Hotline 24/7
08983-08983

Những điểm nổi bật trong điêu trị, tăng thời gian sống còn ung thư vú và tầm soát ung thư gan từ sớm

Đến nay, Y học cổ truyền càng cho thấy vai trò trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý ung thư; Điều trị đích theo dấu ấn sinh học với thuốc nhắm trúng đích chứng minh hiệu quả trên bệnh nhân ung thư vú giai đoạn tiến xa và giai đoạn sớm; Xác định đúng nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư gan (tại Việt Nam là bệnh nhân bị viêm gan mãn tính và viêm gan B) rất quan trọng trong việc điều trị hiệu quả, cải thiện tỷ lệ sống còn… là những điểm nổi bật trong phiên toàn thể của Hội nghị khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 do Đại học Y Dược TPHCM tổ chức.

Y học cổ truyền - hậu phương vững chắc cho y học hiện đại trong điều trị ung thư

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TPHCM; Trưởng ngành Y học Cổ truyền, Khoa Y, Đại học Quốc Gia TPHCM bày tỏ, ngày càng có nhiều nghiên cứu nhìn nhận vai trò của y học cổ truyền trong điều trị ung thư.

Chuyên gia dẫn chứng, trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21 có nhiều bài báo tổng quan hệ thống, phân tích gộp, nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng của Y học chứng cứ lần lượt minh chứng hiệu quả của các bài thuốc cổ phương kinh nghiệm có tác dụng giảm kích thước khối u, chống viêm, giảm đau.

Châm cứu cũng được áp dụng phổ biến trong điều trị hỗ trợ ung thư, với tác dụng giảm đau là chủ yếu. Nghiên cứu cho thấy, châm cứu phối hợp với điều trị thường quy của ung thư làm giảm nhu cầu sử dụng nhóm thuốc giảm đau opioid. Bên cạnh liệu pháp châm cứu, dưỡng sinh có vai trò tích cực trong chăm sóc giảm nhẹ ở hầu hết các giai đoạn bệnh ung thư.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TPHCM

Đặc biệt, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay nhấn mạnh, trong 5 năm gần đây đã có 78 bài báo tổng quan hệ thống, phân tích gộp và 355 nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng ghi nhận hiệu quả của y học cổ truyền (các bài thuốc cổ phương - kinh nghiệm, châm cứu và dưỡng sinh) trong việc giảm tác dụng phụ của các liệu pháp y học hiện đại điều trị ung thư.

Trong đó có thể kể đến như các triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, tăng chất lượng cuộc sống, buồn nôn và nôn, mãn kinh sớm trong ung thư vú. Ngoài ra còn có bốc hỏa, đau khớp, khó nuốt liên quan đến ung thư vòm họng hay phù bạch huyết, cải thiện chức năng tiêu hóa, chứng khô miệng, bệnh lý thần kinh ngoại biên, rối loạn lo âu và trầm cảm...

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay tin rằng, y học truyền thống vẫn luôn hiện diện, gần gũi và ngày càng có nhiều minh chứng hơn trong điều trị hỗ trợ ung thư. Kết hợp Đông - Tây y trong chăm sóc và điều trị bệnh nói chung và ung thư nói riêng được sự quan tâm của toàn thế giới và là xu hướng của thời đại. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc kết hợp thuốc y học cổ truyền với điều trị y học hiện đại có thể nâng cao hiệu quả cũng như giảm tác dụng phụ, đồng thời cải thiện thời gian sống còn và chất lượng cuộc sống.

“Tuy vậy, khi kết hợp Đông - Tây y để điều trị toàn diện, bệnh nhân phải được chẩn đoán bằng y học hiện đại để lựa chọn giải pháp điều trị thích hợp, sau đó sử dụng y học cổ truyền để hỗ trợ tăng cường tác dụng và giảm thiểu tác dụng phụ khi điều trị bằng y học hiện đại” - chuyên gia lưu ý.

Ung thư vú và những tiến bộ làm thay đổi cục diện sống còn toàn bộ cho bệnh nhân

Bàn luận về chủ đề “Cập nhật các điều trị làm thay đổi cục diện sống còn toàn bộ (OS) cho ung thư vú”, GS.BS Karen A Gelmon - Trường Đại học British Columbia và Trung tâm ung thư Vancouver, Canada cho biết, ngày nay, mặc dù ung thư vú để lại gánh nặng lớn đối với y tế, song may mắn là dựa trên các phương tiện tầm soát và sự quan tâm nhiều hơn từ cộng đồng đã có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Đây là cơ hội cho bệnh nhân điều trị tích cực để kéo dài thời gian sống còn toàn bộ.

Chuyên gia nhận định: “Điều trị đích theo dấu ấn sinh học với thuốc nhắm trúng đích đã chứng minh hiệu quả trên bệnh nhân ung thư vú giai đoạn tiến xa và tiếp tục chứng minh hiệu quả ở giai đoạn sớm”. Đồng thời, GS.BS Karen A Gelmon cho biết thêm, trong những năm gần đầy có nhiều tiến bộ và cập nhật mới trong lĩnh vực này. Qua bài báo báo cáo, chuyên gia đã phân tích các nghiên cứu, hướng dẫn quốc tế gần đây nhất để cập nhật các kiến thức làm thay đổi cục diện sống còn toàn bộ (OS) cho ung thư vú từ giai đoạn sớm đến giai đoạn tiến xa di căn.

Trong đó, với ung thư vú giai đoạn sớm, GS.BS Karen A Gelmon đề cập nghiên cứu đối với Olaparib và nghiên cứu KATERINE về T-DM1 trên bệnh nhân UTV giai đoạn sớm HER2 dương tính mang lại kết quả cải thiện OS có ý nghĩa thống kê. Đặc biệt, nghiên cứu KATERINE cho thấy, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 91,4% với T-DM1 và 87,7% với trastuzumab. Tỷ lệ sống sót sau 7 năm lần lượt là 89,1% và 84,4%. T-DM1 mang lại lợi ích OS tuyệt đối là 4,7% sau 7 năm, giảm 34% nguy cơ tử vong có ý nghĩa thống kê.

Trong khi đó, hiệu quả của thuốc ức chế CDK4/6 kết hợp thuốc nội tiết (CDK4/6i +ET), ung thư vú giai đoạn sớm đã được chứng minh thông qua hai nghiên cứu MONARCH-E và NATALEE, tuy nhiên dữ liệu hiện tại của 2 nghiên cứu này chưa cải thiện OS. Điều trị liệu pháp miễn dịch Pembrolizumab trên bệnh nhân TNBC giai đoạn sớm cho đến nay chưa chứng minh được cải thiện OS có ý nghĩa thống kê, bệnh nhân trong nghiên cứu vẫn đang tiếp tục theo dõi.

GS.BS Karen A Gelmon - Trường Đại học British Columbia và Trung tâm ung thư Vancouver, Canada

Đối với ung thư vú giai đoạn tiến xa, di căn GS.BS Karen A Gelmon đề cập đến nhiều nghiên cứu. Trong đó, phối hợp thuốc CDK4/6i và thuốc nội tiết điều trị cho bệnh nhân ung thư vú có HR+ giai đoạn tiến xa di căn đã trở thành điều trị chuẩn.

Mặc dù nhiều thử nghiệm đã cho thấy lợi ích đáng kể khi phối hợp nội tiết với thuốc ức chế CDK4/6 về PFS, nhưng sống còn toàn bộ chỉ được công bố ở 3 nghiên cứu. Đó là MONALEESA-7 (ước tính tỷ lệ sống thêm toàn bộ lúc tại thời điểm 48 tháng là 60% ở nhóm ribociclib và 50,0% ở nhóm giả dược), MONALEESA-3 (tỷ lệ sống còn toàn bộ ước tính lúc 42 tháng là 57,8%  ở nhóm ribociclib và 45,9% ở nhóm giả dược, giảm 28% nguy cơ tử vong) và MONARCH-2.

Trong bài báo cáo, chuyên gia cũng cập nhật các thông tin về liệu pháp PARPi (Olaparib) trên bệnh nhân ung thư vú di căn có đột biến gBRCA; Trastuzumab - deruxtecan (T-DXd) trên bệnh nhân có HER2+; T-DXd trên bệnh nhân ung thư vú di căn có HER2 biểu hiện thấp; IO (pembrolizumab) trên bệnh nhân ung thư vú bộ 3 âm tính (TNBC) di căn hoặc tái phát tại chỗ không thể phẫu thuật được hoặc chưa được điều trị trước đó.

Qua các nghiên cứu được chia sẻ tại hội nghị, GS.BS Karen A Gelmon bày tỏ: “Chúng ta thấy hiện nay đã có rất nhiều tiến bộ trong điều trị nhắm trúng đích ung thư vú từ giai đoạn sớm đến giai đoạn di căn, với các dấu ấn sinh học chuyên biệt đã được chứng minh qua các thử nghiệm lâm sàng pha III. Với những bước tiến mới điều trị tích cưc và các thể hóa trong điều trị ung thư vú này, hi vọng có thể mang lại lợi ích sống còn toàn bộ và chất lượng sống cho bệnh nhân, qua đó giảm gánh nặng lớn đối với y tế và xã hội”.

Xác định người có nguy cơ mắc ung thư gan - chiến lược tiên quyết để điều trị hiệu quả

PGS.TS Đào Y Doãn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyên sâu Bệnh lý gan Trường Y khoa Johns Hopkins (JHU COE) tại Việt Nam mang đến góc nhìn toàn diện về “Chiến lược phòng chống ung thư gan ở Việt Nam: Loại bỏ bệnh viêm gan B và phát hiện sớm ung thư gan”.

Chuyên gia nhận định, ung thư gan là căn bệnh ung thư nguy hiểm nhất, dẫn đầu về tỷ lệ tử vong, chiếm 92% số ca mắc bệnh. Do đó, để kiểm soát ung thư gan cần có cách tiếp cận và chiến lược hợp lý. Đầu tiên, cần đề phòng những nguyên do gây ung thư gan. Thứ hai, phải xác định được những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư gan cao để khuyến cáo tầm soát. Chẩn đoán sớm, chữa trị kịp thời có thể cải thiện tỷ lệ sống còn sau 5 năm.

Bài báo cáo đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến ung thư gan bao gồm: Di truyền; virus bản tính; lối sống không lành mạnh (bệnh béo phì, tiểu đường, thường xuyên uống rượu bia...) và các yếu tố từ môi trường sống.

PGS.TS Đào Y Doãn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyên sâu Bệnh lý gan Trường Y khoa Johns Hopkins (JHU COE) tại Việt Nam

PGS.TS Đào Y Doãn nhấn mạnh: “Tại Nhật Bản, việc xác định chính xác đến 90% đối tượng có nguy cơ mắc ung thư gan đã giúp phát hiện kịp thời và chữa trị hiệu quả căn bệnh này, tăng khả năng sống còn sau 5 năm lên đến 50%. Do đó, xác định đúng đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan là cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát tỷ lệ sống còn của người bệnh. Tại Việt Nam, nhóm đối tượng này là những bệnh nhân bị viêm gan mãn tính và viêm gan B”.

Việt Nam có gánh nặng đáng kể về ung thư gan, tỷ lệ mắc và tử vong liên quan đến ung thư gan vẫn luôn gia tăng trong những năm gần đây. Chuyên gia nêu bật hai đặc điểm của bệnh ung thư gan ở Việt Nam. Một là, 70% trường hợp ung thư gan ở nước ta là do nhiễm virus viêm gan B mãn tính (HBV). Hai là, hầu hết các trường hợp ung thư chỉ được chẩn đoán ở giai đoạn có triệu chứng trở nặng nên kết quả chữa trị chưa tối ưu.

PGS.TS Đào Y Doãn nêu quan điểm: “Chúng ta có thể chủ động mở rộng xét nghiệm viêm gan B, tận dụng hệ thống y tế tuyến đầu tại Việt Nam. Việc can thiệp hiệu quả và tiết kiệm nhất có thể bắt đầu từ nâng cao chuyên môn cho nhân viên y tế, giáo dục ý thức cộng đồng”.

Đồng thời chuyên gia khẳng định, tiêm chủng, chẩn đoán và điều trị HBV là phương pháp hiệu quả nhất về chí phí đề phòng ngừa ung thư gan. Ngoài ra, phương pháp phát hiện sớm ung thư gan bằng sinh thiết lỏng là một chiến lược để cải thiện tỷ lệ sống còn.

Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 với chủ đề “40 năm thành tựu và phát triển khoa học công nghệ” diễn ra vào ngày 30 và 31/3/2024 đã chọn lọc giới thiệu 125 báo cáo tại 17 phiên chuyên đề là các nghiên cứu nổi bật của nhà trường và các đơn vị y tế liên quan, được trình bày bởi các chuyên gia y tế trong và ngoài nước.

Hội nghị để lại nhiều điểm nhấn về báo cáo các nghiên cứu liên ngành, đa mô thức trong chẩn đoán, điều trị, phục hồi và dự phòng các bệnh lây nhiễm và bệnh mãn tính không lây nhiễm.

>>> Cập nhật chẩn đoán - điều trị thoái hóa khớp gối, đái tháo đường và sức khỏe phụ khoa trên người cao tuổi

>>> Thách thức, tiến bộ trong chẩn đoán, xử trí và dự phòng khò khè ở trẻ em

>>> Nếu bệnh nhân phải đi qua nhiều chuyên khoa, coi chừng bệnh tự miễn

>>> Những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị sớm bệnh Alzheimer và hội chứng vành cấp trên người cao tuổi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X