Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần lưu ý trong quá trình điều trị viêm âm đạo khi mang thai

Phụ nữ mang thai rất dẽ bị viêm âm đạo do sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Bên cạnh đó, việc vệ sinh vùng kín không đúng cách sẽ là nguyên nhân gây viêm nhiễm nặng hơn. Chính vì vậy, chị em phụ nữ nên hết sức lưu ý trong việc vệ sinh vùng kín đúng cách.

Trong bài viết này hai chuyên gia của Bệnh viện Hùng Vương sẽ chia sẻ các thông tin xoay quanh vấn đề viêm âm đạo của chị em phụ nữ. Được biết, BS.CK2 Huỳnh Thị Thúy Mai đang đảm nhiệm cương vị Trưởng khoa Hậu sản B của Bệnh viện Hùng Vương. Chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm, công tác trên nhiều lĩnh vực của Sản Phụ khoa, từ Siêu âm, Phụ nội, Phụ ngoại, Nội tiết đến Hồi sức cấp cứu, Hậu phẫu, Sanh.  

Cùng với đó là BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh hiện đang là Trưởng khoa Khám bệnh A - Bệnh viện Hùng Vương. Bà có 17 năm gắn bó với ngành Y, trong đó có 15 năm không ngừng trau dồi, lĩnh hội kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực Sản Phụ khoa. 

1. Làm thế nào để không nhầm lẫn với các biểu hiện của thai kỳ?

Xin hỏi BS, vì sao phụ nữ mang thai dễ bị viêm âm đạo ạ? Các triệu chứng của viêm âm đạo khi mang thai dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của thai kỳ, làm sao để phân biệt, thưa BS?

BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh trả lời: Thai kỳ là một trong những yếu tố nguy cơ cho chị em phụ nữ bị viêm âm đạo, do trong giai đoạn thai kỳ người phụ nữ sẽ có những thay đổi về nội tiết. Đối với tình trạng viêm âm đạo khi mang thai sẽ xuất hiện những biểu hiệu như huyết trắng đổi màu xanh, vàng vón cục hoặc gây ra triệu chứng ngứa hay là gây mùi hôi.

Khi nhận thấy những triệu chứng bất thường rong giai đoạn mang nên đi thăm khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và cho thuốc đặt. Các mẹ bầu nên chú ý vì khi mang thai hoàn toàn không xuất hiện tình trạng huyết trắng bất thường như vậy.

Đối với những thai phụ mang thai lớn, đôi khi cũng sẽ  tiết một ít dịch trắng và rất dễ bị nhầm lẫn đối với dấu hiệu chuyển dạ. Khi bắt đầu bung nút nhầy hoặc xuất hiện các triệu chứng sắp chuyển dạ, cơ thể cũng sẽ ra một ít huyết trắng, đôi khi cũng dễ nhầm với tình trạng huyết trắng bệnh lý. Chính vì vậy, tốt nhất chị em nên đến bác sĩ để xác nhận xem những dấu hiệu bất thường xảy ra trong giai đoạn thai kỳ là gì để được tiếp nhận điều trị sớm nhất.

2. Phương pháp điều trị viêm âm đạo có gây ảnh hưởng đến thai nhi không?

Các mẹ bầu lo rằng, các giải pháp điều trị viêm âm đạo sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, thậm chí là gây dị tật. Thực hư thông tin này như thế nào, thưa BS?

- Vì lo ngại thuốc ảnh hưởng sức khỏe, nhiều bà mẹ lần lữa điều trị và dự định đợi đến sau sinh. Nếu viêm âm đạo không được điều trị sẽ tác động thế nào đến sức khỏe mẹ và bé?

BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh trả lời: Người phụ nữ khi mang thai, điều mong muốn sẽ cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người mẹ. Đối với tình trạng huyết trắng bệnh lý, khi điều trị các bác sĩ sẽ lựa chọn những loại thuốc hiện nay theo y văn thế giới để không ảnh hưởng đến em bé.

Thông thường đối với các thai phụ sẽ được kê thuốc đặt và không dùng thuốc uống. Việc sử dụng thuốc rửa hay thuốc bôi cũng trong một liệu trình giới hạn và sẽ có hẹn tái khám sau đó. Do đó các mẹ bầu sẽ không phải quá lo lắng về loại thuốc được các bác sĩ chọn lựa. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc đặt vì có thể không phù hợp, không đúng về tình trạng bệnh lý  và làm cho tình trạhng bệnh kéo dài.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, hàng ngày vẫn tiếp nhận những trường hợp than phiền về các triệu chứng viêm âm đạo. Chị em sẽ luôn được các bác sĩ thăm khám rất kỹ, lựa chọn những loại thuốc phù hợp và luôn giải thích cho người bệnh về việc sử dụng thuốc để có thể an tâm khi sử dụng.

Sẽ rất nguy hiểm nếu phụ nữ mang thai bị viêm nhiễm nhưng không điều trị. Khi viêm âm đạo, triệu chứng ban đầu là viêm đường sinh dục dưới, ống âm đạo là một ống thông từ dưới lên trên có thể gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai.

Ví dụ đối với thai nhỏ có thể gây dọa xảy thai hoặc xảy thai, ở thai lớn hơn sẽ gây ra tình trạng ói rửa non, chuyển dạ sinh non… Thậm chí sau khi người mẹ đã sinh con sẽ gặp tình trạng viêm nội mạc tử cung, là một bệnh lý rất nguy hiểm, gây ra các triệu chứng như đau bụng, sốt, phải dùng đến liệu trình điều trị kháng sinh mạnh mẽ thì mới qua được.

Chính vì vậy, các mẹ bầu khi xuất hiện các triệu chứng như âm đạo có huyết trắng hoặc khó chịu nên đi khám ngay để được điều trị sớm, tránh được những biến chứng của thai kỳ cũng như giúp cho em bé sinh ra được an toàn. Về thai nhi, trong trường hợp người mẹ viêm nhiễm, khi sinh ra trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng, ví dụ sau sinh bé sẽ bị nhiễm trùng, suy hô hấp...

3. Cần chú ý gì trong quá trình điều trị viêm âm đạo?

Như vậy, để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé trong quá trình điều trị viêm âm đạo, cần chú ý những gì, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Thị Thúy Mai trả lời: Người phụ nữ bị viêm âm đạo sẽ gây ra một số các bệnh lý như trường hợp viêm âm đạo do vi khuẩn sẽ dễ gây vỡ ói non, chuyển dạ sinh non, dễ gây xảy thai. Các trường hợp mắc bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như HIV, viêm gan, giang mai, herpes,… trong quá trình sinh nở có thể lây nhiễm bệnh qua cho con. Trường hợp mẹ bầu bị nhiễm Chlamydia (1 loại vi khuẩn gây viêm âm đạo) có thể gây nhiễm trùng mắt và viêm phổi ở trẻ.

Đối với trường hợp mẹ bầu mắc bệnh lậu, có thể gây chuyển dạ sinh non. Khi em bé sinh ra và đi qua ống âm đạo của người mẹ có thể lây nhiễm lên mắt của trẻ và gây mù, là một biến chứng rất nghiêm trọng. Trường hợp nhiễm liên cầu nhóm B, em bé sinh ra có thể gây biến chứng nặng và tử vong.

Khi mẹ bầu nghi ngờ bản thân bị viêm âm đạo, việc đầu tiên cần làm là nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn và điều trị bằng thuốc không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, mẹ bầu cần áp dụng những biện pháp để hạn chế tình trạng viêm âm đạo như không nên cố gắng duy trì việc ngứa vùng kín, viêm âm đạo chỉ vì sợ khi dùng thuốc sẽ gây ảnh hưởng đến con.

Về mẹ bầu nên mặc quần áo thông thoáng, không nên mặc quá chật và chất liệu phải thấm hút tốt, ví dụ như vải cotton. Không nên sử dụng băng vệ sinh hàng ngày liên tục, vì trong giai đoạn mang thai đôi khi sẽ có tăng tiết dịch âm đạo, việc mang băng vệ sinh hàng ngày sẽ làm cản trở và là một trong những nguyên nhân gây viêm âm đạo. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày, hạn chế và không thực hiện quan hệ tình dục trong giai đoạn mang thai. Nếu thực hiện quan hệ, cần vệ sinh sạch sẽ theo đúng phương pháp được hướng dẫn. Tập thể dục nhẹ nhàng và duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp hạn chế tình trạng viêm âm đạo.

4. Phương pháp điều trị dân gian truyền miệng liệu có an toàn và hiệu quả?

Trong dân gian truyền miệng nhiều phương pháp điều trị như sử dụng lá trầu, trà xanh, ngải cứu, trinh nữ hoàng cung. Từ góc nhìn khoa học, các phương pháp này có an toàn và hiệu quả? Nếu sử dụng cần chú ý gì?

BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh trả lời: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm rửa vệ sinh có chiết xuất từ thiên nhiên như lá trầu, trà xanh hay ngải cứu,…Đối với việc sử dụng các dạng nước rửa, các mẹ bầu nên nghe theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Việc thực hiện thục rửa âm đạo là một điều làm cấm kỵ, ngay cả ở những chị em phụ nữ không mang thai hoặc những người đang tiếp nhận điều trị cũng không nên sử dụng phương pháp này. Tuyệt đối không nên thực hiện thục rửa âm đạo vì sẽ gây ảnh hưởng đến độ pH của âm đạo cũng như ảnh hưởng đến thai.

Đối với các dạng dung dịch rửa hiện nay, trước khi đưa ra thị trường các nhà sản xuất đều thêm hướng dẫn sử dụng vào trong từng sản phẩm.  Nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng viêm âm đạo cũng như là ảnh hưởng đến vùng âm hộ, gây khô hoặc tăng triệu chứng ngứa ở vùng kín. Nên có sự hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng và chọn lựa các sản phẩm dung dịch rửa vệ sinh.

5. Có nên sử dụng nước muối pha loãng để vệ dinh cho vùng kín bị viêm nhiễm âm đạo?

Một số người khác lại dùng nước muối pha rất loãng để vệ sinh vùng kín khi bị viêm âm đạo. Theo BS có nên không và vì sao?

- Nhân chương trình hôm nay, nhờ BS điểm lại một số sai lầm hoặc thói quen chưa đúng mà các chị em thường hay mắc phải trong điều trị viêm âm đạo? Thực tế từ Bệnh viện Hùng Vương có hay gặp những tình huống này không, thưa BS?

BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh trả lời: Theo tâm lý của một vài chị em phụ nữ, thường sẽ dùng nước muối pha loãng để vệ sinh cho vùng kín. Điều này là không nên vì khi tự ý pha nước muối, chúng ta sẽ không kiểm soát được nguồn gốc của muối và liều lượng pha.

Chị em phụ nữ nên vệ sinh vùng kín bằng vòi nước sạch theo chiều từ trên xuống dưới và từ trước ra sau và thấm khô. Riêng về dung dịch rửa, hỗ trợ như thế nào cho vấn đề vệ sinh cũng cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ và cũng không nên tự pha nước muối để rửa để tránh cho tình trạng bệnh lý trở nặng hơn.

Trong quá trình điều trị viêm âm đạo, sai lầm của người bệnh đầu tiên là cách đặt thuốc, hai là không tuân thủ điều trị đúng cách. Ví dụ như sau khi điều trị 1 - 2 viên thấy tình trạng thuyên giảm và ngưng ngay. Ba sử dụng kèm thêm những sản phẩm khác, với mong muốn hết bệnh nhanh hơn, trái lại không hết bệnh còn khiến bệnh trở nặng thêm.

Cuối cùng trong quá trình điều trị, nếu mẹ bầu đang trong tình trạng viêm cấp, nên hạn chế về vấn đề quan hệ tình dục hoặc sử dụng bao cao su khi quan hệ sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn. Nên nghe theo những lời khuyên về việc lựa chọn quần áo hoặc về chế độ ăn hay sinh hoạt như thế nào để giúp cho bệnh lý tiến triển tốt hơn.

6. Phụ nữ mang thai nên phòng ngừa viêm âm đạo như thế nào?

Phòng ngừa viêm âm đạo như thế nào, thưa BS? Khi mang thai người phụ nữ thường nhạy cảm hơn, vì vậy cần làm những gì để phòng tránh tình trạng này?

- Lựa chọn các trang phục, đặc biệt là đồ nhỏ ra sao để bảo vệ sức khỏe, tránh tạo cơ hội cho mầm bệnh tấn công, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Thị Thúy Mai trả lời: Việc phòng ngừa viêm âm đạo khi mang thai rất đơn giản, nên vệ sinh vùng kín đúng cách và không nên thục rửa quá sâu vào trong âm đạo. Chị em nên chọn những loại đồ lót làm từ chất liệu thoáng mát, thấm hút tốt, không nên mặc quá chật. Nhiều chị em mong muốn được mặc đẹp, mặc quần áo bó để tôn lên vẻ đẹp của cơ thể, tuy nhiên việc ăn mặc như vậy sẽ gây nóng, đổ mồ hôi và chính là một trong những nguyên nhân gây viêm nhiễm.

Tránh sử dụng các loại dung dịch vệ sinh hoặc xà phòng có thành phần chứa nhiều chất tẩy rửa, hương liệu sẽ gây kích ứng cho môi trường âm hộ và dễ gây viêm nhiễm. Bên cạnh đó nên tránh ăn nhiều đồ ngọt, điều này sẽ làm thay đổi độ pH của âm đạo, gây mất cân bằng vi khuẩn trong âm đạo và dễ gây nên tình trạng viêm nhiễm hơn.

Khi người phụ nữ bị viêm phụ khoa nên trách việc quan hệ vợ chồng, nếu cần thiết nên sử dụng bao cao su. Kiểm soát tốt các bệnh lý nội khoa, ví dụ như tiểu đường, hô hấp,… và kiểm soát tốt các trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh, steroid hoặc các loại thuốc ức chế miễn dịch.

Ngoài ra, nếu được phát hiện và chẩn đoán điều trị kịp thời viêm âm đạo trong giai đoạn mang thai sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và bé. Vì vậy nếu có biểu hiện ngứa, rát âm đạo hoặc nghi ngờ viêm nhiễm vùng kín, chị em nên đi thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị đúng và kịp thời.

Phần 1: Viêm âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng và hậu quả

Phần 2: Viêm âm đạo có chữa dứt điểm được không?

Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương.

Số thứ 4 của chương trình sẽ tiếp tục lên sóng vào lúc 19h, thứ 4 ngày 3/4/2024 bàn luận về chủ đề nhận được sự quan tâm của đông đảo chị em phụ nữ trong thời gian qua, đó là dự phòng và điều trị bệnh lý sàn chậu sau sanh. Mời bạn đọc/khán thính giả đón xem.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X