Hotline 24/7
08983-08983

Những điều mẹ nên và không nên làm khi con bị sốt

Sốt là phản ứng của cơ thể để chống lại nhiễm trùng. Vậy mẹ nên làm gì khi con bị sốt để giúp bé nhanh chóng giành lấy phần thắng trong "cuộc chiến" quyết liệt này?

Trẻ đang lên cơn sốt thường có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc, dễ nổi cáu, ngủ chập chờn, mặt đỏ hoặc tái mét, thân nhiệt tăng. Thân nhiệt bình thường của trẻ nằm trong khoảng 37-37,5°C, khi lên đến 38°C là bé bị sốt. Nguyên nhân gây sốt có thể là do cơ thể bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng...[1]

Dù trẻ bị sốt vì nguyên nhân gì, mẹ cũng nên lưu ý những điều sau đây để giúp bé hạ sốt an toàn và nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Những điều mẹ không nên làm

Trẻ có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ nếu mẹ dùng thuốc hạ sốt sai cách

Khi trẻ bị sốt cao, mẹ không nên tự ý cho trẻ uống Aspirin vì loại thuốc hạ sốt này có thể là “thuốc độc” gây ra hội chứng Reye. Đây là bệnh tổn thương não cấp tính, gan thoái hóa mỡ đa số sau nhiễm virus cấp tính. Trẻ có nguy cơ bị nôn, hôn mê, co giật, thậm chí ngưng thở.[2]

Bên cạnh việc tự ý mua thuốc hạ sốt, nhiều mẹ còn kết hợp thuốc trị cảm lạnh và cảm cúm. Điều này tiềm ẩn rủi ro tác dụng phụ, nhất là đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Vì thế, mẹ cũng không nên cho con uống nhiều loại thuốc điều trị cùng lúc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. [3]

Đối với trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh, mẹ thường có xu hướng mặc quần áo dài và bọc kín để tránh gió. Tuy nhiên, điều này có thể khiến thân nhiệt của bé tăng cao hơn. Nhất là khi bé bị sốt, mẹ lại càng không nên mặc cho con quần áo dài, đắp mền và bọc kín quá.

Vậy mẹ nên làm gì cho bé nhanh hết sốt?

Trẻ cần dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao từ 38,5°C trở lên để tránh nguy cơ bị co giật

Thay vì bọc kín trẻ, mẹ nên chọn quần áo thoáng mát với chất liệu vải mỏng. Ngoài ra, bé cũng cần được ở trong phòng thông thoáng, có cửa sổ nhỏ cách xa giường. Nếu trời nóng, mẹ có thể bật quạt nhẹ ở mức thấp nhất.

Đặc biệt, một trong những bí quyết đơn giản giúp trẻ nhanh hồi phục chính là dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng. Nếu trẻ còn bú mẹ, hãy tăng cường cho bé bú nhiều cữ hơn. Đối với trẻ nhỏ ăn dặm và trẻ lớn, mẹ nên cho bé uống nhiều nước đồng thời bổ sung nhiều thực phẩm có thành phần dinh dưỡng sau đây[4]:

●      Vitamin C (cam, quýt, bưởi, kiwi, bông cải xanh, cải bó xôi, rau dền xanh…)

●      Vitamin E (dầu thực vật, bơ thực vật, các loại quả hạch… )

●      Kẽm (hàu, chế phẩm từ sữa, gan, trứng gà, nấm… )

●      Beta caroten (cà chua, cà rốt, trứng cá… )

●      Omega 3 (cá biển, gan cá, dầu gan cá… )

Thực tế, trẻ có thể chịu đựng được ở mức sốt vừa 38-38,5°C nhưng nếu trẻ bị sốt cao ở nhiệt độ 39-40°C thì mẹ nên lưu ý. Trẻ sốt cao có nguy cơ bị mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn thần kinh, co giật, thiếu ôxy não, tổn thương các tế bào thần kinh, thậm chí hôn mê hoặc tử vong...[5]. Vì thế, mẹ nên thường xuyên đo thân nhiệt để biết khi nào cần dùng thuốc hạ sốt.

Mẹ nên cân nhắc dùng thuốc hạ sốt khi bé sốt cao từ 38,5°C trở lên. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và cho bé uống đúng liều lượng theo cân nặng. Trong trường hợp khẩn cấp chưa có chỉ định bác sĩ,  loại thuốc nên ưu tiên sử dụng là Paracetamol. Đây là loại thuốc phổ biến và an toàn với trẻ, ít gây kích ứng, dị ứng cũng như ít có tác dụng phụ nguy hiểm như các loại thuốc hạ sốt khác.[6]

Paracetamol dạng bột sủi dễ hòa tan trong nước giúp mẹ cho bé uống thuốc dễ dàng hơn

Thuốc hạ sốt Paracetamol có liều lượng sử dụng tuỳ thuộc vào số cân nặng của trẻ, liều lượng thông thường là từ 10-15 mg trên mỗi kg cân nặng cho 1 cữ thuốc. Mẹ chỉ nên cho bé dùng tối đa 60 mg/kg một ngày, mỗi lần uống thuốc cách nhau tối thiểu 4-6 tiếng. Nếu trẻ vẫn còn sốt trên 38,5°C thì mẹ có thể uống tối đa 4 cữ thuốc mỗi ngày.[7]

Khi lựa chọn thuốc hạ sốt cho bé, mẹ nên ưu tiên sử dụng dạng thuốc đường uống trước. Mẹ có thể sử dụng dạng thuốc dạng bột sủi hoà tan trong nước để giúp bé uống dễ dàng hơn, thuốc hấp thu nhanh và hiệu quả hơn. Dạng viên đặt hậu môn chỉ nên sử dụng trong các trường hợp như: trẻ đang nôn ói, trẻ sốt cao co giật hay trong trường hợp trẻ đang ngủ say.[8]

Mặc dù sốt là triệu chứng phổ biến ở trẻ, nhưng hiếm có người mẹ nào có thể cảm thấy “bình thường” mỗi khi chạm vào làn da nóng hừng hực của con. Do đó, mẹ cần kiên nhẫn thực hiện các cách hạ sốt tại nhà trước khi đưa bé đến bệnh viện tìm hiểu nguyên nhân. Nếu mẹ xử trí kịp thời và đúng cách thì cơn sốt có thể sẽ qua nhanh hơn mẹ tưởng đấy!

Bạn có thể tìm hiểu thêm về việc giảm đau hạ sốt an toàn tại đây. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X