Hotline 24/7
08983-08983

Những điều nên biết trước khi đưa ra quyết định bọc răng sứ

Bọc răng sứ vẫn đang là phương pháp làm đẹp hữu hiệu nhất hiện nay. Nếu như thực hiện đúng cách thì bọc răng sứ không chỉ mang lại hiệu quả về thẩm mỹ mà chúng còn làm tái cấu trúc lại lực nhai cho toàn bộ hàm của bạn. BS.CK1 Phan Bá Ngọc sẽ giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề bọc răng sứ cho bạn đọc AloBacsi.

1. Những trường hợp nên và không nên bọc răng sứ

Thưa BS, những trường hợp nào nên và không nên bọc răng sứ?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Những trường hợp nên bọc răng sứ là:

  • Khi răng bị sâu mức độ nặng dẫn đến viêm tủy. Sau khi lấy tủy răng thì nên bọc răng sứ để phục hình lại hình dạng ban đầu của răng, đảm bảo chức năng ăn, nhai.
  • Răng bị tai nạn bể, gãy nhiều nên bọc răng sứ hoặc làm cầu răng để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ cũng như chức năng ăn uống.
  • Khi bị mất một hoặc nhiều răng. Nếu để kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng tiêu xương, mất chức năng ăn, nhai. Khi bị mất răng thì răng ở hàm trên thường sẽ dài xuống, những răng xung quanh bị xô lệch và nghiêng dần về phía khoảng trống mất răng. Việc làm cầu răng sứ sẽ đảm bảo chức năng ăn, nhai và giữ tốt những cái răng xung quanh. Khi không đủ điều kiện để cắm implant thì việc chỉ định bọc răng sứ là một giải pháp tốt.

Những trường hợp không nên bọc răng sứ là:

  • Răng bị lệch quá nhiều nếu tiến hành bọc răng sứ sẽ không tốt cho khớp cắn hoặc bị nhồi nhét thức ăn gây ra viêm nướu, mất răng sớm.
  • Trẻ em dưới 18 tuổi, trừ trường hợp cấp thiết được bác sĩ chỉ định.
  • Răng bị viêm nha chu, lung lay không nên bọc răng sứ vì thao tác mài sẽ khiến tình trạng viêm nha chu nặng hơn.
  • Hàm răng bị hô, vẩu, móm do cấu trúc xương hàm: Khi bọc răng sứ phải mài răng quá nhiều sẽ khiến chân răng bị yếu. Trường hợp nay nên thực hiện phương pháp niềng răng trước để điều chỉnh răng về đúng vị trí rồi mới tiến hành bọc răng sứ.
  • Mắc các bệnh lý về sức khỏe như đái tháo đường, bệnh nhân đang xạ trị ung thư...

2. Ưu, nhược điểm của bọc răng sứ so với các phương pháp phục hình răng khác

Ưu điểm và nhược điểm của việc bọc răng sứ so với các phương pháp khác là gì, thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Hiện tại, phục hình răng có 3 phương pháp chính: Làm răng tháo lắp, cắm implant và phục hình răng sứ (làm cầu răng hoặc bọc màu răng). So với những phương pháp khác, bọc răng sứ có những ưu điểm và nhược điểm riêng.

So với phương pháp làm răng tháo lắp thì bọc răng sứ ưu điểm là chức năng ăn, nhai tốt hơn, khắc phục được tình trạng răng chạy sai vị trí.

So với phương pháp implant, bọc răng sứ có một số nhược điểm như buộc phải mài răng và xâm lấn sang các răng bên cạnh, có thể làm tổn thương phần mô răng.

3. Phân loại các loại răng sứ và cách lựa chọn răng sứ phù hợp

Hiện nay có những loại/dạng bọc răng sứ nào? Độ bền của răng sứ ra sao, thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Bọc răng sứ có hai phương pháp: mão răng và làm cầu răng. Mão răng là chỉ bọc sứ một răng. Còn khi bị mất từ hai răng trở lên sẽ mài những răng xung quanh để làm cầu răng.

Về phân loại thì hiện nay răng sứ cũng có nhiều loại khác nhau. Hai dòng phổ biến nhất là răng sứ kim loại và răng toàn sứ. Răng sứ kim loại hay còn gọi là sứ titan, có 2 lớp: khung sườn làm từ titan, bên ngoài phủ sứ. Răng toàn sứ thì từ khung sườn bên trong cho đến lớp men bên ngoài đều được làm từ sứ.

Nhiều bạn đọc có thắc mắc là không biết nên sử dụng loại răng sứ nào để có được hàm răng đẹp như những người nổi tiếng. Nhờ BS tư vấn thêm cho bạn đọc ạ.

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Như tôi đã nói, răng sứ có 2 loại phổ biến. Loại có lớp trong bằng kim loại như titan, crom corban và hợp chất khác, bên ngoài đắp sứ. Loại này có ưu điểm là rẻ nhưng sử dụng lâu sẽ bị oxy hóa, màu răng trở nên đục và gây đen nướu răng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Răng toàn sứ cũng có nhiều dòng từ cấp thấp đến cấp cao tùy thuộc vào giá tiền. Loại này khắc phục được nhược điểm của răng sứ kim loại đó là có màu sắc tự nhiên, không xảy ra tình trạng oxy hóa làm đen cổ răng, nướu răng. Dòng răng toàn sứ có hiệu quả thẩm mỹ tốt hơn.

Xét về chức năng ăn nhai thì cả hai loại răng sứ nêu trên đều thực hiện tốt như nhau. Chúng ta thấy các bạn làm nghề nghiệp như KOL, ca sĩ, diễn viên có hàm răng trắng rất đẹp thì đa số các bạn sử dụng loại răng toàn sứ. Về chi phí, làm răng toàn sứ dao động từ 2 đến 3 triệu đồng trở lên/cái.

4. Mất bao lâu để hoàn thành quy trình bọc răng sứ

Quy trình bọc răng sứ sẽ diễn ra như thế nào, mất bao lâu để hoàn thành thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Đầu tiên trong quy trình là bác sĩ thăm khám để xem tình trạng răng của bệnh nhân có nằm trong chỉ định bọc răng sứ hay không. Dù bệnh nhân có nhu cầu bọc răng sứ nhưng nằm trong trường hợp chống chỉ định thì bác sĩ vẫn sẽ từ chối. Sau khi thăm khám và chụp X-quang, bác sĩ sẽ tư vấn những loại răng sứ phù hợp với bệnh nhân.

Bước tiếp theo là vệ sinh răng miệng. Nếu bệnh nhân bị viêm tủy thì phải lấy sạch tủy, hoặc bị sâu răng thì phải trám lại trước. Sau đó nha sĩ tiến hành mài răng. Một thông tin thêm là ngoài việc bọc răng sứ thì có một lựa chọn khác là dán mặt dán veneer. Phương pháp này chỉ mài một lớp mỏng ở mặt trước răng rồi tiến hành dán veneer.

Việc mài răng tùy vào phương pháp sử dụng. Bệnh nhân chỉ làm mão răng sẽ mài mặt trên, mặt nhai, mặt ngoài, mặt trong, mặt gần, mặt xa. Dán veneer thì chỉ mài mặt ngoài hoặc mặt nhai. Hoàn thành quá trình này, khách hàng sẽ được lấy dấu ni gửi sang labo để làm răng sứ. Việc đúc răng sứ kéo dài trong vòng khoảng 2 đến 4 ngày. Trong khoảng thời gian chờ đợi, bệnh nhân sẽ được gắn răng tạm thời để đảm bảo tính thẩm mỹ, không bị trống răng.

Giai đoạn tiếp theo, nha sĩ sẽ gắn tạm răng sứ để xem cảm giác ăn nhai và xem bệnh nhân có hài lòng về chiếc răng sứ đó không. Sau khi gắn tạm 1 tuần thì sẽ tiến hành gắn kết thúc. Vậy là đã hoàn thành quy trình gắn răng sứ.

5. Mài răng bọc sứ, răng thật có bị yếu đi không?

Bọc răng sứ có nhất thiết phải mài răng không? Bọc răng sứ có làm cho răng thật yếu đi không?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Có một vài trường hợp làm răng sứ không cần mài ví dụ như bị thưa kẽ răng. Trường hợp này có thể lấy dấu và gửi đến labo để đúc răng sau đó gắn chắn kẽ mà không cần mài răng. Phần lớn các trường hợp khác, để làm mão răng, cầu răng hay gắn veneer thì đều phải mài răng, tùy tình trạng mà bác sĩ mài nhiều hay mài ít.

Việc tác động đến men răng tất nhiên vẫn gây tổn thương đến men răng đó. Tuy nhiên, nếu bị mất răng và không có điều kiện để cắm implant thì đây là phương pháp tốt, bắt buộc phải thực hiện. Tình trạng đau, ê buốt sau khi mài răng còn phụ thuộc vào kỹ thuật của nha sĩ và mức độ nhạy cảm của từng người. Có người không bị ê buốt, có người bị ê buốt trong một, hai ngày hoặc kéo dài cả tuần hay thậm chí một tháng. Nhưng cảm giác đau, ê buốt sẽ giảm dần và hết hẳn. Nếu gặp tình trạng đau, ê buốt kéo dài thì cần quay lại gặp bác sĩ để điều chỉnh lại răng sứ hoặc lấy tủy răng.

6. Có nên bọc răng sứ thẩm mỹ cho hàm hô hay không?

Thưa BS, bọc răng sứ có khắc phục được tình trạng răng hô, răng vẩu không ạ?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Hô, vẩu có 2 nguyên nhân chính: do xương và do răng. Nếu do răng thì bọc răng sứ có thể cải thiện được, mức độ cải thiện tùy tình trạng của mỗi người. Trường hợp bị hô xương hàm, bọc răng sứ chỉ có thể cải thiện rất ít vì nguyên nhân chính là do xương và phải tiến hành phẫu thuật xương hàm mới hết được. Tùy theo tình trạng răng mà khi thăm khám bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn cụ thể, có thể niềng răng trước rồi mới bọc sứ sẽ có kết quả tốt hơn.

7. Chi phí bọc răng sứ

Chi phí bọc răng sứ là bao lâu? Chí phí này sẽ khác nhau dựa trên những yếu tố nào, thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Giá thị trường của răng sứ kim loại khoảng 700.000 đến 1.000.000 đồng tùy hãng. Răng sứ titan có giá khoảng 1.500.000 đến 2.000.000 đồng. Răng toàn sứ có mức giá là 2.500.000 đến 3.000.000 đồng. Chất liệu tạo nên răng sứ và các yếu tố như mặt bằng nha khoa có liên quan đến chi phí phải bỏ ra để làm răng sứ.

8. Cách chăm sóc răng miệng sau khi bọc răng sứ

Các vấn đề chúng ta có thể gặp phải sau khi bọc răng sứ là gì? Bao lâu sẽ hết tình trạng này, thưa BS? Vì sao có người bị hôi miệng sau khi bọc răng sứ?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Một số tình trạng có thể gặp sau khi bọc răng sứ là hôi miệng, ê buốt răng, chảy máu chân răng, đau nhức răng... Mỗi tình trạng đều có nguyên nhân khác nhau. Ê buốt răng do nhạy cảm có thể hết sau 1-2 ngày, 1 tuần hoặc 1 tháng. Tình trạng hôi miệng có 2 nguyên nhân chủ yếu. Nguyên nhân đầu tiên là do răng sứ bị hở phần dưới, hở phần nhịp cầu hoặc hở phần chân, thức ăn bị đọng lại gây tình trạng hôi miệng. Nguyên nhân thứ hai là việc vệ sinh răng miệng không tốt, không đánh răng hoặc vệ sinh không kỹ, không làm sạch thức ăn đọng.

Sau khi bọc răng sứ cần kiêng cữ những gì? Ăn uống và vệ sinh răng miệng ra sao?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Một số bệnh nhân có quan điểm là sau khi bọc răng sứ sẽ không bị sâu răng. Đây là một quan điểm sai lầm. Sau khi bọc răng sứ chúng ta vẫn phải chăm sóc răng miệng kỹ như răng thật, thậm chí là kỹ hơn. Trong quá trình bọc răng sứ có thể xảy ra nguy cơ bị nhồi nhét thức ăn nếu vệ sinh không kỹ. Chúng ta vẫn phải đánh răng 2 lần/ngày, dùng nước súc miệng, dùng chỉ nha khoa hay máy tăm nước để vệ sinh răng miệng như thông thường. Đặc biệt là vẫn phải đến nha khoa để cạo vôi răng và kiểm tra răng 3 - 6 tháng/lần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X