vận động quá mức. Bất kể phương pháp nào cũng vậy, cần vận động nhẹ nhàng trong 1-2 tuần đầu.
11. Keo sinh học được thiết kế theo công thức khác nhau để phù hợp với từng loại bệnh lý
Thưa BS, tại Bệnh viện Bình Dân, ngoài áp dụng bơm keo sinh học điều trị suy giãn tĩnh mạch chân còn áp dụng điều trị bệnh nào khác không ạ?
TTƯT.BS.CK2 Hồ Khánh Đức trả lời: Keo sinh học điều trị suy giãn tĩnh mạch được thiết kế riêng nên không thể dùng điều trị bệnh lý khác.
Keo sinh học cũng dùng để tắc mạch máu não nhưng phải thiết kế theo kiểu khác. Một số trường hợp mổ chảy máu bề mặt, không thể cầm máu bằng may vá thông thường hoặc mổ nội soi, keo sinh học có tác dụng cầm máu bề mặt rất tốt. Hoặc những miệng nối mạch máu lớn ở tim, nguy cơ chảy máu cao sau khi may có thể bơm keo xung quanh để gia cố đường may, không chảy máu sau hậu phẫu. Hay trường hợp mổ đặt lưới trong thoát vị bẹn, thoát vị thành bụng, thay vì dùng chỉ may có thể dùng keo dán cố định miếng lưới. Đó là những tác dụng của keo sinh học. Tuy thành phần giống nhau nhưng mỗi bệnh lý được thiết kế theo công thức khác nhau để phù hợp với bệnh lý đó.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình