Hotline 24/7
08983-08983

Cập nhật chẩn đoán - điều trị thoái hóa khớp gối, đái tháo đường và sức khỏe phụ khoa trên người cao tuổi

Tại phiên 2 của Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 do trường đại học Y Dược TPHCM tổ chức, các chuyên gia đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý ở người cao tuổi.

8 lưu ý để phụ nữ có hành trình “lão hóa khỏe mạnh”

Tập trung vào nội dung “Các vấn đề sức khỏe ở người cao tuổi - góc nhìn phụ khoa”, TS.BS Bùi Chí Thương - Giảng viên Bộ Môn Phụ Sản, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM - Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia định cho biết: “Tuổi thọ ngày càng tăng, đặc biệt phụ nữ cao hơn nam giới nên vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đặt ra nhiều thách thức. Việt Nam là một đất nước đang phát triển và tuổi thọ của người dân không ngừng được cải thiện”.

Khoảng 100 năm nay, tuổi mãn kinh của người phụ nữ trong khoảng 50 tuổi. Các bác sĩ phụ khoa có thể phải đối diện với viễn cảnh ngày càng gặp nhiều hơn những bệnh nhân lớn tuổi khi tuổi thọ ngày càng tăng lên. Quản lý những bệnh lý phụ khoa ở người cao tuổi cần chú ý và nhanh nhạy đến các vấn đề đặc biệt ở nhóm tuổi này.

Mãn kinh là một trong những sự kiện quan trọng nhất của đời sống người phụ nữ, là một ranh giới chuyển từ giai đoạn sinh sản sang giai đoạn không còn nội tiết sinh sản. Mãn kinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và là một nguyên nhân gây thay đổi sinh lý, dẫn đến tác động vĩnh viễn đời sống nội tiết của người phụ nữ.

“Sau mãn kinh, có rất nhiều hệ lụy do liên quan đến estrogen. Vì vậy, sàng lọc, chẩn đoán, điều chỉnh lối sống và can thiệp thích hợp có thể ngăn ngừa bệnh lý mạn tính và tử vong trong những năm sau mãn kinh” - TS.BS Bùi Chí Thương chia sẻ thêm.

TS.BS Bùi Chí Thương - Giảng viên Bộ Môn Phụ Sản, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM - Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia định

Để người phụ nữ có được hành trình “lão hóa khỏe mạnh” đầu tiên cần sàng lọc loãng xương. Vì người phụ nữ sau mãn kinh, vai trò của estrogengiảm sút nên tình trạng mất tỷ trọng xương, mật độ xương nhiều hơn, dẫn đến tình trạng loãng xương cao hơn. Để giảm tình tình trạng loãng xương, gãy xương phụ nữ nên tập thể dục; bổ sung nội tiết, đặc biệt là estrogen theo chỉ định của bác sĩ phụ khoa; bổ sung canxi và vitamin D.

Hai là sàng lọc bệnh tim mạch, đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở nam lẫn nữ, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh vì trước mãn kinh estrogen bảo vệ thành mạch tốt hơn. Để có trái tim khỏe mạnh nên hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn thức ăn nhanh. Thay vào đó là ăn rau của quả, tập thể dục.

Ba là sàng lọc ung thư. Đến thời điểm này, tại Việt Nam, ung thư vú là ung thư hàng đầu ở phụ nữ và tỷ lệ ngày càng trẻ hóa. Hiện tại, phương tiện được khuyến cáo duy nhất và có giá trị để tầm soát ung thư vú là chụp nhũ ảnh. Tại Việt nam, khuyến cáo sau 50 tuổi nên chụp nhũ ảnh, để tầm soát nguy cơ ung thư vú.

Bên cạnh đó, cần sàng lọc, tầm soát ung thư cổ tử cung. Ở những bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên, ung thư cổ tử cung có tỷ lệ tử vong dao động từ 40 - 50%. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy sàng lọc thường xuyên giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung ở mức 80% và phát hiện sớm thông qua xét nghiệm Papanicolaou (Pap) định kỳ. Kết hợp với tiêm vắc xin HPV, hy vọng trong tương lai loại trừ được ung thư cổ tử cung.

Nếu phụ nữ mãn kinh gặp tình trạng xuất huyết tử cung bất thường kéo dài liên tục sẽ phải sinh thiết để loại trừ ung thư nội mạc tử cung. Ngoài ra, cũng nên tầm soát ung thư đại trực tràng cho người cao tuổi vì gen gần với nhau nên có liên quan đến các bệnh như tuyến vú, tử cung,…

Bốn là bệnh lây truyền qua tình dục. Ham muốn tình dục của phụ nữ giảm dần theo thời gian, phần lớn phụ nữ lớn tuổi đánh giá tình dục có tầm quan trọng trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, các bác sĩ chăm sóc cho phụ nữ lớn tuổi hiếm khi giải quyết các vấn đề liên quan đến tình dục.

Các rào cản đối với việc ngăn ngừa rủi ro của bệnh lây truyền đường tình dục ở tuổi trung niên bao gồm: kiến thức thấp về bệnh lây truyền đường tình dục; ưu tiên sự thân mật cao hơn rủi ro mắc bệnh; sự kỳ thị các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở người cao tuổi; giảm động lực quan hệ tình dục an toàn vì loại bỏ nguy cơ mang thai do đã mãn kinh.

Năm là kiểm soát hội chứng tiết niệu sinh dục. Sau mãn kinh thiếu estrogen, dẫn đến mạch máu nuôi giảm và hàm lượng collagen cũng giảm xuống, mà mô liên kết tăng dẫn đến khô âm đạo. Một số liệu pháp điều trị bao gồm: chất bôi trơn và dưỡng âm đạo, estrogen đặt âm đạo và dehydroepiandrosterone (DHEA), liệu pháp nội tiết toàn thân và antagonist ospemifene.

Sáu là tiểu không tự chủ và nhiễm trùng tiết niệu. Thiếu hụt estrogen sau mãn kinh dẫn đến tiểu khó, tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu không tự chủ (UI) và nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Tỷ lệ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu từ 15 - 20% ở phụ nữ từ 5 - 70 tuổi và 20 - 50% ở phụ nữ trên 80 tuổi có nhiễm khuẩn niệu. Những thay đổi về giải phẫu như sa bàng quang, tăng thể tích nước tiểu tồn lưu và bệnh tiểu đường là những yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tiểu tái phát ở phụ nữ lớn tuổi.

Phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc như liệu pháp estrogen và/hoặc không dùng thuốc như liệu pháp laser, chất dưỡng ẩm và chất bôi trơn, thay đổi lối sống,… Việc điều trị rất quan trọng vì không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn ngăn ngừa các triệu chứng trầm trọng hơn của bệnh.

Trình tự điều trị là bảo tồn trước khi điều trị xâm lấn. Các liệu pháp điều trị bao gồm thay đổi hành vi, vật lý trị liệu, cai thuốc lá và kiêng caffeine vì hút thuốc có liên quan đến sự gia tăng chuyển hóa estrogen dẫn đến teo âm đạo.

Bảy là sa sàn chậu/sa tạng chậu. Phương pháp điều trị bao gồm: điều trị bảo tồn như thay đổi lối sống và tập luyện cơ sàn chậu thường được sử dụng trong các trường hợp sa nhẹ đến trung bình; Can thiệp phẫu thuật là lựa chọn điều trị dứt điểm cho bệnh nhân có triệu chứng sa sàn chậu hoặc tiểu không tự chủ do stress.

Tám là triệu chứng rối loạn vận mạch, nếu thời gian dài không điều trị có thể dẫn đến sa sút trí tuệ. Điều trị tình trạng này bằng cách sử dụng thuốc nội tiết là tốt nhất, có thể giảm 80 - 90% triệu chứng. Nên điều trị trong vòng 5 - 10 năm sau mãn kinh (giới hạn đến 60 tuổi).

TS.BS Bùi Chí Thương đặc biệt nhấn mạnh:“Bác sĩ sản phụ khoa có thể có tác động đáng kể đến sức khỏe của bệnh nhân nữ lớn tuổi. Ngày nay, phần lớn phụ nữ trải qua 1/3 cuộc đời sau mãn kinh. Vì vậy các bác sĩ sản phụ khoa có rất nhiều cơ hội để chăm sóc y tế cho phụ nữ sau mãn kinh”.

Quan trọng nhất trong điều trị thoái hóa khớp là điều trị không dùng thuốc

Bài báo cáo “Cập nhật chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi” của PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc - Bộ môn Lão khoa, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã thu hút sự chú ý của đông đảo người tham dự.

Thoái hóa khớp gối rất thường gặp, từ 60 tuổi trở lên trong 2 người có ít nhất 1 người bị thoái hóa khớp. Bệnh được chia thành 2 nhóm chính: Thứ nhất, thoái hóa khớp gối nguyên phát là quá trình lão hóa các hệ cơ quan như hệ cơ xương khớp, thành phần liên quan đến bao khớp, dây chằng, gân, cơ, sụn khớp; Thứ hai là thoái hóa khớp gối thứ phát, do tình trạng bệnh lý như chơi thể thao bị chấn thương, gout, viêm khớp dạng thấp mà khớp bị viêm lặp đi lặp lại và cuối cùng phá hủy các thành phần của khớp.

Thoái hóa khớp gối thứ phát thường gặp ở người trẻ tuổi và thoái hóa khớp gối nguyên phát gặp nhiều ở người lớn tuổi. Hai nhóm bệnh này về mặt điều trị sẽ giống nhau, tuy nhiên thoái hóa khớp gối thứ phát phải tìm nguyên nhân để điều trị đồng thời các yếu tố đó để làm chậm diễn tiến của bệnh.

Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối bắt buộc phải có đau khớp khi vận động mới xem xét đến nguyên nhân và tiến hành điều trị cho người bệnh. Mặc dù có kết quả X-quang bị gai khớp gối nhưng nếu bệnh nhân không đau, vẫn đi lại bình thường, không bị giới hạn trong sinh hoạt, trong cuộc sống thì không phải thoái hóa khớp gối.

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc - Bộ môn Lão khoa, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trình bày bài báo cáo “Cập nhật chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi”

Glucocorticoid tiêm nội khớp trong điều trị thoái hóa khớp gối có hiệu quả ngắn hạn tuy nhiên giá trị nghiên cứu không cao. Điều trị dài hạn không chứng minh hiệu quả giảm đau và cải thiện chức năng. Thậm chí còn gia tăng nguy cơ phá hủy sụn khớp.

Hyaluronic Acid (HA) là chất cao phân tử cung cấp khả năng đàn hồi và bôi trơn trong dịch khớp. Đã được chứng minh làm giảm triệu chứng đau, cứng khớp, cải thiện chức năng vận động và đảm bảo tính an khi sử dụng. Có hiệu quả điều trị kéo dài.

Hiệu quả của tiêm nội khớp huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị thoái hóa khớp gối còn ít dữ liệu chứng minh hiệu quả. Hiệu quả trên giảm đau /hoạt động chức năng tốt hơn Placebo, Hyaluronic Acid, Glucocorticoid. Bên cạnh đó, có nhiều lợi ích hơn khi sử dụng ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối giai đoạn sớm, tương đối an toàn và ít tác dụng bất lợi. Tuy nhiên, chưa có sự thống nhất trong quá trình chuẩn bị và thực hiện (thời gian quay ly tâm, tốc độ quay) dẫn đến khác biệt về nồng độ tiểu cầu và bạch cầu trong chế phẩm sau cùng.

Liệu pháp tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp gối không được ủng hộ vì những nghiên cứu thực nghiệm cho thấy hiệu quả không nhiều.

Quan trọng nhất trong điều trị thoái hóa khớp là điều trị không dùng thuốc. Việc bệnh nhân tập luyện cho hiệu quả tương tự như dùng thuốc nhưng không tốn tiền, đơn giản, không tác dụng phụ.

Thoái hóa khớp gối là bệnh phổ biến gây đau và giảm khả năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống. Các hướng dẫn quốc tế còn nhiều điểm chưa thống nhất trong các lựa chọn điều trị. Nên cá thể hóa và “shared decision making” tùy vào tình hình sẵn có tại Việt Nam, chi phí điều trị, mức độ bệnh, bệnh nền đi kèm,… để đưa ra quyết định điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Đái tháo đường ở người cao tuổi chiếm hơn 50% bệnh nhân đái tháo đường

Kết thúc phiên 2 là bài báo cáo “Cập nhật chẩn đoán và điều trị đái tháo đường ở người cao tuổi” của TS.BS Trần Viết Thắng - Bộ môn Nội tiết, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM - Phó Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Chuyên gia thông tin: “Đái tháo đường ở người cao tuổi (> 65 tuổi) rất thường gặp, chiếm hơn 50% bệnh nhân đái tháo đường. Đái tháo đường ở người cao tuổi có bệnh sinh đa dạng liên quan đến các mức độ khác nhau của đề kháng insulin, tích tụ mỡ quá mức, rối loạn chức năng tế bào beta và giảm khối cơ”.

 TS.BS Trần Viết Thắng - Bộ môn Nội tiết, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM - Phó Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã chia sẻ những thông tin hữu ích về “Cập nhật chẩn đoán và điều trị đái tháo đường ở người cao tuổi”

Ngoài ra bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi còn tăng nguy cơ bị các hội chứng lão hóa như là suy yếu, suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ, tiểu không tự chủ, dễ té ngã gây chấn thương, tàn tật và tác dụng phụ khi dùng nhiều thuốc. Những hội chứng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể là trở ngại của điều trị đái tháo đường.

Do những đặc điểm này, quản lý bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi đối diện với nhiều thách thức. Mục tiêu đường huyết và lựa chọn thuốc điều trị thích hợp cần phải cá nhân hóa dựa trên đặc điểm của người bệnh, với ưu tiên những thuốc ít có nguy cơ hạ đường huyết. Đối với bệnh nhân cao tuổi có bằng chứng về mạch xơ vữa, bệnh lý tim mạch,… những thuốc bảo vệ tim mạch cần được cân nhắc để làm giảm biến cố tim mạch cho người bệnh.

Chủ tọa và báo cáo viên của phiên 2 của Hội nghị Khoa học Kỹ thuật lần thứ 40 chụp ảnh lưu niệm

>>> Những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị sớm bệnh Alzheimer và hội chứng vành cấp trên người cao tuổi

>>> Thách thức, tiến bộ trong chẩn đoán, xử trí và dự phòng khò khè ở trẻ em

>>> Nếu bệnh nhân phải đi qua nhiều chuyên khoa, coi chừng bệnh tự miễn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X